Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường hoàn thiện chính sách dân số bảo đảm quản lý phát triển xã hội bền vững
Thứ năm, 22 Tháng 6 2023 15:23
3223 Lượt xem

Tăng cường hoàn thiện chính sách dân số bảo đảm quản lý phát triển xã hội bền vững

(LLCT) - Dân số là mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời để quản lý phát triển xã hội bền vững cần quan tâm tới quy mô, cơ cấu dân số, đặc biệt là chất lượng dân số. Dân số Việt Nam hiện nay đang có nhiều biến đổi bởi tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa dân số và quản lý phát triển xã hội, những thách thức trong phát triển và quản lý dân số, bài viết gợi ý một số giải pháp định hướng chính sách dân số nhằm quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam hiện nay.

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân - Ảnh: baokhanhhoa.vn

1. Mối quan hệ giữa dân số và quản lý phát triển xã hội

Dân số vừa là chủ thể xây dựng, quản lý phát triển xã hội, vừa là sản phẩm của sự phát triển kinh tế - xã hội. Dân số vừa là chủ nhân của quá trình sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng; không những là lực lượng đầu vào của các hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn là yếu tố liên quan trực tiếp đến các vấn đề xã hội như: phân phối, thu nhập, tiêu dùng, tích lũy, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, đói nghèo và những vấn đề về môi trường. Vì vậy, quy mô, mật độ, cơ cấu, tỷ trọng, chất lượng, trình độ cũng như tốc độ gia tăng dân số có ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội có tác động làm biến đổi về quy mô, cơ cấu, mật độ và chất lượng dân số.

Để quản lý phát triển xã hội cần phát triển và quản lý tốt dân số thông qua cơ chế, chính sách về dân số. Đồng thời, quá trình hoạch định, thực thi chính sách về dân số cần dựa trên cơ sở của phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”(1).

Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu của quản lý phát triển xã hội: “quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội”(2); nội dung của quản lý phát triển xã hội là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển”(3). Như vậy, nội hàm quản lý phát triển xã hội bền vững gồm: một là, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; hai là, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; ba là, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển.

Thực hiện các mục tiêu quản lý phát triển xã hội bền vững, nhiệm vụ trọng tâm của quản lý phát triển xã hội là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân… Nâng cao chất lượng dân số; tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số”(4).

Như vậy, thực chất của quản lý phát triển xã hội là giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, vấn đề dân số, chính sách dân số là một trong những nội dung và mục tiêu chủ yếu của quản lý phát triển xã hội bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.

2. Thách thức từ vấn đề dân số đối với quản lý phát triển xã hội bền vững

Một là, quy mô dân số và mật độ dân số Việt Nam gia tăng, phân bố không đồng đều sẽ khó khăn hơn cho quá trình quản lý phát triển xã hội bền vững. Theo tính toán, trong năm 2023, dân số của Việt Nam sẽ tăng 745.096 người và đạt 100.059.299 người vào đầu năm 2024(5). Đây là số lượng dân mong muốn của nhiều quốc gia, bởi sẽ cung cấp nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, gia tăng dân số sẽ gây áp lực về vấn đề lao động - việc làm, an sinh xã hội của quốc gia. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2022 là 1,92% có cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 (4,46%) do dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2019 (1,32%). Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251 nghìn người so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao so với trước Covid-19(6).  

Gia tăng dân số có thể làm gia tăng các vấn đề xã hội, đồng thời các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở, thông tin… quá tải, không đáp ứng nhu cầu xã hội. Mặt khác, quy mô dân số tăng nhanh làm gia tăng tốc độ khai thác tài nguyên (đất, rừng, nước...); không gian sống thu hẹp, lượng khí thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Khi tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi nhanh sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng dân số.

Mật độ dân số quá chênh lệch ảnh hưởng đến phát triển và quản lý phát triển xã hội. Mật độ dân số Việt Nam năm 2022 là 321 người/km2, tăng so với năm 2021 là 317 người/km2(7). Các thành phố lớn có mật độ cao hơn nhiều so với các tỉnh, như Hà Nội là 2.398 người/km2 hay Thành phố Hồ Chí Minh là 4.375 người/km². Trong khi tỉnh Lai Châu là 51 người/km2, tỉnh Kon Tum là 56 người/km2(8). Đặc biệt, quá trình đô thị hóa khiến những thành phố lớn đang trở thành tâm điểm di cư của người dân khu vực nông thôn, do đó, dân số tăng cơ học nhanh chóng, gây thừa lao động, thiếu việc làm, môi trường ngày càng ô nhiễm, bất ổn về trật tự an toàn xã hội, tạo áp lực cho quản lý phát triển xã hội và khó đạt mục tiêu bền vững.

Hai là, mất cân bằng giới tính tăng cao. Năm 2010 có 111,2 bé trai/100 bé gái; năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái(9); năm 2021 là 113,8 bé trai/100 bé gái(10). Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) hiện nay có xu hướng tăng ở tất cả các tầng lớp nhân dân, các nhóm kinh tế, xã hội có thể gây nhiều hệ lụy trong tương lai như: bất bình đẳng giới tăng cao; cơ cấu dân số không phù hợp, thiếu hụt nữ giới ở một số nhóm tuổi; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ; gia tăng các tệ nạn xã hội, như mại dâm, bạo hành giới; các nguy cơ, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em... Dưới góc nhìn của quản lý phát triển xã hội sẽ không đạt được mục tiêu bền vững.

Ba là, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh do tỷ trọng trẻ em giảm trong cơ cấu dân số, trong khi đó tuổi thọ trung bình của người Việt đang tăng nhanh. Kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy:

Tỷ trọng dân số trẻ em 0-14 tuổi trong tổng dân số giảm nhẹ từ 24,5% (năm 2009) xuống 24,3% (năm 2019) và đang có xu hướng tiếp tục giảm;

Tỷ trọng dân số trong độ tuổi 15-59 giảm từ 66,86% (năm 2009) xuống 63,85% (năm 2019), có nghĩa lợi thế cơ cấu “dân số vàng” đang dần mất đi;

Tỷ trọng dân số cao tuổi trong tổng dân số tăng lên rõ rệt, từ 6,4 % (năm 2009) lên 7,7% (năm 2019)(11).

Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa phụ nữ cao tuổi và nam giới cao tuổi tăng lên do tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới (năm 2022 tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,6 tuổi; của nữ giới là 79,8 tuổi)(12), dự báo tình trạng góa phụ và độc thân ở người già sẽ gia tăng.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2017, khi dân số từ 65 tuổi trở lên (65+) của nước ta chiếm 7,15% tổng số dân. Dự báo năm 2039, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già, khi tỷ trọng dân số 65+ vượt 15%(13).

Già hóa dân số nhanh và cơ cấu dân số già không hợp lý sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như: thiếu lực lượng lao động, năng suất lao động giảm; nguy cơ gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng giới, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi quá tải.

Theo thống kê, số năm sống với bệnh tật của người cao tuổi ở Việt Nam trung bình từ 8-11 năm (tức 10% của tuổi thọ), cao hơn nhiều nước khác(14). Nếu năm 2019, có khoảng 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe, thì đến năm 2049 với 32 triệu người cao tuổi sẽ có khoảng 10 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe.

Như vậy, Việt Nam sẽ phải chi phí khoản lớn ngân sách để chăm sóc sức khỏe cho người già. Nếu không có chính sách thích ứng với già hóa dân số trong tương lai, quản lý phát triển xã hội sẽ không thể bền vững.

Bốn là, chất lượng dân số thấp, chỉ số phát triển con người (HDI), đặc biệt là tầm vóc và thể lực chậm được cải thiện. HDI của Việt Nam năm 2021 xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á(15). Trong 30 năm qua, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3cm. Nước ta vẫn là một trong 15 quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) vẫn còn 14,8% (năm 2010 là 23,4%). Đáng chú ý là, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% sau 10 năm(16). Béo phì, thừa cân hay suy dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến chất lượng học tập, khả năng về tư duy, thể chất, lao động và phát triển con người.

Ở một số dân tộc ít người, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn nhiều. Tỷ lệ tảo hôn cao nhất là ở người Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%). Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm Mnông (37,7%), La Chí (30,8%), Bru Vân Kiều (28,6%), Cơ Tu (28,0%) và Lô Lô (22,4%)(17). Những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi (tuổi thọ trung bình của người Chứt chỉ khoảng 45 tuổi(18)).

Năm là, di động dân cư chưa phù hợp. Ngoài việc di cư do phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hiện nay còn xuất hiện vấn đề di cư do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Tại các thành phố, khu công nghiệp lớn ở Việt Nam hiện nay, lao động di cư chiếm tỷ lệ khoảng 70% lực lượng lao động(19). Trong đó có 78,8% lao động di cư từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (sơ cấp chiếm 4,3%, trung cấp chiếm 3,9%, cao đẳng chỉ chiếm 3,3% và đại học chiếm 9,2%)(20). Do đó, họ chỉ có cơ hội tiếp cận các công việc tạm thời, thiếu ổn định, nhiều rủi ro, nguy hiểm, độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, lương thấp và chủ yếu trong khu vực phi chính thức.

Di dân do quá trình đô thị hóa để lại hệ quả tất yếu là khó kiểm soát về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa ngoại do quá trình hội nhập khiến một bộ phận thanh thiếu niên và lực lượng lao động trẻ thiếu việc làm dễ sa ngã, rơi vào các tệ nạn xã hội. Điều này cũng ảnh hưởng đến mục tiêu quản lý phát triển xã hội bền vững.

Nhìn chung, thách thức từ vấn đề dân số đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay là: “Cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa; chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn; tầm vóc và thể lực người Việt Nam chậm được cải thiện; mất cân bằng giới tính có xu hướng gia tăng; sắp xếp, bố trí dân cư chưa hợp lý, di dân tự phát diễn biến phức tạp”(21). Trong khi đó, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Những mục tiêu về kinh tế sẽ kéo theo sự biến đổi nhanh chóng về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Nếu quy mô dân số tăng hợp lý thì quy mô sản xuất, tiêu dùng và tích lũy cũng sẽ tăng hợp lý. Theo các nhà nhân khẩu học, để kinh tế - xã hội phát triển bình thường, khi tốc độ tăng dân số là 1%, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đương cần tăng 4%(22). Do đó, theo mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Việt Nam phải xác định và khống chế tốc độ tăng dân số ở mức hợp lý để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế có khả năng tích lũy.

Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại và phát triển trong giai đoạn 2030-2045, đòi hỏi cơ cấu kinh tế chuyển đổi nhanh, theo đó sẽ gia tăng sự dịch chuyển cơ cấu lao động. Lượng lớn lao động di cư sẽ chuyển từ nông dân sang công nhân công nghiệp và công nhân dịch vụ. Cùng với đó, yêu cầu chất lượng lao động cần nâng cao tương ứng về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng ngoại ngữ, kỷ luật lao động và thể lực.

Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững, nêu 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các mục tiêu hướng đến giải quyết các vấn đề dân số, như: giảm tỷ lệ đói nghèo; giảm tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi; giảm bất bình đẳng giới trong xã hội; tăng năng suất lao động; bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu... Để thực hiện các mục tiêu này, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu giới tính khi sinh, phân bố mật độ dân số cũng như nâng cao chất lượng dân số. Do đó, hoàn thiện chính sách dân số hợp lý và phát triển gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững là yêu cầu khách quan, cấp thiết.

3. Phương hướng hoàn thiện chính sách dân số bảo đảm quản lý phát triển xã hội bền vững

Một là, hoàn thiện chính sách dân số và phát triển theo hướng giữ mức tăng quy mô dân số ổn định trên cơ sở bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Ở nước ta hiện nay tồn tại tình trạng, một số tỉnh có mức sinh rất thấp, dưới mức sinh thay thế, kinh tế phát triển khá, trong khi một số tỉnh có mức sinh cao, kinh tế chưa phát triển. Do đó, các địa phương cần thực hiện chính sách bảo đảm duy trì mức sinh thay thế một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Ðối với một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên còn có mức sinh cao, cần thực hiện chính sách giảm sinh, nhanh chóng đạt mức sinh thay thế, từ đó, có điều kiện nâng cao chất lượng dân số và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với khu vực có mức sinh thấp như: Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, cần thực hiện các chính sách khuyến sinh, đưa mức sinh trở về mức sinh thay thế. Nhóm dân tộc thiểu số có nguy cơ giảm cần từng bước can thiệp điều chỉnh mức sinh. Thực hiện tốt điều này góp phần điều tiết mật độ dân số hợp lý, hạn chế tình trạng phân hóa giàu - nghèo, cung cấp đủ nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hai là, xây dựng chính sách dân số và phát triển hướng tới bảo đảm cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, với 104 - 107 bé trai/100 bé gái. Theo đó, cần điều chỉnh Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em theo hướng bổ sung những quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi đối với mọi người dân nhằm hạn chế chênh lệch tỷ lệ giới tính khi sinh. Quy định rõ và thực hiện tốt các quy định về độ tuổi kết hôn, sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con nhằm xây dựng và duy trì cơ cấu độ tuổi trong dân số hợp lý. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ba là, các chính sách về già hóa dân số cần được quan tâm, ưu tiên thực hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tích cực phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc (hiện Việt Nam có 44% người sau nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động). Do đó cần có chính sách khuyến khích người cao tuổi, đặc biệt là những người mới nghỉ hưu (nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm làm việc) tích cực tham gia các hoạt động lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bổ sung, sửa đổi hệ thống chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách lao động - việc làm và bảo hiểm xã hội nhằm tận dụng tốt cơ hội “dân số vàng” ngay từ hiện tại, giúp dân số già ở những năm 2030 - 2045 có thu nhập ổn định và sức khỏe tốt.

Các loại hình bảo hiểm cần được đa dạng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nhóm dân số, đặc biệt chú trọng mở rộng hệ thống bảo hiểm tự nguyện với thiết kế linh hoạt, phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của các đối tượng và có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác.

Xây dựng chính sách hướng tới mở rộng các dịch vụ chăm sóc người già với sự tham gia tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội, góp phần nâng cao năng lực quốc gia về chăm sóc người cao tuổi. Trong đó, có chính sách chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để nâng cao chất lượng dân số.

Đặc biệt, xây dựng thế hệ dân số khi bước vào tuổi già có cuộc sống khỏe mạnh, tránh bệnh tật, thương tật và tàn phế.

Bốn là, điều chỉnh chính sách y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dân số và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Do đó, cần tập trung phát triển cả về thể lực và trí lực của người dân. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, yếu tố trí tuệ quyết định phần lớn khả năng lao động sáng tạo của con người. Nhưng muốn trí lực phát triển cần có thể lực tốt. Do vậy, “Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khỏe của nhân dân”(23). Đây là quan điểm chỉ đạo rất toàn diện của Đảng trong nâng cao chất lượng và phát triển dân số.

Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và toàn xã hội, do đó, dịch vụ y tế công do Nhà nước cung cấp là dịch vụ xã hội đặc biệt, không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, cần có chương trình mục tiêu quốc gia toàn diện về chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho toàn dân. Chú trọng nâng cao chất lượng dân số trên các mặt: thể lực, tâm lực và trí lực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền, tộc người.

Năm là, có chính sách di cư phù hợp. Hỗ trợ người di cư trở về địa phương nhằm tận dụng kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được, đồng thời hỗ trợ chuyển giao kiến thức, kỹ năng cho những nhóm xã hội khác ở quê hương. Thiết kế các chương trình cho vay vốn, tạo cơ hội cho các nhà kinh doanh khởi nghiệp tại quê nhà. Nghiên cứu bổ sung chính sách lao động di cư để bảo đảm quyền về an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội); quyền về tự do việc làm, lao động; quyền bảo đảm về sinh kế và thu nhập; quyền về nơi cư trú, nhà ở, tự do đi lại; quyền học tập; quyền tự do kinh doanh; quyền tiếp cận thông tin và thụ hưởng các giá trị văn hóa; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt người di cư và người không di cư, trước hết đối với tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và y tế…

Đối với người dân di cư theo phong tục, tập quán tộc người cần có chính sách tổ chức tốt cuộc sống của họ, không để thiếu đất sản xuất để người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển, trẻ em được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau, tạo mọi thuận lợi cho người dân có nơi cư trú hợp pháp, hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống, sinh kế.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 542 (tháng 4-2023)

Ngày nhận bài: 25-3-2023; Ngày bình duyệt: 6-4-2023; Ngày duyệt đăng: 20-4-2023.

 

(1) Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”.

(2), (3), (4), (21), (23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.147, 330, 47-48, 71, 153.

(5) Nguồn: https://danso.org/viet-nam/, truy cập ngày16-3-2023.

(6) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm Quý III và 9 tháng năm 2022, https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 7-3-2023.

(7) https://danso.org/viet-nam/, truy cập ngày 7-3-2023.

(8) Nguyễn Thư: Mật độ dân số Việt Nam hiện nay, https://www.nhatot.com, truy cập ngày 7-3-2023.

(9) Thu Hiền: Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, ngày 23-8-2021, https://consosukien.vn, truy cập ngày 16-3-2023.

(10) Infographic: Dân số, lao động và việc làm năm 2021, https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 16-3-2023.

(11), (17) Xem Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 25-2-2023.

(12) Nguồn: https://danso.org/viet-nam, truy cập ngày 25-3-2023.

(13) Xem: Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Huy Cường, Nguyễn Mạnh Hùng: Thách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam, https://tuyengiao.vn, truy cập ngày 16-3-2023.

(14) Xem Hoàng Lan: Dân số Việt Nam đang già nhanh: Chưa giàu thì đã già, https://plo.vn, truy cập ngày 8-4-2021.

(15) Minh Tiến: Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đứng thứ mấy trong khu vực Đông Nam Á?, http://nhipsongkinhte.toquoc.vn, truy cập ngày 25-3-2023.

(16) Nguyễn Đình Cử: Chất lượng dân số Việt Nam - thành tựu và thách thức,  https://dansohcm.gov.vn truy cập ngày 25-2-2023.

(18) Nguyễn Quang hải, Hoàng Phương Liên: Thực trạng và giải pháp giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, http://tapchidantoc.ubdt.gov.vn, truy cập ngày 25-3-2023.

(19) Xem: Chính sách việc làm cho lao động di cư, https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn , truy cập ngày 14 -02-2022.

 (20) Xem: Duy Hưng: An sinh xã hội cho lao động di cư, http://consosukien.vn, truy cập ngày 14-02-2022.

(22) Nguyễn Quốc Anh: Mối quan hệ giữa dân số và nghèo đói, https://nhandan.vn, ngày truy cập 19-3-2023.

PGS, TS LÊ THỊ THANH HÀ

Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền