Trang chủ    Thực tiễn    Quan hệ đặc biệt Việt - Lào về quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975)
Thứ năm, 19 Tháng 12 2013 14:08
9685 Lượt xem

Quan hệ đặc biệt Việt - Lào về quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975)

(LLCT) - Trong suốt chiều dài lịch sử, hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào đã có mối quan hệ gắn bó khăng khít. Đặc biệt, từ tháng 8-1945, khi nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước, dưới sự lãnh đạo chung của Đảng Cộng sản Đông Dương (ở Lào do Xứ ủy lâm thời Lào mới được lập lại giữa năm 1945), đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, thì mối quan hệ này có điều kiện phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

 

Trong những năm quân và dân hai nước chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử nhiều cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc Lào hoạt động xây dựng cơ sở kháng chiến, xây dựng căn cứ địa, tổ chức các đơn vị vũ trang địa phương, phối hợp đánh địch. Đó là các Đoàn 81 (ở khu vực Xiêng Khoảng), Đoàn 82 (ở khu vực Bắc Lào), Đoàn 83 (ở khu vực Viêng Chăn) và Đoàn 280 (ở khu vực Trung Lào)...

Sự hợp tác về quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giữa quân đội và nhân dân hai nước được thể hiện rõ rệt và cụ thể nhất là việc lãnh đạo hai nước quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào (từ 13-4 đến 3-5-1953). Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quân đội Việt Nam: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái... Phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Trước khi vào chiến dịch,  ngày 3-4-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên cán bộ chiến sĩ Việt Nam tham gia chiến dịch: “... Lần này là lần đầu tiên các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang... tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình. Để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, từ trên xuống dưới, các chú cần phải: Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như bên ta; Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn; Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam”(1).

Trải qua 20 ngày đêm sát cánh chiến đấu, Chiến dịch Thượng Lào đã giành được thắng lợi to lớn. Lực lượng vũ trang của hai nước đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1/5 tổng số lực lượng địch ở Lào, giải phóng hơn 4.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phongxalỳ với hàng vạn dân. Lực lượng kháng chiến Lào mở rộng địa bàn đứng chân. Từ đây, hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam. Lực lượng vũ trang Pathét Lào ngày càng được tôi luyện trong chiến đấu và trưởng thành. Về phía Việt Nam, chiến thắng Thượng Lào đã tạo ra thế chiến lược mới cho cuộc kháng chiến, mở rộng quyền chủ động chiến lược không chỉ ở khu vực Bắc bộ mà trên toàn miền Bắc Đông Dương.

Trong Đông  Xuân 1953-1954, bộ đội và quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ đội Pathét Lào mở các đòn tiến công địch ở Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào, phân tán, xé lẻ khối cơ động chiến lược đang tập trung ở đồng bằng Bắc bộ của địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc chiến tranh.

Sự phối hợp chiến đấu có hiệu quả của quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chứng minh lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ liên minh Việt - Lào - Campuchia lần thứ nhất tháng 9-1952: “Kháng chiến của Việt Nam, của Miên, của Lào là của chung của chúng ta. Việt Nam có kháng chiến thành công thì Miên, Lào mới thắng lợi và Miên, Lào có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Việt Nam, Miên, Lào như anh em ruột thịt trong nhà...”.

 Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhân dân và quân đội hai nước Việt, Lào lại phải đương đầu với một thế lực đế quốc hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới là đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt lâu dài, phá hoại sự thống nhất của Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam và Lào. Đảng, Chính phủ và quân đội Việt Nam tiếp tục cử các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ giúp Chính phủ kháng chiến Lào củng cố vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang Pathét Lào, đấu tranh với Chính phủ Vương quốc Lào thân Mỹ thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Lào.

  Do Hiệp định Giơnevơ 1954 quy định, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam từ tháng 11 - 1954 lần lượt rút về nước. Từ đây, phương thức hợp tác, giúp đỡ của Việt Nam với cách mạng Lào cũng thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Chính phủ kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào về các vấn đề chiến lược cách mạng và chiến lược quân sự, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương chuyển từ chế độ Quân tình nguyện sang chế độ cố vấn quân sự (từ năm 1955 đổi gọi là chuyên gia quân sự) và thực hiện ở 3 cấp: Bộ Quốc phòng giúp chung mọi mặt; Trường Quân chính giúp đào tạo, huấn luyện cán bộ; các đơn vị địa phương mỗi nơi có một tổ cố vấn gồm một cán bộ cấp tiểu đoàn và một số cán bộ cấp đại đội.

Trung ương Đảng ta xác định phương châm giúp bạn là: đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của bạn. Hết sức đề cao tinh thần độc lập, tự chủ của bạn, ra sức giúp đỡ, bồi dưỡng cán bộ bạn tự đảm đương nhiệm vụ theo tinh thần “cách mạng Lào do nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào tự làm lấy là chủ yếu; tránh bao biện làm thay, tránh chủ quan, hấp tấp”.

Đoàn cố vấn quân sự của Bộ Quốc phòng Việt Nam, mang phiên hiệu Đoàn 100, được thành lập tháng 7-1954, có nhiệm vụ giúp quân đội Pathét Lào trong tình hình cách mạng mới của bạn. Cán bộ, thành viên của Đoàn 100 được tuyển chọn từ các cơ quan thuộc Bộ Tổng tư lệnh, các đại đoàn chủ lực (đến giữa 1955 gọi là các sư đoàn) 308, 304, 312, 316, 320, 351, Trung đoàn chủ lực 42 của Liên khu 3 và các tỉnh đội Hải Dương, Hà Đông. Ngoài ra, một số cán bộ Quân tình nguyện từng hoạt động lâu năm trên đất Lào, thuộc Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào (sau khi rút về nước đổi thành Bộ tư lệnh Biên phòng) và một số đồng chí giỏi tiếng Lào làm phiên dịch. Bên cạnh việc phối hợp, giúp đỡ về tổ chức, biên chế, giáo dục chính trị, trong huấn luyện quân sự, cán bộ Đoàn 100 hướng dẫn các đơn vị chủ lực của Lào luyện tập thành thạo 4 kỹ thuật cơ bản, nhất là kỹ thuật bắn súng; nắm vững nguyên tắc và vận dụng tốt các hình thức chiến thuật từ tổ 3 người, tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn.

Ngày 22-3-1955, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào được triệu tập, thông qua đường lối tiếp tục lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết đấu tranh hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, thống nhất và phồn vinh. Đại hội đã bầu Ban lãnh đạo Đảng toàn quốc (mang tính chất một Ban Chấp hành Trung ương) gồm 5 người, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Tổng Bí thư. Tháng 4-1955, Ban lãnh đạo Đảng toàn quốc ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy Quân sự Trung ương gồm 3 người, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Bí thư và kiêm Chỉ huy tối cao các lực lượng Pathét Lào. Đây là điều kiện thuận lợi để Quân ủy hai nước Việt - Lào cùng hợp tác, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng quân đội và phối hợp tác chiến giữa Việt Nam và Lào.

Trong thời gian từ năm 1955 đến năm 1958, được sự chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, các lực lượng tham gia hợp tác, phối hợp với phía Lào, đặc biệt là Đoàn 100, đã giúp bạn tiếp tục xây dựng lực lượng, xây dựng phương án tác chiến nhằm đánh bại các cuộc tiến công và lấn chiếm của quân phái hữu Viêng Chăn, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào. Đầu năm 1958, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 100 được lệnh rút về nước, kết thúc một giai đoạn lịch sử giúp bạn theo phương thức mới của quân đội ta trong những năm đầu sau Hiệp định Giơnevơ về Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã chủ trì tổ chức trọng thể Lễ tiễn Đoàn 100. Đồng chí đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự đối với cách mạng Lào, đồng thời khẳng định Đảng Nhân dân, quân đội Pathét Lào và nhân dân các bộ tộc Lào “mãi mãi biết ơn Đảng, nhân dân và quân đội Việt Nam; biết ơn cán bộ cố vấn Đoàn 100 đã hết lòng, hết sức giúp đỡ cách mạng và quân đội Lào... Thời gian sẽ đi qua nhưng tình nghĩa Lào - Việt vẫn mãi mãi sáng ngời trong lịch sử”(2).

Trong năm 1958, tình hình Lào có những diễn biến phức tạp. Đế quốc Mỹ từng bước can thiệp vào nội bộ Lào, lập ra “Mặt trận liên minh chống cộng”, thành lập “Đảng Tập hợp Lào”. Tháng 8-1958, Mỹ tổ chức lật đổ Chính phủ Liên hiệp có Pathét Lào tham gia, dựng lên chính quyền thân Mỹ, đồng thời tăng cường xây dựng đội quân ngụy Lào từ 25 nghìn lên 40 nghìn người.

Tháng 5-1959, đế quốc Mỹ huy động 3 tiểu đoàn bao vây hòng tước vũ khí của Tiểu đoàn 2 Pathét Lào ở Cánh đồng Chum và Tiểu đoàn 1 ở Xiêng Ngân. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã tìm cách vượt vòng vây, tiến về hướng Đông, bắt liên lạc được với các đơn vị Việt Nam. Hầu hết lực lượng Tiểu đoàn 1 cũng đã bí mật phân tán, rút từng bộ phận khỏi Xiêng Ngân, chuyển đến vùng biên giới Lào - Việt an toàn.

Trước tình hình phức tạp ở Lào, Đảng ta quyết định thành lập Đoàn cán bộ Việt Nam bên cạnh Trung ương Đảng Nhân dân Lào, đồng thời tiếp nhận lực lượng Tiểu đoàn 2 của bạn về đứng chân ở miền Tây Nghệ An. Đoàn cán bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch giúp bạn chỉnh đốn lực lượng, bổ sung quân số, vũ khí, lấy Tiểu đoàn 2 làm nòng cốt, phát triển thành ba tiểu đoàn mới, quân số mỗi tiểu đoàn khoảng 200 người.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng Lào, theo đề nghị của Đảng Nhân dân Lào, ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra Quyết định số 446/QĐ thành lập Đoàn 959 (còn gọi là Đoàn công tác miền Tây) trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ của Đoàn là trực tiếp làm chuyên gia về quân sự cho Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Pathét Lào, tổ chức chi viện vật chất cho cách mạng Lào, trực tiếp chỉ huy các đơn vị bộ đội Việt Nam hoạt động ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Viêng Chăn.

Đầu năm 1960, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào. Đoàn 959 đã cùng cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Quân ủy và Bộ chỉ huy tối cao Pathét Lào đang đứng chân trên đất Việt Nam trở lại Lào. Hệ thống tổ chức chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn được tổ chức lại gồm bộ phận giúp Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương Lào, các quân khu, tỉnh và các đơn vị quân đội Pathét Lào. Theo yêu cầu của bạn, chuyên gia quân sự Việt Nam tổ chức thành hai bộ phận: bộ phận cơ quan gồm có chuyên gia tham mưu, chính trị, hậu cần và công tác hậu phương; bộ phận trực tiếp giúp bạn gồm chuyên gia các khu, tỉnh đội, các tiểu đoàn, bệnh viện và nhà trường.

Đoàn 959 đã tham gia cùng các lực lượng của bạn bố trí đón và đưa Hoàng thân Xuphanuvông và các vị lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt được giải cứu khỏi trại giam Phôn Khêng, về căn cứ an toàn (ngày 24-5-1960). Phối hợp tiến công địch ở Sầm Nưa giành thắng lợi, tạo chỗ đứng chân cho cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Quân ủy và Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Pathét Lào, xây dựng căn cứ địa kháng chiến.

Đầu năm 1961, đại diện lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào tiến hành hội đàm, thống nhất quan hệ giữa hai Đảng theo 5 nguyên tắc chung: sự nghiệp cách mạng Lào do nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào; quan hệ giữa hai Đảng là quan hệ đồng chí, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; chống tư tưởng dân tộc nước lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi; chống bao biện làm thay. Chống ỷ lại, tự ti và mọi biểu hiện làm phương hại đến tình đoàn kết giữa hai Đảng và nhân dân hai nước(3).

Trước tình hình mới ở Lào, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh xác định nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào trong 5 năm 1961-1965: “Giúp đỡ các lực lượng cách mạng Lào về chuyên gia quân sự, đào tạo cán bộ, củng cố, xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn. Khi bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội bạn”(4).

Giữa năm 1961, phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào do Thủ tướng Xuvana Phuma, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt Xuphanuvông sang Hà Nội hội đàm với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai bên đã ký Hiệp định về việc Việt Nam viện trợ quân sự giúp Lào. Theo đó, Việt Nam cử nhân viên quân sự sang giúp quân đội Vương quốc Lào, nhận đào tạo tại Việt Nam sỹ quan và nhân viên kỹ thuật, đưa quân tình nguyện sang chiến đấu khi cần thiết.

Sự hợp tác, phối hợp, giúp đỡ về quân sự giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả trong bối cảnh đế quốc Mỹ tiếp tục can thiệp mạnh vào Lào, huy động cả quân Thái Lan, quân Việt Nam Cộng hòa hỗ trợ quân đội phái hữu Lào. Sự lớn mạnh của các lực lượng vũ trang và của cách mạng Lào là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc các bên ở Lào ký Hiệp định Cánh đồng Chum (12-6-1962), thành lập Chính phủ Liên hiệp ba phái do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng, Hoàng thân Xuphanuvông làm Phó Thủ tướng.

Ngày 23-7-1962, Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Lào gồm 14 nước tham dự đã ký Hiệp định Giơnevơ về Lào. Các nước tham gia ký Hiệp định thừa nhận tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.

Ngày 5-9-1962, hai nước Việt Nam - Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện lịch sử này đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Nhân dân và các lực lượng vũ trang yêu nước Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân và quân đội Việt Nam kháng chiến, chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và tay sai.

Giai đoạn 1960-1965, thực hiện sự thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quân đội, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã điều động các Đoàn chuyên gia quân sự 959, 463 (khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng), 763 (khu vực Hạ Lào), các đơn vị thuộc các Sư đoàn 312, 316, 335, 325, 330, 324, 304 trực thuộc Bộ, Quân khu Tây Bắc, Quân khu 4 làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp bạn phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, xây dựng căn cứ kháng chiến, tạo nên bước phát triển quan trọng cho cách mạng Lào (1962) và thế phối hợp, chi viện lẫn nhau giữa chiến trường hai nước.

Giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1968, các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh việc phối hợp mở các chiến dịch đánh địch, củng cố vùng giải phóng, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.

Tiếp theo, các lực lượng vũ trang hai nước đã phối hợp chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng chiến đấu đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Việt Nam, biểu hiện bằng thắng lợi to lớn trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (2-1971). Mỹ và chính quyền Viêng Chăn buộc phải ký Hiệp định Viêng Chăn (21-2-1973) về lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Lào.

Từ năm 1973 đến năm 1975, được sự phối hợp và giúp đỡ hiệu quả của bộ đội Việt Nam, các lực lượng vũ trang yêu nước Lào đã đấu tranh buộc kẻ thù phải thực hiện Hiệp định Viêng Chăn, giữ vững hòa bình, tạo thế, tạo lực tiến lên thực hiện thắng lợi 3 đòn chiến lược, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lào cuối năm 1975.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Lào là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt - Lào. Sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và các đoàn chuyên gia quân sự với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang yêu nước Lào trong suốt cuộc kháng chiến là minh chứng sống động và tiêu biểu về mối quan hệ đặc biệt giữa quân đội hai nước. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Lào vì độc lập, tự do, thống nhất của cả hai nước. Sự hợp tác của quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào trong việc mở đường, bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn, việc các đơn vị Quân đội nhân dân Lào phối hợp mở các chiến dịch tiến công, phòng ngự trên các mặt trận ở Lào, việc các đơn vị Việt Nam được sử dụng đất Lào làm căn cứ bàn đạp về hậu cần, lực lượng cho cuộc chiến đấu ở miền Nam Việt Nam... là biểu tượng cao đẹp của mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong kháng chiến.

Sự hợp tác về quân sự giữa Việt Nam và Lào trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là một tất yếu khách quan và trở thành điển hình mẫu mực về quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước có độc lập, chủ quyền, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá mối quan hệ chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt - Lào là “mối quan hệ mẫu mực hiếm có, vô cùng trong sáng, rất mực thủy chung, gian khó không đổi thay, đạn bom không lay chuyển”.

Trong bối cảnh mới, sau chiến tranh, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, ngày 18-7-1977, hai nước đã ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Sự hợp tác về quân sự, quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được tăng cường chặt chẽ và hiệu quả, góp phần  đảm bảo vững chắc sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch đang tìm cách xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2012

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.64.

(2),(3) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.82, 122.

(4) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, Q.1, t.II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1988, tr.131.

 

PGS,TS NGUYỄN MẠNH HÀ

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền