Trang chủ    Thực tiễn    Sửa đổi Hiến pháp: tiếp cận từ sự phát triển lý luận về quyền con người của Đảng ta
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:28
2428 Lượt xem

Sửa đổi Hiến pháp: tiếp cận từ sự phát triển lý luận về quyền con người của Đảng ta

(LLCT) - Hiến pháp không chỉ là một đạo luật cao nhất của một quốc gia, mà còn là sự kết tinh sâu lắng của tinh hoa văn hóa, trình độ phát triển của tiến bộ xã hội, dân chủ và văn minh của quốc gia - dân tộc ấy. Hiến pháp xác lập các nguyên tắc nền tảng cho việc thiết chế nhà nước, khẳng định và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tất cả mọi người.

Ngay sau khi giành lại độc lập và khai sinh ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc tổng tuyển cử toàn quốc đã được tiến hành để bầu ra Quộc hội và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946. Kể từ đó đến nay đã có 4 bản Hiến pháp được thông qua. Trong đó Hiến pháp 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới: đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế và đổi mới toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội.

Qua 20 năm, Hiến pháp 1992 đã tỏ rõ giá trị, vai trò và ý nghĩa của nó trong việc góp phần to lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trước biến đổi của thực tiễn trong nước và quốc tế cùng xu hướng phát triển tiến bộ và văn minh của nhân loại, Hiến pháp 1992 cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hơn nữa, trong đó bao hàm các quy định về chủ quyền của nhân dân và quyền, nghĩa vụ của công dân. 

1. Hiến pháp khẳng định chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân

Ngay từ khi nước ta giành độc lập, Hiến pháp đầu tiên của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa đã xác lập chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Điều 1 của Hiến pháp ghi: Nước Việt Nam là nước dân chủ cộng hòa - tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Chủ quyền tối cao trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị nói chung thuộc về nhân dân. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiều quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(1).

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những giá trị then chốt được nêu trong các Văn kiện Đại hội trước đó của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng thông qua, một lần nữa khẳng định nguyên tắc kim chỉ nam và bất di, bất dịch trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân...”(2). Vì vậy, Hiến pháp sửa đổi tới đây cũng cần điều chỉnh theo tinh thần mới này. Chẳng hạn, Điều 2 của Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” nên sửa là “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân còn thể hiện ở chỗ mở rộng sự tham gia vào đời sống chính trị - xã hội (không gian chính trị) của nhân dân không chỉ trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, của toàn bộ hệ thống chính trị, mà còn bên ngoài Nhà nước, ngoài hệ thống chính trị. Đó là thông qua các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và thông qua việc thực hành dân chủ trực tiếp của người dân bằng các hình thức khác nhau.

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho các cơ quan Nhà nước thông qua những người đại diện cho mình. Chủ quyền tối cao của nhân dân, một phần quan trọng (nếu như không nói là quan trọng nhất) chuyển thành quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, do đặc tính cố hữu của thiết chế nhà nước và thiết chế chính trị nói chung, chủ quyền tối cao của nhân dân không bao giờ (và sẽ không thể) chuyển toàn bộ hay “nhập” hoàn toàn vào quyền lực nhà nước (trong tay bộ máy công quyền hay Nhà nước cũng như thiết chế chính trị nói chung). Trái lại, nhân dân vẫn luôn “giữ” lại hay “sở hữu vốn có” phần còn lại cái chủ quyền ấy mà không trao trọn cho Nhà nước hay thiết chế chính trị nói chung. Những quyền ấy được hiện hữu ở những “không gian chính trị bậc hai” - lẩn khuất qua các khuôn mẫu đạo đức, văn hóa, tâm linh, ứng xử và giao tiếp xã hội rộng mở của phẩm chất công dân của nhân dân. Hiển nhiên, điều này đưa đến việc nhân dân tất yếu cần đến nhiều hình thức khác nhau để hiện thực hóa các quyền ấy.

Một trong những hình thức trực tiếp thực hành chủ quyền tối cao hay quyền dân chủ của nhân dân đó là thông qua sự tham gia rộng rãi của họ vào đời sống chính trị - xã hội một cách trực tiếp ở trong các hình thức phi thiết chế nhà nước và phi chính trị. Các tổ chức xã hội, quần chúng nhân dân, từ thiện, cộng đồng tự quản,... là một trong ba trụ cột cốt yếu của thiết chế xã hội nói chung mà ở đó sự thiếu vắng bất cứ thành tố nào đều hạn chế khả năng mở rộng và hiện thực hóa đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của công dân.

2. Thể chế hóa lý luận của Đảng ta về quyền con người

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định mục tiêu của việc xây dựng công cuộc phát triển đất nước là nhằm khơi dậy và bảo đảm “phẩm giá con người”, con người “là chủ thể phát triển”, “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân”. Bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về quyền con người là không chỉ xem các quyền con người trong giới hạn các quyền công dân. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò và nghĩa vụ của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm (bao gồm bảo vệ và thực hiện) các quyền con người và quyền công dân. Cương lĩnh viết: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc sự phát triển tự do của mỗi người”(3).

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những luận điểm có tính nguyên tắc được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng trước đó, Văn kiện Ðại hội Ðảng XI đề cập cách thức và con đường mà ở nhờ đó nhân dân thực hành được các quyền tự do, dân chủ của mình một cách rộng rãi và hiệu quả. Văn kiện khẳng định, “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”(4). Ở đây, hàm ý những chế định đối với các quyền tự do và dân chủ theo đó làm tiền đề cho việc thực hành dân chủ trực tiếp. Chẳng hạn, đó là quyền phúc quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại của đất nước và liên quan trực tiếp đến họ (bao gồm quyền được trưng cầu ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp); quyền bãi miễn đối với các đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; quyền được tham gia sâu rộng vào các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, từ thiện và cộng đồng để không ngừng hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân.

Quyền con người, quyền công dân còn được thể hiện ở quan điểm của Đảng ta về vai trò và chức năng phục vụ của Nhà nước, theo đó, “Nhà nước ta phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”(5). Các chế định về quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi cần đặc biệt khẳng định rõ chức năng phục vụ nhân dân của Nhà nước ta. Đây cũng là nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người mà cộng đồng quốc tế và các nước tiên tiến đã và đang áp dụng. “Nhà nước phục vụ nhân dân” trước hết là một nhà nước xem nhân dân là chủ thể tối cao của mọi quyền lực, là xuất phát điểm cũng như đối tượng và mục đích hướng đến của mọi chính sách hay quá trình phát triển, bao gồm cả quá trình lập hiến và lập pháp.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm quyền con người. Quan điểm của Đảng ta về tổ chức bộ máy nhà nước trong Văn kiện Đại hội Ðảng XI là: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự  phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(6). Chính vì vậy, Hiến pháp sửa đổi cần đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế sự lạm dụng, tha hóa trở thành lực lượng cản trở hay tước đi các quyền và tự do cơ bản của người dân. Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước là một nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN. Nền dân chủ XHCN và các quyền, tự do cơ bản của nhân dân chỉ thực sự được xác lập và hiện thực hóa đầy đủ nếu như mọi quyền lực công đều được giám sát chặt chẽ. Văn kiện Ðại hội Ðảng XI đã đặc biệt nhấn mạnh việc “Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”(7). Vì vậy, chế định về quyền tự do, dân chủ cần phản ánh quan điểm đúng đắn này trong Hiến pháp sửa đổi.

3. Chế định quyền con người với Hiến pháp sửa đổi từ cách tiếp cận dựa trên quyền

Cách tiếp cận dựa trên quyền chỉ ra 3 nguyên tắc nền tảng: 1) Thứ nhất, Nhân dân là chủ thể của các quyền con người; 2) Thứ hai, Nhà nước (và những người đại diện của mình) là chủ thể nghĩa vụ tôn trọng (respect), bảo vệ (protect) và thực hiện (fulfill); 3)Thứ ba, Những chế định về quyền con người phải đồng thời xác lập địa vị, vai trò, chức năng và thẩm quyền của chủ thể quyền  nghĩa vụ phải đáp ứng.

Chế định về quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi, do đó, cần được xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền. Nguyên tắc ấy chỉ ra việc định rõ một cách chính xác nội hàm của khái niệm quyền công dân và quyền con người. Không phải chỉ đơn thuần là chủ thể của quyền công dân hẹp hơn chủ thể của quyền con người, điều quan trọng đó là việc xem cá nhân là chủ thể cao nhất và tối cao của các quyền con người.

Những quyền con người xuất phát từ bản tính tự nhiên, vốn có và thiêng liêng của mỗi cá nhân - con người trước khi bước vào “quan hệ xã hội có tính chính quan phương” (C.Mác); tức là trước khi trở thành trạng thái công dân của con người cá nhân ấy. Vì vậy, các chế định về quyền con người không chỉ xuất phát từ việc ghi nhận và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của mỗi cá nhân tồn tại với tính cách là công dân (quyền công dân), mà quan trọng hơn đó là nhằm khởi dậy và phát huy tiềm năng để hiện thực hóa các quyền và tự do cơ bản của cá nhân tồn tại với tính cách là con người nói chung - tức con người tồn tại với phẩm chất phi công dân, bên ngoài mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước - đó là cá nhân trong chỉnh thể của xã hội vừa là cái đặc thù của một dân tộc, một giai cấp, đồng thời vừa là cái phổ quát của nhân loại và mang tính loài.

Hiển nhiên, điều này chỉ ra yêu sách về tự do và các quyền cơ bản của cá nhân với tính cách là công dân đóng vai trò then chốt nhưng không bao trùm và toàn diện hay thay thế cho các yêu sách về tự do, dân chủ nói chung. Vì vậy, trong tư duy lập hiến và lập pháp hiện đại, theo con đường phát triển, tiến bộ và văn minh của nhân loại, những chế định về quyền công dân là chưa đầy đủ (mặc dù là cơ bản và thiết yếu) đối với nhân dân. Chế định quyền dân chủ của nhân dân phải luôn xuất phát và hướng tới đồng thời bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho mỗi cá nhân với tư cách là công dân và với tư cách là thành viên của xã hội và cộng đồng nhân loại. Tức là cần có những chế định cụ thể về quyền của con ngườichứ không phải chỉ là các quyền của công dân. Hiến pháp 1992 với chương V có tiêu đề “Quyền và nghĩa vụ của công dân”, chưa phản ánh được điều này. Hơn nữa, chế định quyền con người trong đạo luật cao nhất này còn chứa đựng những yếu tố chưa đồng nhất và chính xác về ngữ nghĩa và nội hàm. Chẳng hạn, Điều 50 trong khi khẳng định các quyền con người trên mọi phương diện lại đồng thời giới hạn chúng trong các quyền công dân, là chưa chính xác, không đầy đủ và toàn diện: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đều được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quyđịnh trong Hiến pháp và luật”. Thứ nhất, ở đây, các quyền con người không phải đồng nhất hoàn toàn với các quyền công dân. Thứ hai, theo cách tiếp cận dựa trên quyền con người, Nhà nước không chỉ có nghĩa vụ tôn trọng, mà quan trọng hơn đó là nghĩa vụ bảo vệ và thực hiện các quyền ấy. Thứ ba, việc các quyền con người chỉ được thể hiện trong các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật là chưa đầy đủ. Thực tế, các quyền con người không chỉ do Nhà nước thừa nhận, mà còn là khả năng, xu hướng và giá trị nhân văn cao cả, vốn có của con người, ngay cả khi Nhà nước chưa ghi nhận. Các quyền tự nhiên ấy cũng cần được xem như là thuộc tính cố hữu của con người. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hồ Chủ tịch sau khi nhắc lại chân lý ấy trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã viết: “Lời bất hủ đó, suy rộng ra, có nghĩa là mọi dân tộc đều sinh racó quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sung sướng, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ giá trị trường tồn của những quyền tự nhiên thiêng liêng không chỉ thuộc về mỗi cá nhân hay nhóm xã hội nhất định mà còn của mỗi quốc gia - dân tộc. Quyền thiêng liêng ấy hiện tồn, ngay cả khi chế định pháp luật quốc tế hay quốc gia có ghi nhận hay không. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các quyền tự nhiên ấy chỉ thực sự được hiện thực hóa, được bảo vệ và thực thi đầy đủ trên nền tảng của những chế định pháp lý. Vì vậy, trong khi đề cao tính nhân văn sâu sắc của các quyền tự nhiên thiêng liêng của con người, chúng ta không được quên đi một chân lý hiển nhiên: chế định Hiến pháp và pháp luật là tiền đề, điều kiện quan trọng vào bậc nhất cho việc nảy nở và phát triển của các các quyền con người.

Với tư duy lập pháp dựa trên việc xem công dân là chủ thể duy nhất của các quyền con người, Chương V của Hiến pháp 1992 (từ điều 49-82) đã thay chế định các quyền của cá nhân (hay của nhân dân) nói chung bằng chế định về các quyền và nghĩa vụ của công dân. Thay vì các quy định về quyền và tự do cơ bản đáng nhẽ được bắt đầu bằng “mọi người” (hay “mọi cá nhân”), thì bắt đầu bằng “công dân”. Chẳng hạn, “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”,... (Điều 52 Điều 68; Điều 69; Điều 70),... Những chế định này không tính tới quyền của những cá nhân không phải là công dân Việt Nam (người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, những người bị tước quyền công dân,...).

Trong Hiến pháp sửa đổi cần phải đặc biệt chú trọng đến chế định quyền con người. Về mặt vị trí, chế định quyền con người cần phải được đưa vào chương I hoặc chương III (ngay sau 2 chương chế độ chính trị và chế độ kinh tế). Điều này xuất phát từ thuộc tính chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, các quyền và tự do cơ bản của mỗi người chính là nền tảng của việc xác lập các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Nếu như Hiến pháp 1946 chế định về quyền và nghĩa vụ của công dân ngay tại chương II thì cứ mỗi một bản Hiến pháp sau, vị trí của quyền con người lại lùi xa thêm một chương (chương III trong Hiến pháp 1959, chương IV trong Hiến pháp 1980 và chương V trong Hiến pháp 1992). Trật tự này phản ánh nhận thức chưa đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân trong tư duy lập Hiến năm 1992. Dưới ánh sáng của Đại hội XI, nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân và pháp quyền XHCN cần trở thành kim chỉ nam cho việc sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp 1946 đã ghi "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia theo Điều thứ 32 và 70" (Điều 21); "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý" (Điều 32); và "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây... Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết" (Điều 70). Rất tiếc điều này đã không được các bản Hiến pháp sau đó đề cập đến. Thay vào đó, "Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp" (Điều 82-83, Hiến pháp 1992). Cần nhấn mạnh rằng, quyền phúc quyết và quyền bãi miễn đối với những người đại diện của nhân dân là một cơ chế thiết yếu của nhà nước pháp quyền (và nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân) là những quyền tự do, dân chủ cơ bản của mỗi người dân chỉ có ý nghĩa thực sự nếu chúng được các chủ thể quyền ấy thực thi trực tiếp.

____________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.232.

(2),(3),(4),(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  2011, tr.85.

(5),(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI,  NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr.86, 247.

 

TS Hoàng Văn Nghĩa

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền