Trang chủ    Thực tiễn    Những yếu tố tác động đến không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay
Thứ hai, 14 Tháng 11 2022 18:05
4366 Lượt xem

Những yếu tố tác động đến không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay

(LLCT) - Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có quá trình lịch sử phát triển lâu đời, gắn với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Làng Bắc Bộ là không gian văn hóa tiêu biểu của những giá trị văn hóa nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không gian văn hóa làng có nhiều biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do vậy, cần xác định các yếu tố tác động đến sự biến đổi không gian văn hóa làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ để nhận diện, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, văn hóa con người Việt Nam nói chung. 

Cổng làng Mông Phụ ở Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội - biểu tượng truyền thống của làng quê Bắc Bộ - Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn

Làng ở Việt Nam là cơ cấu xã hội cổ truyền, nơi cư trú của dân cư, gồm các gia đình có quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Làng là đơn vị tụ cư nhỏ nhất, nhưng hoàn chỉnh của người nông dân Việt. Là một tổ chức xã hội cơ sở dựa trên quan hệ cộng đồng tự quản, vận hành trên các nguyên tắc luật tục, hương ước. Làng đồng thời là một cộng đồng về văn hóa thể hiện trên các phương diện cơ bản như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ nước ta trải trên một diện tích rộng lớn, có lịch sử phát triển lâu đời, dân cư đông đúc, gắn liền với quá trình khai phá, tụ cư và phát triển dựa trên sản xuất nông nghiệp lúa nước. Với những đặc điểm địa lý tự nhiên và dân cư, làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là một không gian văn hóa đặc thù, gắn chặt với phương thức canh tác nông nghiệp. 

Trong tiến trình đổi mới phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ở khu vực đồng bắc Bắc Bộ, nhiều làng quê đã bị thu hẹp đáng kể về diện tích đất dành cho nông nghiệp, biến đổi thói quen, sinh hoạt cũng như không gian văn hóa, cảnh quan. Bên cạnh không gian cư trú truyền thống được xác định theo các lũy tre, cây đa, sân đình… thành không gian làng là những những hình thức biến đổi, tập trung dân cư theo quá trình phát triển kinh tế công nghiệp. Những xóm mới, làng mới được mở rộng, đan xen, tạo ra những không gian mới. Vì vậy, không gian văn hóa làng - nơi cư dân của các làng thực hành, gìn giữ các giá trị văn hóa cũng theo đó mà biến đổi.

Biến đổi văn hóa làng và không gian văn hóa làng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, thể hiện quá trình vận động và phát triển của văn hóa, các yếu tố tác động từ điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ… Nghiên cứu về văn hóa làng, xác định các yếu tố tác động đến sự biến đổi không gian văn hóa làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có ý nghĩa quan trọng, giúp nhận diện, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong xây dựng phát triển văn hóa nông thôn nói riêng, văn hóa con người Việt Nam nói chung.

1. Quan niệm về không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ

Khi đề cập đến khái niệm không gian văn hóa có thể hiểu theo cách chiết tự, bao gồm sự kết hợp giữa khái niệm không gian và khái niệm văn hóa.

Theo Từ điển tiếng Việt, “Không gian” có hai nghĩa: 1. Hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với thời gian), trong đó các vật thể có độ dài và độ lớn khác nhau, cái nọ ở cách cái kia. 2. Khoảng không bao trùm mọi vật xung quanh con người(1). Khái niệm văn hóa hiểu một cách khái quát nhất, là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra để phục vụ cho nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người. 

Như vậy, khi đề cập tới không gian văn hóa là nói tới phạm vi, vùng lãnh thổ, ở đó chủ thể văn hóa gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Nói cách khác, không gian văn hóa là khu vực bao quanh nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, giữ gìn, truyền bá các giá trị văn hóa. 

Với quan niệm này, không gian văn hóa có thể trùng với các khái niệm khu vực, vùng văn hóa. Tuy nhiên, không gian văn hóa liên quan đến vùng, phạm vi lãnh thổ nhưng không đồng nhất mà thường rộng hơn không gian vùng, lãnh thổ bởi phạm vi ảnh hưởng, lan tỏa của các giá trị văn hóa có xu hướng mở rộng (các quốc gia, dân tộc chung đường biên thường có một vùng giao thoa văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa đan xen lẫn nhau, mang những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của các quốc gia, dân tộc)

Không gian văn hóa làng khu vực đồng bằng Bắc Bộ

Đề cập đến không gian văn hóa làng chủ yếu là khu vực nông thôn, gắn với sản xuất nông nghiệp. Làng là nơi cư trú của cộng đồng dân cư, gồm một hoặc nhiều gia tộc với quan hệ huyết thống. Theo thời gian, có thêm các gia đình khác tộc đến và cộng cư, cùng chung sống tạo thành quan hệ láng giềng. Cư dân làng có chung sở hữu về đất đai thổ cư, thổ canh mà ở đó, các thành viên có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ. Đồng thời, làng là cộng đồng văn hóa, thể hiện trên các phương diện tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, phong tục, tập quán và lễ hội...

Với đặc trưng nêu trên, làng là một kết cấu xã hội vững chắc, nơi diễn ra các sinh hoạt hằng ngày, các quan hệ kinh tế, xã hội, cộng đồng làm nảy sinh, tích tụ và hình thành các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ là không gian của các đơn vị làng mà ở đó người dân xây dựng, sáng tạo, lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hóa cộng đồng. Quá trình sáng tạo, lưu giữ, truyền bá các giá trị văn hóa cộng đồng trong không gian văn hóa làng cần có các thành tố cơ bản như: chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa, các giá trị và chuẩn mực văn hóa; các thể chế như quy định, quy ước, hương ước của làng, xã; các thiết chế văn hóa để phục vụ cho nhu cầu hoạt động văn hóa của cộng đồng như đình, chùa, miếu mạo… Sự biến đổi văn hóa làng nói chung, không gian văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ thể hiện ở sự biến đổi của các chủ thể văn hóa.

2. Cấu trúc của không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay

Những thành tố cấu thành nên không gian văn hóa làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như sau:

Thứ nhất, chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa. Chủ thể sáng tạo văn hóa làng xã là người nông dân và tầng lớp trí thức gắn bó với nông dân trong cộng đồng làng, là thành tố cơ bản, quyết định không gian văn hóa làng. Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi hình thành nhiều giá trị văn hóa dân tộc Việt, quê hương của nền văn hóa nổi tiếng (văn minh sông Hồng). Đồng bằng Bắc Bộ là vùng châu thổ lớn ở nước ta, được bao bọc bởi rừng núi và biển (vịnh Bắc Bộ). Môi trường tự nhiên và điều kiện địa lý sinh thái nhân văn đã hướng con người vùng đồng bằng Bắc Bộ vào hoạt động nông nghiệp, cư dân chủ yếu là nông dân và nền văn hóa là văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. 

Trồng lúa nước là một hình thái canh tác cơ bản gắn với khí hậu nhiệt đới, gió mùa, chi phối lối sống, nhịp sống, nhịp sinh học của con người làm nông nghiệp lúa nước, đến nền văn hóa lúa nước. Chính trong không gian văn hóa này, người nông dân và cộng đồng đã tích lũy, hình thành các kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng thích ứng với môi trường tự nhiên, canh tác nông nghiệp. Từ đó góp phần sáng tạo nên các giá trị văn hóa nông nghiệp cơ bản, cách thức sử dụng và phối hợp giữa các yếu tố của sản xuất nông nghiệp. 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có phạm vi canh tác lớn, cần phải liên kết với nhau để hình thành nên sức mạnh tập thể nhằm xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, chống lũ. “Những đặc điểm này của sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các truyền thống. Đoàn kết, tương trợ nhau và nguyên tắc cá nhân tồn tại trong sự phụ thuộc vào cộng đồng dần trở thành một tập tục có cơ chế kinh tế - xã hội bảo đảm”(2). Đây là một tiền đề tạo nên tính cố kết cộng đồng làng, xã. 

Kết cấu xã hội làng xã khu vực đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu trên cơ sở canh tác nông nghiệp nên theo mô thức truyền thống: nhà - làng - nước, trong đó nhà (là gia tộc, dòng họ) và làng là yếu tố bất biến, nước là yếu tố khả biến(3). Với kết cấu xã hội như vậy, khu vực này mang đậm nét đặc trưng văn hóa làng với các giá trị văn hóa dân gian, truyền miệng. Người nông dân và cộng đồng là những người lưu giữ, chuyển tải các giá trị văn hóa đó cho thế hệ sau.

Hiện nay, chủ thể của không gian văn hóa làng khu vực đồng bằng Bắc Bộ có những biến đổi nhất định do sự phát triển về điều kiện kinh tế, xã hội, quá trình hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Với thế hệ nông dân hiện đại có trình độ về khoa học, công nghệ, có trình độ tổ chức sản xuất theo kinh tế thị trường. Mặt khác, ở nông thôn cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những công nhân làm trong các khu công nghiệp hay hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp theo hướng “ly nông bất ly hương”, vừa tiếp nhận, hình thành những chuẩn mực, giá trị văn hóa của xã hội công nghiệp, đồng thời có ý thức góp phần xây dựng nông thôn mới, chủ động tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Thứ hai, những giá trị và chuẩn mực văn hóa của cộng đồng làng

Từ lâu đời, trong văn hóa làng Việt đã tồn tại những quy định về các hoạt động chung của cộng đồng, đó là phép nước và lệ làng. Đây là mối quan hệ song trùng để định hướng, đánh giá, điều chỉnh hoạt động của các thành viên trong làng. Hệ thống các giá trị và chuẩn mực thông qua luật tục hay hương ước đều xác định rõ trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với quốc gia và đối với quê hương, trách nhiệm với cộng đồng làng, xã.

Phong tục là những nét tốt đẹp của đời sống xã hội, là thói quen lâu đời của một địa phương, của một dân tộc, hay một quốc gia như một luật bất thành văn, nhưng có sức mạnh và sức sống lâu bền. Ví dụ: Phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục gói bánh chưng ngày Tết của nhân dân ta.

Tập quán là những hành vi, công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được mọi người công nhận và làm theo.

Phong tục, tập quán là phạm trù rộng lớn, nó bao hàm các khía cạnh cơ bản trong đời sống của con người, phát huy vai trò điều chỉnh hành vi con người không chỉ ở khu vực nông thôn. Là sản phẩm của xã hội, phong tục tập quán có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống con người. Từ các tập tục, lễ tiết vòng đời của mỗi cá nhân, việc cưới, việc tang; từ lễ hội cổ truyền đến ngày hội văn hóa, từ hội làng, từ những nghi lễ thờ cúng thành hoàng làng, các nhân vật lịch sử, thờ Mẫu cho đến thờ cúng tổ tiên... 

Phong tục tập quán chính là đặc trưng văn hóa cơ bản của cộng đồng làng, là một biểu hiện của trình độ phát triển của cộng đồng dân cư đó. Đồng thời, phong tục tập quán cũng có thể được xem là một thành tố hình thành nên không gian văn hóa làng xã.

Về cơ bản, mỗi làng, xã có phong tục tập quán riêng. Bất cứ một phong tục nào hình thành cũng đều xuất phát từ những lợi ích chung của cộng đồng làng, xã, giúp gắn bó cộng đồng ngày càng chặt chẽ nhằm bảo đảm sức mạnh và sự trường tồn của toàn thể cộng đồng.

Ngoài phong tục, tập quán, sự gắn kết cộng đồng làng, xã ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ còn được thể hiện qua hương ước. Hương ước là những quy định mang tính tự quản, nhằm điều hòa các quan hệ xã hội và quản lý cộng đồng. Hương ước có những quy định rõ ràng về hệ thống tổ chức là quản lý làng xã. Theo một số nhà nghiên cứu, có bốn loại quy ước chủ yếu trong các bản hương ước: những quy định về chế độ ruộng đất; những quy định về việc khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường; những quy định về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chức dịch trong làng; những quy định về văn hóa tinh thần và về tín ngưỡng(4). Ngày nay, hệ thống pháp luật và hương ước vừa kết hợp giữa quản lý hành chính nhà nước với tính tự quản và đại diện của nhân dân. 

Thứ ba, các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa và cảnh quan

Các thiết chế văn hóa được chia làm 2 loại: thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng: đình, đền, chùa… và thiết chế văn hóa: thư viện, nhà truyền thống, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ…

Thiết chế văn hóa làng là nơi thực hiện phúc lợi xã hội của nhân dân nông thôn trong hưởng thụ văn hóa qua các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống...

Thiết chế văn hóa đang hằng ngày, hằng giờ đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa của nhân dânPhát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, hình thành không gian văn hóa đồng bộ, tích cực. 

Các hoạt động văn hóa trong không gian văn hóa làng liên quan đến gia đình, dòng họ, làng xóm như tổ chức đám cưới, đám tang, lễ khao vọng, lễ hội. Tổ chức các hội thi thể thao như đấu vật, kéo co, liên hoan văn nghệ…

Cảnh quan kiến trúc của làng như quy hoạch không gian định cư của làng, cổng tiền và cổng hậu của làng, hệ thống đường sá, ao hồ, cây xanh, kết nối với các hộ gia đình và kết nối với các làng khác…

3. Những yếu tố tác động đến sự biến đổi không gian văn hóa làng khu vực đồng bằng Bắc Bộ

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quá trình phát triển đó. Không gian văn hóa làng đồng bằng Bắc Bộ với những thành tố nêu trên không nằm ngoài những tác động to lớn đó, cũng có những biến đổi trên cả hai phương diện tích cực, hạn chế. Có thể thấy những yếu tố tác động cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, quá trình đô thị hóa nông thôn

Hiện nay, ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, dễ dàng nhận thấy nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhà cao tầng, đặc biệt là nhà ống cao tầng vốn là một thiết kế quen thuộc của khu vực đô thị nhằm tận dụng tối đa diện tích đất ở, không gian nay đã trở thành những công trình quen thuộc ở làng xã. 

Sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong hạ tầng dẫn tới lối sống của người dân ở nông thôn cũng thay đổi. Nếu như trước kia người dân thích “sống ở giữa làng” thì hiện nay những gia đình có điều kiện kinh tế đều muốn dời trong làng ra sống ở trung tâm thị trấn, gần chợ, dọc đường giao thông… tiện cho việc buôn bán, đi lại; nếp sinh hoạt của người dân nông thôn cũng thay đổi, nhịp sống hối hả như ở đô thị. 

Mô hình gia đình truyền thống kiểu tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường không phổ biến như trước đây. Các gia đình hạt nhân tách ra khiến cho đất thổ cư của tổ tiên, ông bà để lại bị chia thành nhiều mảnh cho con cháu, hoặc nhượng quyền sử dụng cho người ngoài khiến cho cư dân làng ngày càng trở nên không thuần nhất, mật độ cư trú dày, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.

Sự phổ biến của các phương tiện truyền thông như truyền hình, internet, mạng xã hội cùng với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, kín cổng cao tường, người dân dần ít tiếp xúc với nhau hơn trong sinh hoạt hằng ngày, từ đó tác động đến các mối liên hệ, cố kết cộng đồng. Các sinh hoạt thường ngày dần thu hẹp lại trong không gian các gia đình tương tự như ở đô thị. Dịch vụ, tiện ích phát triển, người dân nông thôn cũng bắt đầu ăn sáng ở bên ngoài gia đình, các hàng quán mọc lên quanh làng. 

Thứ hai, sự biến đổi cơ cấu kinh tế

Quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế làm gia tăng đầu tư các khu công nghiệp. Hiện nay, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ do thuận lợi về giao thông và các điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội, nên hình thành các khu công nghiệp, thu hút một lượng lớn người nông dân từ bỏ đồng ruộng, trở thành người lao động chuyên nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp. Sự thay đổi trong phương thức mưu sinh, chuyển từ nông nghiệp trồng lúa nước, là cơ sở của truyền thống văn hóa làng sang lao động tại nhà máy là thay đổi rất lớn về sinh kế, tập quán, thói quen, lối sống. Các khu công nghiệp thu hút một lượng lao động rất lớn không chỉ từ nguồn nhân lực địa phương mà còn từ các vùng, địa phương khác. Từ đó, xuất hiện sự tập trung sinh sống của những người không quen biết nhau, sự giao tiếp, giao lưu giữa hàng xóm giảm đi… Đồng thời, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền ngay tại địa ban cư trú làng. Mặt khác, các sinh hoạt về đêm ở nông thôn cũng xuất hiện với các dịch vụ vui chơi, giải trí…

Thứ ba, sự thay đổi phương thức giao lưu, giao tiếp, giải trí của người dân nông thôn bởi tác động từ cách mạng khoa học công nghệ

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã tạo ra những điều kiện chưa từng có về công nghệ cho việc tiếp cập thông tin, tri thức của người dân nông thôn.

Nhờ các thành tựu của khoa học và công nghệ mà truyền thông đại chúng đã kết nối người dân với thế giới bên ngoài, tác động trực tiếp đến người dân, nhất là nhóm thanh thiếu niên, trẻ em; ảnh hưởng to lớn đối với những thế hệ tương lai. Các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội với ưu điểm vượt trội là sự lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp, đa phương tiện và liên tục, chủ động và tương tác, dễ lưu giữ, truyền bá, gia tăng sự hấp dẫn, cuốn hút và tạo ra hàng hoạt nhu cầu mới, làm phai nhạt các giá trị truyền thống ở lãng xã. 

Trong khi văn hóa làng đề cao tính cộng đồng thì điện thoại thông minh và mạng xã hội lại cá nhân hóa hành vi giao tiếp, ứng xử của con người, đề cao "cái tôi" cá nhân. Quá trình cá nhân hóa "cái tôi" này làm nảy sinh, thay đổi các hình thức sinh hoạt văn hóa, thách thức những giá trị văn hóa truyền thống ở làng. Hiện nay, ở làng đồng bằng Bắc Bộ, có thể dễ dàng nhận thấy những đặc trưng cơ bản của văn hóa đô thị.

Như vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nông thôn mới ở nước ta đã và đang trực tiếp tác động làm thay đổi xã hội nông thôn nói chung, làng khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng theo cả hai phương diện tích cực và hạn chế. Từ đặc trưng văn hóa khép kín, đề cao những mối quan hệ nội bộ đến xu hướng hướng ngoại, giao lưu, kết nối, nảy sinh những vấn đề mới, không gian văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay đặt ra những vấn đề cần giải quyết để góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

_________________

Ngày nhận bài: 28-10-2022; Ngày bình duyệt: 5-11-2022; Ngày duyệt đăng: 14-11-2022.

 

(1) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội, 2002, tr.511.

(2) Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang: Các giá trị truyền thống con người Việt Nam hiện nay, t. 2, Hà Nội, 1996, tr.17.

(3) Ngô Đức Thịnh: Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.281.

(4) Nguyễn Xuân Kính: Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.274.

                                                         TS NGUYỄN VIỆT ANH

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền