Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển du lịch gắn với bảo đảm sinh kế bền vững ở Việt Nam
Thứ năm, 11 Tháng 5 2023 16:15
1749 Lượt xem

Phát triển du lịch gắn với bảo đảm sinh kế bền vững ở Việt Nam

(LLCT) - Phát triển du lịch có vai trò quan trọng trong phát triển sinh kế và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân Việt Nam. Quá trình phát triển du lịch tạo ra nhiều tác động tới các nguồn lực sinh kế bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương. Bài viết tập trung khái quát sự tác động của phát triển du lịch đến bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, chỉ ra thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo đảm sinh kế bền vững ở Việt Nam.

Du khách khám phá các sản phẩm văn hóa ở Hội An, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: nhiepanhdoisong.vn

Phát triển du lịch (PTDL) bền vững giúp xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân, cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ và tăng cường các thế mạnh du lịch của địa phương.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước chịu tác động lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến bảo đảm sinh kế bền vững của người dân. Do vậy, nghiên cứu đánh giá PTDL gắn với bảo đảm sinh kế bền vững của cộng đồng dân cư trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cần thiết về cả lý luận và thực tiễn giúp chính quyền các địa phương và các nhà quản lý đưa ra những giải pháp, chiến lược phù hợp nhằm mục tiêu vừa PTDL, vừa bảo đảm sinh kế bền vững và bảo tồn di sản văn hóa.

1. Phát triển du lịch và bảo đảm sinh kế bền vững

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên và môi trường. Do đó, PTDL theo hướng bền vững cần đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, các giá trị văn hóa của cộng đồng, đồng thời hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể tham gia, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu ở Việt Nam. 

Để PTDL bền vững phải quan tâm đầy đủ đến các tác động về môi trường, kinh tế và xã hội ở cả hiện tại và tương lai, bao gồm các nhu cầu của du khách, môi trường, cộng đồng địa phương và các ngành sản xuất khác. PTDL phải hội tụ đầy đủ các yếu tố điều kiện về tài nguyên, hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực. 

Bên cạnh đó, yếu tố đặc biệt quan trọng là chính sách PTDL, bởi vì, một địa phương dù có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc nhưng không đưa ra các chính sách phát triển phù hợp sẽ không huy động được các nguồn lực xã hội để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch. 

Quá trình PTDL tác động to lớn đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, đặc biệt là thay đổi các nguồn lực, phương thức sinh kế truyền thống, từ đó ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hoạt động sinh kế của người dân. 

Sinh kế (Livelihoods) bắt đầu được quan tâm, nghiên cứu cuối những năm 80 thế kỷ XX. Nghiên cứu của Chambers và Robert năm 1983 chính thức sử dụng khái niệm “sinh kế”(1). Khung phân tích sinh kế bền vững của Cơ quan phát triển quốc tế Anh (DFID) định nghĩa: “sinh kế bao gồm các khả năng, các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết kiếm sống”(2). Theo đó, sinh kế được hiểu là cách kiếm tiền để sống hoặc là phương thức kiếm sống. 

Ở Việt Nam, sinh kế thường được hiểu là hoạt động kinh tế để bảo đảm cuộc sống hay hoạt động mưu sinh kiếm sống của con người. Theo Từ điển Tiếng Việt, sinh kế “là việc làm để kiếm ăn, để mưu sống”(3), hay đó là những phương thức kiếm sống của một cá nhân hay cộng đồng, nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất, tinh thần để duy trì sự phát triển của cá nhân hay cộng đồng đó. 

Từ các cách tiếp cận về sinh kế, có thể hiểu sinh kế là cách thức sử dụng các nguồn lực và sắp xếp những hoạt động kinh tế của cư dân thành những ngành nghề đặc thù phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương nhằm duy trì cuộc sống, được lặp lại từ ngày này qua ngày khác và có sự thay đổi linh hoạt khi có biến động về môi trường sống. 

Sinh kế bền vững (sustainable livelihood) là một thuật ngữ xuất hiện trong các nghiên cứu về phát triển và môi trường nhằm đưa ra một cách suy nghĩ mới về công việc, đặc biệt là công việc của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương (nhóm dân cư có thu nhập thấp, các cộng đồng tại chỗ...).

Robert Chambers và Gordon Conway (năm 1992) định nghĩa: “Sinh kế bao gồm năng lực, tài sản và các hoạt động kiếm sống. Một sinh kế bền vững là một sinh kế có thể đối phó và phục hồi trước những sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội kiếm sống bền vững cho thế hệ tiếp theo, đóng góp lợi ích vào sinh kế của những người khác tại địa phương và trên toàn cầu trong ngắn và dài hạn”(4). Theo Olivier, “tính bền vững cũng đề cập đến khả năng trải qua những cú sốc hoặc căng thẳng bên ngoài và phục hồi sau những chấn thương đó thông qua việc duy trì hoặc cải thiện sinh kế của một người”(5)

Năm 1998, DFID đã tổng hợp và đưa ra khung sinh kế bền vững. Khung sinh kế của DFID đã được mở rộng, phát triển và phổ biến rộng rãi, trở thành cơ sở lý luận và có tính ứng dụng cao trong phân tích phát triển bền vững. Nguồn lực sinh kế sẽ quyết định đến phương thức sinh kế hay cách thức tổ chức các hoạt động lao động, sản xuất để kiếm sống. Khi các nguồn lực sinh kế thay đổi thì phương thức sinh kế cũng sẽ thay đổi.  

Hình 1: Khung phân tích sinh kế bền vững DFID

Theo đó, nguồn lực sinh kế là một trong bốn yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng. Nguồn lực sinh kế bao gồm: nguồn lực tự nhiên; nguồn nhân lực; nguồn lực xã hội; nguồn lực vật chất; nguồn lực tài chính.

Khái niệm sinh kế bền vững liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái; đồng thời liên quan đến quá trình phát triển của một người hay một hộ gia đình, của một vùng lãnh thổ và một quốc gia. Do đó, bảo đảm sinh kế bền vững là sự duy trì các nguồn lực sinh kế có thể ứng phó và phục hồi được sau những tác động của áp lực và cú sốc nhằm bảo đảm, nâng cao mức sống hiện tại và tương lai, không làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Nó bảo đảm các nguồn lực để duy trì và phát triển liên tục hoạt động sinh kế cho người dân, ứng phó có hiệu quả trước những biến động về kinh tế, xã hội và các áp lực khác.  

Như vậy, có thể quan niệm, bảo đảm sinh kế bền vững là quá trình các chủ thể thực hiện các biện pháp để người dân có được nguồn vốn sinh kế, thực hiện các hoạt động sinh kế thuận lợi, phát huy bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để duy trì ổn định cuộc sống hiện tại, cũng như thích ứng với các tác động có thể xảy ra trong tương lai.  

2. Những tác động của phát triển du lịch đến bảo đảm sinh kế bền vững ở Việt Nam

PTDL có tác động trực tiếp đến việc bảo đảm sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương thông qua sự biến đổi phương thức sinh kế. Sự tác động này vừa có mặt tích cực và vừa có mặt tiêu cực, thể hiện qua phân tích, đánh giá về môi trường, tài nguyên du lịch, chính sách, chiến lược của địa phương và nhận thức của người dân trong quá trình tham gia PTDL. 

Du lịch trở thành một công cụ góp phần tạo ra nguồn sinh kế trực tiếp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương. Sự PTDL đã tác động tới việc thay đổi nhiều ngành, nghề truyền thống như: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thay đổi bộ mặt các địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cũng như bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống…

PTDL tạo ra sinh kế mới cho người dân thông qua hoạt động kinh doanh du lịch mà không làm mất đi các sinh kế hiện có. Bên cạnh thu nhập từ công việc truyền thống, người dân có thể tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự PTDL đã làm thay đổi các nguồn lực sinh kế, các hoạt động, chiến lược sinh kế, phương thức sinh kế truyền thống của cư dân..., tạo ra sự đa dạng các ngành nghề, phù hợp với xu thế của thời đại.

PTDL là biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm cho bộ mặt địa phương thay đổi, kết cấu hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư tốt hơn dựa trên những lợi ích từ hoạt động du lịch. Đồng thời, tạo động lực cho các ngành thương mại, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xây dựng, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng phát triển. 

Bên cạnh những tác động tích cực, PTDL cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân. Một bộ phận người dân, chủ yếu làm nông nghiệp, sau khi bị thu hồi đất để làm các dự án du lịch, bị thiếu việc làm, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Những phương thức sinh kế truyền thống trước đây không còn phù hợp, làm phân hóa giàu, nghèo, phân tầng xã hội của cộng đồng trong khu vực. Hơn nữa, hoạt động du lịch mang tính thời vụ tác động rõ rệt đến văn hóa, đời sống, phương thức sinh kế truyền thống của cộng đồng cư dân. 

Ngoài ra, sự mở rộng các loại hình du lịch đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lực tự nhiên. PTDL nếu không có sự quản lý hiệu quả sẽ kéo theo tình trạng tăng giá đất đai, chi phí sinh hoạt, rác thải, tiếng ồn… PTDL còn có thể làm xuất hiện các tệ nạn xã hội phức tạp, khó kiểm soát như cờ bạc, mại dâm, ma túy…, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, làm mai một bản sắc văn hóa. Những tác động tiêu cực đó có thể dẫn tới nguy cơ phá vỡ kế hoạch PTDL, sinh kế bền vững của người dân trong tương lai.

3. Thực trạng phát triển du lịch gắn với bảo đảm sinh kế bền vững ở Việt Nam

Chiến lược PTDL Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13-14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%; tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm; đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm(6)

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch của Việt Nam gặp khó khăn. Sau thời gian chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều thành tựu ấn tượng. Theo Tổng cục Du lịch(7), 9 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 87 triệu lượt khách, vượt xa so với kế hoạch cả năm là 60 triệu lượt khách; trong đó khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 400 nghìn tỷ đồng.

Sự phát triển mạnh của du lịch trong thời gian gần đây đã tạo ra nhiều việc làm, giúp xóa đói, giảm

  Phát triển du lịch tạo ra sinh kế mới cho người dân thông qua hoạt động kinh doanh du lịch mà không làm mất đi các sinh kế hiện có. Bên cạnh thu nhập từ công việc truyền thống, người dân có thể tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự phát triển du lịch đã làm thay đổi các nguồn lực sinh kế, các hoạt động, chiến lược sinh kế, phương thức sinh kế truyền thống của cư dân..., tạo ra sự đa dạng các ngành nghề, phù hợp với xu thế của thời đại.

nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhiều khu vực ở Việt Nam. Các địa phương đã tạo ra các chương trình, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19 như: du lịch xanh, du lịch cộng đồng, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng... 

Tuy nhiên, việc PTDL bảo đảm sinh kế bền vững chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Hiện nay, ngành du lịch nước ta vẫn đang trong tình trạng thiếu nguồn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chính sách PTDL của các địa phương chưa thực sự phù hợp với thực tế nhu cầu sinh kế của người dân. Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến bảo đảm sinh kế bền vững, từ đó khuyến khích và tạo sự an tâm cho người dân trong tham gia hoạt động du lịch. 

Thực tế, cư dân ở khu vực du lịch thường có điều kiện khó khăn, trình độ kinh tế - văn hóa, nhận thức về du lịch hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn về kỹ thuật, vốn, chuyên môn, nghiệp vụ để có thể tham gia hiệu quả vào các hoạt động du lịch. Ở một số địa phương, chính quyền và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, “chụp giật” hoặc theo phong trào “nhà nhà làm du lịch”..., khiến việc PTDL nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Các sản phẩm du lịch có chất lượng chưa cao, đơn điệu về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, chưa mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Một bộ phận người dân có trình độ học vấn thấp, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận, phục vụ khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Chính quyền địa phương chưa có chính sách đặc biệt quan tâm đến nhóm cộng đồng đang hoạt động du lịch, người dân chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về du lịch, nên nhận thức chưa đúng đắn, dẫn đến vi phạm các quy định du lịch. 

Trong khi PTDL đem lại lợi ích, nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp thì lợi ích đem lại của cư dân địa phương ở một số nơi còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ vốn, bảo đảm sinh kế cho người dân trong tham gia PTDL địa phương chưa phát huy hiệu quả. Một số mô hình các công trình, các dự án PTDL chưa phù hợp với bảo đảm sinh kế bền vững của người dân…

4. Giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo đảm sinh kế bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, thực hiện chính sách, định hướng PTDL gắn với bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân.

Nhà nước cần ban hành chính sách huy động các nguồn lực để PTDL, bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư; tạo điều kiện cho địa phương đầu tư, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa phục vụ du khách, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Thực hiện các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để PTDL, bảo đảm sinh kế bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đa dạng các hình thức kinh doanh du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo cho người dân.  

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động sinh kế của người dân địa phương như chính sách thuế, chính sách cho vay lãi suất thấp; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Mặt khác, khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch, nhân rộng điển hình tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ hoạt động sinh kế của người dân. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định rõ, PTDL phải gắn với bảo đảm sinh kế bền vững và công bằng cho người dân. Đồng thời, định hướng PTDL cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó kiểm soát áp lực về môi trường và xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng đồng du lịch, góp phần hoàn thiện những mô hình du lịch bền vững. 

Hai là, nâng cao trình độ học vấn và nhận thức về vai trò PTDL đến hoạt động sinh kế của người dân. 

Giải pháp này vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tham gia hoạt động du lịch, cũng như phát triển lực lượng lao động ngành du lịch. Các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn cho cộng đồng, khuyến khích các đối tượng đi học, tặng học bổng cho người dân tộc thiểu số, miền núi tham gia các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch và dịch vụ du lịch. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về du lịch cho các cấp lãnh đạo, quản lý, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, phổ biến kiến thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch, về tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và vai trò, trách nhiệm đối với việc PTDL bảo đảm hoạt động sinh kế phù hợp cho người dân. Vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng văn hóa du lịch thân thiện. 

Các cấp, các ngành cần thường xuyên tổ chức tập huấn thường kỳ, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, bổ sung các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ du lịch cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh, kỹ năng cung cấp các dịch vụ du lịch,... Qua đó, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng, cũng như những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi PTDL tại địa phương. Ngoài ra, cần phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn cho du khách, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt, cần giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho người dân. 

Ba là, xây dựng mô hình PTDL dựa vào cộng đồng gắn với bảo đảm sinh kế bền vững

Các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình PTDL gắn với cải thiện sinh kế bền vững, tập trung vào loại hình du lịch cộng đồng để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Mô hình PTDL cần phải dựa trên 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế. Trong đó, thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa PTDL theo hướng bền vững, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. 

Chính quyền cần chú trọng đến xây dựng các mô hình sinh kế truyền thống kết hợp với tính đa dạng của các loại hình dịch vụ du lịch, làm phong phú các phương thức sinh kế cho cộng đồng địa phương. Xem xét điều kiện cụ thể của từng thôn, xã, từng hộ gia đình để triển khai các mô hình ở những vùng có tiềm năng và lợi thế du lịch, nhằm tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ngoài ra, tạo nhiều mô hình sinh kế gắn với du lịch cũng góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giải quyết được tính mùa vụ trong du lịch, tăng thu nhập cho cộng đồng, thân thiện với môi trường sinh thái.  

Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cần coi trọng và tăng cường nguồn lực sinh kế cho người dân đi đôi với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch. Đồng thời, huy động người dân tự nguyện làm du lịch để tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức, tập trung vào các công trình tạo điểm nhấn để thu hút du khách. Phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ kịp thời cho hoạt động sinh kế của người dân.  

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, liên kết, hợp tác PTDL, tạo sinh kế đa dạng cho các hộ dân

Để PTDL, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm quản lý du lịch, cổng thông tin du lịch thông minh, trang thông tin điện tử... và một số trang mạng xã hội, như: Youtube, Facebook, Zalo... chuyên biệt về du lịch. Từ đó, liên kết, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch truyền thống như: hội chợ, triển lãm, hội nghị... các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các công ty du lịch lữ hành; quảng bá du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng... Tạo điều kiện phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp du lịch sinh thái với trải nghiệm văn hóa bản địa... bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách, từ đó tạo thuận lợi cho công tác bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương. 

_________________

Ngày nhận: 10-3-2023; Ngày bình duyệt: 14-3-2023; Ngày duyệt đăng: 8-5-2023.

 

(1)   Chambers, Robert: Rural development: Putting the last first, Longman Scientific & Technical, co-published in the United States with John Wiley & Sons, Inc., NewYork, 1983, p.37-38.

(2)   Nguyễn Văn Sửu: “Khung sinh kế bền vững: Một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo”, Tạp chí Dân tộc học, số 2-2010, tr.3-12.

(3)   Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr.859.

(4)   Robert Chambers and Gordon R. Conway: Sustainable rural livelihoods: practical concepts for the 21st century, IDS Discussion, 1992, p.296.  

(5)   Serrat, Olivier: The Sustainable Livelihoods Approach. In: Knowledge Solutions, Singapore: Springer, 2017, pp.21-26. 

(6)   Việt Nam lạc quan về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực du lịch, https://www.gso.gov.vn.

(7)   Dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực,https://www.gso.gov.vn.

TS TRỊNH THỊ HẠNH

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền