Trang chủ    Thực tiễn    Việt Nam thúc đẩy bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu khi tham gia Hội đồng nhân quyền
Thứ hai, 28 Tháng 11 2022 11:23
959 Lượt xem

Việt Nam thúc đẩy bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu khi tham gia Hội đồng nhân quyền

(LLCT) - Từ thực tiễn thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và sự tham gia, đóng góp của nước ta vào quyền bình đẳng của phụ nữ khi tham gia Hội đồng Nhân quyền khóa 2014-2016 đã cho thấy, Việt Nam luôn là một thành viên nghiêm túc, đóng góp có trách nhiệm vào việc bảo đảm các giá trị chung về nhân quyền và đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với tư cách là ứng cử viên cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và sẵn sàng hợp tác với các nước trong nỗ lực chung để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, phụ nữ là lực lượng tiên phong trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai - Ảnh: phunuvietnam.vn

1. Thực tiễn thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới và có phạm vi tác động xã hội sâu rộng, nhất là đối với những đối tượng dễ tổn thương, như phụ nữ và trẻ em gái. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong năm nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Nơi có khoảng 75% đất nông nghiệp với 80% người dân sống và phụ thuộc vào nông thôn, nông nghiệp, do đó những thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến cuộc sống của người dân, trước tiên là phụ nữ.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang tác động đến tất cả mọi khía cạnh đời sống của phụ nữ. Do các yếu tố về sinh học (giới tính) và văn hóa - xã hội (giới), nam giới và nữ giới trải nghiệm sự biến đổi khí hậu khác nhau. Chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em do sức khỏe thể chất, tinh thần và những bất bình đẳng giới cơ bản nên bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhiều hơn so với nam giới. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ nam giới và nữ giới tham gia hoạt động kinh tế ở mức gần bằng nhau (nữ: 83%, nam: 85%). Phụ nữ có vai trò tương đương với nam giới trong việc tham gia vào quá trình sản xuất của cải vật chất và tinh thần. Hầu hết mọi ngành nghề đều có sự tham gia của phụ nữ, song phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong nhiều lĩnh vực lao động phổ thông nặng nhọc, đòi hỏi ít về chuyên môn kỹ thuật, như sản xuất nông nghiệp, thu gom rác thải, làm đường xá... vốn chịu tác động trực tiếp từ khí hậu, môi trường, dẫn đến phụ nữ phải chịu nhiều rủi ro, thách thức khi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong gia đình, mức độ sở hữu và kiểm soát các tài sản quan trọng của phụ nữ Việt Nam hiện nay đã được pháp luật bảo vệ và ngang bằng nam giới. Môi trường khí hậu vi mô tại gia đình phụ thuộc nhiều vào nữ giới. Nhưng sự phân công lao động theo giới và trọng trách nội trợ đã ngăn cản họ tham gia tích cực vào việc đưa ra các quyết định trong và ngoài hộ gia đình.

Nhiều chính sách mới chỉ coi phụ nữ là đối tượng thụ hưởng thành quả của ứng phó với biến đổi khí hậu, mà chưa chú trọng vào thúc đẩy họ như nhân tố tiềm năng thay đổi khí hậu theo hướng tích cực; từ đó trao quyền cho họ bình đẳng với nam giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, trong ngành quản lý chất thải, người thu gom và nhặt phế liệu chủ yếu là phụ nữ, mà công việc của họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức(1).

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới, song phụ nữ vẫn chưa được coi trọng đúng mức trong nghiên cứu, hoạch định, chỉ đạo tổ chức triển khai chính sách, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở cơ sở.

Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng những bất bình đẳng giới, tạo thêm gánh nặng công việc cho phụ nữ. Nhiều thiên tai xảy ra do biến đổi khí hậu dẫn đến gia tăng di cư tại các vùng nông thôn. Phụ nữ di cư thường khó kiếm việc làm so với nam giới, nhưng nếu họ ở lại quê khi người chồng di cư lên thành phố tìm kiếm việc làm thì họ sẽ phải gánh vác trách nhiệm của nam giới từ công việc trong gia đình đến ngoài cộng đồng, kể cả trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trọng trách này có thể sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho vị thế của họ trong gia đình và cộng đồng nhưng cũng để lại không ít hệ lụy tiêu cực.

Tại Việt Nam, để hạn chế rủi ro, thách thức đối với phụ nữ, trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở tích cực nội luật hóa các điều ước quốc tế, pháp luật về bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép và bao trùm trong phòng, chống thiên tai, giảm nghèo bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển giáo dục nghề nghiệp...

Hệ thống quy phạm pháp luật với nhiều quy định cụ thể hóa những quyền cơ bản trong Hiến pháp năm 2013, đã tiếp cận ngày càng gần hơn với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, điển hình là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...

Sau nhiều lần sửa đổi, Bộ luật Lao động năm 2019 cơ bản đã bảo đảm tương thích với các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các điều ước khác của Liên hợp quốc về quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng giới. Qua đó đã và đang hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ theo hướng sát hơn với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế; coi trọng việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc gia, nghĩa vụ quốc tế trong thúc đẩy quyền bình đẳng giới theo hướng trao quyền đầy đủ hơn, thực chất hơn cho phụ nữ.

Đồng thời, việc phát huy truyền thống “thiên nhân tương dữ” kết hợp với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, động lực phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau đã quán xuyến tư tưởng chủ đạo trong thực tế bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu ở nước ta.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030, Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030... là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống (cả về vật chất và tinh thần) của phụ nữ, cũng như tạo điều kiện cần thiết để họ được thụ hưởng quyền một cách bình đẳng, đầy đủ trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cùng với những chủ trương, chính sách về các lĩnh vực cơ bản, Nhà nước quan tâm tới các lĩnh vực đặc thù đối với quyền bình đẳng của giới nữ, chẳng hạn: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm năm 2003; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em... Đồng thời, xử lý nghiêm tội phạm và có những biện pháp thiết thực hỗ trợ các nạn nhân. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh nhất về xóa bỏ khoảng cách giới ở khu vực Đông Á (theo mục tiêu thứ 3 trong 8 Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc giai đoạn 2001-2015).

2. Tham gia và đóng góp của Việt Nam vào quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Một là, tham gia và đóng góp trong Hội đồng nhân quyền

Đến nay, Việt Nam đã tham gia Ủy ban Quyền con người khóa 2001-2003 và Hội đồng Nhân quyền khóa 2014-2016. Khi tham gia khóa 2014-2016 của Hội đồng nhân quyền, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới (184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu). Trong suốt nhiệm kỳ này, Việt Nam luôn là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về nhân quyền thông qua việc chủ động, tích cực xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền.

Việt Nam đã nghiêm túc, chủ động, tích cực thực hiện cơ chế UPR (rà soát phổ quát định kỳ), trình bày và đối thoại thành công các Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ I (năm 2009), II (năm 2014) và III (năm 2019). Các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tại các phiên rà soát UPR chu kỳ I, II, III đã và đang được thực hiện nghiêm túc, tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân, nhất là quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, như phụ nữ và trẻ em gái.

Thực tế cho thấy, mặc dù hiện nay mới đi được nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, nhưng Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.

Bà Rana Flowers, quyền điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III và xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện, cũng như các cam kết ứng cử vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 nhằm góp phần thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững(2). Theo bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, những lĩnh vực này được Việt Nam thực hiện rất tốt và đã có những tiến bộ vượt bậc(3).

Ngoài cơ chế UPR, Việt Nam cũng chủ động tham gia tích cực các cơ chế khác của Hội đồng nhân quyền. Thí dụ, tại khóa 32 Hội đồng nhân quyền (tháng 6-2016), Việt Nam cùng Bănglađét và Philíppin đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ). Việt Nam tổ chức các tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự tại Hội đồng nhân quyền. Tại khóa 33 (tháng 9-2016), phối hợp với Mỹ, Ôxtrâylia, Philíppin, Trung Quốc và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, cho đến nay, Việt Nam đã đón nhiều chuyên gia độc lập thuộc cơ chế Thủ tục đặc biệt, như: Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số (tháng 7-2010), Chuyên gia độc lập về đói nghèo cùng cực và nhân quyền (tháng 8-2010), Chuyên gia độc lập về nợ nước ngoài (tháng 3-2011), Báo cáo viên đặc biệt về quyền được hưởng thụ những tiêu chuẩn cao nhất có thể về y tế (tháng 12-2011), Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa (tháng 11-2013), Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng (tháng 7-2014), Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực (năm 2017)... Các chuyến thăm này đã góp phần tăng cường đối thoại, hợp tác và sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Với sự tham gia tích cực và hiệu quả trong Hội đồng nhân quyền, Việt Nam được các nước châu Á bầu chọn vào Nhóm làm việc về tình hình có nhiệm vụ xem xét kháng thư của các nước. Khi thực hiện nhiệm vụ này và tham gia các hoạt động khác của Hội đồng nhân quyền, Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề quyền con người.

Thực tế, Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong nhiều hoạt động của Hội đồng này nhằm tích cực góp phần xây dựng giá trị chung của nhân loại.

Việt Nam được nhóm các nước châu Á bầu chọn vì tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của Việt Nam trong đánh giá về tình hình nhân quyền trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng nhân quyền, nhằm trao đổi với các nước thành viên ASEAN về nội dung các cuộc họp; điều phối lập trường và thay mặt ASEAN phát biểu các đề mục tại Hội đồng này. Sự năng động, tích cực này của Việt Nam được các đối tác trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao. Các nước phương Tây, các nước đang phát triển đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam được đóng vai trò trung gian hòa giải và trong các cuộc thương lượng, ý kiến của Việt Nam thường được các nước tôn trọng, lắng nghe.

Hai là, tham gia, đóng góp trong các cơ chế quốc tế và khu vực

Đến nay, Việt Nam đã tham gia và thực hiện tốt nhiều công ước, cơ chế quốc tế liên quan đến quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, năm 1981), Công ước Quyền trẻ em (CRC, năm 1990) và tích cực thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (năm 1995) vì bình đẳng, hòa bình và phát triển. Việt Nam là thành viên tích cực của các diễn đàn đa phương về phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia (Tiến trình tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tiến trình Bali, Inđônêxia, Tuyên bố chung ASEAN...).

Nước ta đã chủ trì xây dựng nghị quyết của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và quyền con người (năm 2018), kêu gọi các quốc gia áp dụng cách tiếp cận toàn diện, tích hợp và đáp ứng giới, đặc biệt là hỗ trợ khả năng chống chịu và thích ứng của phụ nữ, nhằm giải quyết hiệu quả các tác động và thách thức của biến đổi khí hậu.

Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam chủ trương ủng hộ thúc đẩy đối thoại và hợp tác; sẵn sàng đối thoại, trao đổi, hợp tác với các nước và với các tổ chức Liên hợp quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về các vấn đề nhân quyền. Thông qua việc chủ động, tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và với các quốc gia, Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực vào cả 3 lĩnh vực thuộc mối quan tâm chung của Liên hợp quốc là hòa bình - an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

Thí dụ, trên lĩnh vực hòa bình - an ninh, Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Qua đó, Việt Nam không chỉ đóng góp về tài chính hay bằng ý kiến, mà cả bằng nhân lực vào công việc chung của Liên hợp quốc. Trên lĩnh vực phát triển, tuy trình độ phát triển kinh tế chưa cao so với nhiều nước thành viên Liên hợp quốc, song Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2001-2015 và đang tích cực triển khai, thực hiện Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2030 của Liên hợp quốc. Cả Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đều thừa nhận có rất ít quốc gia đang phát triển có thể vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa quan tâm bảo đảm an sinh xã hội.

Tháng 9-2020, Chính phủ Việt Nam đã đệ trình bản cập nhật cơ chế “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); trong đó cam kết tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tại Hội nghị COP26 (10-2021), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng và phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tháng 3-2022, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW) về chủ đề: “Đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng chương trình và chính sách về giảm thiểu rủi ro thiên tai và môi trường”(4). Mục tiêu này không chỉ hướng đến những kết quả cụ thể trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn mang lại những lợi ích to lớn về bình đẳng giới trong giảm nghèo, an sinh xã hội, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ba là, ý nghĩa, kinh nghiệm khi Việt Nam tham gia Hội đồng nhân quyền và các cơ chế quốc tế, khu vực

Việc tham gia Hội đồng Nhân quyền giúp tăng cường tiếng nói, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích của nước ta và các nước đang phát triển. Qua đó, nước ta không chỉ giành được sự thừa nhận, tôn trọng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, mà còn bác bỏ một cách thuyết phục những luận điệu của các thế lực thù địch, nhất là các tổ chức người Việt phản động lưu vong ở nước ngoài, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đề cao đường lối, chủ trương, chính sách, thành tựu, quyết tâm và cố gắng của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo đảm nhân quyền, trong đó có quyền bình đẳng của phụ nữ khi ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, hỗ trợ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, có thêm kinh nghiệm tham gia các cơ chế đa phương, nhằm thực sự chuyển Việt Nam từ tham dự sang tham gia, từ tham gia sang đóng góp, định hình luật chơi với vấn đề vốn được xem là rất nhạy cảm như nhân quyền. Đây là kết quả quan trọng trong cố gắng triển khai đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Với việc ứng cử của Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan để duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, củng cố hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam sẽ thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời đại chuyển đổi số; tiếp tục đề xuất Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, cùng với các thành viên khác của các nhóm nòng cốt nhằm đẩy mạnh đóng góp cho nỗ lực của Hội đồng nhân quyền trong lĩnh vực quyền được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19; thúc đẩy quyền được làm việc tử tế của phụ nữ để đạt được mục tiêu chung của Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2016-2030 của Liên hợp quốc; thúc đẩy đào tạo, giáo dục về quyền con người cũng là một vị trí ưu tiên của Việt Nam khi tham gia và hợp tác với các nước tại Hội đồng nhân quyền.

Khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, một mặt, Việt Nam phát huy đường lối, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu và các định hướng lớn trong đường lối, chính sách đối ngoại, mặt khác thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên hợp quốc.

Đồng thời, nước ta cũng có thêm điều kiện tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp, nhất là có điều kiện phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp hiệu quả vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế trong việc tiếp cận cơ chế nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc một cách bình đẳng, tổng thể và toàn diện.

Thông qua tham gia, đóng góp vào Hội đồng Nhân quyền và các công ước, cơ chế khác của Liên hợp quốc, Việt Nam đúc kết một số kinh nghiệm quý báu về bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu:

Một là, bảo đảm thực hiện các định hướng mục tiêu chính: Sự công bằng, đặc biệt có thể đảm nhiệm 1/2 vị trí ra quyết định; Lợi ích: phụ nữ nên được chủ động phát huy kinh nghiệm và cách tiếp cận đặc trưng của nữ giới; Vì sự phát triển bền vững: khi ở những vị trí ra quyết định, phụ nữ luôn đưa ra những định hướng đồng thuận, công bằng trong môi trường cạnh tranh để tạo ra sự phát triển ổn định, năng động, bền vững.

Hai là, đa dạng hóa các cơ chế để bảo đảm quyền bình đẳng giới của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu: (a) Cơ chế mang tính nhà nước: các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; (b) Cơ chế mang tính xã hội: Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới. (c) Cơ chế thông qua gia đình và các thiết chế tự quản ở cơ sở: gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới; chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình với phụ nữ, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác...(d) Các thiết chế tự quản ở cơ sở bao gồm các cộng đồng dân cư thôn, bản, làng, ấp, dòng họ... có trách nhiệm bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong quá trình xây dựng hương ước, quy ước, quy chế tự quản; giáo dục, thuyết phục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên cộng đồng, loại bỏ tư tưởng phân biệt đối xử với phụ nữ.

Ba là, hợp tác bình đẳng với các thành viên Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, tăng cường thực hiện phương thức trong đối thoại có đấu tranh để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, nhân quyền; kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia - dân tộc và đấu tranh ngăn chặn một cách hiệu quả các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước thành viên.

Với những đóng góp như vậy, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: Điều quan trọng là lần đầu tiên Việt Nam lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và bao trùm xã hội vào cơ chế “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC). Hành động này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới coi bình đẳng giới như một nội dung xuyên suốt trong NDC của mình(5).

3. Phương hướng của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025

Việt Nam hiện vẫn còn gặp nhiều thách thức, hạn chế trong giải quyết vấn đề bình đẳng giới khi ứng phó với biến đổi khí hậu. Thí dụ, bình đẳng giới chưa phải là vấn đề độc lập trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác thường bị coi là “nhân tố thụ động”, trong khi đó các bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức rõ ràng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, giới và sức khỏe. Do đó, phương hướng đóng góp của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là: Phối hợp với các nước thành viên, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc lồng ghép giới trong chiến lược về biến đổi khí hậu đến năm 2050, chủ yếu trên cơ sở cơ chế NDC phù hợp với mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trực tiếp là thông qua “Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)” theo Quyết định số 888/2022/QĐ-TTg ngày 25-7-2022. Các phương hướng cụ thể gồm:

- Vận dụng cơ sở pháp lý quốc tế về quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu: các quyền bình đẳng của phụ nữ được thể chế trong Hiến pháp năm 2013 là tối thượng; trong văn bản pháp luật nếu chưa có quy định hoặc quy định chưa phù hợp với pháp luật quốc tế thì bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật quốc tế.

- Xác định nội dung vận dụng cơ sở pháp lý quốc tế và thực hiện hợp tác với các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền về quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu gồm: (a) Nhận thức của các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ; (b) Quản lý của Nhà nước với sự cam kết của các cấp lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước; (c) Xây dựng, thực hiện thể chế trên cơ sở cách tiếp cận giới; (d) Bảo đảm nguồn lực thích đáng; (đ) Bảo đảm môi trường chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa có tính đổi mới và cầu thị.

- Thực hiện các giải pháp để thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu: (a) Đẩy mạnh chuyển đổi các chuẩn mực văn hóa - xã hội truyền thống sang hướng bình đẳng giới và bao trùm, chẳng hạn tuyên truyền các hình mẫu của nữ giới và nam giới trong vai trò lãnh đạo, để vừa đóng góp bình đẳng tại nơi làm việc cũng như tại gia đình; thực hiện lồng ghép giới vào các khóa đào tạo, tập huấn cụ thể về bình đẳng giới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương. (b) Quyền tham chính bình đẳng của nữ giới cần được đưa vào tất cả các lĩnh vực, giai đoạn của đường lối, chính sách, chương trình phát triển cùng với việc xúc tiến xây dựng đạo luật thúc đẩy biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu về giới và sức khỏe; đồng thời rà soát ngân sách để bảo đảm nguồn chi ngắn hạn và dài hạn. (c) Xây dựng, thực hiện cơ chế giải trình để bảo đảm thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy thực hiện đại diện của phụ nữ trong công tác lãnh đạo và quản lý; có giải pháp khi hoạt động của cơ chế này chưa hiệu quả. (d) Cần phải xem xét một cách nghiêm túc các chính sách, biện pháp thực hiện trên thực tế Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là về đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm phụ nữ. (d) Cần xây dựng thêm cơ chế về giám sát và đánh giá hiệu quả việc bảo đảm quyền tham chính đầy đủ, thực chất của phụ nữ, không chỉ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. (đ) Phân bổ ngân sách và thực hiện các hoạt động phát triển năng lực và quyền tham chính của phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ và phụ nữ dân tộc thiểu số. 

- Mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm trong nước và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế với các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng như nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022)

Ngày nhận bài: 19-8-2022; Ngày bình duyệt: 25-8-2022; Ngày duyệt đăng: 26-9-2022.

 

(1) Nguyễn Hà: Việt Nam lồng ghép bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, https://laodong.vn, ngày 28-4-2021.

(2) Việt Nam thực hiện minh bạch và nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, https://nhandan.vn, ngày 31-3-2022.

(3) Thu Trang: Đại diện UNDP: Việt Nam đang đi đúng hướng tới đích là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, https://baoquocte.vn, ngày 24-10-2021.

(4) Ngân Anh: Việt Nam dành nhiều ưu tiên về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái trong biến đổi khí hậu, https://nhandan.vn/, ngày 17-3-2022.

(5) Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: Cần có bình đẳng giới ở những vị trí lãnh đạo và ra quyết định, http://hoilhpn.org.vn/, ngày 25-8-2021.

PGS, TS NGUYỄN THANH TUẤN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS ĐỖ BẢO LIÊM

Công an tỉnh Khánh Hòa

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền