Trang chủ    Thực tiễn    Thanh Hóa thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:37
2335 Lượt xem

Thanh Hóa thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường

(LLCT) - Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã và đang khắc phục có hiệu quả những vấn đề môi trường, đạt được nhiều thành tựu: kinh tế tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nguồn lực ngày càng huy động tốt hơn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp; công tác quản lý tài nguyên, môi trường được tăng cường.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010 - 2015), kinh tế tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển khả quan. Tăng trưởng năm 2013 đạt 11,2%, cao hơn mức trung bình của cả nước (kinh tế cả nước là 5,4%), trong đó nông nghiệp tăng 4,2%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,9%, dịch vụ tăng 12,4%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra (17% - 18%); chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa ổn định và thiếu tính bền vững.

Cơ cấu kinh tế của Thanh Hoá cũng từng bước chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đang hình thành rõ nét cơ cấu: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng GDP có xu hướng tăng lên và tỷ trọng nông nghiệp giảm dần. Năm 2013, cơ cấu GDP (công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp) của tỉnh là 43,9% - 36,1% - 20,0% so với 42,9% - 35,7% - 21,4% năm 2012 và 28,4% - 36,9% - 34,7% năm 2007.

Kinh tế có tăng trưởng đáng kể nhưng cũng gây áp lực đối với môi trường. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển với quy mô lớn. Nếu không có biện pháp kiểm soát thích hợp thì đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Bên cạnh đó, giao thông - vận tải cũng góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường.

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành 5 khu kinh tế, khu công nghiệp, gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Lễ Môn, Hoằng Long, Khu Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa (2012) cho thấy chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ô nhiễm. Chủ yếu là các khí như NO2, SO2 và bụi lơ lửng.

Môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề cũng đang ngày càng ô nhiễm nặng, do các phương tiện vận chuyển vật liệu ra vào ngày càng nhiều trong khi hệ thống giao thông ngày càng xuống cấp, bên cạnh đó các cơ sở sản xuất còn chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Kết quả quan trắc tại một số cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đặc trưng ô nhiễm tại các khu vực này là SO2 và bụi lơ lửng. Hơi khí SO2 tại 3/6 khu vực tại làng nghề tơ tằm Thiệu Đô - Thiệu Hoá có giá trị vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1,1 ÷ 2 lần. Bụi lơ lửng tại 3/5 khu vực tại làng nghề tơ tằm Thiệu Đô - Thiệu Hoá  có kết quả quan trắc một số năm đều vượt TCCP từ 1,08 ÷ 12,8 lần.

Về chất lượng không khí ở một số khu dân cư tập trung trong tỉnh. Kết quả quan trắc chất lượng không khí khu dân cưcho thấy chất lượng môi trường đã có dấu hiệu ô nhiễm do bụi lơ lửng và các hơi khí độc CO2, SO2. Đặc biệt tại các khu dân cư gần các nhà máy, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ô nhiễm bụi thể hiện rất rõ nét, có nơi giá trị đo được vượt TCCP đến 4,2 lần (Đông Hưng, Đông Sơn). Nhìn chung, tại 10 khu vực đo thì có 8 khu vực nồng độ bụi đều có biểu hiện vượt TCCP và 3 khu vực chỉ số SO2 vượt TCCP.

Để thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường ở Thanh Hóa cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là, bảo vệ môi trường không khí

Rà soát lại quy hoạch công nghiệp của tỉnh trên quan điểm bảo vệ môi trường, tích cực phòng ngừa và xử lý ô nhiễm (khuyến khích về thuế dưới dạng hỗ trợ đầu tư; xây dựng và mở rộng quỹ môi trường; khuyến khích áp dụng những công nghệ tiên tiến). Tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường, có chính sách môi trường đối với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, cụm làng nghề...

Các khu công nghiệp Lễ Môn, Đình Hương (Thành phố Thanh Hóa), sẽ không mở rộng diện tích mà chủ yếu là đổi mới trang thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ xử lý chất thải và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Đối với các khu công nghiệp như Nghi Sơn, Lam Sơn, Tây Nam Thanh Hóa (Như Thanh - Như Xuân), đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, mở rộng và cải tạo để hình thành các khu công nghiệp tập trung, đồng thời thực hiện nghiêm việc thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với mỗi dự án đầu tư, từng khu công nghiệp để bảo vệ môi trường. Đối với các cụm công nghiệp, làng nghề cũ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ sạch và các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất chất thải phát sinh.

Giảm thiểu ô nhiễm do khí thải giao thông. Thiết lập tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới mới và đang lưu hành với lộ trình cụ thể. Thiết lập các phòng thí nghiệm kiểm tra khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới. Tăng cường năng lực kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện giao thông. Triển khai nghiên cứu và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thay thế, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng để thay đổi hành vi cá nhân trong việc sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sinh hoạt đô thị.Nguồn ô nhiễm sinh hoạt đối với môi trường không khí chủ yếu là đun bếp. Dùng nhiên liệu than, dầu đun bếp sẽ thải ra nhiều bụi và khí độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ mọi người. Vì vậy, biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm sinh hoạt đối với môi trường chủ yếu là dùng khí tự nhiên (gas) hay dùng điện đun bếp thay cho than tổ ong và dầu hoả.

Từng bước hình thành ngành công nghiệp môi trường.Công nghiệp môi trường tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, tạo ra các chế phẩm vi sinh sử dụng cho các công nghệ xử lý sinh học; cơ khí chế tạo các thiết bị phục vụ cho dịch vụ môi trường như các thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn, các phương tiện vận chuyển chất thải chuyên dụng. Những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp môi trường gồm đầu tư cho công tác nghiên cứu; hỗ trợ về vốn để xây dựng, vận hành và nghiên cứu, tạo điều kiện để tiêu thụ được sản phẩm.

Hai là, quy hoạch quản lý cây xanh và quản lý môi trường nước

Phát triển cây xanh và mặt nước trong các khu đô thị. Quy hoạch quản lý và bảo vệ nguồn nước, hạn chế các nguồn xả thải vào sông, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước mặt, chấm dứt hiện tượng khai thác trái phép khoáng sản lòng sông, bảo vệ phát triển rừng đầu nguồn, phòng chống cháy rừng; giải quyết vấn đề xâm nhập mặn tại các cửa sông ven biển; nạo vét các kênh, sông Nhà Lê và các sông trong nội thị, cải tạo đê các hệ thống sông trong tỉnh; quy hoạch bảo tồn các hồ; hoàn chỉnh mạng lưới điểm quan trắc môi trường nước.

Ba là, quy hoạch bảo vệ môi trường khu du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh 

Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, điểm di tích, danh thắng và các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch. Tôn tạo, cải thiện cảnh quan môi trường tại các khu di tích, du lịch và danh thắng như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Suối Cá Cẩm Lương...; Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt.

Bốn là, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước

Bảo vệ môi trường và cảnh quan các hồ chứa nhằm ngăn ngừa sự suy thoái hệ sinh thái thuỷ vực tại các hồ. Xây dựng mô hình kinh tế bền vững cho các xã vùng đệm khu vực Vườn quốc gia Bến En, Cúc Phương, hồ Cửa Đạt và các khu bảo tồn thiên nhiên.

Tăng cường năng lực quản lý và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bến En, Cúc Phương, rừng sến Tam Quy, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên.

Tập trung thực hiện dự án trồng cây xanh tại các các khu vực đất trống đồi núi trọc để phòng, chống xói mòn, hoang mạc hoá đất đai. Quản lý chặt chẽ rừng ngập mặn ven biển, cửa sông, cửa lạch để giảm thiểu việc nước mặn xâm thực, tàn phá đê sông, đê biển do lũ lụt gây ra.

Năm là, quy hoạch bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng

Chấm dứt việc khai thác quặng trái phép. Xây dựng, hoàn thiện các dự án cải tạo môi trường sau khai thác và đưa vào sử dụng tại các Cụm công nghiệp đá Đông Sơn, Hà Phong.

Nghiêm túc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt của các ngành nghề khai thác  khoáng sản (quặng crôm, sắt, cát sỏi lòng sông). Lựa chọn cấp phép khai thác cho các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực chế biến nguyên liệu thô và bảo đảm môi trường như hoàn thổ, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý chất thải, trồng cây xanh.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu khoáng sản, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Chú trọng vấn đề “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, phấn đấu 100% số hộ trong tỉnh được sử dụng nước sạch. Trang bị kiến thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học…

Đồng thời với việc bảo vệ môi trường, Thanh Hóa cần đẩy mạnh việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và tính chất nguyên gốc của các thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa; gìn giữ cảnh quan đô thị, các dòng sông, khu vực nông thôn và ven biển…

Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển, trong nông nghiệp… Nâng độ che phủ rừng lên 60% vào năm 2020, thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học biển…

Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã có những giải pháp phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường, tuy nhiên, hiện naytại các khu vực khai thác khoáng sản, khu công nghiệp, làng nghề... môi trường bị ô nhiễm, tuy chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng cần phải nghiên cứu để khắc phục ngay. Trong thời gian tới, Thanh Hóa cần xây dựng quy chế và kiểm tra nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên kết hợp với phát triển kinh tế. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chắc chắn trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện tốt và có hiệu quả sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

 

ThS Đỗ Trọng Hưng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền