Trang chủ    Thực tiễn    Nhà nước điều hành chính sách kinh tế trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Thứ hai, 26 Tháng 12 2022 09:24
1879 Lượt xem

Nhà nước điều hành chính sách kinh tế trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

(LLCT) - Sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 và những diễn biến bất thường về chính trị, kinh tế thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt nhiều lần tăng lãi suất chủ đạo. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại xu thế này nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ độc lập, không bị cuốn theo xu hướng số đông tăng lãi suất, nhất quán thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thúc đẩy phục hồi kinh tế, giảm thiểu tác động bởi nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC - Ảnh: AFP/TTXVN

1. Một số đánh giá về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7-2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ các mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023, đồng thời cảnh báo về chu kỳ suy thoái trước mắt nếu các chính phủ không xử lý hiệu quả cuộc chiến chống lạm phát. IMF cũng đánh giá, việc ngânhàng trung ương (NHTƯ) các nền kinh tế tăng lãi suất có thể giúp kiềm chế lạm phát qua giảm đầu tư và hạn chế tiêu dùng cá nhân. Nhưng nó có thể dẫn đến sự suy thoái của các nền kinh tế giàu có và khủng hoảng ở các nước nghèo, do nợ công tăng lên, các cân đối kinh tế vĩ mô bị phá vỡ(1).

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng trong bối cảnh các NHTƯ tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế lạm phát. WB khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách các nước chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất, nhằm tăng nguồn cung để nới lỏng những hạn chế khiến giá cả leo thang(2).

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng đưa ra cảnh báo, chính sách tài chính và tiền tệ của các nền kinh tế phát triển đã đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái toàn cầu và thời kỳ suy thoái, lạm phát kéo dài. UNCTAD cho rằng, những hệ lụy của cuộc suy thoái này thậm chí trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19(3).

Nguyên nhân gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là:

Thứ nhất, từ đầu tháng 02-2020, thế giới trải qua diễn biến bất thưởng bởi đại dịch Covid-19, bắt đầu tại Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero Covid-19 đến cuối năm 2022. Điều đó gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí sản xuất - kinh doanh và dịch vụ gia tăng. Việc làm cho người lao động, thu nhập cá nhân và thu ngân sách của các quốc gia sụt giảm mạnh trong khi chi ngân sách tăng lên. Trong hai năm 2020-2021, nhiều quốc gia tung ra các gói trợ giúp người lao động, cứu trợ nền kinh tế cực lớn. Thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao. Những điều đó gây sức ép lên chi phí, giá cả và tiêu dùng.

Thứ hai, sau hơn 02 năm kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, thế giới lại chứng kiến diễn biến bất thường khác, đó là ngày 24-02-2022, Nga chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina. Hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga được tung ra. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy. Nhiều tuyến đường hàng không, hàng hải, đường sắt phải đi vòng. Giá năng lượng như dầu thô và khí đốt, cùng các sản phẩm có liên quan tăng mạnh; giá thức ăn chăn nuôi, giá nhiều mặt hàng lương thực khác tăng, gây sức ép lên giá cả.

Thứ ba, NHTƯ một loạt quốc gia tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát trong 30-50 năm qua. Tăng mạnh nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế toàn cầu là lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tính đến ngày 02-11-2022, Fed đã 6 lần tăng lãi suất liên tiếp, tổng cộng tăng 300 điểm từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên 3,75-4%(4).

Tiếp theo FED, ngày 03-11-2022, NHTƯ Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong 33 năm, đưa lãi suất của Anh lên 3%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhằm kiểm soát lạm phát dự báo tăng cao kỷ lục lên khoảng 11%(5).

Lãi suất tăng mạnh để kiềm chế lạm phát, kiềm chế sức mua của người tiêu dùng. Người dân tại các nền kinh tế lớn, nền kinh tế bị lạm phát cao giảm mua sắm, cầu nội địa và cầu quốc tế giảm.

Thứ tư, lãi suất của FED và của một loạt quốc gia hàng đầu tăng cao, gây biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu ngày 23-9-2022 sau khi FED, BoE tăng lãi suất và dự báo FED tiếp tục tăng lãi suất(6).

 

Nguy cơ về suy thoái rõ ràng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn, đang và sẽ thực hiện 17 FTAs thế hệ mới, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gấp 2 lần GDP. Suy thoái hay đình trệ kinh tế toàn cầu, nếu diễn ra theo các dự báo, sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam do sự suy giảm đối với cầu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.

Đô la Mỹ tăng giá cao nhất so với các ngoại tệ chủ chốt. Ngày 22-9-2022, chỉ số DXY đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thị trường tài chính quốc tế tăng vọt lên mức 111,66 điểm. Đây là mức cao kỷ lục mới trong 20 năm qua. Đồng Yên của Nhật Bản cũng sụt giảm lịch sử; ngày 22-9-2022, đã giảm hơn 25%. Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc giảm mạnh trong bối cảnh quan điểm chính sách giữa FED và Ngân hàng Nhân dân Trung quốc có sự khác biệt lớn(7).

2. Biện pháp phòng chống tác động tiêu cực của một số quốc gia trên thế giới

Bên cạnh việc hàng loạt NHTƯ tăng lãi suất, thì một số quốc gia có hành động ngược lại. Ngày 15-8-2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. PBoC giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm áp dụng với các tổ chức tài chính, qua đó cung ứng thêm 400 tỷ CNY (khoảng 59,33 tỷ USD) vào thị trường. Cơ chế MLF được PBoC áp dụng từ năm 2014 để giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách duy trì thanh khoản bằng cách vay tiền từ NHTƯ thế chấp bằng cổ phần. Ngoài ra, PBoC cũng giảm chi phí vay với biên độ từ 2,1% xuống còn 2%, cung ứng 20 tỷ CNY vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại (repo) kỳ hạn 7 ngày. Tháng 1-2022, PBoC cũng đã điều chỉnh giảm cả 2 lãi suất trên khoảng 10 điểm cơ bản. Chính phủ Trung Quốc kiên trì và thực hiện nhất quán chính sách hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng(8).

Tháng 9-2022, CBRT đã hạ lãi suất chính sách 100 điểm cơ bản xuống 12%. Ngày 20-10-2022, NHTƯ Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) tiếp tục hạ lãi suất chính sách 150 điểm cơ bản, xuống 10,5%. Đợt giảm lãi suất lần này nằm trong nỗ lực giảm lạm phát. CBRT nhận định, lạm phát tăng là do tác động gián tiếp của chi phí năng lượng tăng, việc định giá không được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế, nguồn cung bị gián đoạn(9)

Đến cuối tháng 10-2022, NHTƯ Nhật Bản (BoJ) vẫn quyết định giữ lãi suất của mình ở mức dưới 0%. Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất làm như vậy trong khi các NHTƯ chủ chốt khác tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Kể từ năm 2016, BoJ đã duy trì lãi suất chính ở mức âm 0,1%. Ngày 28-10-2022, BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức -0,1%. Ngoài ra, BoJ cam kết giữ lợi tức trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0% bằng cách mua “số lượng cần thiết” trái phiếu như vậy mà không đặt ra giới hạn trần(10).

3. Dự báo tác động đến nền kinh tế Việt Nam

Nguy cơ về suy thoái rõ ràng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn, đang và sẽ thực hiện 17 FTAs thế hệ mới, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gấp 2 lần GDP. Suy thoái hay đình trệ kinh tế toàn cầu, nếu diễn ra theo các dự báo, sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam do sự suy giảm đối với cầu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 336,31 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước(11).

Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 sẽ có hàng loạt biến động mới, bởi nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tại các nền kinh tế lớn bắt đầu thắt chặt chi tiêu, giảm đầu tư do tác động của suy thoái hay đình trệ kinh tế, nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ bị suy giảm.

Nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân tại các nền kinh tế bị lạm phát cao cũng bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc thu hút khách quốc tế của Việt Nam. Khả năng xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn.

Giá năng lượng và nhiều mặt hàng hóa chất có liên quan, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và phân bón, nguyên liệu nhựa,… tăng cao, tiếp tục ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nhiều mặt hàng nhập khẩu tương ứng. Chi phí logistics tăng. Những diễn biến đó tác động đến mặt bằng giá và hiệu quả kinh doanh trong nước.

Lãi suất tăng và giá USD lên cao, chi phí các dòng vốn quốc tế đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam tăng cao, tạo ra nguy cơ sụt giảm dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị sụt giảm cho thấy rõ tác động này.

4. Những chính sách và kết quả bước đầu phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam

Cho đến nay, Đảng, Nhà nước đang quyết liệt triển khai các chính sách, biện pháp phòng, chống suy giảm nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19. Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi, ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11-01-2022 của Quốc hội “về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-01-2022 của Chính phủ “về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023”; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11-7-2022 của Chính phủ “về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững”; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29-8-2022 “về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-9-2022 “về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới”; Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16-9-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; dự thảo sửa một số luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá v.v..

Thực hiện các chính sách và giải pháp nói trên, đến nay, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đạt được rất ấn tượng. GDP quý III năm 2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng quý III cao nhất từ năm 2010 đến nay. CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73%, chủ yếu do tác động của giá 3 nhóm hàng hóa - dịch vụ là giao thông tăng 14,98%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,69%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,11%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại thặng dư 6,5 tỷ USD.  Lũy kế đến hết ngày 20-9-2022, tổng vốn FDI đăng ký giảm 15,3% (đạt 18,8 tỷ USD); giải ngân vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2%. Tính đến hết tháng 9-2022, thu ngân sách nhà nước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021(12).

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực phục hồi, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam. Theo đó, (i) Chỉ số Phục hồi Covid-19 do Nikkei công bố (tháng 10-2022) đánh giá Việt Nam xếp thứ 8/121 quốc gia, tăng 82 bậc so với tháng 1-2022; (ii) Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P (tháng 5-2022), nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định"; Moody’s (tháng 9-2022) cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định do đánh giá cao sức mạnh nội tại và khả năng chống chịu tốt hơn của nền kinh tế; (iii) IMF (tháng 10-2022) và World Bank (tháng 9-2022) đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 (khoảng 7-7,2%), cao hơn 1% so với dự báo của 3 tháng trước đó. Cùng với chính sách phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế phù hợp, đang mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam(13).

5. Khuyến nghị hàm ý chính sách

Những dự báo về khả năng suy thoái là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm để chủ động và độc lập về điều hành chính sách kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài chính trong mọi trường hợp cần kiên trì, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Một số kiến nghị đó là:

Một là, Việt Nam không nên để cuốn theo xu hướng tăng lãi suất của số đông NHTƯ mà thiếu đi sự phân tích khoa học về thực tiễn nền kinh tế Việt Nam

Tháng 10-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần tăng mức lãi suất điều hành.

Về lo ngại lạm phát, so với tháng 12-2021, CPI tháng 9-2022 của Việt Nam tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Nhiều dự báo trong nước và quốc tế đều thống nhất cho rằng, Việt Nam sẽ kiềm chế lạm phát năm 2022 ở mức không quá 4%. Do đó, so với Mỹ và EU cũng như nhiều nước khác, thì thực tế CPI hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức thấp và nằm trong mục tiêu đề ra từ đầu năm, nên không có cơ sở thực tiễn để Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành.

Trong khi đó, CPI tăng khá trong những tháng qua của Việt Nam được chỉ rõ là do chi phí đẩy, do giá nhiều mặt hàng chiến lược nhập khẩu tăng, chứ không phải do tiền tệ. Việt Nam về cơ bản tự cung tự cấp lương thực, trừ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; thâm hụt năng lượng ở mức khiêm tốn, chiếm khoảng 3-4% GDP(14).

Chính sách tài chính nới rộng nhằm mục tiêu phục hồi nền kinh tế. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ về phục hồi nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đang triển khai gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất với quy mô hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 40.000 tỷ đồng.

Hai là, cần ổn định tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát có hiệu quả

Tỷ giá VND/USD tăng, hay giá VND giảm, làm cho giá thành các sản phẩm dịch vụ có đầu vào là nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu tăng. Giá xăng dầu chịu sức ép tăng giá vì nhập khẩu thanh toán chủ yếu bằng USD, tác động đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có CPI. Giá điện cũng tăng cao vì hầu hết thiết bị điện nhập khẩu phải hạch toán, thanh toán bằng USD. Nợ ngoại tệ của Chính phủ và doanh nghiệp gia tăng. Giá các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu có linh, phụ kiện nhập khẩu tăng. Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đang lo ngại lạm phát gia tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Song, rõ ràng tỷ giá tăng không có tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang phải dùng chính sách tài chính, giảm một loạt thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu để kiềm chế giá bán, kiềm chế lạm phát. Nên biện pháp tăng tỷ giá đi ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát, làm tổn thất thêm đối với ngân sách nhà nước.

Ba làkiên trì và thực hiện nhất quán chính sách tài chính hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và phòng chống tác động tiêu cực của nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

Để giảm bớt tác động về cầu đối với hàng hóa và dịch vụ từ thị trường toàn cầu, chi tiêu trong nước cần được kích thích nhằm bù đắp cho sự suy giảm từ cầu bên ngoài. Chi tiêu chính phủ, đặc biệt là đầu tư công, đầu tư phát triển nếu được thực hiện hiệu quả, kịp thời sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh này. Vì vậy, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên đặc biệt đối với các dự án về giao thông. Vốn đầu tư công các bộ, ngành, các địa phương xin trả lại hay giải ngân không hết nên chủ động bố trí cho các dự án giao thông, ưu tiên các dự án đường cao tốc. Chính phủ, Bộ Giao thông giám sát, đôn đốc tiến độ các dự án, quan tâm lớn nhất là dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam.

Bốn là, điều hành chính sách tài chính - tiền tệ cần hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cường đầu tư

Lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái đang đến gần, cầu tiêu dùng cá nhân giảm. Tuy nhiên, nhu cầu những mặt hàng thiết yếu không giảm nhiều. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này, tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế, như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, thủy hải sản, rau quả…

Cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, điều chỉnh quy mô sản xuất, tăng cường đa dạng hóa thị trường nhằm tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết, là những giải pháp để giảm thiểu các nguy cơ về sụt giảm cầu.

_________________

Ngày nhận: 15-11-2022; Ngày bình duyệt: 29-11-2022; Ngày duyệt đăng:15-12-2022.

 

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (9), (10), (13) VAFI: Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Namhttps://www.vafi.org.vn, truy cập từ ngày 29-10 đến 2-11-2022.

(7), (8),Tổng hợp Báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

(11), (12), (14) Tổng cục Thống kê: Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội hằng tháng, quý các năm 2019-2022,wwww.gso.gov.vn.

PGS, TS NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền