Trang chủ    Thực tiễn    Đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp
Thứ ba, 13 Tháng 12 2022 11:23
8896 Lượt xem

Đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp

(LLCT) - Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh vấn đề lợi nhuận, doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố đạo đức kinh doanh và xây dựng thương hiệu. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu thông qua xây dựng đạo đức kinh doanh.

Tôn vinh chất lượng sản phẩm Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Gulfood Dubai 2022 - Ảnh: moit.gov.vn

1. Sau hơn 35 năm kể từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), tiến trình đổi mới toàn diện đất nước ngày càng đi vào chiều sâu. Trước những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, Đảng ta rất coi trọng phát triển tư duy lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, đồng thời học hỏi, tham khảo kinh nghiệm thế giới. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ngày càng xác định rõ hơn mô hình kinh tế tổng quát, mục tiêu chung, cùng hệ thống các chủ trương và quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo việc giải quyết hàng loạt mối quan hệ cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển bền vững đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết hài hòa và hợp lý các mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định. Trong đó, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là một trong những mối quan hệ cơ bản, phản ánh trình độ và chất lượng của sự phát triển bền vững đất nước.

Cương lĩnh nêu rõ: “Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(1). Quan điểm này tiếp tục được Đại hội XII xác định là một trong chín mối quan hệ lớn cần giải quyết và cụ thể một bước: “Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân”(2).

Đến Đại hội XIII, Đảng đã xác định văn hóa trở thành một đột phá chiến lược: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(3).

Như vậy, Đảng ta nhất quán khẳng định quan điểm tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt và đồng bộ với phát triển văn hóa; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quan điểm đó vừa là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, là sự tiếp thu các thành tựu của nhân loại, đồng thời xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Vì vậy, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, trong đó có mối quan hệ giữa phát triển doanh nghiệp và xây dựng đạo đức kinh doanh hiện nay là vấn đề cấp bách, vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, hướng tới con người và vì con người.

2. Đạo đức kinh doanh thực chất đã được bàn đến từ khá lâu, dưới nhiều góc độ khác nhau. Dù chưa sử dụng khái niệm “đạo đức kinh doanh”, song các quy tắc, chuẩn mực, trách nhiệm đạo đức trong hoạt động kinh doanh đã được hình thành cùng với lịch sử văn minh của nhân loại.

Đạo đức kinh doanh là một loại đạo đức nghề nghiệp, tuy nhiên, vì gắn với yếu tố kinh doanh, lợi nhuận nên đạo đức kinh doanh có những đặc thù riêng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan điểm về vấn đề đạo đức kinh doanh.

Phillip V. Lewis cho rằng: “Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực (của một tổ chức) trong những trường hợp nhất định”(4).

Ferrels và John Fraedrich định nghĩa: “Đạo đức kinh doanh bao gồm những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi trong thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, việc đánh giá một hành vi cụ thể là đúng hay sai, phù hợp với đạo đức hay không sẽ được quyết định bởi nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, các nhóm có quyền lợi liên quan, hệ thống pháp lý cũng như cộng đồng”(5).

Như vậy, đạo đức kinh doanh không chỉ thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với xã hội mà còn thể hiện triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp, cũng như một cách thức để doanh nghiệp xây dựng nên thương hiệu của mình.

Kinh doanh có đạo đức có nguồn gốc sâu xa. Trong cuốn Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, Max Weber đã nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa đức tin đối với hoạt động chung của con người, trong đó có hoạt động kinh doanh. Theo ông, sự hình thành của CNTB gắn liền với nền tảng đạo đức đề cao giá trị, cống hiến của người kinh doanh. Niềm tin rằng sự tận tâm cho công việc, có trách nhiệm với xã hội sẽ giúp người kinh doanh được Chúa chứng giám và sẽ được lên Thiên đàng chính là động lực về đạo đức cho các hoạt động kinh doanh hướng thiện. Nhiều tỷ phú trên thế giới, sau khi kinh doanh thành công, đã dành nhiều tài sản để làm từ thiện, tạo điều kiện cho những người ít may mắn hơn họ.

Thực tế cho thấy, đạo đức kinh doanh của các doanh nhân có tác động tích cực đối với việc hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, quốc gia nói chung. Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, các doanh nghiệp hình thành được văn hóa tốt, có đạo đức kinh doanh sẽ tạo nền tảng vững chắc để vượt qua khó khăn, đồng thời gây dựng được thương hiệu. Sự giúp đỡ người nghèo, những người đang ở tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp, hy sinh vì lợi ích quốc gia của các doanh nghiệp đã để lại ấn tượng tốt, từ đó trở thành cơ sở để xây dựng thương hiệu cho chính các doanh nghiệp.

Công ty TNHH Metran hỗ trợ máy thở phục vụ công tác chống dịch, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ các sản phẩm sữa cho các bệnh viện, Công ty Vũ Trụ Xanh sáng chế ra ATM gạo, Công ty ABC Bakery sản xuất bánh mỳ thanh long để giải cứu nông sản... chính là những ví dụ cụ thể, gần gũi, minh chứng cho sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua. Ngược lại, những trường hợp sai phạm của Công ty Việt Á hay các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) là bài học cảnh tỉnh về việc lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền, đi ngược với đạo đức kinh doanh sẽ hủy hoại uy tín của các cá nhân, doanh nghiệp như thế nào.

Hiện nay, thương hiệu của doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, là tài sản vô hình có giá trị lớn, bảo đảm cho thành công của doanh nghiệp. Thương hiệu mang lại nhiều lợi ích như: khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng và sâu rộng hơn; tạo cơ hội thống lĩnh thị trường cho các thương hiệu mạnh. Hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng có thể bán giá cao hơn so với các hàng hóa tương tự nhưng mang thương hiệu nhỏ. Ngoài ra, thương hiệu mạnh sẽ giúp tăng doanh số bán hàng nhờ tác dụng tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm của người tiêu dùng.

Thương hiệu nổi tiếng không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh và cung cấp dịch vụ, mà còn tạo điều kiện thu vốn hút đầu tư và gia tăng các quan hệ hợp tác. Khi đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư sẽ không còn e ngại khi đầu tư vào doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp. Những ví dụ gần đây về việc thu hồi sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 cho thấy, doanh nghiệp sẵn sàng thu hồi những sản phẩm lỗi, đền bù và xin lỗi khách hàng. Đó chính là cách doanh nghiệp vừa giữ gìn thương hiệu vừa thể hiện trách nhiệm xã hội.

Đạo đức kinh doanh cần cho thương hiệu, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp luôn tìm cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Nhiều thí dụ cho thấy, các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, xã hội, cam kết bảo vệ môi trường hay hỗ trợ tài chính cho các chương trình nhân đạo nhằm mục đích xây dựng thương hiệu. Thí dụ như, Công ty Vinamilk gây quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, Tập đoàn Viettel tài trợ chương trình Trái tim cho em, Vin Group thành lập Quỹ Thiện tâm,... Đây là những hành động vừa hướng tới cộng đồng, thể hiện đạo đức kinh doanh, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu.

“Đạo đức là một yếu tố vô hình nhưng lại có hậu quả cụ thể...”, “lợi nhuận và đạo đức cùng song hành với nhau, đạo đức kinh doanh là một lợi thế cạnh tranh”(6). Việc thực hiện đạo đức kinh doanh nhằm bảo đảm lợi ích của khách hàng, doanh nghiệp và xã hội, do đó, xây dựng đạo đức kinh doanh cũng là một cách để xây dựng thương hiệu.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đi theo quy luật của các doanh nghiệp trên thế giới. Bên cạnh cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu để dần bắt kịp xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp.

Năm 2016, Brand Finance, một tổ chức đánh giá về thương hiệu, đã xếp Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam với tổng giá trị thương hiệu được định giá khoảng 1,01 tỷ USD. Tiếp theo là Viettel Telecom với giá trị thương hiệu ước tính khoảng 973 triệu USD. PVN đứng thứ 3 với giá trị thương hiệu 564 triệu USD. Hoạt động đánh giá này sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam ý thức hơn nữa về việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu của chính mình.

Với doanh nghiệp, lợi nhuận là mục đích quan trọng. Tuy vậy, theo đuổi lợi nhuận trong kinh doanh không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bỏ qua các chuẩn mực, giá trị, nguyên tắc hoạt động và chất lượng sống của cộng đồng. Chỉ khi doanh nghiệp tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng, tuân theo những chuẩn mực của xã hội, từ đó hình thành nên thương hiệu - danh tiếng của mình, thì việc kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả. Nhiều ví dụ cho thấy, khi doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp những hậu quả về mặt đạo đức đối với cộng đồng thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới phá sản. Vì vậy, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp phải xác định đạo đức kinh doanh là nền tảng giá trị, là phần không thể tách rời các hoạt động của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển bền vững, đạo đức kinh doanh phải thực sự được áp dụng trong mọi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác, khách hàng và toàn xã hội.

3. Ở Việt Nam, nhận thức về thực hiện đạo đức kinh doanh trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, từ đó dẫn đến việc vi phạm đạo đức kinh doanh ở những mức độ khác nhau. Để xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần xác lập đạo đức kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong đó chú trọng các vấn đề sau:

Thứ nhất, đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong triết lý kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có những đặc trưng riêng, do đó có các triết lý kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh cần có nguyên tắc chung, đó là sự tôn trọng các giá trị đạo đức trong kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu cần thấm nhuần các nguyên tắc này, từ đó trở thành động lực dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện.

Thứ hai, doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc đạo đức thống nhất để cụ thể hóa những vấn đề thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần nêu rõ những yêu cầu thực hiện đạo đức của doanh nghiệp; cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền, nhân viên và cộng đồng; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm mà nhân viên phải thực hiện đối với đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng; và các phương án giải quyết các vướng mắc liên quan đến đạo đức trong doanh nghiệp.

Thứ ba, triển khai thực hiện bộ quy tắc đạo đức trong doanh nghiệp, tổ chức các buổi tập huấn, huấn luyện để hướng dẫn nhân viên xử lý vấn đề, không lúng túng khi gặp sự cố phát sinh. Doanh nghiệp có thể thành lập riêng một bộ phận về vấn đề bộ quy tắc đạo đức hoặc giao nhân viên chuyên trách để xử lý các nội dung liên quan.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Như vậy, Chính phủ đã xác định doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trong thế giới ngày càng hội nhập và cạnh tranh, đạo đức kinh doanh trở thành yếu tố tạo ra sự khác biệt, ghi dấu ấn của một doanh nghiệp đối với cộng đồng, khách hàng. Đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp có sự gắn bó hữu cơ, bổ trợ lẫn nhau. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận thức rõ ràng về mối quan hệ gắn bó hữu cơ này để xây dựng văn hóa kinh doanh, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Sự phát triển doanh nghiệp nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng là điều kiện tiền đề căn bản để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

Ngày nhận bài: 14-10-2022; Ngày bình duyệt: 17-10-2022; Ngày duyệt đăng: 26-10-2022.

 

(1) ĐCSVN:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.73.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.271.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.221-222.

(4), (5) Viện Triết học Việt Nam và Viện Triết học Trung Quốc: Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Đạo đức trong kinh doanh”, Hà Nội, tháng 12-2012, tr.108, 108.

(6) Trịnh Duy Huy: Về vai trò của đạo đức kinh doanh và việc xây dựng đạo đức kinh doanh ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, số 2 (120), tháng 4-2001, tr.42-45.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Thị Kim Hoa: Xây dựng đạo đức kinh doanh - Cơ sở cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Tạp chí Triết học, số 10 (221), tháng 10-2009, tr.80-84.

2. Đỗ Thị Phi Hoài: Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2009.

3. Nguyễn Thị Lan Hương: Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Nhìn từ phương diện lý luận, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 8-2013, tr.20-26.

4. Nguyễn Phương Lan: Văn hóa đạo đức trong kinh doanh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 340-2012, tr.3-6.

5. Dương Thị Liễu: Văn hóa kinh doanh và một số giải pháp xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, Tạp chí Triết học, số 6 (169), tháng 6-2005, tr.54-59.

6. Dương Thị Liễu: Văn hóa kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 2013.

7. Dương Thị Liễu: Sự cần thiết xây dựng văn hóa doanh nhân và đạo đức doanh nhân Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, 2016.

 8. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền