Trang chủ    Thực tiễn    Thiết chế văn hóa tư nhân và vấn đề đặt ra trong công tác quản lý
Thứ hai, 14 Tháng 11 2022 18:01
2638 Lượt xem

Thiết chế văn hóa tư nhân và vấn đề đặt ra trong công tác quản lý

(LLCT) - Thiết chế văn hóa (TCVH) tư nhân là loại thiết chế văn hóa được đầu tư bằng nguồn vốn của tư nhân theo chủ trương xã hội hóa văn hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việc quản lý hoạt động của các thiết chế văn hóa tư nhân bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần được bổ sung, từ thể chế cho đến việc giám sát về tính tự quản, tự chịu trách nhiệm.

Một trích đoạn trong vở diễn "Tấm Cám" của sân khấu Lệ Ngọc - vở diễn đã giành giải Hoa Dâm Bụt tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc và Asean năm 2019 - Ảnh: cand.com.vn

1.  Hoạt động của thiết chế văn hóa tư nhân ở nước ta hiện nay

Đặc trưng nổi bật của TCVH tư nhân là có số lượng và mức đầu tư rất khác nhau, tuỳ thuộc vào khả năng và mong muốn của chủ đầu tư. Bên cạnh đặc trưng chung của từng loại thể thiết chế văn hóa, TCVH tư nhân có các đặc điểm riêng theo ý của chủ đầu tư nhằm thực hiện chức năng phục vụ hoặc kết hợp phục vụ với dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa. 

Về cơ bản, TCVH tư nhân ở nước ta hiện nay cơ bản bao gồm các loại thiết chế biểu diễn, trình chiếu như nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim; bảo tàng và thư viện. Hoạt động của các TCVH này khá phong phú và có những đóng góp đáng kể cho xã hội.

Nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim tư nhân

Hiện nay ở nước ta, hệ thống thiết chế nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim tư nhân chủ yếu có ở các thành phố lớn hoặc trung tâm một số tỉnh. Tiêu biểu có thể kể tới Nhà hát Bến Xuân ở Huế, Sân khấu Lệ Ngọc ở Hà Nội và một loạt rạp chiếu phim tư nhân trong nước có liên doanh với nước ngoài "Cineplex" tạo thành cụm tổ hợp rạp chiếu phim liên hoàn của các đơn vị như BHD, Galaxy, Platinum hoặc rạp phim của các công ty liên doanh nước ngoài: CGV, Lotte Cinema (Hàn Quốc) tại các tỉnh thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Bình, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Gia Lai, Lào Cai…

Nhà hát Bến Xuân tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là một TCVH tư nhân kết hợp kinh doanh nhà hàng, xây dựng phỏng theo lối kiến trúc cung đình Huế với tổ hợp trang thiết bị nghệ thuật cao. Chủ đầu tư Nhà hát Bến Xuân là nghệ sỹ am hiểu chuyên môn nghệ thuật và kiến trúc nên đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ và tổ chức được các hoạt động nghệ thuật hấp dẫn, như biểu diễn các ca khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử, ca khúc Cung Tiến trong không gian phòng hòa nhạc cổ điển; biểu diễn ca Huế, múa rối nước trên các sân khấu ở những khoảng không gian rộng… Hiện nay, Bến Xuân là một địa chỉ giao lưu và quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam bằng việc mở cửa đón khách tham quan, chủ yếu là khách nước ngoài, thông qua những bữa ăn và đêm nhạc(1)

Sân khấu Lệ Ngọc là sân khấu tư nhân mới được thành lập nhưng đã tạo được hoạt động sôi nổi trong bối cảnh trầm lắng của sân khấu tại Hà Nội những năm gần đây. Với sự quy tụ của nhiều nghệ sĩ tài hoa (ở cả phía Bắc và phía Nam, trong đó có nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhà viết kịch Lê Chí Trung), sân khấu Lệ Ngọc đã tạo ra được kỳ tích lịch diễn với vở mở màn “Chí Phèo - Thị Nở” vào năm 2018.

Năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, được xem là thời gian thăng hoa, được đánh giá là hiện tượng đáng tự hào cho giới sân khấu của sân khấu Lệ Ngọc với các vở diễn “Tấm Cám” và “Truyền thuyết gò Rồng Ấp”. Cả hai vở diễn này đã tham gia Liên hoan sân khấu Trung Quốc và Asean và cùng giành giải thưởng “Hoa dâm bụt” (tương đương Huy chương Vàng của Việt Nam).

Ở trong nước, vở diễn “Tấm Cám” được đánh giá là đã tạo nên “cơn sốt” của mùa Hè 2019 với gần một trăm suất diễn trong hai tháng tại hầu khắp các sân khấu của Hà Nội, từ Nhà hát lớn, rạp Đại Nam đến rạp Hồng Hà, Nhà hát Âu Cơ…, nhiều ngày diễn liên tục ba suất. Vở diễn “Tấm Cám” không chỉ có sức hút ở Hà Nội mà còn cả ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

Năm 2020, sân khấu Lệ Ngọc đã dựng 6 kịch bản, trong đó có một kịch bản dành cho thiếu nhi; tham gia hội diễn của ngành Công an, Lệ Ngọc là đơn vị sân khấu tư nhân duy nhất có vở diễn chuyển tải đề tài thời sự nóng bỏng về dịch Covid -19. Sân khấu Lệ Ngọc cũng là đơn vị tư nhân tiêu biểu tranh tài cùng những đơn vị công lập tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021(2).

Hệ thống rạp chiếu phim tư nhân được hình thành ở Việt Nam từ sau khi có Luật Điện ảnh (2006) với số lượng khá nhiều. Các rạp chiếu phim tư nhân ở Việt Nam như BHD, Galaxy, Platinum; CGV, Lotte Cinema (Hàn Quốc)… được đầu tư quy mô lớn theo mô hình cụm rạp với nhiều phòng chiếu, thiết bị chiếu phim kỹ thuật số hiện đại với công nghệ chiếu phim 4DX. Hệ thống âm thanh kỹ thuật số 7.1 có tính năng tạo nên cảm giác sống động, chân thực, nhằm nâng cao hiệu ứng tối đa cho khán giả khi xem các phim hành động, phiêu lưu mạo hiểm.

Ngoài ra, một số cụm rạp còn có phòng chiếu được trang bị màn hình bạc nhằm tối ưu hóa độ sáng, độ sắc nét và tính sống động cho các bộ phim.

Đa số các rạp phim tư nhân đều thuê hoặc đầu tư địa điểm chiếu phim tại các tòa nhà cao tầng, có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất. Bên ngoài tạo không gian sinh hoạt chung khá rộng rãi trước tiền sảnh, hành lang hay các khu vực ngồi chờ tới lượt xem; thiết kế trang trí, ấn tượng, hiện đại, đa phong cách, đa dịch vụ. Không gian bên trong các khán phòng xem phim tại các cụm rạp này cũng được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống ghế ngồi hiện đại, có thể tự điều chỉnh, có cả loại rạp chiếu phim giường nằm như CGV L’amour. 

Bên cạnh đó còn có các rạp chiếu phim tư nhân quy mô nhỏ hơn là hệ thống phòng chiếu phim cà phê, phòng chiếu phim gia đình… 

Năm 2016, theo số liệu của Cục Điện ảnh, cả nước có tổng số 138 rạp hoạt động, trong đó có 58 rạp do Nhà nước quản lý, 34 rạp của các công ty tư nhân Việt Nam, còn lại 46 rạp thuộc công ty liên doanh nước ngoài. Công ty liên doanh nước ngoài tại Việt Nam chỉ có CGV và Lotte Cinema đều của Hàn Quốc nhưng lại chiếm đến 80% thị phần(3)

Hoạt động của các rạp tư nhân này theo cơ chế dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động điện ảnh tư nhân, nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu và chuyển hóa linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhất là giới trẻ. Về tỷ lệ doanh thu, hệ thống cụm rạp tại thành phố Hồ chí Minh chiếm gần 45%(4) và trường hợp của phim Bố già có doanh thu 400 tỷ đồng, tạo nên sự khuynh đảo phòng vé.

Có thể nói, hệ thống rạp chiếu phim tư nhân đã mang lại nhiều tiện ích vượt trội cho công chúng giải trí, khẳng định giá trị tích cực của các TCVH tư nhân trong tổ chức hoạt động văn hóa công cộng.

Bảo tàng tư nhân

Bảo tàng tư nhân là bảo tàng thuộc sở hữu cá nhân hoặc liên kết giữa các cá nhân, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Việt Nam có khoảng hơn 20 bảo tàng tư nhân, rất đa dạng về loại hình và cơ chế hoạt động, có thể kể tới các bảo tàng tư nhân tiêu biểu như:

Bảo tàng tư nhân Không gian văn hóa Mường (tại thành phố Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình) bài trí những hiện vật, đồ dùng gần gũi, không cầu kỳ, tái hiện được những nét đặc trưng văn hóa Mường, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Bảo tàng tư nhân Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lưu giữ hơn 4.000 hiện vật, kỷ vật vô giá của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tại các nhà tù trong cả nước, thời chiến tranh. 

Bảo tàng tư nhân Phan Thị Ngọc Mỹ (ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được coi là bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên và lớn nhất của cả nước, trưng bày hơn 500 đồ gia dụng bằng sành, sứ, gốm, trên 700 tác phẩm hội họa và gần 1.000 bức thư pháp có niên đại từ vài trăm đến hàng nghìn năm tuổi. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày nhiều cổ vật từ các thời kỳ trước, các loại tem thư, tiền cổ; các bộ sưu tập tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi trong nền mỹ thuật Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái…(5)

Bảo tàng tư nhân Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng là một trong số những bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh về áo dài Việt Nam, Bảo tàng có một không gian thuần Việt bởi những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống và màu sắc thiền - tịnh, đậm dấu ấn sông nước miền Tây Nam Bộ. Năm 2019, bảo tàng này đã thu hút lượng khách tham quan lên đến 10.000 người. 

Bảo tàng tư nhân Sâm Ngọc Linh của nhà đầu tư Nguyễn Tấn Việt (tại 374 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) rất độc đáo bởi gần 400 hiện vật sâm Ngọc Linh được trang trí đẹp mắt trong các bình thủy tinh rượu. 

Bảo tàng tư nhân Gốm cổ Sông Hương (tại 120 Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế), cũng là nhà thờ tộc của giáo sư Thái Kim Lan, có khoảng 5.000 hiện vật gốm cổ, có niên đại từ thời tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt… Phần lớn hiện vật ở đây được trục vớt từ sông Hương do giáo sư Thái Kim Lan và anh trai mình là cố hoạ sĩ Thái Nguyên Bá sưu tầm trong suốt hơn 30 năm với tham vọng biến nơi này trở thành không gian văn hóa về sông Hương. 

Bảo tàng tư nhân Đồng Đình (tại đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng được Thành phố cấp phép xây dựng trên diện tích gần 10.000m2, có nhiều hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 -2.500, năm thuộc các nền văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh, Chămpa, Trung Hoa và các nền văn hóa khác trong khu vực(6)

Bảo tàng tư nhân “Cội nguồn” (tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) với thiết kế 5 tầng, mỗi tầng trưng bày một sản vật, hiện vật, tư liệu, đời sống, thiên nhiên của Phú Quốc. Trong đó đáng kể nhất có bộ sưu tập gốm, đá, sứ, đồng, gỗ hóa thạch là những cổ vật hiếm được tuyển từ 9 bộ sưu tập cá nhân mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam qua các thời đại. 

Bảo tàng Mỹ thuật Sỹ Tốt và gia đình (ở làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) đa dạng về đề tài, chất liệu như màu dầu, màu bột, thuốc nước, mực nho, than, chì…nhưng nhất quán bút pháp tả thực sinh động, độc đáo.

Bảo tàng tư nhân Nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội) là điểm đến hấp dẫn bởi các nội dung giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh - tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá, về hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam mang tên Khánh Ký được mở năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội; nhiều hiện vật trưng bày về các hiệu ảnh xưa và các hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá từ năm 1892 đến năm 1975...

Nhìn chung, có nhiều bảo tàng tư nhân trải khắp đất nước với nhiều mức độ quy mô. Các bảo tàng tư nhân lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, góp phần chống chảy máu cổ vật, di vật ra ngoài nước. Sự đam mê của các nhà sưu tập và những nỗ lực của các bảo tàng tư nhân là rất đáng trân trọng. Các bảo tàng hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, có thể có thu phí nhưng không nhiều. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ các nguồn thu khác của chủ đầu tư hoặc từ các nguồn trao tặng của khách tham quan hoặc các tổ chức có sự hợp tác, tài trợ.

Thư viện tư nhân

Hiện trên cả nước có hơn 100 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, trong đó có những thư viện lớn, hiện đại và nhiều thư viện tư nhân quy mô nhỏ do các cá nhân, gia đình, dòng họ đầu tư. Các thư viện tư nhân không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn là nơi tổ chức hoạt động chia sẻ thông tin, trang bị tri thức, kỹ năng, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân...(7).

Có thể kể tới Thư viện Nguyễn Văn Hưởng - một thư viện tư nhân nổi tiếng (tại tầng 2, tòa nhà Almaz Market, khu đô thị Vinhomes Riveside, quận Long Biên, Hà Nội), với hơn 10.000 bản sách, chuyên san, ấn phẩm các loại (chủ yếu bằng tiếng Anh) được lưu trữ và số hóa, trong đó có nhiều tài liệu của các tác giả là chính trị gia, nhà sử học, các quan chức chính phủ, các tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ, các tài liệu của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, tài liệu của các trung tâm, viện nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á tại các trường đại học nổi tiếng của các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga; tư liệu dưới dạng bản đồ, tranh cổ động và tem về Việt Nam với hơn 2.500 bản đồ và tài liệu địa chí Việt Nam và Đông Nam Á; các tư liệu dưới dạng video gồm gần 1000 phim ảnh tư liệu về chiến tranh Việt Nam của các cơ quan truyền thông và cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các phim truyện quốc tế về chiến tranh Việt Nam; các CD-ROM ghi các bài hát quốc tế, các ca khúc phản đối chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam của các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng thế giới; các hiện vật, kỷ vật cá nhân của bộ đội Việt Nam do cựu chiến binh Mỹ thu thập và được chuyển lại(8)… tất cả được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản và phục vụ chuyên nghiệp. 

Thư viện tư nhân Dương Liễu (ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) có gần 4.000 đầu sách, mở cửa 10 tiếng/tuần, thu hút gần 1.800 bạn đọc đăng ký làm thẻ thành viên. Không chỉ đơn thuần phục vụ bạn đọc sách, báo, thư viện Dương Liễu còn tổ chức hơn 50 hoạt động sự kiện có ý nghĩa như quyên góp sách giáo khoa, quần, áo tặng các em nhỏ vùng cao, làm bánh chưng ngày Tết, thăm hỏi và tặng các gia đình, người già có hoàn cảnh khó khăn… Thư viện này được Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một mô hình thư viện tư nhân hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.

Tủ sách của dòng họ Hà Duyên (tại xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có 2.700 đầu sách, gồm 8.000 cuốn. Kể từ khi thành lập tủ sách, các cháu nhỏ miền quê nghèo xã Xuân Lai có chỗ vui chơi, học tập sau giờ tan học; người dân có nơi để đọc sách trong khoảng thời gian nhàn rỗi, các cụ già có không gian hàn huyên, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích. Thư viện đã có trên 500 bạn đọc ở mọi lứa tuổi được cấp thẻ thường xuyên.

Thư viện tư nhân Vân Tùng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) từ chỗ có khoảng 200 cuốn phục vụ nhu cầu gia đình cô giáo Ngô Thị Hồng Vân, qua 25 năm đã có hơn 4.000 đầu sách báo, phục vụ hàng chục nghìn lượt bạn đọc. 

Được sinh ra từ sự đam mê, tâm huyết của các chủ đầu tư tư nhân, hệ thống thư viện tư nhân ở Việt Nam phần lớn thực sự là những điểm đến văn hóa, làm phong phú đời sống văn hóa, nâng cao trình độ cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc xây dưng, phát triển văn hóa và con người trong hành trình đổi mới. 

Nhìn chung, trong bối cảnh có tới 44/63 tỉnh thành không có nhà hát, rạp chiếu phim; các nhà hát, rạp chiếu phim khu vực công hiện có tại các tỉnh thành cũng xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu; nhiều bảo tàng, thư viện nhà nước hoạt động cầm chừng, ít hiệu quả thì hoạt động của các thiết chế tư nhân qua một số thiết chế tiêu biểu nêu trên cho thấy ý nghĩa thiết thực và vai trò của các TCVH tư nhân trong đời sống cộng đồng nước ta hiện nay.

2. Một số vấn đề đặt ra trong quản lý thiết chế văn hóa tư nhân 

Cũng như hệ thống các TCVH khác, TCVH tư nhân đều phải tuân thủ sự quản lý nhà nước về văn hóa. Mục tiêu của quản lý nhà nước đối với hoạt động của các TCVH tư nhân là nhằm làm cho hoạt động của các thiết chế này thiết thực, hiệu quả và diễn ra đúng luật pháp. 

Nhà nước quản lý hoạt động của TCVH tư nhân bằng sự điều tiết, thông qua các phương pháp quản lý văn hóa đặc thù; khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức có điều kiện đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa một cách hợp pháp, vì lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, cá nhân trên cơ sở lợi ích cộng đồng; nhấn mạnh trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư, người đứng đầu các thiết chế văn hóa tư nhân.

Sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của TCVH tư nhân mang tính quyền lực nhà nước, có tính hệ thống, pháp lý theo các quy định chung cho từng loại hình thiết chế; bên cạnh đó cũng có thể có các quy định tạo sự phù hợp với đặc thù doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư tư nhân. Từ thực tiễn quản lý thiết chế văn hóa tư nhân có thể thấy như sau:

Đối với nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim tư nhân

Về cơ sở pháp lý, một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có liên quan tới nhà hát, sân khấu và rạp chiếu phim, dịch vụ văn hóa cả công lập và tư nhân: Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa cộng đồng; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng bá, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn… Theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật có quyền tổ chức biểu diễn nghệ thuật; khai thác, sử dụng địa điểm tổ chức biểu diễn; tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh, điều kiện an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, môi trường và các quy định khác của pháp luật liên quan; thụ hưởng các lợi ích hợp pháp từ việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật và được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật; dừng hoặc thay đổi thời gian, quy mô hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không lợi dụng hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Về quản lý nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu, Nhà nước phân cấp, trao quyền chủ động cho các đơn vị nghệ thuật. Các nhà hát được chủ động tìm tòi, lựa chọn nội dung kịch bản văn học hay, phù hợp với thế mạnh của đơn vị mình, tự chủ động dàn dựng. Khi dàn dựng hoàn chỉnh thành tác phẩm, trình Hội đồng nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn) duyệt về nội dung và cấp phép biểu diễn.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, tiêu cực, những chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các nhà hát, sân khấu kém chất lượng hoặc vi phạm Quy chế tổ chức biểu diễn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, hay những sản phẩm văn hóa phản động từ nước ngoài tràn vào nhằm bôi nhọ, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta.

Luật Điện ảnh hiện hành(9) quy định chính sách Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và phát hành tác phẩm điện ảnhtheo quy định của pháp luật; bảo đảm để các cơ sở điện ảnh được bình đẳng trong hoạt động, được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh nói chung trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh và rạp chiếu phim. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh và rạp chiếu phim tại địa phương.

Về phát hành phim, cho phép trao đổi phim, hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát hành phim. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp phát hành phim phải tổ chức thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký; Quản lý tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất, kỹ thuật của doanh nghiệp phát hành phim; Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. 

Trong phổ biến phim, thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký; Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của rạp chiếu phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cơ sở chiếu phim có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký; Quản lý tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở chiếu phim; Tổ chức chiếu phim có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh; Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho khán giả. 

Trên cơ sở kế thừa các quy định nêu trên, Luật Điện ảnh bổ sung ban hành năm 2022, sẽ có hiệu lực từ 01-01-2023, cũng xác định việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh hướng tới mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Trên cơ sở bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh, luật Luật Điện ảnh 2022 quy định việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về đầu tưvà đưa ra điều kiện về mức đóng góp không vượt quá 51 % vốn điều lệcủa nhà đầu tưhaycác tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài(10).

Việc quản lý đối với các cơ sở biểu diễn nghệ thuật phát hành phim chưa có nhiều nội dung cụ thể dành riêng cho TCVH tư nhân, dù đã có quy định về quyền và trách nhiệm của các cá nhân chủ đầu tư. Có thể nói, từ khi có chính sách xã hội hóa điện ảnh, sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân trong công tác phát hành phim đã xóa bỏ thế độc quyền phát hành phim của hai đơn vị nhà nước là Fafilm Việt Nam và Fafilm Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, số lượng các nhà phát hành phim là khá nhiều, nhưng những doanh nghiệp hoạt động thật sự hiệu quả trong lĩnh vực này còn rất ít; nổi bật nhất vẫn là MegaStar, Galaxy, BHD và mới đây có thêm Lotte Cinema. Đây là bốn đơn vị có hệ thống rạp chiếu phim hiện đại và thường xuyên nhập khẩu những phim nước ngoài nổi tiếng hoặc các phim đang ăn khách do có khả năng tài chính mạnh.

Tại các rạp chiếu phim, bên cạnh dịch vụ chính là chiếu phim còn có khá nhiều dịch vụ khác đi kèm như phục vụ ăn uống, trò chơi, bán quà tặng… đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Có thể nói, dịch vụ điện ảnh tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay là do chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa và hệ thống hành lang pháp lý về kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Hoạt động quản lý, thanh tra hoạt động giải trí công cộng diễn ra thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật đã khiến các dịch vụ giải trí công cộng tại các rạp chiếu phim tư nhân hoạt động có chất lượng và hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như sự thiếu kiểm soát một cách hiệu quả trong khâu giá vé bán, dẫn đến tình trạng có những thời điểm giá tăng vọt, đột biến và biến động thường xuyên trên thị trường. Một số cụm rạp chiếu phim có những dịch vụ kinh doanh ngoài hạng mục đăng ký và không đúng với chức năng chính của rạp chiếu phim, có nhiều xu hướng nở rộ. Hoạt động kiểm tra, giám sát còn chưa triệt để trong xử lý các vi phạm, tiêu cực xã hội tại các mô hình rạp chiếu phim giường nằm, hay phòng chiếu nhỏ dành cho ít người.

Vấn đề đặt ra trong quản lý các thiết chế văn hóa tư nhân như sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim là Nhà nước cần tạo thêm những cơ chế, chính sách, quy định cụ thể hơn về hỗ trợ, tạo điều kiện, về miễn giảm thuế, phí hoạt động, chính sách số hóa, cho phép hoạt động về đêm sau 0 giờ…, từ đó mang tới những lợi ích kinh doanh, sự thụ hưởng dịch vụ hợp lý nhất cho cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, có chế tài kiểm soát nội dung phim, tổ chức rạp chiếu để bảo đảm sự lành mạnh xã hội trong thụ hưởng giá trị văn hóa.

Đối với bảo tàng tư nhân

Bảo tàng là lĩnh vực có riêng quy định pháp lý đối với bảo tàng tư nhân. “Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân”(11) quy định về việc các bảo tàng tư nhân phải tuân thủ đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và phải phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sưu tập hiện vật thành lập bảo tàng tư nhân để giới thiệu rộng rãi với công chúng, đồng thời nghiêm cấm bảo tàng tư nhân mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp hay đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) thực hiện quản lý nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng tư nhân trong phạm vi địa phương. Việc cấp phép hoạt động, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập bảo tàng tư nhân gửi hồ sơ xin phép thành lập bảo tàng tư nhân do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xác nhận điều kiện và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập. 

Chủ sở hữu bảo tàng tư nhân chịu sự quản lý và thực hiện yêu cầu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chấp hành các quyết định kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. 

Trên thực tế, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập và mở rộng hoạt động của bảo tàng và sưu tập tư nhân; chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch thuộc tỉnh, thành phố và tạo điều kiện để đưa các bảo tàng và sưu tập tư nhân trở thành những điểm đến thuộc các tuyến du lịch của địa phương. 

Nhờ các chính sách khuyến khích trong công tác quản lý đối với bảo tàng ngoài công lập, hoạt động bảo tàng tư nhân đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. 

Dù vậy, công tác quản lý nhà nước đối với bảo tàng ngoài công lập vẫn còn những hạn chếnhất định. 

Để tạo điều kiện cho hoạt động của bảo tàng tư nhân, Đảng, Nhà nước cần quan tâm nâng cao nhận thức và trách nhiệm quản lý và sự đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chuyên môn, các cơ quan liên quan đối với bảo tàng tư nhân; có cơ chế để các bảo tàng tư nhân có thể phối hợp hoặc thực hiện độc lập các dự án, chương trình về bảo tàng của Nhà nước nhằm tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy hiệu quả hoạt động bảo tàng nói chung nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng; có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn; bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn đối với các nhà sưu tập cá nhân, đội ngũ nhân lực tại các bảo tàng cá nhân; có những chế tài cho thị trường mua bán, trao đổi cổ vật; có chính sách kiểm soát thị trường văn hóa nhằm làm cho thị trường cổ vật phát triển theo hướng lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa - chính trị, xã hội.

Đối với thư viện tư nhân

Quy định pháp lý cho thư viện tư nhân được xác định trong Luật Thư viện(12). Trong đó, thư viện ngoài công lập (tức tư nhân) do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tham gia phát triển văn hóa đọc và có nghĩa vụ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thư viện; Thực hiện các yêu cầu về chuyên môn theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Người đứng tên thành lập thư viện có quyền chia tách, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể thư viện hoặc thay đổi nội dung hoạt động đã đăng ký. 

Nhà nước hằng năm tiến hành quản lý nhà nước đối với thư viện tư nhân về chuyên môn, thông qua các chính sách, chế độ khuyến khích xã hội hóa phù hợp với hình thức hoạt động và khả năng phát triển của thư viện tư nhân, quản lý về chất lượng hoạt động, cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định.

Về cơ bản, kinh phí tự thu chi của các thư viện tư nhân ở nhiều mức độ, có nguồn từ các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hoặc sự đóng góp, tài trợ của cộng đồng xã hội; việc duy trì hoạt động chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện, cống hiến của các cá nhân đầu tư và cộng sự.

Để mô hình thư viện tư nhân phát huy hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế,chính sách hỗ trợ cho thư viện tư nhân như bổ sung tài liệu, bồi dưỡng miễn phí kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho những người tham gia hoạt động thư viện tư nhân; cử cán bộ thư viện có chuyên môn chia sẻ, giúp đỡ nghiệp vụ cho người phụ trách thư viện tư nhân; có chính sách và cơ chế phù hợp để phát huy những ưu thế của thư viện tư nhân, kịp thời ghi nhận, khen thưởng, biểu dương những thư viện tư nhân hoạt động hiệu quả, với vai trò trung tâm sinh hoạt văn hóa, học tập cộng đồng.

Như vậyhệ thống thiết chế văn hóa tư nhân ở nước ta là khá phong phú và hoạt động có hiệu quả rõ rệt. Các thiết chế văn hóa tư nhân có kinh doanh (sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim) hay các thiết chế chủ yếu phục vụ như bảo tàng, thư viện đều ít nhiều khẳng định được vai trò quan trọng đối với đời sống cộng đồng. Việc quản lý hoạt động của các thiết chế văn hóa tư nhân bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần được bổ sung, từ thể chế cho đến việc giám sát về tính tự quản, tự chịu trách nhiệm. 

Với tinh thần huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, Nhà nước, chính quyền các cấp cần quan tâm ban hành bổ sung các nội dung quản lý đối với thiết chế văn hóa tư nhân trên cơ sở động viên tinh thần, tâm huyết của chủ đầu tư nhân, tạo điều kiện về các cơ chế chính sách kinh tế trong hoạt động văn hóa, phối kết hợp tốt giữa các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý chuyên môn để hoạt động tại các thiết chế tư nhân diễn ra hợp pháp, mang lại thu nhập chính đáng cho người đầu tư cũng như có thể phục vụ, cống hiến cho cộng đồng ở mức tốt nhất. Đặc biệt là cơ chế ghi nhận, tôn vinh, hỗ trợ các thiết chế tư nhân, trong đó có sự hỗ trợ kinh phí, nguồn tư liệu đối với các thiết chế thực hiện phục vụ thuần tuý như thư viện có mức đầu tư nhỏ.

_________________

Ngày nhận bài: 7-11-2022; Ngày bình duyệt: 12-11-2022; Ngày duyệt đăng: 14-11-2022.

 

(1) Nhà vườn Bến Xuân, https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/.

(2) Nguyễn Hiếu, Sân khấu Lệ Ngọc: Điểm sáng trong nền sân khấu đương đại https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/San-khau-Le-Ngoc-Diem-sang-trong-nen-san-khau-duong-dai-i599964/

(3) Theo Yên Nga, Hệ thống rạp chiếu phim: Không "lột xác", khó tồn tạihttps://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phong-su-Ky-su/851424/he-thong-rap-chieu-phim-khong-lot-xac-kho-ton-tai-bai-1

(4) Hoàng Yến, Vai trò đầu tàu của hệ thống rạp chiếu phim TP.HCM, https://zingnews.vn/vai-tro-dau-tau-cua-he-thong-rap-chieu-phim-tphcm-post1276449.html

(5) Bảo tàng tư nhân mang tên Phan Thị Ngọc Mỹ lớn nhất nước, https://newvisionlaw.com.vn/bao-tang-tu-nhan-mang-ten-phan-thi-ngoc-my-lon-nhat-nuoc.html

(6) Khai trương bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵnghttps://thanhnien.vn/khai-truong-bao-tang-tu-nhan-dau-tien-o-da-nang-post298967.html

(7) Thư viện tư nhân góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Thu-vien-tu-nhan-gop-phan-phat-trien-van-hoa-doc-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-Viet-Nam-i523203/

(8) Theo Có một thư viện tư nhân như thế ở Việt Namhttp://www.vla.org.vn/.

(9) Quốc hội, số 62/2006/QH11ngày 29/06/2006, Luật điện ảnh

(10) Quốc hội, số 05/2022/QH15, ngày 15/06/2022, Luật điện ảnh

(11) Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Quyết định số 09/2004/ QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 02 năm 2004 về phê duyệt“Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân” 

(12) Quốc hội, số 46/2019/QH19, ngày 21/11/2019, Luật Thư viện

TS NGUYỄN THỊ TUYẾN

Viện Văn hóa và Phát triển, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền