Trang chủ    Thực tiễn    Kinh nghiệm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở Bắc Giang
Thứ năm, 19 Tháng 12 2013 08:37
2777 Lượt xem

Kinh nghiệm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở Bắc Giang

(LLCT)  - Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 22-5-2002 triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, hệ thống chính trị ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn; công tác xây dựng Đảng ở cơ sở được coi trọng. Công tác kết nạp đảng viên được quan tâm năm 2002 toàn Đảng bộ kết nạp được 1.621 đồng chí (đạt 69,9% kế hoạch); đến năm 2012, số đảng viên kết nạp được là 2.753 đồng chí (đạt 114,7 % kế hoạch), nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đến cuối tháng 12-2012 lên 69.599 đồng chí. Do vậy, số thôn bản không có đảng viên giảm đáng kể. Năm 2002 toàn tỉnh có 18 thôn, bản “trắng” đảng viên, đến năm năm 2012, số thôn bản “trắng” giảm còn 4 thôn, bản.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở được đẩy mạnh (từ năm 2002 đến 2011 đã có 13.714lượt cán bộ chủ chốt, trưởng các đoàn thể, công chức chuyên môn, cán bộ không chuyên tráchcơ sở được cử đi đào tạo). Đảng bộ đã lựa chọn 12 đơn vị để thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân ở cấp xã.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được kiện toàn đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ (trình độ chuyên môn trung cấp trở lên đạt trên 86,9%, tăng 73,1% so với năm 2002); việc thành lập chi bộ cơ quan xã đã được cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, kịp thời, toàn tỉnh đã thành lập được 107/230 chi bộ cơ quan xã(đến tháng 9-2012 toàn tỉnh còn 66 chi bộ) và 2 chi bộ quân sự xã. Hội đồng nhân dân cấp xã đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Hiệu lực quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân cấp xã được nâng lên, hệ thống chính quyền cơ sở đã thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã từng bước phát huy vai trò trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, cũng còn một số đảng bộ xã, phường, thị trấn chưa thực sự phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; phương thức lãnh đạo của cấp uỷ đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chậm đổi mới; chưa phát huy tốt tự phê bình và phê bình. Năng lực lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng, năng lực chỉ đạo, điều hành của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cơ sở chưa thực sự đáp ứng nhiệm vụ; chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cơ sở chưa cao. Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân một số xã chưa cao, nhất là thực hiện 2 chức năng kiểm tra và giám sát. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số xã còn lúng túng, hiệu quả hạn chế...

Từ thực tiễn hơn 10 năm Đảng bộ tỉnhBắc Giang triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện:

Một là,các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo tốt việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ các quan điểm, nhiệm vụ về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; từ đó xây dựng chương trình hành động, xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể sát với thực tế, có tính khả thi. Quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết, bảo đảm sát thực, đồng thời tập trung cao trong chỉ đạo thực hiện nhằm đưa các nội dung, yêu cầu của nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống.

Hai là,phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể và quần chúng nhân dân, thông qua đó củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, sàng lọc cán bộ đảng viên, phát hiện nhân tố mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ba là,làm tốt công tác quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; có cơ chế trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Thực hiện đồng bộ 3 giải pháp đó là: nâng cao chất lượng đầu vào; từng bước giải quyết cho nghỉ công tác đối với cán bộ công chức không đạt chuẩn và đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung, phương pháp và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng bồi dưỡng theo chức danh và kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở.

Bốn là,đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết nội bộ; hằng năm làm tốt công tác kiểm điểm, đánh giá, tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị gắn với thực hiện công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ, nhất là các chi, đảng bộ cơ sở trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Năm là,tập trung lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng đối với hoạt động của chính quyền cơ sở. Thực hiện nghiêm Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Ngô Văn Nam

  (Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang)

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền