Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế)
Thứ ba, 29 Tháng 11 2022 09:57
1745 Lượt xem

Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế)

(LLCT) -  Đảng ta xác định xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trong thời gian qua, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai sâu rộng các nội dung chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức, qua đó đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng đội ngũ trí thức của Tỉnh Thừa Thiên Huế còn những tồn tại, hạn chế đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách nhằm xây dựng chất lượng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.

Lễ tôn vinh các trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 - Ảnh: baothuathienhue.vn
 
1. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đội ngũ trí thức là “lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”(1), là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tuy duy độc lập, sáng tạo, tuyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Tiêu chí cơ bản để xác định đội ngũ trí thức bao gồm: (i) Tiêu chí về trình độ học vấn: những người có trình độ đại học trở lên (hoặc cao đẳng trở lên đối với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật); (ii) Tiêu chí về ngành nghề, lĩnh vực lao động: những người lao động trí óc (chủ yếu), hoạt động trong các ngành, lĩnh vực và các vị trí làm việc khác nhau trong nền kinh tế, có các sản phẩm cụ thể trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, giảng dạy, xây dựng chính sách, v.v...

Do đó, đội ngũ trí thức có những đặc điểm tiêu biểu về trình độ, năng lực, phẩm chất trong xã hội, là những người có khả năng đưa tri thức khoa học vào thực tiễn, góp phần cải tạo và thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã xây dựng, triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng đội ngũ trí thức bảo đảm số lượng và chất lượng trong thời kỳ mới. Tiêu biểu nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa X ngày 6-8-2008 về xây dựng đội ngũ  trí thức trong thời  kỳ đẩy mạng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó xác định: “Ðến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Gắn bó vững chắc giữa Ðảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Ðảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí. Trong những năm trước mắt, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020”(2); xác định nhiệm vụ “Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định”(3).

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện, để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 52-KL/TW của Ban Bí thư ngày 30-5-2019 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tập trung “Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 – 2030”.

Dự thảo chiến lược bước đầu đặt ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt, định hướng cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn tới với 2 mục tiêu tổng quát và 3 nhóm chỉ tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ trí thức, về đóng góp của đội ngũ trí thức và về đầu tư để phát triển đội ngũ trí thức.

Chiến lược cũng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung áp dụng cho tất cả các nhóm trí thức và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng áp dụng cho một số nhóm trí thức đặc thù(4).

Chiến lược đang xây dựng được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong phát triển đội ngũ trí thức trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế kìm hãm sự phát triển đội ngũ trí thức, đồng thời tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi sẵn có, chủ động đối mặt với thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

2. Thực tiễn xây dựng đội ngũ trí thức ở Tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW

Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế triển khai Đề án về “Xây dựng đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trên cơ sở Đề án, Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lần thứ 16 (khoá XIII) xây dựng Chương trình hành động 21-CTr/TU và nhiều đề án khác, như: Đề án về “Xây dựng đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đề án 02-ĐA/TU, ngày 5-9-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vềđào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở nước ngoài; Đề án 03-ĐA/TU, ngày 3-12-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vềđào tạo cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn theo chức danh; Đề án 02-ĐA/TU, ngày 4-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn từ nay đến năm 2025; Kế hoạch 11-KH/TU, ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; v.v.. Bên cạnh đó, để thực hiện Kết luận 90-KL/TW, ngày 4-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Kết luận 52-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 1054-CV/TU, ngày 17-4-2014 về thực hiện Kết luận 90-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 123-KH/TU, ngày 13-8-2019 về thực hiện Kết luận 52-KL/TW của Ban Bí thư. Ngày 13-5-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 17-NQ/TU về “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả quan trọng trong xây dựng đội ngũ trí thức, đó là:

Thứ nhất, đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng, có cơ cấu tương đối hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Số lượng trí thức có học hàm, học vị (tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư) tăng hơn gấp đôi so với năm 2008: năm 2008: có 5 giáo sư và 98 phó giáo sư; có gần 400 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, năm 2020: có 275 giáo sư, phó giáo sự; 1.043 tiến sĩ và có 3.936 thạc sĩ)(5). Đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp vào việc hoạch định chủ trương, cơ chế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Thứ hai, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc tiến cử và sử dụng cán bộ là trí thức, công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý; lấy hiệu quả, chất lượng công việc và sự cống hiến làm thước đo phẩm chất, tài năng của trí thức; chuẩn hóa về trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.

Hiện nay, tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên là 23.949/26.914 người, chiếm tỷ lệ 88,98% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh(6). Tính đến tháng 2-2022 toàn tỉnh đã thực hiện quy hoạch 15.512 lượt cán bộ, trong đó: diện Trung ương quản lý 21 lượt cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 1.616 lượt cán bộ, cán bộ diện Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý 13.875 lượt cán bộ(7).

Thực hiện Thông báo 202-TB/TW, ngày 26-5-2015 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch 49-KH/TU, ngày 25-9-2017 về triển khai thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, phòng và tương đương. Đây là một trong những bước đột phá trong công tác tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương góp phần tạo động lực phấn đấu, phát triển nghề nghiệp của mỗi công chức, viên chức; phát hiện kịp thời và tạo cơ hội cho cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao tham gia vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và của đơn vị.

Hầu hết các cấp ủy đảng, trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm đều quan tâm đến cán bộ có năng lực, trình độ và học hàm, học vị, yêu cầu phải có trình độ từ đại học trở lên(8).

Trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, tỉnh đã ưu tiên đối với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các chuyên ngành mà tỉnh còn thiếu. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức tuyển dụng được 502 sinh viên, bố trí ở các cơ quan hành chính; 2.941 sinh viên vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập(9).

Công tác tuyển dụng, sử dụng trí thức và tăng cường trí thức cho các vùng sâu, vùng xa, tỉnh đã sớm ban hành một số chính sách và tiếp tục duy trì thực hiện, như: “thu hút và sử dụng nhân lực công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm”, “chính sách đưa cán bộ kỹ thuật khuyến nông, đưa bác sĩ về công tác ở các xã 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới”...

Thứ ba, môi trường và điều kiện cho hoạt động của trí thức tiếp tục được hoàn thiện theo hướng khuyến khích, động viên họ tiếp tục cống hiến, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Một số sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế đang được khẩn trương tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu, như: Chỉ dẫn địa lý đối với Dầu tràm Huế, Thanh trà Huế; nhãn hiệu chứng nhận đối với Huế Kinh đô ẩm thực, Bún bò Huế; Nhãn hiệu chứng nhận cho điểm đến du lịch “Hương Xưa làng cổ Phước Tích” và các nhãn hiệu tập thể: Sen Huế, Huế - Kinh đô áo dài…

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 749 văn bằng bảo hộ đã được cấp (690 nhãn hiệu, 48 kiểu dáng, 5 giải pháp hữu ích, 6 sáng chế). Riêng đối với Đại học Huế, từ năm 2012 đến 2022, có 17 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, trong đó có 05 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 3 giấy chứng nhận nhãn hiệu và 1 chứng nhận bản quyền tác giả được cấp văn bằng; có 06 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích và 2 đơn đăng ký nhãn hiệu đã được cấp có thẩm quyền chấp nhận đơn và đăng công báo sở hữu công nghiệp. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, các nhà khoa học thuộc Đại họcHuế đã đăng ký được 12 trình tự gen trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng dữ liệu mở về gen người Việt Nam (GenBank) được cấp mã số, đóng góp vào tài sản trí tuệ chung của thế giới(10).

Thứ tư, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện chủ động trong công tác cán bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, tổ chức chiêu sinh các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III và các cơ sở đào tạo khác tổ chức bảo đảm đúng đối tượng, thành phần theo chỉ tiêu phân bổ (từ năm 2008 đến nay đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia đào tạo về lý luận chính trị cho 14.005 đồng chí, trong đó: đào tạo cao cấp, cử nhân lý luận chính trị cho 2.175 cán bộ, chiếm tỷ lệ 14,98%; trung cấp lý luận chính trị cho 11.830 cán bộ, chiếm tỷ lệ 40,31%). Nhiều cán bộ, công chức đã tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn (đào tạo đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước cho 5.197 cán bộ, trong đó: sau đại học là 3.132 cán bộ, chiếm tỷ lệ 53,8%, đại học là 2.065, chiếm 44,3%), nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học (bồi dưỡng về nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học với 34.933 cán bộ, chiếm  tỷ lệ 41,84%)(11).

Nhằm tăng cường đội ngũ trí thức có trình độ đào tạo cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 02-ĐA/TU, ngày 5-9-2008 về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở nước ngoài, đồng thời tranh thủ nguồn từ các đề án của Trung ương (Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương), đã cử 128 cán bộ lãnh đạo chủ chốt và dự nguồn của tỉnh đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài; đồng thời, triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã dưới 45 tuổi và sinh viên tốt nghiệp đại học(12).

Thứ năm, công tác đánh giá, xét duyệt chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức tiếp tục được đổi mới nhằm bảo đảm sự công bằng, khách quan, tôn vinh những trí thức có những cống hiến thực sự.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức, duy trì và nâng cao chất lượng Giải thưởng Cố đô về khoa học - công nghệ (từ năm 2008 - 2017, tỉnh đã tổ chức và tặng Giải thưởng Cố đô về khoa học - công nghệ cho 20 công trình và cụm công trình), Giải thưởng Cố đô về văn học, nghệ thuật (từ năm 2008 - 2017, tỉnh đã tổ chức và tặng Giải thưởng Cố đô về văn học - nghệ thuật cho 46 tác phẩm), được tổ chức 5 năm một lần để xét tặng cho những công trình, cụm công trình khoa học, tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao và mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ, Hội thi sáng tạo kỹ thuật được tổ chức 2 năm một lần, thu hút, khuyến khích và tôn vinh các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tích cực sáng tạo, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh (từ năm 2008 - 2022, tỉnh đã tổ chức và trao tặng 536 giải).

Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức tôn vinh trí thức khoa học - công nghệ (qua 6 lần tổ chức tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ đã có 86 nhà khoa học tiêu biểu gồm 20 giáo sư, 22 phó giáo sư, 18 tiến sĩ, 12 thạc sĩ và 14 cá nhân là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý, trong đó có 04 giáo sư, 01 thạc sĩ là người nước ngoài)(13).

Đại học Huế quan tâm đề bạt cán bộ quản lý là trí thức trẻ, nữ; ưu tiên tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ có học vị, chức danh cao; Thành lập Quỹ khuyến khích tài năng và tổ chức xét khen thưởng hàng năm cho cán bộ đạt trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư trở lên trước tuổi quy định; bảo vệ luận án tiến sĩ trước kỳ hạn 6 tháng ở trong nước; bảo vệ luận án tiến sĩ đúng kỳ hạn ở nước ngoài; những sinh viên thủ khoa, cán bộ, viên chức có các giải thưởng cao...

Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố Huế đều có chính sách riêng (bố trí nhà công vụ cho những cán bộ ở xa; khen thưởng đột xuất đối với những trí thức có những đóng góp xuất sắc; bố trí ngân sách hằng năm cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ) nhằm thu hút lực lượng trí thức có năng lực đến làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Tỉnh Thừa Thiên Huế còn một số những tồn tại, hạn chế, như:

Một là, việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn ít; hiện tượng chảy máu chất xám còn nhiều, nhất là ở các ngành, lĩnh vực đòi hỏi nhân lực trình độ cao như: y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ… Môi trường làm việc ở một số nơi chưa được bảo đảm, nhất là đối với trí thức khoa học xã hội và văn nghệ sĩ. Tình trạng dịch chuyển trí thức đến công tác ở các tỉnh, thành phố khác vẫn còn xảy ra.

Hai là, công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với tiêu chuẩn chức danh quy hoạch và kế hoạch sử dụng cán bộ. Đào tạo cán bộ chủ yếu chuẩn hóa về mặt lý luận chính trị, chưa chú trọng đúng mức đào tạo chiều sâu về chuyên môn theo yêu cầu, tiêu chuẩn của từng chức danh quy hoạch. Công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về quản lý nhà nước chưa được chú trọng đúng mức. Một bộ phận cán bộ, công chức đi học sau đại học mang tính tự phát, không theo quy hoạch; chuyên ngành đào tạo không phù hợp với ngành học đã được đào tạo ở bậc đại học hoặc không đúng với vị trí công việc đang đảm nhiệm.

Ba là, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật tỉnh cũng như các hội, đơn vị trực thuộc chưa có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức còn hạn chế.

Bốn là, sự phân bố của đội ngũ trí thức theo lĩnh vực hoạt động, nhất là trí thức có trình độ sau đại học chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học xã hội và nhân văn; tập trung ở thành phố Huế, trung tâm thị xã, huyện lỵ; các cơ quan nhà nước, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu trí thức. Số lượng trí thức là người dân tộc thiểu số còn ít.

2. Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đội trí thức ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, tỉnhThừa Thiên Huế cần tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh về số lượng, bảo đảm về chất lượng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong xây dựng đội ngũ trí thức thời gian qua,  trong đó cần quán triệt các nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh là xây dựng, củng cố nền móng của sự phát triển bền vững, là nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong tỉnh, do đó phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ các giải pháp để đạt được các mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ trí thức phải bảo đảm hài hoà giữa số lượng và chất lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động, giá trị đóng góp của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó, vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tăng cường khối đoàn kết liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh phải gắn liền với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, y tế, văn hóa, du lịch; chuyển đổi số.

Thứ tư, xây dựng đồng bộ đội ngũ trí thức tỉnh trong các ngành, lĩnh vực, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đến năm 2025, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm tập hợp, động viên, khuyến khích, khơi dậy tiềm năng, trách nhiệm của đội ngũ đội ngũ trí thức, phát huy nguồn trí tuệ, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Đến năm 2030, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh lớn mạnh, chuyên sâu, từng bước ngang tầm trình độ đội ngũ các thành phố lớn trong nước, khu vực và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của tỉnh; bảo đảm cân đối số lượng, ngành nghề, giới tính, độ tuổi và vùng miền; cân đối khoa học tự nghiên với khoa học xã hội và nhân văn, giữa chính trị - kinh tế và văn hoá - xã hội; giữa ứng dụng và nghiên cứu, sáng tác, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Thứ năm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh; quan tâm giáo dục lý tưởng, niềm tin, tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tinh thần lao động cống hiến, tận tụy, cần cù, trung thực, tinh thần đoàn kết, hợp tác của đội ngũ trí thức tỉnh.

Thực hiện tốt những nội dung trên nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, như: Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu(14); Hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế(15); xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao(16); v.v.. Đặc biệt, thông qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

_________________

Ngày nhận bài: 27-10-2022; Ngày bình duyệt: 10-11-2022; Ngày duyệt đăng: 28-11-2022.

 

(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài “Tổng kết việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ  trí thức trong thời  kỳ đẩy mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”do Vụ Quản lý khoa học là cơ quan chủ trì, năm 2022.

(1) Nguyễn Văn Phong: “Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/vi-tri-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-trong-su-nghiep-xay-dung-bao-ve-to-quoc.html

(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.90, 91.

(4) https://nhandan.vn/gop-y-xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-phat-trien-doi-ngu-tri-thuc-den-nam-2030-post715162.html

(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế: Báo cáo số 235-BC/TU về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 7-10-2022.

(14) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngày 9-8-2021.

(15) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 13-5-2022.

(16) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngày 24-5-2021 

PGS, TS ĐẶNG THỊ ÁNH TUYẾT

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS ĐẶNG VIẾT ĐẠT

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền