Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các địa phương hiện nay (Qua khảo sát các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nam)
Thứ ba, 29 Tháng 11 2022 10:53
1202 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các địa phương hiện nay (Qua khảo sát các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nam)

(LLCT) - Đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, các tỉnh, thành phố đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực... Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các địa phương với các đối tác trong và ngoài nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được mở rộng. Công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài được các địa phương triển khai tích cực với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng của các địa phương tới bạn bè quốc tế. 

 

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: bacninh.gov.vn

Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các địa phương trên cả nước đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại. Nhiều diễn đàn hợp tác song phương, đa phương với các tỉnh, thành và các tổ chức quốc tế, hoạt động hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới được đẩy mạnh. Các địa phương đặc biệt coi trọng phổ biến các chính sách, cơ chế thu hút, các kế hoạch, chương trình hành động nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương mình, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.

1. Thực trạng công tác thông tin đối ngoại của các địa phương

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định thông tin đối ngoại (TTĐN) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng” đã ban hành nhiều văn bản để quản lý và đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại.

Kết luận số 16-KL/TW ngày 14-02-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược phát triểnTTĐN giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 06-8-2012 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 28-02-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về TTĐN giai đoạn 2013-2020. Nghị định số 88/2012/NĐ-CP ngày 23-10-2012 Quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 03/2019/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định việc đăng, phát nội dung TTĐN trên báo chí...

Trên cơ sở quán triệt sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế địa phương, các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường phổ biến, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác TTĐN trong tình hình mới.

Từ năm 2011 đến 2020, mỗi địa phương khảo sát (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam) đã ban hành gần 100 văn bản liên quan tới công tác TTĐN cũng như quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn với các nội dung xây dựng quy chế quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh. Hệ thống văn bản quy phạm về TTĐN được chú trọng hoàn thiện; ban hành kịp thời các kế hoạch, chương trình hoạt động giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Thí dụ như: tỉnh Bắc Ninh đã ban hành:

Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 16-11-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch TTĐN tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 219-QĐ/TU ngày 08-4-2016 của Tỉnh uỷ về việc thành lập Ban chỉ đạo công tác TTĐN tỉnh Bắc Ninh.

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 11-8-2014 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chế quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 15-9-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch TTĐN tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015.

UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 17-8-2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế QLNN về TTĐN trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 332-QĐ/TU ngày 14-6-2012 của Tỉnh uỷ về việc thành lập Ban chỉ đạo công tác TTĐN tỉnh Hà Nam…

Các địa phương đã tổ chức hướng dẫn thực hiện công tác TTĐN cho các sở, ngành và các cấp. Làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách về TTĐN; bồi dưỡng kiến thức về TTĐN, chú trọng đến các đối tượng là cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Triển khai tổ chức các hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế quản lý nhà nước về TTĐN và kế hoạch TTĐN từng giai đoạn.

Tổ chức thông tin bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài để hoạt động của tỉnh được nhiều đối tượng quốc tế tiếp cận. Đài Phát Thanh - Truyền hình các tỉnh duy trì sản xuất và phát sóng 02-03 bản tin tiếng Anh/tuần nhằm quảng bá hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đến bạn bè quốc tế.

Giai đoạn 2011-2020, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện phát sóng 960 bản tin tiếng Anh trên truyền hình; Đài Phát Thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng 860 bản tin; Đài Phát Thanh - Truyền hình Hà Nam phát sóng hơn 700 bản tin tiếng Anh trên truyền hình.

Cổng Thông tin điện tử các tỉnh đã có phiên bản tiếng Anh. Mỗi địa phương có 02 đến 03 bản tin thể hiện 02 nội dung ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt như: Bản tin Kinh tế đối ngoại của Sở Kế hoạch và đầu tư; Bản tin Đối ngoại của Văn phòng UBND tỉnh; Bản tin khu công nghiệp…

Báo địa phương các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam tăng cường tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và biên giới lãnh thổ; duy trì và phát triển nhiều chuyên trang “Quốc phòng - quân sự”, “Trong nước - quốc tế”, chuyên mục “Biển đảo quê hương”… Bình quân mỗi năm có 12-15 chuyên trang “Quốc phòng - quân sự địa phương”. Riêng Báo Bắc Ninh có 20 chuyên trang. Từ năm 2011 đến nay, các báo đã đăng tải khoảng 1.000 lượt tin, bài phản ánh về chủ đề biển đảo. Đài Phát Thanh - Truyền hình các tỉnh duy trì chuyên mục “Truyền hình Hải quân Việt Nam” trên sóng truyền hình có thời lượng 15phút/chương trình.

Đẩy mạnh hợp tác truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, hằng năm, các địa phương ký hợp tác tuyên truyền với các cơ quan báo chí Trung ương (Bắc Ninh gần 40 cơ quan, Hải Dương gần 30 cơ quan, Hà Nam hơn 20 cơ quan) để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát sóng TVC (quảng cáo, truyền hình) giới thiệu tổng thể về thành tựu, điểm mạnh của địa phương thông qua các đối tác truyền thông của khu vực và thế giới.

Tổ chức Triển lãm xúc tiến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khu vực Đồng bằng sông Hồng; Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức kết nối các doanh nghiệp tham gia chương trình cải tiến nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập; ký thỏa thuận hợp tác về việc hợp tác song phương giữa các tỉnh với các đối tác nước ngoài đến từ các quốc gia: Hoa Kỳ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Séc, Bungari, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinhgapo, Malaixia, Thái Lan, Lào…

Giai đoạn từ năm 2011-2020, tại các tỉnh có hàng chục hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức với nội dung phong phú. Thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế này đã giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, nông nghiệp, y tế, giáo dục… Bình quân các tỉnh đã đón tiếp và làm việc với khoảng 600 đoàn khách quốc tế/địa phương, từ các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và các đoàn phóng viên đến từ 20 quốc gia đến tác nghiệp nhằm xây dựng và củng cố mối quan hệ đối tác, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của địa phương.

Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và ngoại ngữ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được quan tâm thực hiện thường xuyên. Bình quân mỗi địa phương đã tổ chức từ 03 đến 04 lớp tập huấn về công tác TTĐN cho khoảng 300 người là đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách về TTĐN tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Các tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động TTĐN. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Bắc Ninh giao kinh phí trên 20 tỷ đồng cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ về công tác TTĐN của tỉnh. Tỉnh Hải Dương và Hà Nam dành kinh phí từ 13 đến 15 tỷ đồng cho công tác đối ngoại của tỉnh. So với các địa phương khác trong cả nước, các tỉnh được khảo sát rất quan tâm, chú trọng hoạt động TTĐN. Nhờ đó, hình ảnh của các địa phương này đã được quảng bá rộng rãi ra thế giới, được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai TTĐN và quản lý hoạt động TTĐN của các địa phương cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là, hoạt động quảng bá hình ảnh địa phương chưa mang tính chiến lược, bài bản và định hướng lâu dài. Công tác triển khai quảng bá hình ảnh địa phương thiếu sự liên kết chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương. Lực lượng làm công tác thông tin, tuyên truyền còn chưa đồng đều, thiếu chuyên nghiệp. Còn chồng chéo giữa các ngành, các cấp, giữa các đề án, kế hoạch. Hoạt động thông tin đối ngoại chưa thường xuyên. Các hoạt động xúc tiến, truyền thông tập trung nhiều vào các phương pháp truyền thống, chưa có chiến lược cụ thể để triển khai các phương tiện truyền thông hiện đại, như truyền thông kỹ thuật số, tiếp thị điện tử (marketing online), các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Youtube, Google Plus, Instagram…

Nguyên nhân là do một số văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể hoặc chậm thay thế, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Một số văn bản chỉ đạo về hoạt động thông tin đối ngoại cũng như quản lý hoạt động này chưa có sự đồng bộ, thống nhất nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Việc phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ; nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác TTĐN còn hạn chế nên việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, địa phương làm công tác TTĐN. Một số sở, ban, ngành, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh (cấp huyện) chưa thường xuyên quan tâm đưa nội dung TTĐN và quản lý hoạt động TTĐN vào các chương trình, kế hoạch trung hạn và hằngng năm; chưa chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho hoạt động TTĐN, chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại dẫn đến việc triển khai các hoạt động còn chậm và thiếu đồng bộ. 

Đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên còn chưa được đào tạo bài bản về công tác TTĐN; kinh nghiệm QLNN về đối ngoại còn hạn chế nên tham mưu đôi lúc còn chưa kịp thời. Kinh phí và phương tiện dành cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại. Chưa thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng tham gia làm công tác thông tin đối ngoại. Số lượng công chức làm công tác đối ngoại theo biên chế được giao chưa bảo đảm các vị trí công việc, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TTĐN các địa phương hiện nay

Để công tác TTĐN, cũng như công tác QLNN về TTĐN ở các địa phương mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các cấp cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đối với hoạt động TTĐN. Tiếp tục quan tâm, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý công tác TTĐN. Chú trọng quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về TTĐN, trọng tâm là các nội dung về TTĐN trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển, Chương trình hành động của Chính phủ về TTĐN. Cụ thể hóa hệ thống luật pháp, các chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng vào thực tiễn địa phương. Xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch phải phù hợp với từng thời kỳ, địa phương và điều kiện hội nhập quốc tế, thể hiện được tính thống nhất trong quản lý hoạt động TTĐN.

Chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về TTĐN; các quy định, chính sách, kế hoạch hoạt động TTĐN các tỉnh và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TTĐN trong giai đoạn hiện nay.

Tăng cường phối hợp giữa các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, giữa các tỉnh trong vùng với các cơ quan Trung ương trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về TTĐN. Đồng thời, xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tạo điều kiện, thu hút phóng viên báo chí nước ngoài đến đưa tin, tuyên truyền cho địa phương. 

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực tham mưu, giúp UBND các tỉnh trong công tác QLNN về thông tin, đối ngoại, chủ trì, phối hợp và chủ động hướng dẫn các cơ quan liên quan và cấp huyện trong việc thực hiện thống nhất, hiệu quả các nhiệm vụ TTĐN theo kế hoạch hằng năm của UBND tỉnh. UBND tỉnh phối hợp với Vụ Thông tin Báo chí, Trung tâm Báo chí nước ngoài - Bộ Ngoại giao hướng dẫn hoạt động và quản lý các đoàn phóng viên của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tại các địa phương. 

Đối với công tác xây dựng và tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành hoạt động TTĐN, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh và các cơ quan tham mưu cần chú trọng xây dựng, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về TTĐN, những định hướng cơ bản và chiến lược lâu dài cho hoạt động TTĐN ở địa phương mình.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch hoạt động TTĐN hằng năm cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tình hình của địa phương. Tham mưu triển khai các văn bản, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch của các bộ, ngành Trung ương về công tác TTĐN cũng như công tác quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh. Tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; kế hoạch gặp mặt các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp; tổng kết các chương trình phối hợp, hợp tác truyền thông với báo chí hàng quý, hằng năm. 

Triển khai thực hiện nghiêm túc và đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07-09-2015 về quản lý hoạt động TTĐN; Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT ngày 19-10-2016 về hướng dẫn quản lý hoạt động TTĐN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 09-02-2017quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡngnâng cao năng lực đội ngũ làm công tác quản lý hoạt động TTĐN. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác TTĐN. Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát, kiện toàn và phân công 01 lãnh đạo phụ trách chỉ đạo công tác TTĐN, cử cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác TTĐN tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. 

Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ tham mưu công tác TTĐN. Tăng cường, quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác TTĐN; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TTĐN, cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế, ngoại ngữ và quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đối với cán bộ quản lý các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các vấn đề mà dư luận quan tâm, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội. Quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, các nhà nghiên cứu... trong công tác TTĐN. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trong và ngoài nước tác nghiệp trong các chương trình, sự kiện chính trị - đối ngoại lớn của đất nước và của địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm TTĐN, góp phần quảng bá hình ảnh đến với bạn bè quốc tế. 

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức và phương thức quản lý TTĐN. Cần chú trọng tăng cường giới thiệu, quảng bá về truyền thống lịch sử, văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, các chính sách thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế, tiềm năng và thế mạnh, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tuyên truyền về kết quả công tác phòng chống dịch bệnh... của địa phương đến với cả nước, cũng như các nước trên thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các sự kiện trọng đại, các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật của Việt Nam cũng như của địa phương; mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam, các địa phương với các nước láng giềng và các địa phương cả nước.

Phối hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và TTĐN; bảo đảm duy trì thông tin thường xuyên, hiệu quả tình hình của các nước trên thế giới đến nhân dân trong tỉnh. Tăng cường nắm bắt tình hình, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trong vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền…

Nâng cao hiệu quả triển khai, tổ chức các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch… cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, đoàn ra, đoàn vào; trao đổi, làm việc các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm tăng cường công tác giới thiệu và quảng bá, TTĐN của địa phương theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. 

Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tới đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về các chính sách, pháp luật, tình hình kinh tế - xã hội đất nước cũng như của tỉnh,kêu gọi đồng bào hướng về quê hương.

Chú trọng quảng bá các di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương, các di sản đã được UNESCO công nhận, di sản cấp quốc gia, cấp tỉnh. Phối hợp triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa ở nước ngoài; quan tâm các hoạt động giao lưu văn hóa cho cộng đồng người nước ngoài ở các tỉnh. Lồng ghép ngoại giao văn hóa với các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, văn hóa cũng như đối ngoại nhân dân nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của các tỉnh tới bạn bè quốc tế. Tăng cường mối quan hệ, quảng bá, thu hút sự tham gia hợp tác, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, trao đổi nghiên cứu khoa học... Khai thác những nét văn hóa độc đáo của các địa phương để tăng hiệu quả tuyên truyền, từ đó làm phong phú thêm mối quan hệ hợp tác hữu nghị với bạn bè quốc tế. 

Đối với việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đất nước nói chung, của các tỉnh nói riêng, nhiệm vụ của TTĐN trong thời kỳ mới được xác định là tập trung xây dựng hình ảnh Việt Nam trên thế giới - một đất nước hòa bình, hữu nghị, năng động, đổi mới mạnh mẽ, tích cực hội nhập quốc tế và đầy tiềm năng phát triển, một đối tác tin cậy trong mọi phương diện. Theo đó, nội dung TTĐN của các tỉnh cần được đổi mới; xác định cụ thể cho từng khu vực, từng địa bàn và từng đối tượng, tùy theo mối quan hệ với các đối tác theo từng giai đoạn.

Về hình thức, cần tích cực đổi mới công tác tuyên truyền TTĐN bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như hội nghị giao ban, họp báo, hội nghị thông tin báo chí, thông tin về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; các sự kiện thời sự chính trị quan trọng của tỉnh, các vấn đề được dư luận quan tâm... Đa dạng hóa các hình thức thông tin, xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch và chiến dịch quảng bá hình ảnh của địa phương; phổ biến, hướng dẫn chính sách, pháp luật tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện các chuyên trang, chuyên mục trên các kênh truyền thông địa phương, tăng cường số lượng, tính cập nhật của các tuyến bài viết, phóng sự, hình ảnh về TTĐN...

Xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền dài hạn ở trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về đối ngoại. Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong công tác TTĐN nhằm quảng bá có hiệu quả hình ảnh Việt Nam ra thế giới. 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về TTĐN bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTĐN. Ưu tiên cơ sở dữ liệu về hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp; tăng cường thông tin thị trường gắn với xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng của địa phương.

Tăng cường chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện tốt các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác TTĐN trong tình hình mới, gắn với việc triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; thường xuyên theo dõi, kiểm tra,đôn đốc việc thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của tỉnh, Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển TTĐN của các địa phương giai đoạn 2020-2025.

Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác TTĐN; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu nổi bật, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác với các nước, thông qua các hoạt động ngoại giao của tỉnh, giao lưu văn hóa, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; phát hành các ấn phẩm song ngữ nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; duy trì việc tổ chức gặp mặt kiều bào, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo nhân dịp Tết cổ truyền hằng năm.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác TTĐN; tăng cường phối hợp chỉ đao, QLNN về hoạt động báo chí, xuất bản; chủ động phát hiện, ngăn chặn, phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin báo chí phản ánh chưa đúng về địa phương theo Luật Báo chí. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác TTĐN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ tham mưu công tác này.

Bốn là, thu hút nguồn lực đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TTĐN. Các địa phương cần tăng cường đầu tư ngân sách để đổi mới hoạt động và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên trách có đủ nguồn lực thực hiện tốt công tác TTĐN. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, cũng như nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ TTĐN đủ khả năng và bản lĩnh phục vụ các chương trình, các hoạt động về TTĐN cả ở trong nước và ngoài nước. 

Cần tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa công tác TTĐN, huy động nguồn lực cho công tác này. Xây dựng chính sách xã hội hóa hoạt động TTĐN, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia hoạt động TTĐN. Hỗ trợ việc xuất bản và phát hành các ấn phẩm về TTĐN phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.

Năm là, tăng cường kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng trong QLNN đối với hoạt động TTĐN. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc thực hiện các quy chế, nhiệm vụ về TTĐN, kịp thời chấn chỉnh, xử lý việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước của các tổ chức và cá nhân; rà soát, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, truyền thông, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý những vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm trong hoạt động thông tin báo chí trên địa bàn khi có sai phạm. 

Các sở thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng QLNN về báo chí trên địa bàn; tăng cường theo dõi, rà soát, xử lý thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, phối hợp rà soát và kiểm tra chặt chẽ hoạt động xuất bản, phát hành tài liệu, ấn phẩm có nội dung tuyên truyền về các hoạt động TTĐN.

Sáu là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, tham mưu về TTĐN. Để công tác TTĐN cũng như công tác quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, thực hiện quản lý hoạt động TTĐN cần không ngừng nâng cao năng lực phân tích, dự báo, tổng kết, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước và của tỉnh.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế, có vận dụng vào Việt Nam và địa phương mình, từ đó có những đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập, xu hướng hợp tác phát triển, làm căn cứ xây dựng các kịch bản và phương án định hướng thông tin tuyên truyền ở từng cấp độ, xây dựng kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi có vụ việc phức tạp xảy ra, đồng thời đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển.

                                                                                   NGUYỄN HÀ TRANG

Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Ninh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền