Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội
Thứ sáu, 23 Tháng 6 2023 15:17
3799 Lượt xem

Nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội

(LLCT) - Công tác đảng, công tác chính trị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong xây dựng và hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là góp phần trực tiếp vào việc phòng, chống vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội. Trong tình hình mới, cần nâng cao chất lượng công tác này. Bài viết đề cập các yêu cầu và đề xuất những giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị, góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội hiện nay.

Công tác đảng, công tác chính trị góp phần trực tiếp vào việc phòng, chống vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội - Ảnh: qdnd.vn

1. Công tác đảng, công tác chính trị góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) là bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhằm xây dựng Quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.  

Nội dung CTĐ, CTCT trong Quân đội rất rộng, trong đó đối với nội bộ chủ yếu là giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, truyền thống của Đảng, dân tộc, Quân đội, nhiệm vụ của đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ vững đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, số lượng và cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Quân đội; thực hiện công tác bảo vệ an ninh, chủ động và kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, bảo đảm Quân đội luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân ở cơ sở vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; v.v..

Trong nhiệm vụ tổng thể đó, CTĐ, CTCT có vai trò quan trọng trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. CTĐ, CTCT góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội trong Quân đội thông qua tổng thể các chủ trương, chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức, biện pháp công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách do các chủ thể, lực lượng tham gia tiến hành, tác động toàn diện vào nhận thức tư tưởng, động cơ, thái độ và hành vi, hành động của mọi quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, từ đó nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội, góp phần duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật quân đội ở mọi cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là một bộ phận của Quân đội có chức năng, nhiệm vụ huấn luyện quân nhân theo chương trình, nội dung được quy định, bảo đảm đơn vị sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, các đơn vị này cơ bản được biên chế đầy đủ quân số, vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật, doanh trại được xây dựng cơ bản, thống nhất. Quân nhân ở các đơn vị này đa dạng về lứa tuổi, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và thành phần xuất thân, trong đó quân nhân ở độ tuổi thanh niên chiếm đa số, hạ sĩ quan, binh sĩ cơ bản từ 18 đến 29 tuổi, có trình độ từ sau đại học, đại học, cao đẳng đến văn hóa phổ thông cơ sở. Trong điều kiện thời bình, địa điểm đóng quân và hoạt động của các đơn vị này khá ổn định, song có thể cơ động, hoạt động trên địa bàn rộng, sẵn sàng tác chiến và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất trên mọi vùng, miền của Tổ quốc khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

Để góp phần vào phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, CTĐ, CTCT có vai trò nổi bật: trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hình thành thói quen, hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội cho bộ đội ở đơn vị; góp phần rèn luyện tính tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật quân đội cho bộ đội; giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên nắm chắc và đánh giá đúng chất lượng chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; góp phần phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho bộ đội và xây dựng đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, CTĐ, CTCT phải tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc: một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội về giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội và phòng, chống tiêu cực nói chung, vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội nói riêng ở đơn vị; hai là, bám sát thực tiễn hoạt động của đơn vị và bộ đội để tiến hành có chất lượng CTĐ, CTCT; ba là, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ và công tác chính sách; phát huy sức mạnh của các tổ chức, tất cả mọi cá nhân trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội; bốn là, tích cực, chủ động, sáng tạo, tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện, có trọng điểm, đột phá; năm là, gắn “xây” với “chống”, lấy “xây” là cơ bản, “chống” là cần thiết, quan trọng.

Chất lượng CTĐ, CTCT ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội là tổng hợp các giá trị được thể hiện trong thực hiện các nội dung, hình thức, phương pháp, các khâu, các bước của quá trình tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ và công tác chính sách trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội của quân nhân.

Khi đánh giá chất lượng công tác này cần xem xét trình độ nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng tiến hành; mức độ hợp lý của nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành và mức độ chuyển biến về nhận thức và hành động chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội của bộ đội.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế, trong xã hội còn có những hiện tượng tiêu cực, CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cần được chú trọng, đẩy mạnh và nhất là không ngừng nâng cao chất lượng.

2. Thực trạng công tác đảng, công tác chính trị của các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội

Trong những năm qua, CTĐ, CTCT ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được triển khai một cách chủ động, tích cực, toàn diện, hoàn thành tốt chương trình kế hoạch công tác thường xuyên và đột xuất, đặc biệt là đã tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của cấp ủy cấp trên và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn CTĐ, CTCT trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy, tăng cường kỷ luật; giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật cho các đối tượng; duy trì có nền nếp, chế độ sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần, đối thoại dân chủ, kịp thời nắm bắt và giải quyết các tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ; chủ động phát hiện sớm những biểu hiện thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật, kỷ luật quân đội. 

Về chất lượng CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội, có những ưu điểm nổi bật: một là, nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành CTĐ, CTCT từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hai là, nội dung, hình thức, phương pháp CTĐ, CTCT đã có sự đổi mới, cơ bản phù hợp, đem lại những hiệu quả thiết thực; ba là, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị đã có những chuyển biến tích cực.   Công tác đảng, công tác chính trị góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội trong Quân đội thông qua tổng thể các chủ trương, chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức, biện pháp công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách do các chủ thể, lực lượng tham gia tiến hành, tác động toàn diện vào nhận thức tư tưởng, động cơ, thái độ và hành vi, hành động của mọi quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng...

Đối chiếu với các tiêu chí trên, chất lượng CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội vẫn còn có những hạn chế: một là, nhận thức, trách nhiệm của một số chủ thể, lực lượng đối với công tác này nhiều mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; hai là, một số nội dung, hình thức, phương pháp CTĐ, CTCT còn mang tính hình thức, chậm được đổi mới, chưa thật sự phù hợp, nên hiệu quả đem lại chưa cao; ba là, việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội của quân nhân ở một số đơn vị còn chậm, chưa thật triệt để.

Những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một là, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng chưa thường xuyên quan tâm, phát huy hết trách nhiệm của mình trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội và CTĐ, CTCT về phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Hai là, sự phối hợp giữa các tổ chức, các lực lượng trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị chưa thường xuyên và chưa trở thành cơ chế chặt chẽ. Ba là, hoạt động giáo dục, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm trong tự tu dưỡng rèn luyện lỷ luật, chấp hành pháp luật cho bộ đội chưa được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm đúng mức. Bốn là, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, tình hình tội phạm, tiêu cực, tệ nạn xã hội và những hạn chế của cơ chế, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội tác động làm hạn chế chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần tăng cường phòng, chống vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội

Một là, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ chỉ huy, cơ quan CTĐ, CTCT đối với việc nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT, góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội trong từng đơn vị

Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, có vai trò quan trọng hàng đầu của CTĐ, CTCT về phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hiện nay. Muốn nâng cao chất lượng công tác này, trước hết, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở từng đơn vị phải nhận thức đầy đủ về yêu cầu chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật quân đội; vai trò, nội dung CTĐ, CTCT về phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội, từ đó nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác này. Khắc phục triệt để những nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt của các tổ chức, lực lượng trong tham gia nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT về phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở đơn vị.

Trong các hội nghị của cấp ủy, chi bộ, cơ quan chỉ huy, trong sinh hoạt đơn vị, các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân cần đưa nội dung CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội vào thảo luận, kiểm điểm việc thực hiện và thống nhất chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng. Trong các chương trình giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, giáo dục pháp luật cần lồng ghép nội dung CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Trong hoạt động huấn luyện cần chú trọng thực hiện các nội dung CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Các cấp ủy và người chỉ huy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, nền nếp CTĐ, CTCT nói chung, CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội nói riêng, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có chất lượng cao và chấn chỉnh những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt. Định kỳ sơ kết, tổng kết CTĐ, CTCT nói chung, CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội nói riêng gắn với công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, chấp hành hành kỷ luật, pháp luật.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị với việc nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở đơn vị

Cấp ủy đảng các cấp trong từng đơn vị nghiêm túc quán triệt các yêu cầu, chủ trương của Quân ủy Trung ương và cấp ủy cấp trên về CTĐ, CTCT nói chung, CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội nói riêng; đề ra chủ trương, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo thực hiện tốt chương trình, kế hoạch CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở đơn vị. Chính ủy, chính trị viên quan tâm chỉ đạo, điều hành các công việc nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở đơn vị. Cán bộ chỉ huy đơn vị - theo chức trách, quyền hạn của mình - tăng cường sự chỉ đạo, tạo điều kiện, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở đơn vị. Cơ quan chính trị cấp trên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chỉ huy đơn vị; quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đơn vị trong việc nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội.

Ba là, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị

Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn của đơn vị, mạnh dạn đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành CTĐ, CTCTphù hợp với đối tượng, nhiệm vụ. Đặc biệt chú trọng việc nắm bắt tình hình tư tưởng, hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, tình hình địa phương nơi đóng quân và đất nước; nhiệm vụ của đơn vị hằng năm. Cơ quan chính trị chủ động đề xuất với cấp ủy, chính ủy, chỉ huy đơn vị đề ra các chủ trương, biện pháp đổi mới nội dung và hình thức CTĐ, CTCTphù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCTtrong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Cụ thể:

Về nội dung, chú trọng phổ biến, quán triệt cho bộ đội những quy định mới nhất, những quy định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng và Quân đội, những vấn đề mà bộ đội dễ vi phạm; gắn CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào thi đua Quyết thắng, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương nơi đóng quân, bảo đảm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành lối sống hằng ngày của mỗi quân nhân. Có sự phân biệt các đối tượng trong đơn vị để có nội dung giáo dục phù hợp.

Về hình thức, ngoài việc tổ chức các lớp học tập trung, cần lồng ghép nội dung giáo dục trong các cuộc sinh hoạt đảng, đơn vị, đoàn thể; tăng cường thảo luận, đối thoại; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật; v.v..Xây dựng thành chương trình, kế hoạch cụ thể việc đổi mới nội dung, hình thức công tác gắn với chương trình huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật hằng năm. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; các cuộc vận động để tiến hành CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở từng đơn vị. Đối với những thay đổi lớn, mới và khó trong nội dung và hình thức tiến hành có thể tổ chức làm thí điểm trước khi áp dụng đại trà. Việc này đòi hỏi cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy cơ quan chính trị, các cấp phải rất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tiến hành CTĐ, CTCT,kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách; giữa giáo dục với quản lý hành chính, giữa huấn luyện chính trị và huấn luyện quân sự, chuyên môn.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, các phương tiện trong tiến hành CTĐ, CTCT 

Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị, các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ; phát huy vai trò của cơ quan chính trị cấp trên; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nơi đóng quân; sử dụng mọi nguồn lực, phương tiện vật chất - kỹ thuật trong quá trình tiến hành CTĐ, CTCT. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chính trị, các cơ quan khác, cán bộ chỉ huy các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đồng quân nhân trong CTĐ, CTCT để phát huy cao nhất trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, tránh tình trạng chỉ kêu gọi chung chung. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, hội đồng giáo dục pháp luật trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở đơn vị. Đặc biệt đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, cơ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật trong đơn vị cùng tham gia tiến hành CTĐ, CTCT. Chỉ huy đơn vị quan tâm bảo đảm kinh phí, tài liệu, các phương tiện kỹ thuật; nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa ở đơn vị. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp cần bàn bạc với chỉ huy đơn vị, thống nhất các chủ trương, giải pháp để thực hiện đồng bộ việc nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT, tránh tình trạng dựa dẫm, đùn đẩy lẫn nhau, hoặc chỉ giao khoán cho cơ quan chính trị.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTĐ, CTCT cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị ở các đơn vị

Cùng với việc rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức, cần đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTĐ, CTCT cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị. Chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, chế độ quy định của Quân đội, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội cho đội ngũ này. Trang bị kinh nghiệm CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội cho các chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị mới nhận nhiệm vụ ở các đơn vị.

Để đạt được các yêu cầu trên, cần thực hiện tốt nhiều hình thức, biện pháp: Tổ chức các đợt học tập lý luận chính trị, quán triệt nghị quyết mới của Đảng, luật pháp mới của Nhà nước, quy định mới của Quân đội. Thông qua hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan chỉ huy để bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm. Thông qua các hội thi, hội thao để bồi dưỡng trách nhiệm, kỹ năng cho cán bộ chính trị. Thông qua  hoạt động thực tiễn CTĐ, CTCT để bồi dưỡng. Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác của đơn vị, nhất là về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, về chấp hành pháp luật, kỷ luật, về CTĐ, CTCT để bồi dưỡng kinh nghiệm cho các chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị. Cán bộ cấp trên trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cấp dưới. Chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị ở các đơn vị cần thực hiện tốt vai trò nêu gương theo quy định của Trung ương, Quy định số 646-QĐ/QUTW ngày 06-01-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội”; nêu cao tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, nêu gương cả trong lời nói và việc làm, cả trong nhận thức và hành động, trong mọi lúc, mọi nơi, thật sự là tấm gương sáng để bộ đội noi theo.

Sáu là, thực hiện có nền nếp, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi đua - khen thưởng, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội ở các đơn vị

Các hoạt động CTĐ, CTCT có phạm vi rộng, với rất nhiều công việc cụ thể, có những công việc mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, do nhiều chủ thể tham gia, nên trong quá trình thực hiện khó tránh khỏi có những vướng mắc, khó khăn phát sinh, thậm chí có cả những thiếu sót, khuyết điểm. Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát sẽ giúp phát hiện kịp thời những vướng mắc, khó khăn để tìm cách tháo gỡ. Qua kiểm tra, giám sát cũng đánh giá đúng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, nhất là có sáng kiến, sáng tạo để biểu dương, khích lệ, đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tập thể thực hiện chưa đầy đủ, kém chất lượng chương trình, kế hoạch CTĐ, CTCT nói chung, CTĐ, CTCT trong phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội nói riêng. Việc sơ kết, tổng kết CTĐ, CTCT cần gắn với sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; qua sơ kết, tổng kết phải đúc rút được các kinh nghiệm, chỉ ra đúng các hạn chế, khuyết điểm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các hạn chế, khuyết điểm đó và đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể để khắc phục, tránh sơ kết, tổng kết một cách hình thức, chiếu lệ.

_________________

Ngày nhận bài: 23-5-2023; Ngày bình duyệt: 28-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-6-2023.

ThS ĐỖ XUÂN ĐOÀI

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền