Trang chủ    Thực tiễn    Quảng Bình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Thứ sáu, 15 Tháng 9 2023 15:56
691 Lượt xem

Quảng Bình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

ThS LÊ CÔNG HỮU
Thanh tra tỉnh Quảng Bình
TS HOÀNG THANH HIẾN
Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình

(LLCT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Bình thực hiện tốt việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Bài viết tổng kết thành tựu của hoạt động này, từ đó rút ra những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.
 

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trong cuộc làm việc với Sở Nội vụ về việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối chính quyền, công tác tinh giản biên chế - Ảnh: N.M

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, hệ thống chính trị các cấp ở tỉnh Quảng Bình từng bước được kiện toàn, ngày càng phù hợp, tinh gọn về đầu mối, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao.

Tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các ban, ngành sau khi rà soát, sắp xếp đã giảm 12 phòng chuyên môn thuộc cấp sở, huyện; giảm 51 đơn vị sự nghiệp công lập; 19 phòng chuyên môn thuộc chi cục và tương đương.

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện được đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Qua tổ chức, sắp xếp lại, giảm được 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan đảng và đoàn thể chính trị - xã hội; sáp nhập, hợp nhất, giải thể đối với 83 đơn vị sự nghiệp công lập; 48 lãnh đạo cấp trưởng của 48 đơn vị sự nghiệp công lập; 03 chức danh cấp trưởng kiêm nhiệm của 3 đơn vị sự nghiệp công lập khối Nhà nước và 04 ban quản lý dự án trực thuộc các sở.

Mô hình bộ phận văn phòng phục vụ chung khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện được thành lập ở 8/8 huyện, thành phố, thị xã. Mô hình bộ phận văn phòng chung của Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân cấp xã được thành lập ở 151 xã, phường, thị trấn.

Tiến hành sáp nhập, hợp nhất đối với các xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố có quy mô nhỏ bảo đảm theo đúng quy định của Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh có 151 xã, phường, thị trấn với 1.142 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 8 xã, phường và 124 thôn, bản, tổ dân phố so với năm 2015;...

Đến hết năm 2021, giảm 252 biên chế so với năm 2015, trong đó chuyển 55 biên chế của Chi cục Quản lý thị trường sang Bộ Công Thương quản lý và giảm 197 biên chế theo lộ trình tinh giản biên chế, đạt tỷ lệ 9,9%. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm giảm 2.372 người so với năm 2015, đạt tỷ lệ 10,3%(1).

Đây là kết quả phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Bình với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị các cấp trong tỉnh thường xuyên quán triệt, học tập, nắm vững tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhất là quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và truyền hình trực tiếp đến tận các tổ chức cơ sở đảng cho tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng học tập, quán triệt, thông qua 1.564 điểm tiếp sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của các nghị quyết trên và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng nhiều hình thức phong phú như: hội nghị trực tuyến, hội nghị chuyên đề, lồng ghép các cuộc họp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua đội ngũ báo cáo viên... tạo được sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng và ban hành Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 08-02-2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 30-3-2018 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và công văn chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII đã khẳng định: Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Tăng cường phân cấp, quản lý cán bộ gắn với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và chính sách cán bộ. Thu hút nhân tài, trọng dụng cán bộ(2).

Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hội trên địa bàn tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách sau khi thôi nhiệm vụ do sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố; xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh Quảng Bình; sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021; sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo ở các phòng, ban, đơn vị thuộc diện hợp nhất, sáp nhập;...

Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh đều xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 55-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ hai, thực hiện theo lộ trình phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo; thực hiện phương án đối với những phòng, ban thuộc và trực thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị có từ 03 biên chế trở xuống thì sáp nhập với các phòng, ban khác tương đồng hoặc gần về chức năng, nhiệm vụ.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại kết quả công tác hằng năm, nhiệm kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan.

Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cũng như chỉ đạo thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn. Trong đó, có nhiều văn bản thiết thực, hiệu quả, như: Quy định số 10-Qđi/TU ngày 09-01-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ; Quy định số 01-Qđi/TU, ngày 01-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Quy định số 179-QĐ/BCSĐ, ngày 29-10-2018 về phân cấp quản lý và bổ nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngày 10-01-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc, vị trí việc làm của tỉnh Quảng Bình;...

Việc chuyển đổi số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp được thực hiện khá toàn diện. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trên cơ sở Đề án số 981/ĐA-UBND ngày 20-6-2018 của UBND tỉnh về sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2020, Quyết định số 1660/QĐ-UBND ngày 17-5-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phân loại tự chủ tài chính giai đoạn 2019 - 2020 cho 113 đơn vị sự nghiệp công lập, toàn tỉnh đã chuyển 1.600 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước sang hưởng lương từ nguồn tự  bảo đảm của đơn vị, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Trong đó, năm 2018 chuyển 264 biên chế (sự nghiệp y tế: 132 biên chế; sự nghiệp khác: 132 biên chế); năm 2019 chuyển 357 biên chế (sự nghiệp y tế: 347 biên chế; sự nghiệp khác: 10 biên chế), năm 2020 chuyển 494 biên chế (sự nghiệp y tế: 302 biên chế; sự nghiệp khác: 192 biên chế, năm 2021 chuyển 485 biên chế (sự nghiệp y tế: 427 biên chế; sự nghiệp khác: 58 biên chế).

Thứ ba, việc xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế được chú trọng. Thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08-5-2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; trên cơ sở thẩm định của Bộ Nội vụ tại Quyết định số 2040/QĐ-BNV ngày 31-12-2015 về việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 21/21 cơ quan hành chính cấp tỉnh; các cơ quan hành chính nhà nước của 8/8 huyện, thành phố, thị xã; 633/716 đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, đồng thời tiến hành rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng phù hợp với vị trí việc làm được phê duyệt.

Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng phù hợp, có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm cao với công việc được giao.

Việc thực hiện theo thẩm quyền về bổ nhiệm các chức danh, chức vụ công chức, viên chức theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực: Căn cứ quy định số 01-QĐi/TU ngày 01-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã ban hành Quy định về phân cấp quản lý và bổ nhiệm cán bộ; đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị rà soát, ban hành quy chế quản lý cán bộ, bổ nhiệm theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện các quy định về công tác tuyển chọn, quy hoạch, điều động và bổ nhiệm, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định. Những cán bộ được bầu cử, bổ nhiệm đều đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn; có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị phù hợp với vị trí công tác; phát huy được hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ quan, đơn vị và gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Qua quá trình triển khai thực hiện, đúc rút một số kinh nghiệm:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu phải nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 39-NQ/TW cũng như các nghị quyết liên quan để chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp. Đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Hai là, các chương trình, kế hoạch, đề án cần xác định những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính... Đồng thời, phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền và sự tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát của Mặt trận và các đoàn thể.

Ba là, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động, quyết tâm, quyết liệt và thực hiện đúng nguyên tắc, không nóng vội, chủ quan; thảo luận kỹ, xây dựng kế hoạch bài bản, từng công việc phải có đề án cụ thể, đúng theo quy

trình pháp lý. Vấn đề nào đã đạt được sự đồng thuận cao thì quyết tâm làm. Vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì học tập kinh nghiệm và có báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định; những việc mới chưa được quy định thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng

dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

Bốn là, bảo đảm nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra đôn đốc từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cấp; nâng cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường huy động sự tham gia và giám sát của người dân trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Năm là, chú trọng nguồn lực để đầu tư, trước hết là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, phải công khai minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính và chính sách có liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)

Ngày nhận bài: 23-5-2022; Ngày bình duyệt: 24-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.                     

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (2021): Báo cáo số 208/BC-UBND ngày 02-8-2021 về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị.

(2)  Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (2021): Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền