Trang chủ    Thực tiễn    Về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 15:04
32074 Lượt xem

Về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Lựa chọn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta có tầm quan trọng hàng đầu để sớm vượt ra khỏi tình trạng một nước có mức thu nhập trung bình thấp, đảm bảo tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững. Để thực hiện việc lựa chọn và chuyển đổi đó cần phải hiểu rõ các mô hình tăng trưởng kinh tế, thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta hiện nay, phương hướng và giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
 

1. Hai mô hình tăng trưởng kinh tế

Mô hình tăng trưởng kinh tế (TTKT) là sự phản ánh khái quát những đặc tính chủ yếu của phương thức TTKT thể hiện các yếu tố tăng trưởng và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng với nhau trong từng giai đoạn nhất định. Các yếu tố đóng góp tạo nên TTKT gồm lao động, tư bản (vốn) và các yếu tố tăng năng suất lao động. Tùy theo mức đóng góp của các yếu tố vào TTKT, đã hình thành nên các mô hình TTKT khác nhau: tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng theo chiều sâu và tăng trưởng kết hợp theo chiều rộng với theo chiều sâu.

Mô hình TTKT theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất chỉ bằng tăng các yếu tố đầu vào: vốn, lao động và tiêu hao vật chất mà không kèm theo tiến bộ công nghệ. Tăng trưởng theo chiều rộng là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, nó nhanh chóng khai thác được các nguồn tự nhiên, thu hẹp nạn thất nghiệp,... Nhưng con đường tăng trưởng như vậy có nhiều hạn chế là trì trệ và về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nhịp độ tăng năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng của từng sản phẩm nói riêng và cả nền sản xuất nói chung ngày càng kém đi, tới một thời điểm nào đó sẽ xuất hiện bế tắc xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư trở nên kém phát triển... Thoát khỏi tình thế đó chỉ có con đường TTKT theo chiều sâu.

Mô hình TTKT theo chiều sâu có đặc trưng chủ yếu là nâng cao hiệu quả của tất cả các yếu tố truyền thống trên cơ sở tiến bộ kỹ thuật, còn được gọi là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity). Mô hình TTKT theo chiều sâu có tính đặc thù và ưu điểm là: Tiến bộ khoa học kỹ thuật đóng vai trò chính trong quá trình tăng trưởng; không chỉ tăng tổng khối lượng mà còn tăng cả chất lượng sản phẩm; giảm chi phí lao động và tư liệu sản xuất tính trên một đơn vị thu nhập quốc dân, giảm giá trị một đơn vị sản phẩm. Trong tổng khối lượng sản xuất, tỷ trọng của các ngành có hàm lượng khoa học cao tăng lên; tỷ trọng sản phẩm trung gian giảm và tỷ trọng sản phẩm cuối cùng đi vào tiêu dùng tăng lên tương ứng, do vậy mà nâng cao được hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sống của dân cư. Việc nâng cao mức sống của con người trong điều kiện TTKT theo chiều sâu không chỉ thể hiện ở tăng phúc lợi vật chất, mà còn ở tăng chất lượng các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế...) và môi trường xung quanh (giảm thiểu ô nhiễm môi trường, loại bỏ những công nghệ rủi ro...), tăng thời gian tự do, nâng cao mức thỏa mãn nhu cầu đẳng cấp cao...

Tăng trưởng kinh tế được tính là thuộc mô hình này hay mô hình kia phụ thuộc vào mức độ đóng góp của các yếu tố sản xuất vào tổng mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Trong TTKT chủ yếu theo chiều rộng, sự tăng đơn thuần khối lượng các yếu tố sản xuất (lao động, vốn) tạo ra trên 50% tổng số sản phẩm tăng thêm. Còn trong mô hình TTKT chủ yếu theo chiều sâu thì trên 50% tổng số sản phẩm tăng thêm là do TFP mang lại.

Tuy nhiên, trong thực tế không thể phân biệt rạch ròi phương thức tăng trưởng theo chiều rộng hay theo chiều sâu, mà chúng thường được kết hợp theo một tỷ lệ nào đó, có thể gọi đó là mô hình kết hợp giữa TTKT theo chiều rộng với TTKT theo chiều sâu. Mô hình kết hợp giữa TTKT theo chiều rộng và TTKT theo chiều sâu vừa chú ý tới số lượng các yếu tố tăng trưởng, nhưng quan trọng hơn là vừa chú trọng nâng cao chất lượng và phối hợp giữa chúng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, làm cho yếu tố TFP đóng góp ngày càng lớn hơn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

2. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian qua và hướng chuyển đổi trong thời gian tới

Ở Việt Nam, TTKT những năm qua chủ yếu chỉ dựa vào tăng vốn, lao động và khai thác các nguồn lực tự nhiên, còn mức đóng góp của TFP có tăng lên nhưng vẫn rất chậm và thấp so với nhiều nước trong khu vực cùng thời kỳ phát triển. Trong tổng tốc độ TTKT 5 năm (2003 - 2008), yếu tố số lượng vốn đã đóng góp tới 52,73%, yếu tố số lượng lao động đóng góp khoảng 19,07%; cộng hai yếu tố về số lượng tới 71,8%, gấp hơn 2,5 lần so với TFP; còn yếu tố TFP chỉ đóng góp khoảng 28,2% (xem bảng 1), thấp xa so với các nước trong khu vực (đóng góp của TFP vào TTKT của Trung Quốc là 52%, Inđônêxia 49%, Malaixia 50%, Thái Lan 53%, Philippin 38%)(1). Điều này chứng tỏ rằng, kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng trưởng chủ yếu là theo chiều rộng.

Nguyên nhân của tình hình này là:

Trình độ công nghệ của nền kinh tế nước ta thấp và lạc hậu. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trình độ công nghệ của nước ta xếp thứ 92/117 nước được điều tra. Nhóm các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thuộc các ngành công nghệ cao mới chiếm 20,6%, công nghệ trung bình chiếm 20,7% và công nghệ thấp chiếm 58,7%.

Bảng 1: Đóng góp của các yếu tố vào GDP

 

1993-1997

1998-2002

2003

đến nay

Đóng góp theo tỷ lệ phần trăm(%)

- Vốn

- Lao động

- TFP

100

69,3

15,9

14,8

100

57,5

20

22,5

100

52,7

19,1

28,2

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mô hình TTKT nước ta trong những năm qua dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư mà phần lớn là từ ngân sách nhà nước (NSNN) và từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Những năm gần đây, vốn đầu tư lên tới trên 40% - 41,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác, hiện chỉ ở mức 15-20%. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2010, vốn khu vực nhà nước chiếm 38,1%(2). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, doanh nghiệp nhà nước chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%. Hiệu quả đầu tư thấp, hệ số ICOR có xu hướng tăng lên, năm 2005 là 4,6; năm 2006 là 5,01; năm 2007 là 5,20, năm 2008 là 6,66, năm 2010 là 6,19, cao hơn đáng kể so với các nước khác: Trung Quốc là 4,1; Hàn Quốc là 3,2.

Bảng 2: So sánh ICOR của Việt Nam với các nước trong thời kỳ tăng trưởng nhanh

 

Thời kỳ tăng trưởng nhanh

Tỷ lệ đầu tư (% GDP)

Tỷ lệ tăng trưởng (%)

ICOR

Việt Nam

Trung Quốc

Nhật Bản

Hàn Quốc

2001-2008

1991 - 2003

1961 - 1970

1981 - 1990

51,6

39,1

32,6

29,6

7,5

9,5

10,2

9,2

6,9

4,1

3,2

3,2

Nguồn: Chi Hung Kwan: Tại sao hiệu quả đầu tư của Trung Quốc thấp, Trung Quốc trong quá độ 18/6/2004 và tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Theo một tham luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tháng 6-2010, khoảng 65% lực lượng lao động Việt Nam có kỹ năng rất thấp và khoảng 78% dân số trong độ tuổi 20-24 không được đào tạo hoặc thiếu các kỹ năng cần thiết. Chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; học sinh học lý thuyết nhiều, nhưng khả năng vận dụng thực tế rất yếu. Theo kết quả khảo sát của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, khoảng 50% sinh viên Việt Nam ra trường không tìm được việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình, tỷ lệ sinh viên phải đào tạo lại sau khi ra trường rất lớn.

Từ tình hình trên cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng ở Việt Nam đã đạt tới giới hạn, thể hiện rõ qua mức năng suất lao động (NSLĐ) thấp và tính lạc hậu của cơ cấu nền kinh tế. NSLĐ của Việt Nam năm 2009 chỉ tương đương 14,9% của Xingapo, 9% của Mỹ, 40% của Thái Lan và  52,6% của Trung Quốc(3). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và lạc hậu. Trong giai đoạn từ năm 2000 - 2010, tỷ trọng nhóm ngành sản xuất sản phẩm vật chất trong GDP hầu như không đổi, chiếm khoảng 61 - 62%, nhóm ngành dịch vụ dao động trong khoảng 38 - 39%, thấp hơn các nước khác (tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ trong GDP năm 2001 của Malaixia là 41,9%; Thái Lan là 49,8%; và Hàn Quốc là 54,1%...)(4). TTKT của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở một số ngành và sản phẩm truyền thống có công nghệ không cao như dệt may, thủy sản, nông sản chưa qua chế biến... Tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến trong GDP còn thấp. Công nghiệp khai thác vẫn chiếm một tỷ trọng khá ổn định trong GDP.

 Vì vậy, để vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cần phải “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”(5). Để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, đòi hỏi phải nâng cao nhanh chóng tỷ lệ đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng GDP. Hướng kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và theo chiều sâu một cách hợp lý ở Việt Nam tới đây là chuyển mạnh sang tăng trưởng theo chiều sâu. Đại hội XI của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 đóng góp của TFP vào TTKT là 31- 32% và năm 2020 là 35%. Dựa vào tiềm năng trong nước và khả năng mở rộng hợp tác khoa học - công nghệ với các nước, có ý kiến cho rằng, cần và có thể nâng tỷ lệ đóng góp của TFP lên tới 40% vào năm 2020 khi nước ta đã trở thành một nước công nghiệp (nếu đạt được như vậy thì cũng mới chỉ gần ngang với các nước Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan... hiện nay).

3. Giải pháp chủ yếu nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta từ nay đến năm 2020

Để chuyển đổi mô hình TTKT ở Việt Nam theo hướng nâng cao nhanh chóng mức đóng góp của yếu tố TFP vào tăng GDP, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực ứng dụng công nghệ mới bằng cách tạo môi trường đầu tư lành mạnh, làm cho yếu tố công nghệ trở thành điều kiện quyết định giành thắng lợi trong cạnh tranh, giảm các ưu tiên, ưu đãi cho một số loại hình doanh nghiệp; có chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ; có các giải pháp quyết liệt để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới; thúc đẩy tăng tốc chuyển giao công nghệ vào các ngành, lĩnh vực bằng cách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ để tăng nguồn cung sản phẩm công nghệ mới cho thị trường. Thu hút vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ từ nhiều nguồn, chọn các nhà khoa học đầu đàn làm chủ các công trình nghiên cứu khoa học. Quy định mức thù lao, mức thưởng thỏa đáng đối với những người có năng lực sáng tạo, có công trình khoa học được áp dụng vào thực tiễn. Tăng cường chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các dự án FDI.

Hai là, đổi mới chính sách tài chínhđể góp phần thực hiện chuyển đổi quá trình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư mà phần lớn là từ NSNN và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sang quá trình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư của khu vực dân doanh để khai thác tiềm năng của đất nước. Kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á cho thấy, cần phải tìm cách tăng tỷ trọng tích lũy đầu tư của khu vực dân doanh trong tổng số vốn tích lũy đầu tư của toàn xã hội. Ở Việt Nam, đây là khu vực đầu tư đang có hiệu quả cao gấp đôi so với khu vực kinh tế nhà nước. Giảm tỷ lệ vốn đầu tư từ NSNN, vì hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước thấp và có xu hướng giảm.

Để khuyến khích tích lũy vốn đầu tư ở khu vực dân doanh thì chính sách tài chính quốc gia cần được đổi mới theo hướng: Chính sách thu phải đảm bảo nâng cao tiềm lực tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cho khu vực dân doanh bằng cách giảm tỷ lệ huy động GDP vào NSNN. Hiện nay tỷ lệ này là khoảng 26% - 27%, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đó là tỷ lệ cao, cần giảm xuống còn khoảng 15% - 16%. Về chính sách chi NSNN cần điều chỉnh theo hướng tăng chi cho các mục tiêu, nhiệm vụ xã hội, giảm chi cho đầu tư và chi hành chính, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội cho tăng đầu tư phát triển thông qua kênh phát hành trái phiếu. Thu hẹp phạm vi trang trải của ngân sách, mở rộng phạm vi xã hội hóa, áp dụng mô hình phối hợp công và tư (mô hình PPP - Public Private Partnerships) trong hoạt động dịch vụ công. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng ưu tiên cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Giảm tỷ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội không chỉ làm giảm tỷ lệ bội chi ngân sách mà còn hạn chế được mức nợ công.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng. Thực hiện các giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật, trung cấp để thay đổi cơ cấu lao động hiện nay. Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục - đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo các kỹ năng chuyên sâu, giảm tải thời gian học lý thuyết, tăng cường thời gian thực hành cho học sinh, sinh viên. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng sự đổi mới của chương trình giáo dục - đào tạo. Tăng cường nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo, chú trọng xây dựng mới và củng cố các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đối với cơ sở đào tạo các chuyên ngành mũi nhọn, các ngành nghề mới. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khuyến khích và mở rộng cơ chế để các cơ sở đào tạo trong nước hợp tác với các cơ sở đào tạo của các nước phát triển. Đổi mới chính sách sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực theo hướng dựa trên năng lực chuyên môn và hiệu quả thực hiện công việc.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1),(3) CIEM & ACI: Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2009 - 2010.

(2) PGS, TS Nguyễn Văn Hậu: Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay: Thời cơ, thách thức và giải pháp, Tạp chí Lý luận chính trị số tháng 3-2011, tr.28.

(4) ViệtNam:http://www.gso.gov.vn. Các nước khác: Tổng cục Thống kê: Số liệu kinh tế - xã hội các nước, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2002, tr.55-84.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.191.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Hậu

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền