Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học viên các trường kỹ thuật quân sự hiện nay
Thứ năm, 12 Tháng 12 2013 15:29
4524 Lượt xem

Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học viên các trường kỹ thuật quân sự hiện nay

(LLCT) - Xây dựng quân đội về chính trị là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong quá trình xây dựng quân đội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng về chính trị, coi đó là gốc, là cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt. Hồ Chí Minh chỉ rõ phương châm xây dựng quân đội là “chính trị trọng hơn quân sự”.

 

Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, bên cạnh sự tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường đến xây dựng quân đội; các thế lực thù địch ráo riết thực hiện “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, việc xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở để xây dựng quân đội về mọi mặt, phải đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng (CTTT) cho bộ đội, nâng cao trình độ chính trị là nhân tố quyết định đến sức mạnh chiến đấu, đảm bảo cho quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm,…”[1]. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các học viện, nhà trường quân đội là cùng với trang bị kiến thức chuyên môn phải tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học viên, xây dựng người cán bộ quân đội giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa là những chiến sĩ cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tâm tận lực phục vụ quân đội, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Với tính chất đa dạng, phong phú của các ngành nghề kỹ thuật và chủng loại vũ khí, trang bị quân sự cũng như yêu cầu đào tạo mang tính chất đặc thù quân sự, kết hợp đào tạo học vấn với đào tạo chức danh nên tính chất, phạm vi, quy mô đào tạo của các trường kỹ thuật quân sự (KTQS) hết sức đa dạng. Các trường KTQS, gồm: Học viện KTQS, Học viện Phòng không - Không quân, Đại học Trần Đại Nghĩa,... thuộc hệ thống học viện, nhà trường quân đội, có nhiệm vụ đào tạo người cán bộ khoa học kỹ thuật cho quân đội.

Học viên các trường KTQS là những người trẻ tuổi, có sức khỏe, ham hiểu biết và nắm bắt cái mới. Nhưng do chưa được rèn luyện nhiều trong môi trường thực tiễn. Do đó, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của họ.

1. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học viên các trường kỹ thuật quân sự hiện nay

Trong những năm qua, trước yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các trường KTQS thường xuyên tiến hành công tác giáo dục CTTT. Việc giáo dục CTTT được tiến hành theo hai con đường: Hoạt động giáo dục khoa học xã hội và nhân văn theo chương trình đào tạo và hoạt động giáo dục chính trị tại đơn vị.

Nội dung giáo dục gồm: lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở để học viên quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, củng cố vững chắc niềm tin, lý tưởng và động cơ, thái độ học tập; đường lối chính trị, quân sự của Đảng; lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội, đơn vị; đạo đức, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội; những vấn đề về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, về tình hình trong nước và quốc tế.

Các hình thức giáo dục gồm: Học tập chính trị, là hình thức giáo dục CTTT giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt quan trọng, nó trang bị kiến thức cơ bản cho việc hình thành, phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng. Sinh hoạt chính trị - tư tưởng, là hình thức tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, tình hình trong nước và thế giới, nhiệm vụ của quân đội và đơn vị. Thông báo chính trị - thời sự, là hình thức được duy trì sau lễ chào cờ hàng tháng. Đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, là một chế độ trong ngày. Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, là chế độ sinh hoạt dân chủ ở đơn vị cơ sở, được tiến hành vào thứ Năm của tuần cuối tháng. Sinh hoạt Đoàn Thanh niên, các hoạt động của đơn vị, hoạt động văn hóa văn nghệ và các thiết chế văn hóa, được tổ chức phù hợp.

Thực tế cho thấy, nhìn chung, đảng ủy, cơ quan chính trị các trường KTQS đã nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác CTTT đối với học viên và xác định đúng đắn phương hướng, nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục CTTT. Cấp ủy đảng, cán bộ chính trị, người chỉ huy ở đơn vị quản lý học viên luôn khẳng định được vai trò lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác giáo dục CTTT đối với học viên

Bên cạnh đó, công tác giáo dục CTTT cũng còn những hạn chế, đó là: Năng lực tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện của một số cán bộ cơ quan chính trị còn yếu, thiếu sâu sát cơ sở. Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục CTTT cho học viên chậm đổi mới, còn nhiều điểm chưa phù hợp, thiếu tính thuyết phục so với sự vận động, phát triển của thực tiễn; điều kiện bảo đảm cho công tác CTTT còn khó khăn. Số lượng, chất lượng cán bộ chính trị ở đơn vị quản lý học viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết các nhà trường bố trí không đủ cán bộ chính trị ở các đơn vị quản lý học viên so với biên chế qui định. Cấp tiểu đoàn không được biên chế chính trị viên phó, cấp đại đội có đơn vị không bố trí chính trị viên mà đại đội trưởng kiêm nhiệm chức danh chính trị viên. Việc bố trí không đủ cán bộ chính trị ở các đơn vị quản lý học viên dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác.

Chất lượng chính trị của học viên các trường KTQS được tăng cường. Học viện tham gia đầy đủ, nghiêm túc và hoàn thành tốt các chương trình giáo dục chính trị. Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị đối với học viên Học viện PKKQ hàng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó thường xuyên có trên 95% đạt khá, giỏi. Qua khảo sát tại các trường KTQS, có 64% học viên hứng thú khi tham gia sinh hoạt, học tập chính trị. Đại đa số học viên xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ trong học tập, có thái độ và động cơ học tập nghiêm túc, đúng đắn, kết quả học tập cao. Qua khảo sát cho thấy có 40% học viên rất phấn khởi, tự hào được học tập tại nhà trường; 49,3% học viên rất gắn bó với nhà trường và 81,7% yên tâm với nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Đại đa số học viên các trường có sự trưởng thành về thế giới quan, niềm tin khoa học; có nhận thức đúng đắn về các hiện tượng của đời sống xã hội; có động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, kết quả học tập cao. Luôn xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của người học viên, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tuyệt đại đa số học viên có đạo đức trong sáng, lành mạnh, thương yêu đồng chí, đồng đội, biết chia sẻ với cộng đồng. Kết quả khảo sát tại Học viện KTQS, 83% học viên cho rằng phải có tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong học tập và cuộc sống; 22% có thái độ kiên quyết đấu tranh, phê phán hiện tượng tiêu cực trong đơn vị và 55% trả lời phải góp ý, động viên khắc phục với những học viên có biểu hiện vi phạm đạo đức. 100% học viên các trường tự nguyện đăng ký thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; cam kết không tham gia tệ nạn xã hội, tích cực phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tham gia tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma tuý.

Học viên luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện như “Tiếp sức mùa thi”, “Tiếp sức đến trường”, "Ánh sáng văn hóa hè”, “Phổ cập Tin học và Internet”, “Chung sức cùng cộng đồng”,...

Bên cạnh đó, còn một bộ phận học viên có tinh thần, thái độ học tập thiếu nghiêm túc, có tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” và biểu hiện “thỏa mãn dừng lại”; kết quả học tập thấp

2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị hiện nay

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và phát huy vai trò của các lực lượng trong nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học viên.

Đảng ủy các trường cần tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục CTTT, có biện pháp lãnh đạo cụ thể, thường xuyên; động viên, khuyến khích các cách làm mới, sáng tạo trong công tác quản lý học viên; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí để các đơn vị học viên có điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục học viên. Chú trọng công tác cán bộ, nhất là bổ sung đủ cán bộ chính trị ở các đơn vị quản lý học viên; đồng thời quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác và những đặc điểm đặc thù của môi trường kỹ thuật, đặc điểm học viên cho đội ngũ cán bộ chính trị. Có cơ chế chính sách thích hợp đối với đội ngũ cán bộ quản lý học viên nhằm khích lệ, động viên họ yên tâm với nhiệm vụ. Vì trong các nhà trường, đội ngũ cán bộ học viên được xem là những cán bộ có điều kiện làm việc khó khăn, vất vả hơn các loại hình cán bộ khác.

Phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo của cơ quan chính trị. Cơ quan chính trị phải bám sát hướng dẫn của cấp trên và đặc điểm của nhà trường để có những tham mưu đúng, trúng, hiệu quả, và không gây khó khăn cho các đơn vị quản lý học viên trong công tác giáo dục CTTT.

Các tổ chức đảng, chính trị viên và người chỉ huy đơn vị quản lý học viên cần phát huy vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác CTTT. Cấp ủy đảng cần nắm chắc tình hình đơn vị, tình hình học viên để có những chủ trương, giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội và nâng cao chất lượng công tác giáo dục CTTT đối với học viên.

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong các đơn vị quản lý học viên đối với việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục CTTT. Hiện nay, 100% học viên các trường KTQS là đoàn viên, việc phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong nâng cao chất lượng công tác giáo dục CTTT là quan trọng và cần thiết. Tổ chức đoàn cần định hướng nâng cao giác ngộ chính trị cho đoàn viên và xác định đó là một tiêu chí trong đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức đoàn. Phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thực hiện sáng tạo, hiệu quả hoạt động giáo dục chính trị tại đơn vị.

Hai là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị quản lý học viên

Bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ quản lý học viên nói chung, năng lực giáo dục CTTT của đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị quản lý học viên nói riêng luôn có vai trò hết sức to lớn, là một nhân tố, một khâu có ý nghĩa quyết định để đội ngũ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao. Tình hình nhiệm vụ và thực tiễn công tác giáo dục CTTT luôn vận động và phát triển. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị quản lý học viên cũng thường biến động về số lượng và chất lượng. Do vậy, phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ này. Từ thực tiễn hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chính trị đơn vị quản lý học viên trong những năm qua cũng như dự báo sự phát triển của tình hình trong thời gian tới cho thấy cần tăng cường bồi dưỡng những nội dung: tri thức lý luận chính trị; tri thức khoa học kỹ thuật, quân sự; tri thức kinh nghiệm; tri thức khoa học xã hội và tự nhiên khác; trang bị cho đội ngũ này vốn tri thức phong phú và kinh nghiệm công tác giáo dục CTTT trong lịch sử chiến đấu và xây dựng quân đội thời bình,...

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học viên. Nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục thường xuyên được đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc điểm của đối tượng giáo dục sẽ lôi cuốn, thu hút sự quan tâm của đối tượng, và từ đó chất lượng giáo dục sẽ đảm bảo và nâng cao.

Về chương trình, nội dung, cần hướng vào việc bồi dưỡng thế giới quan cách mạng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, lòng yêu nước, lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, đạo đức, lối sống, trách nhiệm công dân, trách nhiệm quân nhân. Đồng thời hướng mạnh vào việc vận dụng lý luận vào giải quyết nhận thức tư tưởng, hướng dẫn hành động, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Chương trình nội dung giáo dục bảo đảm hài hòa khối lượng kiến thức tổng hợp để nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tính tổ chức, kỷ luật cho học viên. Từ đó tạo ra khả năng “tự đề kháng” trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù.

Quan tâm giáo dục lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội, của các nhà trường và truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” để không ngừng khơi dậy niềm tin, lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm đối với quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước cho mỗi học viên. Trang bị cho học viên những nội dung cơ bản về nghệ thuật đánh giặc giữ nước của ông cha ta, về nghệ thuật quân sự Việt Nam; về tư tưởng, nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh nổi tiếng như: Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, …

Về hình thức, phương pháp,cần quán triệt, thống nhất vấn đề có tính nguyên tắc: đổi mới là sự kế thừa, phát triển trên cơ sở nhận thức và thái độ khoa học, với những bước đi thích hợp. Do đó, trước hết phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các qui định về hình thức giáo dục chính trị đã quy định trong Quy chế giáo dục chính trị tại đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ban hành năm 2006 và Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới, ban hành năm 2013. Hướng đổi mới hình thức giáo dục CTTT đối với học viên các trường KTQS là sáng tạo, linh hoạt, đa dạng trong tổ chức thực hiện các hình thức đó trên cơ sở phù hợp với đặc điểm đối tượng học viên và tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của các trường KTQS trong tình hình mới. Xuất phát từ thực tiễn những hạn chế, bất cập trong hình thức, phương pháp giáo dục CTTT đối với học viên các trường KTQS hiện nay, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ một số nội dung sau:

- Cần lồng ghép các nội dung giáo dục CTTT trong các hoạt động phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của quân đội và đơn vị, thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm phát huy tính hiệu quả của giáo dục CTTT, làm cho việc giáo dục luôn sâu, rộng và việc tiếp thu của học viên trở thành tự giác hơn. Đảm bảo tính chính trị là sợi chỉ xuyên suốt trong tổ chức các hoạt động ở đơn vị học viên và thông qua đó để bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm chính trị.

- Đẩy mạnh các hoạt động diễn đàn, thi tìm hiểu, hội thi, hội thao, sân khấu hóa nội dung giáo dục CTTT và các hoạt động xung kích của tổ chức Đoàn Thanh niên như: thanh niên tình nguyện, hiến máu nhân đạo,...

Bốn là, phát huy ý thức tự học, tự rèn của học viên. Tự học tập, rèn luyện có vai trò đặc biệt quan trọng, là công việc mang tính quy luật trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Đó là toàn bộ những cố gắng, nỗ lực của họ nhằm cải tạo bản thân, hoàn thiện những phẩm chất nhân cách người chiến sĩ.

Hiện nay, tự học tập và rèn luyện của học viên có nội dung rất phong phú, trước hết cần chú trọng nâng cao sự hiểu biết về những vấn đề cơ bản của đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước, những vấn đề kinh tế, chính trị quân sự, học tập về lịch sử văn hoá, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội và đơn vị, tập nâng cao kiến thức về cuộc sống, giao tiếp, ứng xử; kiến thức về văn hoá, nâng cao sự hiểu biết về kẻ thù và đối tượng tác chiến của quân đội ta và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mà mình đảm nhiệm.

Rèn luyện là hoạt động có vai trò to lớn nhằm chuyển kiến thức thành hành động cách mạng trong con người và tập thể quân nhân. Cần hướng học viên vào rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi hoàn cảnh, năng lực đấu tranh chống lại mọi hiện tượng tiêu cực, sai trái; rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật tự giác, kỹ năng hoạt động, sự thành thạo trong sử dụng vũ khí trang bị, sức khoẻ bền bỉ và dẻo dai để bảo đảm cho yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu...


[1]Nghị quyết số 769/QUTW

 

 Đỗ Ngọc Thanh

                                                                  Học viện Kỹ thuật quân sự

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền