Trang chủ    Thực tiễn     Báo chí và trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan báo chí
Thứ năm, 26 Tháng 12 2013 11:27
4007 Lượt xem

Báo chí và trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan báo chí

(LLCT)- Những con số thất thoát ngân sách khổng lồ gắn với sự đổ vỡ của một số tập đoàn kinh tế; các vụ cưỡng chế đất đai ở một số địa phương; việc khai thác rừng và khoáng sản tràn lan phá hủy môi trường sinh thái đã “đánh thức nhận thức xã hội”, nêu trúng nhiều vấn đề nhân dân quan tâm và được nhân dân đồng tình. Nhưng ngược lại một số tờ báo tập trung quá mức vào chuyện giật gân câu khách (như dư luận đã lên tiếng chỉ trích thông tin lá cải, báo lá cải) v.v.. Tất cả những vấn đề này đều liên quan đến địa vị pháp lý và trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan báo chí.

 

Theo Luật Báo chí, mỗi cơ quan báo chí tùy theo tôn chỉ mục đích của mình, thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định để bảo đảm các quyền tự do hoạt động báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, cơ quan báo chí có bao nhiêu quyền và nghĩa vụ theo luật định thì người đứng đầu cơ quan báo chí có bấy nhiêu trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ xã hội. Người đứng đầu cơ quan báo chí, với báo in, báo mạng điện tử gọi là tổng biên tập; với báo phát thanh, truyền hình gọi là giám đốc, tổng giám đốc (sau đây gọi chung là tổng biên tập).   

Tổng biên tập với tư cách là đảng viên chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về thực hiện tôn chỉ mục đích, sứ mệnh chính trị của cơ quan báo chí. Theo pháp luật tổng biên tập cần nhận thức được những điều được và không được phép thông tin trên báo chí; nhưng với trách nhiệm chính trị trước Đảng, cần hiểu rõ cái gì nên và không nên thông tin vào lúc này. Do báo chí là hiện tượng xã hội gắn liền với chính trị và theo quan điểm của Đảng, là công cụ của quyền lực chính trị, cho nên người đứng đầu cơ quan báo chí cần có sự nhạy cảm, nhất là trong tình hình hiện nay. Tổng biên tập phải có nghề, am hiểu nghề và có bản lĩnh nghề nghiệp; thể hiện rõ thái độ và bản lĩnh chính trị trước các vấn đề gai góc và nhạy cảm.

Theo thể chế hiện hành, tổng biên tập là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và dư luận xã hội về những thông tin do cơ quan báo chí mình cung cấp cho công chúng. Quyền và nghĩa vụ của báo chí là thông tin trung thực tình hình trong nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, có được bản lĩnh để bày tỏ thái độ trung thực vì sự nghiệp chung lại không đơn giản. Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “cái gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Đây là quan điểm cơ bản và là vấn đề căn cốt nhất của báo chí cách mạng, mà các tổng biên tập lảng tránh hoặc coi nhẹ những thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân (nhân dân nói chung và mỗi công dân nói riêng), thì trên thực tế bản chất cách mạng của báo chí đã bị phai nhạt. Báo chí phải bảo đảm chức năng tư tưởng - tức là báo chí luôn luôn đứng về phía nhân dân và tiến bộ xã hội. Cho nên, trong quá trình thực hiện quyền tự do báo chí theo luật định, cần chống biểu hiện nhân danh Đảng, Nhà nước để hạn chế tự do báo chí, mà việc hạn chế ấy không vì lợi ích của Nhà nước và nhân dân.     

Từ quan điểm trên, có thể thấy trong dòng báo chí chính trị - xã hội thời gian gần đây được phân thành mấy nhóm chính sau:     

Nhóm thứ nhất, phần đông các báo về cơ bản đã bám sát các vấn đề cuộc sống để thông tin, tuyên truyền, phản biện và giám sát xã hội quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nêu được nhiều vấn đề bức xúc và nóng hổi, thu hút sự quan tâm của công chúng và dư luận xã hội, trên cơ sở ấy giúp nhân dân và công chúng nhận thức rõ hơn, sâu hơn các quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước, những vấn đề đặt ra cần giải quyết, góp phần giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những sản phẩm báo chí hay đã thỏa mãn được các tiêu chí sau:      

Thứ nhất, thông tin và bám sát các sự kiện, các vấn đề nóng hổi, bức xúc được công chúng và nhân dân thật sự quan tâm, liên quan mật thiết đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân nói chung và mỗi người dân nói riêng. 

Thứ hai, có những bài phân tích, bình luận, chỉ dẫn thuyết phục nhằm định hướng dư luận xã hội - thực chất là hướng dẫn tư tưởng, nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng trong bối cảnh cụ thể với vấn đề cụ thể. Vấn đề này, đối với báo chí chính trị - xã hội và báo đảng, không chỉ cần có đội ngũ nhà báo săn tin nhanh và chọn lọc tin giỏi, mà quan trọng hơn là cần một đội ngũ các nhà bình luận, nhà chính luận sắc sảo, tâm huyết và bám sát sự kiện, vấn đề thời sự kịp thời để thể hiện quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước một cách thực tế, thuyết phục công chúng bằng các sự kiện mới nảy sinh hay đang manh nha, dẫn dắt câu chuyện và hướng nhận thức cho công chúng, bám sát và thể hiện được luồng tư tưởng chủ đạo tích cực, chứ không thụ động “ngồi chờ kết luận”. Nếu thiếu vắng đội ngũ nhà báo chính luận có khả năng đón bắt, dẫn dắt và chi phối dư luận xã hội, báo chính trị sẽ khó trở thành ngọn cờ tư tưởng của Đảng, thậm chí trở nên tẻ nhạt vô hồn.        

Ở đây có hai vấn đề đặt ra cho báo chí và trách nhiệm chính trị của tổng biên tập: một là, vấn đề đưa tin nhanh, bao quát được tình hình gắn liền với chọn lọc thông tin sự kiện tốt; hai là, với những sự kiện và vấn đề nhạy cảm, cần có sự phân tích, bình luận để ngay từ đầu có thể định hướng dư luận. Cả hai vấn đề này đòi hỏi tổng biên tập và đội ngũ biên tập viên, bình luận viên có tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở nhận thức rõ địa vị pháp lý và trách nhiệm chính trị của mình. Cần hiểu rằng, báo chí thông tin trung thực tức là thông tin vì lợi ích của đất nước và nhân dân, chứ không vì lợi ích của nhóm người nào đó.           

Tiêu chí quan trọng nhất của báo chí, nhất là báo chí chính trị là có thuyết phục được công chúng, lôi kéo được họ vào tầm ảnh hưởng của mình không. Mỗi khi xảy ra “điểm nóng” - từ góc độ nghề nghiệp, đó là cơ hội để báo chí thể hiện năng lực, tài nghệ thuyết phục của mình đối với công chúng. Nhưng rất tiếc, không ít tòa soạn báo chính trị - xã hội lại chưa “chớp” lấy cơ hội này, mà ngồi chờ “xem sao” - thực chất là ngại va chạm, thiếu bản lĩnh...; như thế là quay lưng với cuộc sống. Điểm nóng xảy ra là dịp thử sức tính chuyên nghiệp và trách nhiệm chính trị của báo chí, nhất là tổng biên tập. Bởi đó là tâm điểm hút sự quan tâm của công chúng, là nơi cọ xát các ý kiến, quan điểm, lợi ích và dịp để báo chí thể hiện mình. tổng biên tập thường không mấy khi trực tiếp viết bài ký tên trên báo mình - việc dễ nhất mà anh ta có thể làm được, nhưng quan điểm, thái độ và cách thức thông tin của tờ báo và nhà đài thể hiện rõ nhân cách nghề nghiệp tổng biên tập. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng, hàm lượng văn hóa và tính nhân văn của sản phẩm báo chí... phụ thuộc vào bản lĩnh chính trị và nhân cách của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Thứ ba, sản phẩm báo chí trình bày “bắt mắt, bắt tai”, hình thành được phong cách ngôn từ, giọng điệu phù hợp với công chúng - nhóm đối tượng. Ngôn ngữ sinh động, giàu sự kiện, hình ảnh và sức thuyết phục, gần gũi đời sống nhân dân là yêu cầu không thể thiếu trong sự cấu thành chất lượng sản phẩm báo chí. Trong điều kiện xã hội hiện đại, khổ báo, chất lượng in ấn... cũng là yếu tố chi phối quan trọng đến chất lượng sản phẩm truyền thông.  

Nếu sản phẩm báo chí thỏa mãn được nhu cầu, mong đợi của công chúng, sẽ được công chúng đón đợi, sẵn sàng bỏ tiền mua với thái độ trân trọng. Công chúng nào, báo chí ấy. Mặt khác, tòa soạn báo chí thông qua đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng, có khả năng tạo lập, hình thành ở họ thói quen, thị hiếu tích cực phù hợp với chuẩn mực văn hóa chung, chứ không đơn thuần chạy theo thị hiếu của công chúng - nhóm đối tượng.   

Nhóm thứ hai, chưa chủ động thông tin những vấn đề nóng hổi và bức xúc của công luận, nhất là những điểm nóng, thiếu tự tin và chờ đợi, nghe ngóng diễn biến sự kiện; ngại đụng chạm đối với những vấn đề tiêu cực, tham nhũng... Chính quan điểm và thái độ thông tin chưa rõ ràng của một số tổng biên tập đã biến sản phẩm báo chí của mình thành “lạc điệu”, xa rời cuộc sống hoặc theo đuôi cuộc sống. Thực chất, đây là biểu hiện thiếu trách nhiệm xã hội, do chưa nhận thức được một cách chắc chắn và chưa đủ bản lĩnh thực hiện địa vị pháp lý của báo chí và địa vị pháp lý của tổng biên tập, hoặc tâm lý “chờ thời”; bản lĩnh chính trị chưa thật vững vàng, sợ trách nhiệm... Theo quan điểm của Đảng, Nhà nước và thể hiện rõ trong Luật Báo chí, Nhà nước dùng báo chí làm kênh (hay công cụ) để tổ chức và duy trì trật tự xã hội, đấu tranh chống các hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội... Việc không tham gia đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, làm thất thoát tiền của, làm xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng, đối với Nhà nước... trách nhiệm chính trị trước hết thuộc về tổng biên tập, sau nữa thuộc về cơ quan chủ quản báo chí. Khi báo chí lảng tránh chống tiêu cực, tính chiến đấu của tổ chức đảng thấp thì sinh khí của báo chí không còn, sản phẩm báo chí sẽ nhạt nhẽo.      

Nhóm thứ ba, trong khi lảng tránh những vấn đề trung tâm, nóng hổi được công luận quan tâm, nhóm này chủ yếu tập trung chạy theo giật gân câu khách kiểu “báo lá cải”, “thông tin lá cải”.  Những biểu hiện của nhóm báo chí này không những bị công chúng đánh giá thấp, dần lảng tránh, mà còn làm thui chột đội ngũ nhà báo, làm cùn mòn tư duy nghề nghiệp.     

Dư luận xã hội đặt vấn đề, tại sao các cơ quan báo chí của ta đều là cơ quan ngôn luận của các tổ chức đảng, có sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ theo hệ thống chính trị, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng báo lá cải, thông tin lá cải ngày càng rộ lên khiến công luận lên tiếng chỉ trích. Ở đây chủ yếu lại là do tổng biên tập các báo này chưa nhận thức một cách tự giác trách nhiệm chính trị của mình - thực chất là chạy theo lợi nhuận mà xa rời hoặc coi nhẹ lợi ích chính trị - xã hội của báo chí; đồng thời vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí. “Ra báo, ra đài” trong cơ chế xin - cho sẽ dễ tạo ra báo lá cải, thông tin lá cải... và những hệ lụy khó lường về hậu quả khía cạnh văn hóa lâu dài do thông tin tạo ra. 

Ở nước Nga chỉ trong khoảng thời gian 3 năm (1991 - 1993), sau khi Liên Xô sụp đổ, số lượng báo xuất bản đột ngột tăng lên hơn 3.000 tờ báo in kiểu báo lá cải. Loại báo lá cải này chỉ tập trung chủ đề tiền tình, tù, tội, đâm chém; in đen trắng trên giấy rẻ tiền hoặc lòe loẹt màu sắc (tương tự cũng có sách lá cải). Nhưng chỉ sau hai năm, hầu hết các báo này tự tiêu tan do thua lỗ. Điều ấy cho thấy báo lá cải có thể bị cuộc sống đào thải, công chúng quay lưng. Tuy nhiên, báo lá cải sẽ khó sập tiệm, khó tiêu tan theo đào thải của thị trường và công chúng nếu được “nuôi” bằng cơ chế và sự “bảo lãnh” hoặc biến tướng theo cơ chế xin - cho dưới nhiều hình thức.       

Xét như vậy càng thấy, địa vị pháp lý của tổng biên tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giữ vững định hướng và tôn chỉ mục đích thông tin cũng như quá trình làm thay đổi, khởi sắc diện mạo của báo chí. Năng lực nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong cơ quan báo chí có được nâng lên hay không tùy thuộc vào vai trò tổng biên tập. Trong tòa soạn báo chí, tổng biên tập phải là tấm gương sống về nhân cách đạo đức và phẩm chất, năng lực nghề nghiệp.

Tổng biên tập là một nghề, nên phải có nghề và giỏi nghề mới có thể thật sự đáp ứng yêu cầu công việc. Tổng biên tập cần có những phẩm chất và năng lực như:         

Thứ nhất, phải biết nghề, hiểu nghề và nên giỏi nghề. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn và rõ địa vị pháp lý và trách nhiệm chính trị của báo chí, cần định vị cụ thể vai trò, vị thế cơ quan báo chí của mình trong hệ thống, thiết lập và tổ chức các mối quan hệ công việc nhằm mở mang các hoạt động và phát triển công chúng, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm báo chí.      

Thứ hai, biết xác định và thiết lập các đầu mối công việc trong tòa soạn một cách hợp lý, bảo đảm cho guồng máy thu thập, xử lý, sản xuất và chuyển tải tin tức được nhanh chóng, chính xác; bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực lao động và huy động tối đa nguồn lực xã hội trong quá trình sản xuất tin tức - sản phẩm báo chí. Trong điều kiện truyền thông số hiện nay, tổ chức khai thác, liên kết nguồn lực xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tòa soạn báo chí.           

Thứ ba, năng lực xử lý tình huống, nhất là xử lý khủng hoảng báo chí truyền thông.   

Thứ tư, năng lực quản trị tòa soạn báo chí, bảo đảm hài hòa lợi ích chính trị - xã hội và lợi ích kinh tế trong quá trình hoạt động báo chí; ưu tiên phục vụ nhiệm vụ chính trị và lợi ích chính trị - xã hội, đáp ứng nhu cầu công chúng xã hội.            

Thứ năm, bảo đảm về nhân cách đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp, trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh; dám chịu trách nhiệm trước pháp luật và dư luận xã hội, trước nhân dân và lịch sử. Thái độ trách nhiệm ấy trước hết được thể hiện qua diện mạo các vấn đề thông tin và khuynh hướng, thái độ thông tin, chất lượng chính trị, chất lượng nghề nghiệp, chất lượng văn hóa của sản phẩm báo chí do mình phụ trách.   

Trong xã hội hiện đại tổng biên tập cần được đào tạo một cách bài bản. Cần có cơ chế đào tạo bắt buộc về kiến thức và kỹ năng cần có cho người đứng đầu cơ quan báo chí, chứ không nên chọn người theo “tùy hứng” cá nhân. Đồng thời cần xây dựng chuẩn mực đánh giá sản phẩm báo chí, trên cơ sở ấy đánh giá tổng biên tập một cách rõ ràng, minh bạch.

Nền báo chí nước ta hiện đang thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao, trong đó, thiếu đội ngũ tổng biên tập có nghề để có thể góp phần thay đổi diện mạo báo chí nước nhà phát triển theo hướng cách mạng và chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong đợi của công chúng xã hội, phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước thời kỳ hội nhập toàn cầu.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2012

 

PGS, TS Nguyễn Văn Dững

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền