Trang chủ    Thực tiễn    Quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Thứ ba, 27 Tháng 2 2024 15:47
1540 Lượt xem

Quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Thừa Thiên Huế

TS NGUYỄN THẾ PHÚC
 
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

(LLCT) - Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm tôn giáo lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Trong những năm qua, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo trong thời gian qua. Bài viết khái quát thực trạng quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay và đề xuất phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước ở địa phương trong thời gian tới.
 

Tăng ni, phật tử tham dự Đại lễ Vu Lan tại Tổ đình Từ Đàm, Thừa Thiên Huế - Ảnh: baophapluat.vn

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, theo Sách trắng về Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ công bố ngày 9-3-2023 thì hiện nay, Việt Nam có 41 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận ở hai cấp độ (mức độ), đó là pháp nhân tôn giáo và đăng ký hoạt động với 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước.

1. Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý nhà nước về tôn giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm rất khoa học và nhân văn về tôn giáo và công tác tôn giáo. Người nhìn nhận tôn giáo trên quan điểm lịch sử, cụ thể: tôn giáo là một giá trị văn hóa của dân tộc, đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân; đồng bào theo tôn giáo hay không theo tôn giáo đều là con Lạc cháu Hồng, con Rồng, cháu Tiên vì vậy phải đoàn kết nhau lại thành một khối thống nhất. Người tôn Chúa có lòng bác ái cao cả, Đức Phật có tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn. Chúa và Phật đều “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm về tôn giáo của Hồ Chí Minh, đã cụ thể hóa thành chủ trương, đường lối, chính sách. Kể từ khi khởi xướng đường lối đổi mới đất nước (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam có điều kiện để quan tâm hơn công tác tôn giáo và thực thi chính sách đối với tôn giáo.

Bộ Chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 16-10-1990 “về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đã chỉ rõ đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Tiếp đó, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị 37/CT-TW ngày 02 - 7 - 1998 “về công tác tôn giáo trong tình hình mới”, nhấn mạnh đến những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy.

Hội nghị Trung ương 7 khóa IX ra Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12-3-2003 “về công tác tôn giáo” chỉ rõ: “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”(1).

Kế thừa những thành tựu đạt được trên phương diện lý luận và thực tiễn của hơn 35 năm đổi mới, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”(2). Để thực hiện tốt quan điểm của Đảng, Đại hội nhấn mạnh: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”(3).

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo là cơ quan nhà nước, bằng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, những quy định để thực thi, triển khai, giám sát đối với các tổ chức của tôn giáo, các cá nhân trong hoạt động tôn giáo đúng với Hiến pháp, pháp luật và những quy định của Nhà nước về tôn giáo; nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng bào tôn giáo, bảo đảm  cho các tôn giáo, đồng bào thực thi tín ngưỡng, tôn giáo một cách tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo bao gồm: chủ thể quản lý và đối tượng quản lý nhà nước về tôn giáo. Chủ thể quản lý là chính quyền nhà nước, cụ thể ở cấp trung ương là Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ; cấp tỉnh là Ban/Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; ở cấp huyện, bộ phận phụ trách tôn giáo của Phòng Nội vụ cử 1 phó phòng phụ trách lĩnh vực tôn giáo; cơ quan văn hóa - xã hội (xã/phường).

Đối tượng quản lý nhà nước về tôn giáo là các tổ chức tôn giáo, các tín đồ tôn giáo, chức sắc tôn giáo, nhà tu hành, chức việc, nơi thờ tự, đồ dùng việc đạo, cơ sở vật chất khác của các tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo. Nội dung quản lý thông qua cơ quan nhà nước xét duyệt và công nhận các pháp nhân tôn giáo; xét duyệt chương trình hành đạo thường xuyên và đột xuất; xét duyệt một số việc thuộc hành chính đạo; quản lý đào tạo chức sắc, nhà tu hành; xét duyệt quá trình xây dựng và sửa chữa nơi thờ tự; xét duyệt quá trình sản xuất, lưu thông đồ dùng việc đạo; xét duyệt các hoạt động từ thiện - xã hội; xét duyệt các hoạt động quốc tế và đối ngoại tôn giáo;  xử lý các khiếu tố, khiếu nại liên quan đến tôn giáo và các vi phạm chính sách tôn giáo; đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo...

2. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 60% dân số theo tôn giáo; 04 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành có 1.677 chức sắc, 2.389 chức việc và 568 cơ sở thờ tự(4). Ngoài ra, có khoảng 1.411 cơ sở tín ngưỡng, với các loại hình tín ngưỡng phong phú, đa dạng, bao gồm: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành Hoàng làng, thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, thờ thần Tài, thờ các anh hùng dân tộc, thờ tổ nghề...

Trong thời gian qua, Ban tôn giáo thuộc Sở nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vừa phát huy vai trò của nguồn lực tôn giáo, đồng thời vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sự ổn định và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống tinh thần đậm đà bản sắc văn hóa Huế.

Do làm tốt công tác quản lý nhà nước đúng với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”(5) về tôn giáo mà trong những năm qua đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy tốt phương châm sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng bào các tôn giáo thêm chung sức, chung lòng cùng với chính quyền thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

* Thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên các mặt

Thứ nhất, công tác tham mưu trong việc xây dựng và ban hành văn hóa quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Phát huy vai trò cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, sinh hoạt lễ nghi tôn giáo, giải quyết các nhu cầu chính đáng của đồng bào các tôn giáo.

Cụ thể là, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Đại học Huế về việc tăng cường công tác tôn giáo đối với hai hiện tượng tôn giáo mới là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” và “Ân điển cứu rỗi”. Đây là hai tổ chức tôn giáo có nguồn gốc từ đạo Tin lành, đang có những tác động xấu đối với đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các đối tượng học sinh, sinh viên, các tầng lớp lao động tự do, thế hệ trẻ, những người có hoàn cảnh khó khăn...

Do tính phức tạp của vấn đề, Ban tôn giáo đã nghiên cứu kỹ chuyên môn, đúng pháp luật để đề xuất chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo một cách kịp thời, khoa học đưa lại hiệu quả cao.

Những vấn đề như đất đai, xây dựng liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng được giải quyết triệt để. Cụ thể, năm 2021, Ban Tôn giáo tỉnh đã “Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Dòng La San Việt Nam tại địa chỉ 147 Phan Bội Châu (phường Trường An, thành phố Huế); rà soát các nội dung liên quan đến dự án Khu du lịch Quán Thế Âm (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 05 cơ sở (Phật giáo: 03 cơ sở, Công giáo: 02 cơ sở); tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 434/568 cơ sở, đạt tỷ lệ 76,4% tổng số cơ sở tôn giáo”(6).

Để công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi vào nền nếp, hiệu quả, phát huy tính tích cực của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Ban Tôn giáo thường xuyên quán triệt các quan điểm của Đảng đến từng cán bộ làm công tác tôn giáo; chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 22-9-2021 của Tỉnh ủy về việc nâng cao hiệu quả công tác vận động và quản lý nhà nước về tôn giáo; thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo năm 2022; sơ kết 03 năm thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30 - 12 - 2017 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 08-KL/TW, ngày 02-8-2011 của Ban Bí thư về “Xây dựng cốt cán trong tôn giáo”.

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã góp phần phát huy được tính tích cực của tôn giáo, “bảo đảm về tính thống nhất giữa sinh hoạt tôn giáo và bảo tồn giá trị văn hóa, sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân, cộng đồng và lợi ích quốc gia, xã hội”(7).

Thứ hai, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Xuất phát từ nhận thức, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo là “nhu cầu tinh thần không thể thiếu được của một bộ phận nhân dân, là một quyền lợi, hơn nữa là một niềm hạnh phúc, là một đòi hỏi lành mạnh, là một ý nguyện cao cả”(8) nên chính quyền chú trọng công tác quản lý, hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động, sinh hoạt trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Các hoạt động tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật, như tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức Đại lễ Phật đản, lễ hội Quán Thế Âm, lễ Vu lan, lễ kỷ niệm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện; Công giáo, Tin lành tổ chức lễ Phục sinh,...

Giải quyết việc các tổ chức tôn giáo đăng ký bổ nhiệm chức việc, thuyên chuyển các tu sỹ, từ năm 2019 đến năm 2022, Ban Tôn giáo tỉnh đã giải quyết việc đăng ký bổ nhiệm các chức việc; thông báo thuyên chuyển các tu sỹ về hoạt động Phật sự tại các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh, cụ thể năm 2019, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo bổ nhiệm 22 chức việc (Phật giáo: 18, Công giáo: 04), thuyên chuyển 33 tu sĩ (Phật giáo: 10, Công giáo: 23)...; năm 2020, bổ nhiệm 16 chức việc, thuyên chuyển 24 tu sỹ (18 tu sỹ về hoạt động Phật sự trên địa bàn tỉnh và 06 tu sỹ đến hoạt động ở các địa phương khác); năm 2021, đăng ký bổ nhiệm 198 chức việc; thông báo thuyên chuyển 20 tu sỹ về hoạt động Phật sự tại các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh và 01 tu sỹ ra hoạt động Phật sự tại tỉnh Hải Dương; có Tờ trình về việc chùa Phước Nguyên (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) xin tham gia sinh hoạt với Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thị xã tổ chức Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2026; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Phú Vang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện A Lưới đề nghị thay đổi trụ sở Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện...(9).

Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan như: phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết một số vấn đề về tôn giáo như: Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với các sở, ban ngành như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; các công trình, khu tái định cư dân cư và các cơ sở tín ngưỡng khác; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết các vấn đề tôn giáo phức tạp, nhạy cảm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các giáo hội, chức sắc, chức việc các tôn giáo thông qua việc tổ chức thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp Tết Nguyên đán, Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Kỷ niệm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ Phục sinh,... Cử cán bộ làm công tác tôn giáo chủ động tiếp xúc, đối thoại thường xuyên và làm việc với một số chức sắc hàng giáo phẩm trong giáo hội các tôn giáo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, phối hợp tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; tiếp công dân về tín ngưỡng, tôn giáo

Theo Công văn số 727/TGCP-PCTT ngày 14-9-2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và kiến thức về tôn giáo và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Tôn giáo đã chuẩn bị tài liệu, nội dung, chương trình để tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban Tôn giáo thường xuyên thực hiện kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; kiểm tra, rà soát văn bản Quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và văn bản chứa đựng Quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2021, Ban Tôn giáo đã xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại huyện A Lưới và Quảng Điền; chỉ đạo Phòng Nội vụ tham mưu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện ở các địa phương. Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất trong năm. Ban Tôn giáo đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền các địa phương tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban tôn giáo đã cử cán bộ “động viên, khuyến khích, giúp đỡ và tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo”(10).

Thứ tư, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo

Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo tại Ban Tôn giáo và Phòng Nội vụ cấp huyện cơ bản giữ ổn định. Hiện nay, Ban Tôn giáo có 02 phòng (Phòng Tổng hợp - Hành chính và Phòng Nghiệp vụ), 01 Trưởng Ban, 02 Phó Trưởng Ban, với 14 cán bộ, công chức.

Cấp huyện có 09 Phòng Nội vụ cấp huyện, với 18 cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, trong đó có 09 Phó Trưởng phòng và 09 chuyên viên tham mưu công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, kiêm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính,...

Đối với cấp xã, có 290 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tôn giáo; trong đó có 145 chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo và 145 công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội hoặc công chức địa chính cấp xã kiêm nhiệm tham mưu công tác tôn giáo cho UBND xã.

Sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các địa phương kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở cơ sở có sự luân chuyển, thay đổi. Ban Tôn giáo đã triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 09-02-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo giai đoạn 2017-2020” và tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

*  Những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại một số địa phương, cơ sở chưa thực sự hiệu quả, có nơi, có lúc còn buông lỏng, chưa kịp thời. Công tác tranh thủ chức sắc, vận động quần chúng còn nặng về hành chính; bị động, lúng túng trong giải quyết các vấn đề nhạy cảm; hạn chế này là kẽ hở để “kẻ thù lợi dụng để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”(11).

Thứ hai, trong hệ thống các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về tôn giáo “thiếu hẳn các văn bản quy định cụ thể liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp trong quản lý, giám sát hoạt động”(12), đặc biệt những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương vẫn còn thiếu chặt chẽ, tình trạng dựng tượng tại nhà riêng, xây dựng công trình tôn giáo, công trình phụ trợ trái phép vẫn còn diễn ra.

Thứ ba, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, miếu nhà riêng chưa được quản lý chặt chẽ. Việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại nhiều cơ sở tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo của một số cơ sở tôn giáo chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia sinh hoạt của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, Pháp luân công, Pháp môn Diệu Âm, các “đạo lạ”, “tà đạo”, hoạt động mê tín dị đoan... vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Hiện tượng tu sỹ Phật giáo về hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng; tu sỹ đến tạm trú và thực hiện các hoạt động tâm linh, tôn giáo tại nhà riêng vẫn còn diễn ra tại một số địa phương.

- Nguyên nhân của những hạn chế

Một là, về nguyên nhân chủ quan

Công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở một số địa phương cơ sở chưa thường xuyên; phương pháp và hình thức tuyên truyền có lúc thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với từng đối tượng.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu các kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo nên nhận thức, kinh nghiệm và chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về an ninh tôn giáo. Chính sách đối với cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được chú trọng, đời sống của cán bộ gặp nhiều khó khăn.

Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các cấp trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến tôn giáo có lúc còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời; một số trường hợp chưa làm tốt công tác nhận định, đánh giá tình hình để có phương án xử lý hiệu quả; có hiện tượng đùn đẩy lên cấp trên.

Hai là, nguyên nhân khách quan

Các tổ chức, cá nhân cơ hội chính trị tiếp tục lợi dụng “tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để tiến hành các hoạt động, tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

Một số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chưa tích cực phối hợp với chính quyền trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo, như việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc thực hiện các quy định về cấp phép xây dựng...

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chưa có các khái niệm về hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, các điều khoản quy định về việc tổ chức hội thảo có yếu tố tôn giáo, việc dựng tượng, biểu tượng tôn giáo ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự, trong nghĩa trang, tổ chức xã hội, nhà riêng... dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết của chính quyền các cấp.

Quy định pháp luật còn những nội dung chưa chặt chẽ. Luật Đất đai 2013 quy định cơ sở tôn giáo không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất nhưng các chức sắc, tu sỹ đã dùng tư cách công dân mua bán, chuyển nhượng, nhờ người thân đứng tên, thừa kế... sau đó tiến hành xây dựng nhà ở, biến tướng thành cơ sở thờ tự.

3. Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo

Thứ nhất, chú trọng công tác tham mưu UBND tỉnh về công tác tôn giáo tại địa phương

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo hoạt động, sinh hoạt, lễ nghi tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Phối hợp nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vấn đề, vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng “tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” chống phá Đảng, Nhà nước, bảo đảm an ninh tôn giáo trên địa bàn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp.

Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các giáo hội, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; chủ động tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các chức sắc, chức việc có uy tín trong các giáo hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó chú trọng công tác vận động, tranh thủ chức sắc để ổn định tình hình nhân sự, đoàn kết nội bộ giáo hội.

Thứ ba, tham mưu công tác quản lý nhà nước đối với chính quyền các cấp

Làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết các thủ tục hành chính, các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo kịp thời, đúng quy định pháp luật. Phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công các ngày lễ trọng và các hoạt động lớn, các sự kiện của tôn giáo.

Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật tại các địa phương. Chủ động nắm tình hình, phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo còn vướng mắc, tồn đọng. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các địa phương tiếp tục xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu nại “đòi lại”, kiến nghị về nhà, đất đai liên quan đến tôn giáo.

Thứ tư, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở các cấp

Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ làm tốt công tác quy hoạch, củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác tôn giáo của Ban Tôn giáo và các phòng nội vụ cấp huyện. Phối hợp với UBND cấp huyện, các đoàn thể cấp tỉnh bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ, công chức, hội viên cơ sở.

Thứ năm, công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo của các nhóm, phần tử cơ hội

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quần chúng tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp. Tăng cường chủ động triển khai công tác phối hợp nắm tình hình, phát hiện kịp thời, vận động, đấu tranh, ngăn chặn những hoạt động trái pháp luật, hoạt động mê tín dị đoan có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tranh thủ chức sắc, tín đồ các tôn giáo có uy tín để tuyên tuyền, vận động và phối hợp giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về nhà, đất và các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo, không để hình thành “điểm nóng”, góp phần bảo đảm an ninh tôn giáo.

Thứ sáu, công tác đối ngoại tôn giáo: Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh đón tiếp và làm việc với các đoàn ngoại giao các nước đến thăm và tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo tại địa phương. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đón tiếp, gặp gỡ, giao lưu với các phái đoàn của các tổ chức tôn giáo nước ngoài đến thăm và hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu để hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đối ngoại của tôn giáo.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 4-8-2023; Ngày bình duyệt: 8-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.                     

(1) ĐCSVN: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Hội Nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo, Hà Nội, 2003.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.272.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr.141.

(4) Phật giáo: có trên 60 vạn người theo đạo Phật (có 268.161 tín đồ đã quy y), có 1.387 chức sắc, 1.660 chức việc, 410 cơ sở thờ tự. Công giáo: có khoảng 58.493 tín đồ, 285 chức sắc, 709 chức việc, 162 cơ sở tôn giáo. Tin lành: có 02 chi hội thánh thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) được Nhà nước công nhận, với 334 tín đồ, 02 mục sư, 01 truyền đạo và 12 chức việc. Cao đài: có 241 tín đồ, 02 chức sắc, 08 chức việc và 01 cơ sở họ đạo thuộc Hội thánh Cao đài Tây Ninh, Báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, Tài liệu lưu tại Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

(5) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 54- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, 2020, tr.10.

(6)  Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế: Báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Tài liệu lưu tại Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, 2021.

(7), (12) Ngô Văn Trân: Quản lý nhà nước về các hoạt động tôn giáo ở các tỉnh miền Trung Việt Nam thực trạng và giải pháp, Nxb Thuận Hóa, 2016, tr.22, 95.

(8), (11) Mai Thanh Hải: Tôn giáo thế giới và Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.249, 284.

(9) Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế: Báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2019, năm 2020, năm 2021.

(10) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Tài liệu hỏi - đáp về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nxb Thuận Hóa, 2021, tr.87.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền