Trang chủ    Thực tiễn    Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Lào
Thứ tư, 18 Tháng 12 2013 11:13
2662 Lượt xem

Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Lào

(LLCT) - Trong 7 năm gần đây đã có 5.234 lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam. Trong đó có 1.982 người thuộc diện được hưởng học bổng của hai Chính phủ, 914 người diện tự túc kinh phí, 2.099 người học theo học bổng trao đổi giữa các địa phương, các ngành, 61 người đi học theo học bổng của các tổ chức quốc tế tài trợ và 177 người nhận học bổng của các dự án, công ty.

 

Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng thân thiện gần gũi, có chung hàng nghìn kilômét đường biên giới, cùng dùng chung dòng nước Mêkông, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và có truyền thống đoàn kết anh em từ lâu đời để làm ăn sinh sống. Quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt, giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí anh em trong sáng, thuỷ chung trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, là tài sản quý giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.         

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt - Lào cũng đã có bề dày lịch sử. Từ buổi ban đầu của thời kỳ cách mạng, hai nước cùng chiến đấu chung trong một chiến hào, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã dạy chữ cho các chiến sỹ cách mạng Lào, giúp cho nhiều người sau này trở thành những cán bộ ưu tú, những người chỉ huy tài năng. Tại vùng giải phóng Lào, nhiều cán bộ giáo dục tình nguyện Việt Nam đã sang giúp bạn phát triển giáo dục, từ bậc tiểu học, phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, đến cao đẳng và đại học.         

Cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục tại vùng giải phóng Lào, ngay từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng trăm con em các bộ tộc Lào sang học tập tại các trường dân tộc nội trú. Dù trong khói lửa ác liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam đã xây dựng một số trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường đào tạo cán bộ cho Lào.     

Từ năm 1958 đến 1964, Việt Nam đã đào tạo cho Lào 3.104 lưu học sinh, chủ yếu theo học hệ bổ túc văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, một phần lưu học sinh trở về công tác tại vùng giải phóng của Lào, số còn lại được tiếp tục gửi đi học ở các trường sư phạm của Việt Nam để trở thành giáo viên cấp II.     

 Từ năm 1965 đến 1974, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược bước vào thời kỳ ác liệt nhất, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và đào tạo lưu học sinh Lào với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Trong thời gian này, Việt Nam đã đào tạo được 4 nghìn học sinh từ các vùng giải phóng Lào sang theo học cấp I, cấp II và cấp III.         

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, cả hai nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH, ngày 18-7-1977 Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó quan tâm rất nhiều đến nội dung về giáo dục và đào tạo. Trong giai đoạn này, Chính phủ Lào chủ trương giảm số học sinh cấp I, II và tăng cường đào tạo học sinh cấp III, đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp tại Việt Nam. Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn này mang tính chất “ngành giúp ngành” và Việt Nam đã đáp ứng mọi yêu cầu của Lào cả về số lượng, trình độ, ngành nghề đào tạo.     

Từ năm 1992 đến nay, trên cơ sở Hiệp định hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ký kết các kế hoạch hợp tác về giáo dục - đào tạo, nhằm giúp Lào phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo cán bộ (trong đó chủ yếu tập trung trình độ đại học và sau đại học), trao đổi đoàn công tác để học tập kinh nghiệm về công tác quản lý giáo dục và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong 10 năm gần đây, mỗi năm số lượng học sinh, học viên Lào được gửi sang đào tạo tại Việt Nam theo diện Hiệp định được duy trì từ 550 đến 650 người.  

Từ năm 2005 đến nay, với chủ trương mở rộng và đa dạng hóa các chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo như: hợp tác đào tạo bằng nhiều kênh, nhiều hình thức, coi trọng hợp tác đào tạo giữa các địa phương, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng mới cho sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Vì vậy, học sinh, học viên Lào được gửi sang đào tạo tại Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng và phong phú về hình thức cũng như quy mô đào tạo. Trong 7 năm gần đây đã có 5.234 lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam. Trong đó có 1.982 người thuộc diện được hưởng học bổng của hai Chính phủ, 914 người diện tự túc kinh phí, 2.099 người học theo học bổng trao đổi giữa các địa phương, các ngành, 61 người đi học theo học bổng của các tổ chức quốc tế tài trợ và 177 người nhận học bổng của các dự án, công ty.           

Từ năm 1958 đến nay, gần 30 nghìn lưu học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam, trong đó có hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp các ngành, nghề khác nhau. Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ của Lào được đào tạo tại Việt Nam đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Lào. Nhiều đồng chí sau khi học tập, bồi dưỡng tại Việt Nam, trở về nước công tác đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quan trọng từ Trung ương đến địa  phương.    

Bên cạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ngành giáo dục Việt Nam còn giúp đỡ bạn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã và đang giúp Lào xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú gồm 7 trường được trải dài từ Bắc đến Nam, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, còn xây dựng 2 trường phổ thông, 1 ký túc xá cho Đại học Quốc gia Lào, 1 trường nghề tại tỉnh Bokẹo. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đầu tư xây dựng 9 ký túc xá dành riêng cho lưu học sinh Lào ở các trường đại học, học viện, với tổng kinh phí 84,715 tỷ đồng. Việc cung cấp, hỗ trợ sách, giúp đỡ biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy, biên soạn Bộ từ điển Việt - Lào, Lào - Việt; hỗ trợ chuyên gia trong hợp tác nghiên cứu khoa học và liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo hai nước cũng được quan tâm.  

Về phía Lào, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngay từ năm 1982 Chính phủ Lào đã dành một số học bổng cho cán bộ, học sinh Việt Nam sang học tập về ngôn ngữ, văn học Lào. Đến nay đã có 449 lưu học sinh Việt Nam được sang học tập tại nước bạn Lào bằng học bổng do Chính phủ Lào cấp.     

Trước yêu cầu phát triển của hai nước trong giai đoạn mới, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Lào là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của hợp tác giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2011 - 2020. Chính phủ hai nước đã thống nhất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2020” với nội dung căn bản là: nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh theo các chương trình hợp tác; bồi dưỡng trình độ tiếng Việt, trình độ văn hóa cơ bản cho lưu học sinh Lào để đáp ứng được yêu cầu học tập và nghiên cứu khoa học; sắp xếp ngành nghề đào tạo lưu học sinh xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch cán bộ của Lào; phối hợp giúp đỡ lưu học sinh Lào vượt qua khó khăn trong học tập và sinh hoạt; tăng cường cơ sở vật chất của các trường có lưu học sinh Lào để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã khẩn trương triển khai các dự án. Đến nay đã hoàn thành và tổ chức tổng kết, bàn giao bộ Từ điển Việt - Lào, Lào - Việt, bàn giao cho Bộ Giáo dục và Thể thao Lào bộ giáo trình dạy tiếng Việt để sử dụng chính thức từ năm học 2011 - 2012. Khởi công xây dựng Khoa Tiếng Việt của Trường Đại học quốc gia Lào, Trường phổ thông trung học tỉnh Luôngphabăng, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Xiêngkhoảng; Dự án tăng cường năng lực giai đoạn 2 xây dựng Trường phổ thông trung học Hữu nghị Lào - Việt (quà tặng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho Thủ đô Viêng Chăn) cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ khánh thành vào quý III năm 2012.  

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam luôn coi trọng chất lượng và hiệu quả trong mỗi chương trình hợp tác. Điều này đã được quán triệt và thấm nhuần tới từng đơn vị, từng cơ sở đào tạo đang làm nhiệm vụ giúp bạn.           

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào nghiêm túc thực hiện Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa hai nước và tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác về giáo dục, với các nội dung cơ bản sau:  

Thứ nhất, quan tâm đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ thực hiện các dự án, chương trình hợp tác giữa hai nước; có chính sách đào tạo lại, đào tạo sau đại học và đào tạo đại học chất lượng cao phù hợp với xu thế phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Lào. Tăng số lượng đào tạo lưu học sinh diện Hiệp định giữa hai Chính phủ (trung bình 10% năm). 

Thứ hai, đổi mới phương pháp tuyển sinh và đào tạo dự bị đại học, nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Bắt đầu từ năm 2012, lưu học sinh sang học tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Thể thao Lào xét tuyển trong số các sinh viên đang học năm thứ nhất của 5 trường đại học của Lào và các học sinh xuất sắc tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường dân tộc nội trú, các trường phổ thông trung học do Việt Nam giúp xây dựng. Từ năm 2012 đến năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ cử 28 đến 40 giáo viên sang giảng dạy và bồi dưỡng phương pháp dạy tiếng Việt cho các giáo viên tại các trường dân tộc nội trú và trường phổ thông do Việt Nam giúp đỡ xây dựng. Học sinh Lào trúng tuyển đi học đại học hoặc sau đại học tại Việt Nam sẽ được học dự bị tiếng Việt cơ sở 1 năm tại Khoa Tiếng Việt của Đại học Quốc gia Lào; sau đó học tiếng Việt nâng cao và dự bị kiến thức chuyên ngành 1 năm ở Việt Nam trước khi vào các trường đại học hay học viện.   

Thứ ba, thống nhất quản lý đào tạo dài hạn chính quy các ngành chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật vào một đầu mối nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng sau đào tạo.       

Nhìn lại chặng đường lịch sử hợp tác Việt Nam - Lào từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc Việt - Lào luôn được gìn giữ và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, được thể hiện qua nhiều lĩnh vực, trong đó rất đáng trân trọng là sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Những kết quả đó đã minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó, thuỷ chung, bền vững, ngày càng phát triển, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.      

Năm 2012, Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào, lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước khẳng định tiếp tục duy trì, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục... Với quyết tâm cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hợp tác giáo dục - đào tạo giai đoạn 2011 - 2020, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, không ngừng vun đắp cho truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng đơm hoa kết trái.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2012

PGS,TS Trần Quang Quý

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền