Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới hiện nay
Thứ ba, 04 Tháng 4 2023 11:18
1124 Lượt xem

Phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới hiện nay

(LLCT) - Bộ đội Biên phòng là lực lượng quan trọng trong ứng phó và khắc phục hậu quả do an ninh phi truyền thống gây raở khu vực biên giới. Bài viết đề cập đến vai trò của Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới, nêu rõ các vấn đề tồn tại, đồng thời đề xuất giải pháp để ứng phó với các thách thức này, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Quang Long, xã Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng trên đường tuần tra - Ảnh: bienphong.com.vn

1. Vai trò của Bộ đội biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống

An ninh phi truyền thống là loại hình an ninh mới của an ninh quốc gia. An ninh phi truyền thống là sự ổn định, bảo toàn và phát triển lợi ích của cá nhân, con người, quốc gia dân tộc trước các mối đe dọa, nguy cơ, thách thức mang tính phi quân sự, xuyên quốc gia bởi các yếu tố nảy sinh từ tự nhiên hay xã hội. Thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới là những yếu tố phi quân sự gây ra, tác động tiêu cực, đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của nhân dân, sự ổn định, phát triển và an ninh vùng biên giới. Những thách thức an ninh phi truyền thống nếu không được kiểm soát, xử lý, có thể gây hậu quả nặng nề, nghiêm trọng khôn lường, bởi điều kiện tự nhiên thường bị chia cắt, đặc trưng dân cư, lối sống, văn hóa đặc thù và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao, khả năng ứng phó của hệ thống chính trị cơ sở và các cộng đồng cư dân… Các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới thể hiện trên một số lĩnh vực:

Thứ nhất, thách thức an ninh phi truyền thống từ yếu tố an ninh con người, tập trung là tội phạm mua bán người và tình trạng vi phạm an ninh con người có xu hướng gia tăng. Trong đó, hoạt động mua bán người là vấn đề an ninh nổi cộm, gây nhiều bức xúc. “Nạn nhân của tội phạm mua bán người đều phải chịu những tổn thất to lớn về sức khỏe, tâm, sinh lý. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội”(1).

Thứ hai, thách thức an ninh phi truyền thống đến từ tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trên tuyến cửa khẩu biên giới đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa thường xảy ra tại khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đủ các mặt hàng từ thuốc lá, đường cát, vàng, ngoại tệ, tiền Việt Nam giả đến buôn bán người. Trên tuyến biên giới đường thủy, các đối tượng tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động/ thực vật hoang dã, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm... Việc chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi làm cho công tác ngăn chặn các hoạt động này càng khó khănở các tỉnh biên giới.

Thứ ba, thách thức an ninh phi truyền thống đến từ xuất nhập cảnh trái phép; công dân Việt Nam xuất nhập cảnh và ở lại nước ngoài trái phép ảnh hưởng xấu tới uy tín, chính sách đối ngoại và quan hệ Việt Nam với các nước, tác động tiêu cực tới sự phát triển của các ngành du lịch, xuất khẩu lao động. Xuất nhập cảnh trái phép ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, nguy cơ phát sinh các loại tội phạm mua bán người và lừa đảo. Công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép dễ trở thành đối tượng cho các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động tuyển dụng, vận chuyển tài liệu, vũ khí, lôi kéo người ra nước ngoài để huấn luyện và đưa trở lại để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.

Thứ tư, thách thức về vấn đề dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; các hoạt động di cư tự do, lợi dụng thăm thân, đi làm nương. Nhiều đối tượng qua lại biên giới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh xâm nhập, lây lan từ nước ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, nhập lậu thực phẩm “bẩn” qua biên giới hiện nay cũng là thách thức cần phải ngăn chặn, bởi nó rất nguy hại cho sức khỏe người dân.

Với 4.658,5km đường biên giới đất liền, 3.260km bờ biển với 44 tỉnh/ thành phố, khu vực biên giới nước ta là địa bàn chiến lược trọng yếu, có vị trí chiến lược quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Hiện nay, tình hình vi phạm chủ quyền, lãnh thổ và an ninh trật tự trên các tuyến biên giới nước ta đã, đang xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới; vấn đề biên giới, lãnh thổ gắn với vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, có vũ trang, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng. Những thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề, phức tạp.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia chỉ rõ “Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; đối phó thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia”(2)

Vai trò của Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống được thể hiện ở một số nét chính như sau:

Một là, Bộ đội Biên phòng là lực lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vận động nhân dân khu vực biên giới ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới đất liền là trách nhiệm của nhiều chủ thể, với vị trí, vai trò khác nhau. Bộ đội Biên phòng được xác định là một chủ thể có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ biên giới quốc gia ở khu vực biên giới.

  Bộ đội Biên phòng là lực lượng trực tiếp tiến hành tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện và thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ XHCN

Trong tình hình hiện nay, tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, yêu cầu nhân dân khu vực biên giới phải được trang bị đầy đủ kiến thức về chính trị, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, ý thức cảnh giác cách mạng. Bộ đội Biên phòng là lực lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật  quan trọng, trực tiếp trang bị kiến thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân khu vực biên giới nhằm xây dựng hàng rào pháp lý, xây dựng phòng tuyến nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Phòng tuyến biên giới vững chắc nhất là “sức mạnh phòng tuyến lòng dân”. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ đội Biên phòng góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm; chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, nâng cao trách nhiệm phát hiện, tố giác tội phạm của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới. Từ đó, nền biên phòng và thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Hai là, Bộ đội Biên phòng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới

Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định để ứng phó kịp thời, thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống. Bộ đội Biên phòng thực hiện việc nghiên cứu, nhận định, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình khu vực và trên các tuyến biên giới, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý tốt các tình huống quốc phòng, an ninh, nhất là tình huống an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới.

Vai trò này thể hiện tính tích cực, chủ động, là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đặc biệt là trước các tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới.

Ba là, Bộ đội Biên phòng là lực lượng trực tiếp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới

Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ “duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”­­(3).

Bộ đội Biên phòng là lực lượng trực tiếp tiến hành tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện và thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ XHCN; đồng thời là lực lượng quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường.

Bốn là, Bộ đội Biên phòng là lực lượng tiến hành công tác đối ngoại biên phòng, hợp tác quốc tế ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới.

Trong các vấn đề của an ninh phi truyền thống có những vấn đề xuyên quốc gia, do đó, giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các quốc gia. Bộ đội Biên phòng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đưa ra cảnh báo, dự báo sớm, phối hợp hành động, tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống; hợp tác, phối hợp với các quốc gia có chung đường biên giới và tổ chức quốc tế, lực lượng bảo vệ biên giới, nhằm xây dựng hành lang pháp lý, thiết lập cơ chế hợp tác để phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa, thiên tai, bảo đảm an ninh biển thông qua các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp.

2. Bộ đội Biên phòng thực hiện công tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới hiện nay

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ đội Biên phòng và diễn biến tình hình trên các tuyến biên giới, công tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới trong thời gian qua đã được tiến hành và đạt được những kết quả chính như sau:

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, triển khai các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo vệ Tổ quốc nói chung, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nói riêng trong tình hình mới.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã nghiên cứu, biên soạn trên 5.000 đề cương, tài liệu tuyên truyền các bộ luật, luật, văn bản dưới luật (bằng chữ Quốc ngữ và các dân tộc); biên soạn, in và cấp trên 10 triệu tờ rơi, tờ gấp và đĩa DVD tuyên truyền pháp luật với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của các đối tượng. Các xã, phường, thị trấn biên giới đã xây dựng 1.084 tủ sách; các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn biên giới đã xây dựng trên 1.000 tủ sách, với hàng nghìn sách, báo, tạp chí mỗi tủ sách.

Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo các cấp xây dựng, triển khai Kế hoạch số 3976/KH-BĐBP ngày 28-9-2021 về phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong phòng, chống dịch trên các tuyến biên giới, vùng biển, Bộ đội Biên phòng đã triển khai 1.944 tổ/ chốt (1.580 tổ/ chốt cố định, 364 tổ/ chốt lưu động), 47 tàu, xuồng, cử 8.782 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đất liền và hướng biển; đã điều động 9 đợt/3.213 lượtcán bộ, chiến sĩ(trong đó có 109 bác sĩ quân y thuộc các đơn vị phía Bắc tăng cường cho các đơn vị phía Nam)(4).

Trong phòng, chống bão lũ, thảm họa môi trường, Bộ đội Biên phòng đã chủ động, tích cực phòng, chống và tham gia khắc phục hậu quả. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã điều động 10.169 lượt cán bộ, chiến sĩ và 321 lượt tàu, xuồng, ô tô các loại phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ; các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải huy động 197 phương tiện tổ chức ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai được 405 vụ, cứu vớt 385 người/235 phương tiện; tham gia chữa cháy 47,5 hecta rừng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức sơ tán nhân dân đến địa điểm an toàn.

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, Bộ đội Biên phòng đã chủ động làm tốt công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp, đối sách đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm ở khu vực biên giới; đã khởi tố 469 vụ/653 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 3.647 vụ/11.234 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 53,831 tỷ đồng; phối hợp điều tra, xử lý 1.791 vụ/2.803 đối tượng(5)..

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng chủ động tham mưu, xây dựng, ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác biên phòng với các nước láng giềng; phối hợp thực thi hợp tác biên phòng hai bên biên giới; đẩy mạnh công tác đối ngoại biên giới, nâng cao hiệu quả các cơ chế, hình thức giao lưu giữa các cấp, hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới, bảo đảm đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Bộ đội Biên phòng tại các địa phương đã tổ chức nhiều hội đàm và tham gia đàm phán với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng để ký kết các thỏa thuận hợp tác về biên phòng; trao đổi tình hình, giải quyết các vấn đề có liên quan đến hai bên biên giới; Phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, góp phần duy trì sự ổn định, hòa bình khu vực biên giới. Triển khai kết nghĩa đồn, trạm, lực lượng vũ trang 185 cặp/265 đồn biên phòng với các đồn, đại đội Bộ đội Biên phòng và chi đội, trạm kiểm tra biên phòng xuất, nhập cảnh các nước láng giềng, tạo môi trường, hành lang pháp lý, sự thống nhất trong nhận thức và hoạt động trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế của địa phương các tỉnh biên giới.

Tuy nhiên, công tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Công tác nắm, quản lý địa bàn, biên giới của Bộ đội Biên phòng thời gian qua vẫn còn hạn chế, do: điều kiện địa lý phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới cư trú rải rác; các điều kiện về y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần, tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao… công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới chưa được thường xuyên.

Hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hiệp ước, hiệp định về biên giới đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước láng giềng, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan... chưa sinh động. Có lúc, có nơi nội dung tuyên truyền còn chưa cập nhật kịp thời với sự đa dạng của các thách thức an ninh phi truyền thống trên từng tuyến biên giới.

Công tác phối hợp, hiệp đồng với các sở, ban, ngành, lực lượng chưa thường xuyên; phương pháp thông báo, trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới giữa các lực lượng chưa đạt hiệu quả cao. Công tác phối hợp trong các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của một số đơn vị với lực lượng bảo vệ biên giới của phía đối diện chưa đi vào chiều sâu.

Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá việc ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng được duy trì thường xuyên ở các đồn biên phòng cửa khẩu; ở nhiều đồn biên giới chưa thành nền nếp. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân thiếu chủ động, chưa kịp thời.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới

Một là, nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng, cán bộ chiến sĩ Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới

Đây là giải pháp quan trọng để phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới hiện nay. Nhận thức đúng là cơ sở để hành động phù hợp với thực tiễn. Nhận thức bắt đầu từ thực tiễn và trở về với thực tiễn nhưng ở trình độ cao hơn để cải tạo thực tiễn theo những quy luật khách quan. Do đó, nhận thức về an ninh phi truyền thống là nền tảng và cơ sở quan trọng để xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Cấp ủy, tổ chức đảng, Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, các đồn biên phòng quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninhvà vận dụng một các linh hoạt, sáng tạo ở từng địa bàn, khu vực, đặc điểm dân cư khu vực biên giới và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, phù hợp với điều kiện, tổ chức lực lượng của các đơn vị biên phòng.

Nâng cao nhận thức về quốc phòng an ninh, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống phải được tiến hành thường xuyên, liên tục cả về chiều rộng và chiều sâu theo đúng phương châm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là: coi giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để phát triển bền vững đất nước, phát triển để giữ vững an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển. Trên cơ sở đó, huy động sự chủ động, tích cực tham gia của mỗi người dân và cả cộng đồng vào phòng ngừa và ứng phó.

Hai là, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương về ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới

Các thách thức an ninh phi truyền thống đến từ nhiều hướng khác nhau, bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả trạng thái hành động và không hành động của con người. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện tốt công tác quán triệt, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nắm chắc và vận dụng thực hiện tốt quan điểm mục tiêu Nghị quyết số 28 khóa XI ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Chủ động ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Quán triệt và thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó xác định công tác phòng, chống tội phạm là công việc quan trọng, thường xuyên, cấp bách và lâu dài, phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi địa bàn, mọi lĩnh vực. Nắm chắc và thực hiện các văn bản pháp luật như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Khám, chữa bệnh, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự.

Ba là, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới

Đây là giải pháp cơ bản thể hiện sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN và thể hiện thế trận liên hoàn, có sự hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện tư tưởng liên tục tiến công, chủ động phòng ngừa, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia trên tuyến biên giới đất liền trong tình hình mới.

Bảo đảm quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề có tính quy luật, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới, đòi hỏi vừa đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ riêng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong điều kiện hiện nay, bên cạnh chuẩn bị và bảo đảm sức mạnh quân sự thì các hình thức, biện pháp bảo vệ biên giới “phi quân sự” trước các thách thức an ninh phi truyền thống, “biên giới mềm” cần được quan tâm thường xuyên. Các biện pháp, hình thức bảo vệ biên giới dựa trên sức mạnh quân sự hay phi quân sự đều phải bám sát mục tiêu giữ vững trạng thái ổn định, an toàn cho các hoạt động ở khu vực biên giới, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền biên phòng toàn dân. Ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển tạo nền tảng xã hội, kinh tế vững vàng, tạo nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Kết hợp nhiệm vụ ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội bởi các thách thức an ninh phi truyền thống rất đa dạng, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; nguồn gốc tạo nên các mối đe dọa an ninh phi truyền thống rất phức tạp, có cả yếu tố phát sinh từ tự nhiên, có cả yếu tố phát sinh từ hoạt động của con người; phạm vi đe dọa, khả năng phát tán nhanh, hiệu ứng rộng, ảnh hưởng xuyên quốc gia. Nếu không chủ động và tích cực ứng phó thì khi phát sinh dễ tạo ra uy hiếp nghiêm trọng, khó xử lý và để lại hậu quả lâu dài cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia.

Kết hợp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới là hướng đến phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, chăm lo bảo vệ môi trường sinh thái. Thực chất là bảo đảm gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và chính sách phát triển.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới

Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, bảo đảm cho cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng nhận thức sâu sắc hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đường lối đối ngoại và công tác đối ngoại; nắm vững mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Là định hướng quan trọng đối với Bộ đội Biên phòng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển.

An ninh phi truyền thống là một vấn đề phức tạp và có tác động hết sức khó lường bởi tính chuyển hóa giữa các nguy cơ cũng như khả năng chuyển hóa từ nguy cơ phi truyền thống sang nguy cơ truyền thống. Các nguy cơ, đe dọa an ninh phi truyền thống rất rộng lớn, có thể hình thành, xuất phát từ một số quốc gia, khu vực nhất định rồi lan rộng sang các quốc gia, khu vực khác hoặc các nguy cơ đó tồn tại phổ biến ở hầu hết các quốc gia và có tác động qua lại, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Đối phó với những nguy cơ đó, một vài quốc gia dù có tiềm lực lớn mạnh đến đâu cũng không thể tự mình ngăn chặn, đẩy lùi được.

Cần tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và nhân dân thực hiện tốt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; của cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nói chung, công tác đối ngoại biên phòng nói riêng và các điều ước quốc tế về biên giới.

Với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, an ninh phi truyền thống đã và đang nổi lên như một bộ phận đặc biệt quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia nói chung. Vì vậy, toàn dân và quân ta cần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nhận biết rõ các thách thức an ninh phi truyền thống để có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân.

_________________

Ngày nhận bài: 17-02-2023; Ngày bình duyệt: 22-02-2023; Ngày duyệt đăng: 3-4-2023.

 

(1) Bộ Công an: Báo cáo 520/BC-BCA ngày 3-6-2021, Báo cáo Tổng kết 09 năm thi hành Luật phòng, chống mua bán người năm 2011.

(2) Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

(3) Điều 14, Luật Biên phòng Việt Nam 2020.

(4), (5) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Báo cáo tổng kết công tác biên phòng tháng 10-2022.

ThS PHẠM QUỐC KHÁNH

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền