Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy tốt vai trò của Quân đội - lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng, chống và khắc phục thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh
Thứ sáu, 19 Tháng 5 2023 10:46
1271 Lượt xem

Phát huy tốt vai trò của Quân đội - lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng, chống và khắc phục thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh

(TCLL) - Quân đội là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng, chống và khắc phục có hiệu quả thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... phát huy tốt vai trò của mình, với tinh thần “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là những thách thức của an ninh truyền thống và phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh… Quân đội cần tiếp tục phát huy tốt vai trò trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, xứng đáng là “quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân, huyện Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng giúp dân cứu kéo các phương tiện đánh bắt bị sóng đánh chìm trong cơn bão - Ảnh: qdnd.vn

Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự (PTDS) đã chỉ rõ: “Phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và nhân dân”. Với vị trí, vai trò của mình, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Quân đội cần nhận thức rõ và phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ quốc gia.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng thủ dân sự (PTDS) và đạt được nhiều kết quả tích cực. Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã: “Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quá thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn”(1); thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Nổi bật là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã phối hợp với các cấp ủy đảng, các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương tham mưu cho Đảng ban hành chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chính sách, pháp luật, kế hoạch… về PTDS trên cả nước và từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong toàn quân đã kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên trách, tổ chức điều chỉnh thế bố trí chiến lược, xây dựng lực lượng, các kế hoạch, phương án PTDS trong lĩnh vực được giao, đáp ứng “ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản do các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra”(2)

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các cấp ủy trong Đảng bộ Quân đội, các quân khu, cơ quan quân sự (CQQS) cấp tỉnh, huyện đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của công dân đối với nhiệm vụ PTDS; kiện toàn tổ chức, biên chế các lực lượng (chuyên trách, kiêm nhiệm và rộng rãi) theo quy định, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phương án; xây dựng các công trình, tổ chức huấn luyện, diễn tập và duy trì các chế độ quy định, sẵn sàng xử lý các tình huống PTDS trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra. 

Đặc biệt, các đơn vị quân đội đã phát huy tốt vai trò là lực lượng xung kích, đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh,… 

Thời gian tới, “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp... Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột… đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”(3).

Các vấn đề trên đặt ra cho nhiệm vụ PTDS cả nước những yêu cầu mới nặng nề hơn. Không những vậy, khi đất nước càng phát triển thì mức độ thiệt hại do chiến tranh, thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh,… sẽ càng phức tạp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong PTDS càng cao; từ đó, mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội phải xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện nhiệm vụ PTDS - nhiệm vụ chiến đấu trong cả chiến tranh và thời bình của Quân đội; tiếp tục phát huy tốt vai trò, tích cực đóng góp nhiều công sức, sự hy sinh cùng với các bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ quốc gia, PTDS; chuẩn bị tốt mọi mặt để phòng, chống có hiệu quả với các thảm họa, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, sự cố,… bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. 

Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các cơ quan, đơn vị quân đội ở địa phương cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về PTDS. 

Quân đội ta là một lực lượng chuyên trách đi đầu, sẵn sàng hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ PTDS để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đưa các hoạt động của nhân dân, nền kinh tế quốc dân trở lại bình thường ở các cấp. Chính vì vậy, mọi cơ quan, đơn vị trong toàn quân, từng cán bộ, chiến sĩ phải nắm, hiểu rõ vị trí, vai trò của PTDS, nhất là các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về PTDS. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân dân sự, Luật Quốc phòng, Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02-01-2019 về phòng thủ dân sự; nghị quyết của Quân ủy Trung ương, thông tư của Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục chính trị,… về PTDS. Qua đó, nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng,… về PTDS. 

Các cấp ủy, chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đề ra các chủ trương, giải pháp, xây dựng kế hoạch, phương án PTDS đồng bộ, phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. 

Cục Tác chiến - cơ quan thường trực PTDS của Bộ Quốc phòng cần phát huy tốt vai trò tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PTDS trong lĩnh vực được phân công, nhất là trong chỉ đạo việc dự báo chính xác tình hình, nghiên cứu dự báo chiến lược, như: việc lập các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phòng thủ quốc gia, PTDS trên từng vùng, khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ PTDS của các quân khu và tổ chức các   Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự chỉ rõ: “Phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và nhân dân”.

hoạt động PTDS của các địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh; khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh,…; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp xử lý các vấn đề về tác chiến gắn với khắc phục hậu quả. 

Cục Cứu hộ - Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Dân quân tự vệ và các cục chức năng khác giúp Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PTDS, nhất là trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh…; chỉ đạo lực lượng PTDS của Quân đội và lực lượng dân quân tự vệ triển khai các biện pháp khẩn cấp xử lý, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức. 

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các quân khu phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PTDS của Quân đội và lực lượng dân quân tự vệ; chỉ đạo cấp ủy, cơ quan quân sự các cấp thuộc quyền tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ PTDS trên địa bàn.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các cơ quan, đơn vị quân đội khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, theo sự chỉ đạo của cơ quan thường trực PTDS của Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng PTDS của các cơ quan, đơn vị quân đội, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng của các cơ quan, tổ chức và địa phương nơi đóng quân để thực hiện nhiệm vụ PTDS được phân công.

Hai là, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình PTDS; đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ PTDS cho các lực lượng.

Xây dựng các công trình PTDS là công việc hệ trọng, nếu quy hoạch, kế hoạch không đúng sẽ gây tác động xấu về an ninh và gây lãng phí cho Nhà nước và nhân dân. Do vậy, vấn đề có tính nguyên tắc là các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức xây dựng các công trình PTDS phải gắn chặt với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ. Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự ở từng cấp khi có chiến tranh phải gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch xây dựng hệ thống các công trình PTDSđược thực hiện theo quy định của Chính phủ về khu vực phòng thủ và quy định của pháp luật có liên quan. 

Xây dựng hệ thống các công trình phòng thủ dân sự phải bảo đảm kết hợp phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; triệt để tận dụng các hang động, địa hình, công trình nửa ngầm, công trình đường hầm, công trình ngầm làm hầm trú ẩn cho nhân dân, cơ quan, tổ chức khi có nguy cơ xảy ra thảm họa hoặc có chiến tranh. Quân đội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương có liên quan và các địa phương tham mưu cho Đảng và Nhà nước có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng các công trình ngầm để bảo đảm tính lưỡng dụng. 

Hệ thống công trình PTDS bao gồm: công trình dự báo, cảnh báo, báo động; công trình phòng, chống địch tiến công bằng hỏa lực thông thường, vũ khí hủy diệt lớn; công trình nghi trang, nghi binh; đường cơ động; hệ thống thiết bị phòng hóa tập thể; hệ thống thông gió, lọc độc; hệ thống đê điều; hệ thống hồ chứa thủy lợi; hệ thống rừng đặc dụng phòng hộ; khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; hệ thống kho dự trữ quốc gia; công trình bảo vệ, cất giữ lương thực, thực phẩm, nguồn nước, thuốc y tế, vật tư, phương tiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ PTDS; công trình, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm huấn luyện, diễn tập phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó các thảm hỏa, thiên tai, dịch bệnh, sự cố, tìm kiếm, cứu nạn. 

Xây dựng hệ thống công trình phòng, chống chiến tranh, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, sự cố, tìm kiếm, cứu nạn cần đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; trong đó, về chiến lược cần chú trọng các kế hoạch quốc gia về trồng rừng đầu nguồn, các dải ven bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn, rừng chua, phèn, rừng sinh thái; thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái sông, biển; hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc; các đài, trạm quan sát, quan trắc về động đất, khí tượng, thủy văn, dự báo sóng thần,… tạo thành mạng thông tin dự báo, cảnh báo, báo động trên phạm vi cả nước và từng vùng, miền. 

Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương hướng dẫn quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật các loại công trình để đáp ứng yêu cầu PTDS và hướng dẫn xây dựng, quản lý, bảo dưỡng, bảo vệ các công trình PTDS theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng. 

Khi địa phương chuyển sang tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, các công trình phải xây dựng theo lệnh khẩn cấp để thực hiện chức năng phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của các cơ quan, tổ chức và nhân dân được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.

Trong thực tiễn, việc thực hiện tốt nhiệm vụ PTDS là do các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị.Nhất là xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập chu đáo các kế hoạch, phương án đã xác định. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ PTDS ở các cấp. Khi tham mưu cho các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương xây dựng kế hoạch PTDS, các cơ quan, đơn vị quân đội cần quán triệt các nguyên tắc:  

Thứ nhất, kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia, kế hoạch phòng thủ dân sự cấp bộ và kế hoạch PTDS của các cấp địa phương được xây dựng theo chu kỳ 05 năm và được điều chỉnh hằng năm.

Thứ hai, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược quốc gia PTDS, kế hoạch phòng thủ đất nước và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, bộ, ngành trung ương, ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị quân đội xây dựng kế hoạch PTDS của bộ, ngành, địa phương và đơn vị mình đồng thời chỉ đạo các cơ quan, địa phương và đơn vị thuộc quyền xây dựng kế hoạch PTDS.

Thứ tư, kế hoạch PTDS phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục có hiệu quả đối với thảm họa do chiến tranh, thiên tai, dịch bênh gây ra. Hệ thống kế hoạch PTDS phải bảo đảm  tính hệ thống, khoa học, nhất quán, thống nhất, phù hợp, chặt chẽ ở từng cấp và liên thông giữa các cấp; đồng thời phải được phê duyệt theo phân cấp và thường xuyên được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp thực tế hằng năm. 

Trong huấn luyện PTDS, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội tham mưu, đề xuất với cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quán triệt thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đồng bộ và chuyên sâu, chú trọng bảo đảm thời gian, nội dung huấn luyện cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi; kết hợp giữa học lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính. 

Các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện tốt nhiệm huấn luyện PTDS cho các đối tượng được giao theo chức năng, nhiệm vụ. Các cấp, các cơ quan, đơn vị trong quân đội tham mưu, đề xuất với các cấp, các ngành, các địa phương chủ trương biện pháp lãnh đạo; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tổ chức diễn tập các hoạt động PTDS; sự phối hợp giữa các lực lượng trong PTDS bảo đảm  sát điều kiện, môi trường, yêu cầu nhiệm vụ; tập trung nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, phương pháp, biện pháp xử lý thảm họa, sự cố, dịch bệnh, thiên tai giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản.

Ba là, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục hoàn chỉnh và phát huy có hiệu quả hệ thống tiếp nhận, xử lý, dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động thông tin phòng thủ dân sự

Các cơ quan, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực PTDS ở các cấp có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, dự báo, thông báo, báo động về PTDS, tiến hành kiểm tra, xử lý và báo cáo với lãnh đạo, chính quyền, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để thông báo đến các cơ quan, tổ chức thuộc quyền và nhân dân đồng thời kịp thời báo cáo với cấp trên theo đúng quy định của Quân đội. 

Thường xuyên nghiên cứu, dựa vào kết quả quan sát, dự báo của các ngành chuyên môn, các dấu hiệu bất thường đối chiếu quy luật để tổng hợp, đưa ra các dự báo, thông báo, báo động kịp thời, chính xác về quy mô, thời gian, phạm vi, tác động của thiên tai, thảm họa và dịch bệnh. 

Các thông tin liên quan đến nguy cơ hoặc xảy ra thiên tai, thảm họa dịch bệnh nguy hiểm, sự cố được báo cáo về cơ quan thường trực PTDS cùng cấp để kiểm tra và xử lý. Nhận được thông tin liên quan đến nguy cơ hoặc xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố…, các bộ, ngành, chính quyền các cấp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan thường trực về PTDS cấp trên theo quy định. 

Các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương; hệ thống thông tin của lực lượng PTDS có trách nhiệm thông tin kịp thời những tin tức liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố… thuộc lĩnh vực PTDS.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan củng cố, xây dựng các trung tâm, thiết bị tiếp nhận, xử lý, dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động thông tin về PTDS; nhất là các trung tâm, các đài khí tượng thủy văn; các trạm báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; các trạm quan trắc-cảnh báo môi trường độc xạ; các đài, trạm quan sát, báo động phòng không nhân dân của Trung ương, khu vực, địa phương trên đất liền và biển đảo, hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tạo thành hệ thống mạng thông tin dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động PTDS trên phạm vi toàn quốc.

Bốn là, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương phòng, chống, khắc phục có hiệu quả hậu quả thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh…

Các cơ quan, đơn vị trong Quân đội tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai trồng rừng đầu nguồn, các dải ven bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn, rừng chua phèn, rừng sinh thái; tiến hành các biện pháp phòng, chống cháy rừng; kiện toàn hệ thống tổ chức phòng, chống lụt bão các cấp, các ngành; củng cố hệ thống dự báo, thông báo, cảnh báo, báo động, bảo đảm thông tin thông suốt đến người dân trong khu vực nguy hiểm trên đất liền và trên biển. 

Các cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn vùng núi, biên giới, biển đảo phối hợp với các lực lượng khác, nhất là công an, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện bị nạn. Các phương tiện tàu, thuyền sản xuất, hoạt động trên biển phải thực hiện chế độ đăng kiểm, trang bị phương tiện PTDS để bảo đảm an toàn khi xảy ra thảm họa. 

Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra thảm họa. Những vùng thường xuyên bị lũ ngập sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, cháy rừng, cơ quan quân sự địa phương phối hợp các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch, phương án cứu hộ, cứu nạn. Tham mưu, đề xuất với các cấp, các ngành, chính quyền trong xây dựng kế hoạch bảo vệ các cơ sở hóa chất, hạt nhân, phóng xạ, tác nhân sinh học độc hại, phóng xạ, cháy nổ, xử lý nước, rác thải bảo vệ môi trường theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan, ngành chuyên môn. Cấp ủy, chính quyền chuẩn bị kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, dự trữ thuốc men, sẵn sàng cứu trợ nhân dân khi xảy ra thảm họa do dịch bệnh nguy hiểm.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân kịp thời tham mưu cho  cơ quan, ban ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định chủ trương lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, phương án chủ động phòng ngừa, chuẩn bị trước các trang bị phòng hộ, phân tán con người, cơ sở vật chất, sơ tán nhân dân đến khu vực an toàn, ít nguy hiểm. Tổ chức cấp cứu, tìm kiếm người và phương tiện bị nạn; kịp thời cứu trợ và bảo đảm các điều kiện về ăn, ở, vệ sinh cho nhân dân; ở những vùng, khu vực bị chia cắt do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố… cảnh báo không cho người, phương tiện không có phận sự vào.Đồng thời, phối hợp lực lượng công an, dân quân tự vệ bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực xảy ra thảm họa, nơi sơ tán ra khỏi khu vực xảy ra thảm họa. 

Các cơ quan, đơn vị quân đội phối hợp với các lực lượng liên quan giúp cơ quan, ban ngành trung ương, địa phương tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố… ổn định tình hình xã hội, đời sống nhân dân, phục hồi và phát triển sản xuất. 

Các cơ quan, đơn vị quân đội phát huy tốt trách nhiệm phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành các biện pháp PTDS để bảo vệ cơ quan, tổ chức, nền kinh tế quốc dân. Huy động lực lượng, phương tiện tiến hành sơ tán, phân tán cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cơ sở vật chất của cơ quan, tổ chức đến khu vực an toàn, ít nguy hiểm; tiến hành các biện pháp ngụy trang, che chắn, bảo đảm an ninh trật tự nơi ở, làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nơi sơ tán; khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, công tác.

Các cơ quan, đơn vị quân đội chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên bộ, trên sông, trên biển, và dưới lòng đất theo phạm vi, quyền hạn được giao theo từng loại hình thiên tai, thảm họa, sự cố. Khi xảy ra thiên tai, thảm họa, sự cố kịp thời phát hiện, xác định vị trí người và phương tiện bị nạn; cứu người bị nạn; cứu hộ các phương tiện, tài sản của nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội bị hư hỏng do tác động của thiên tai, thảm họa. Trong đó, tập trung ưu tiên trước hết là cứu người và những tài sản có giá trị. Tùy theo mức độ, trường hợp mà điều động lực lượng, phương tiện chuyên dùng của Quân đội, huy động, tham mưu cho chính quyền trưng dụng lực lượng, phương tiện của các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, của toàn dân tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Sau thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh.Quân đội phối hợp với các lực lượng liên quan khôi phục môi trường, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, hoạt động của các tổ chức kinh tế - xã hội.

Năm là, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, phòng, chống, khắc phục hậu quả do phá hoại, khủng bố và chiến tranh.

Công tác phòng không nhân dân là công tác chủ yếu của PTDS trong chiến tranh, nhằm bảo vệ nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả các hành động tiến công đường không của địch; được tiến hành trong cả thời bình và thời chiến. Trong thời bình, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quân đội phối hợp với các cơ quan, ban ngành trung ương và các địa phương các cấp tập trung tuyên truyền, giáo dục nhân dân, cơ quan, tổ chức về công tác phòng không nhân dân. 

Chuẩn bị kế hoạch xây dựng công trình PTDS, kế hoạch dự trữ vật chất; kế hoạch sơ tán nhân dân và các tổ chức kinh tế - xã hội tại các trọng điểm; kế hoạch phát triển lực lượng khi xảy ra chiến tranh. Tổ chức lực lượng phòng không, tham gia giữ bí mật các mục tiêu. 

Khi có chiến tranh, các cơ quan, đơn vị quân đội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương tổ chức cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chuyển toàn bộ hoạt động phòng không nhân dân sang thời chiến; tổ chức phát triển lực lượng phòng không nhân dân theo kế hoạch. Tổ chức lực lượng tham gia tiêu diệt các phương tiện tiến công đường không tầm thấp, chủ yếu là: máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái,… và phục vụ chiến đấu.

Các cơ quan, đơn vị quân đội phối hợp với các cơ quan, ban ngành trung ương, địa phương, nhất là lực lượng công an nhân dân, tập trung tổ chức các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả do phá hoại, khủng bố, bảo vệ, bảo đảm an ninh; xây dựng lực lượng trinh sát, nắm địch, mạng lưới an ninh nhân dân. Tổ chức diễn tập phòng, chống hoạt động phá hoại, khủng bố, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Các lực lượng PTDS chuyên trách, kiêm nhiệm thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống, kịp thời cảnh báo, phát hiện âm mưu, thủ đoạn phá hoại, khủng bố.

Đối phó, khắc phục hậu quả phá hoại, khủng bố do lực lượng các cơ quan, đơn vị quân đội, nhất là lực lượng đặc biệt của Quân đội phối hợp với lực lượng công an làm nòng cốt, kết hợp với dân quân tự vệ và quần chúng nhân dân tham gia. Trên cơ sở phương án, các lực lượng PTDS nhanh chóng triển khai bao vây, khoanh vùng, ngăn chặn bọn phá hoại, khủng bố. Tổ chức sơ tán, phân tán dân khỏi khu vực bị phá hoại, khủng bố. Việc xử lý bọn phá hoại, khủng bố do lực lượng chuyên trách của Quân đội và công an, kết hợp lực lượng vũ trang địa phương, an ninh nhân dân tiến hành. Kết hợp các biện pháp quân sự, chính trị, pháp lý, truyền thông; trấn áp, tiêu diệt bọn chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố, vô hiệu hóa hành động phá hoại, khủng bố, kêu gọi những người bị lôi kéo lập công chuộc tội. 

Quân đội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương tiến hành tổ chức phòng tránh, khắc phục hậu quả chiến tranh cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, địa phương, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, của các tổ chức, đơn vị kinh tế, duy trì các hoạt động sản xuất bình thường. Tham mưu với các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị kinh tế xây dựng hệ thống công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh: Hệ thống công trình dự báo, cảnh báo, báo động; công trình phòng chống địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt lớn; công trình nghi trang, nghi binh; đường cơ động; hệ thống thiết bị phòng hóa tập thể; hệ thống thiết bị lọc gió, lọc độc; công trình bảo vệ, cất trữ lương thực, thực phẩm, nguồn nước, thuốc men, vật tư, phương tiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ PTDS… Tập trung ưu tiên cho các công trình bảo đảm cho chiến đấu.

Các cơ quan, đơn vị quân đội chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan tham mưu với các cấp, ngành trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh cho phù hợp với yêu cầu thời chiến, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thời chiến, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tập trung vào xác định mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, phương châm, phương pháp; các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; sử dụng lực lượng, phương tiện; dự kiến và xử lý một số tình huống; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy; công tác bảo đảm.

Đồng thời, chủ trì, tham mưu với các cấp, các ngành, địa phương tiến hành các biện pháp chủ động phòng tránh bằng việc sơ tán nhân dân, cơ quan, tổ chức… tận dụng các công trình đã chuẩn bị từ thời bình, tận dụng các hang động, vùng rừng núi, nông thôn để làm chỗ dựa bảo vệ nhân dân, các tổ chức và tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Vận dụng tổng hợp các biện pháp như quan sát, thông báo, báo động, ngụy trang, nghi binh… 

Các cấp ủy, chỉ huy cơ quan đơn vị quân đội các cấp kịp thời tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp lãnh đạo và tiến hành huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tập trung, ưu tiên cho tìm kiếm cứu chữa người bị thương, bị sập hầm; khắc phục hậu quả chiến tranh. Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tinh thần tự bảo vệ bản thân, đồng thời, các cơ quan, đơn vị quân đội kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ nhân dân, duy trì sản xuất thời chiến.

Sáu là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực PTDS.

Đây là chủ trương chiến lược trong tiến trình hội nhập quốc tế của Đảng ta. Với vai trò là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về PTDS, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: Nhận thông tin dự báo, cảnh báo và thông tin liên quan đến thảm họa từ cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế theo quy định; Cung cấp thông tin về thảm họa cho cơ quan, tổ chức quốc tế theo quy định; Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về đào tạo, huấn luyện, diễn tập, đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; triển khai kế hoạch hợp tác với các nước theo quy định; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện hoạt động quốc tế về ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý; Đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế trong ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kêu gọi hỗ trợ của quốc tế về ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. 

Các cơ quan chuyên trách của Bộ Quốc phòng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, chú trọng tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi thích hợp, phù hợp mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, đối tác, các thông lệ quốc tế mà nước ta tham gia; kết hợp nguồn lực trong nước là chính với tranh thủ nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực PTDS. Đồng thời, phải bảo đảm yêu cầu có tính nguyên tắc là giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Ưu tiên tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, các tổ chức khu vực và quốc tế trong ngăn ngừa xung đột, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đòi hỏi Quân đội phải thực hiện tốt sáu nội dung trên để phát huy tốt vai trò nòng cốt trong PTDS ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.

_________________

Ngày nhận bài: 27-2-2023; Ngày bình duyệt: 30-3-2023; Ngày duyệt đăng: 19-5-2023.

 

(1) Tổng cục Chính trị: Tài liệu nghiên cúu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Dùng cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.39.

(2) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30-8-2022 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.106-108.

ThS VƯƠNG BÁ THÀNH

NGUYỄN HỮU LẬP

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền