Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:40
5205 Lượt xem

Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu

(LLCT) - Lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất lúa gạo đang gặp phải thách thức lớn do biến đổi khí hậu. Do đó, để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững cần phải có những giải pháp nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

 

1. Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao, gây ngập lụt và mất đất trồng lúa tại các vùng trồng lúa quan trọng như: đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Theo ước tính, nếu nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có khoảng 2 triệu ha đất lúa bị nhấn chìm (khoảng 50% diện tích)(1).

Nước biển dâng kèm theo xâm nhập mặnkhiến hệ số sử dụng đất giảm từ 3 - 4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Hiện nay, mức độ nhiễm mặn hơn 4%ođã lấn sâu từ 30 đến 40 km, có nơi 70km (tương đương hơn 1.300 ha) tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiệt độ tăng cao, kéo dài làm giảm độ ẩm của đất và thiếu nước canh tác gây hạn hán làm giảm diện tích đất trồng lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung. Năm 2013, 16 nghìn ha lúa hè thu không gieo cấy được do nắng hạn nghiêm trọng tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên(2)…, riêng khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã phải chuyển đổi 6.220 ha đất lúa sang trồng cây hoa màu khác(3).

Nghiên cứu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) chỉ ra, theo kịch bản biến đổi khí hậu mức trung bình ở đồng bằng sông Hồng, vụ đông xuân phải gieo trồng trước từ 5 đến 20 ngày, vụ mùa lại gieo chậm lại từ 20 đến 25 ngày(4). Ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa mưa đến muộn hơn và mùa khô đến sớm hơn. Sự thay đổi quy luật thời tiết này đòi hỏi mùa vụ gieo trồng lúa phải thay đổi để thích hợp. Vụ đông xuân năm 2013, một số địa phương gieo cấy lúa đông xuân đúng thời vụ nhưng do thời tiết thay đổi bất thường nên lúa bị lép, thất thu. Thanh Hoá có 8 nghìn ha, trong đó khoảng 70% bị lép hạt; Nghệ An có hơn 5 nghìn ha; Vĩnh Phúc có gần 700 ha bị thiệt hại(5)...

Kết quả phân tích mô hình cây trồng của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy, biến đổi khí hậu có khả năng làm giảm năng suất của một số cây trồng chính, đặc biệt là lúa, nếu nhiệt độ tăng 10C năng suất lúa sẽ giảm 10%. Nếu diễn biến khí hậu đúng theo kịch bản dự báo, sản lượng lúa vụ xuân có nguy cơ giảm khoảng 1,2 triệu tấn vào năm 2030 và 2,16 triệu tấn vào năm 2050. Riêng khu vực đồng bằng sông Hồng, năng suất lúa xuân có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả(7).

Hiện nay, ở một số vùng do thiên tai liên tiếp xảy ra nên năng suất lúa giảm. Miền Trung, bình quân mỗi năm, mưa bão gây úng ngập 12 vạn ha lúa, trong đó có trên 3,6 vạn ha bị mất trắng, 7 vạn ha bị ảnh hưởng… làm giảm năng suất và chất lượng gạo(8). Hiện nay, nhiễm mặn đã làm giảm năng suất lúa ở các địa phương bị nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiễm mặn ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và giảm năng suất lúa, trung bình giảm tới 20 - 25%, thậm chí tới 50%. Tại Bến Tre, tính đến tháng 3-2013, tổng diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do ngập mặn là 1.408ha, trong đó, trên 50% diện tích bị mất trắng và năng suất bị giảm đến trên 50%. Tại Sóc Trăng, hiệu quả sản xuất thấp... thiệt hại hằng năm trên 1 nghìn tỷ đồng(9).

Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan đã làm gia tăng một số dịch bệnh mới gây tổn thất cho sản xuất lúa. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, dịch rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa đã làm giảm đáng kể sản lượng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong năm 2010, đã xảy ra dịch sâu cuốn lá nhỏ gây thiệt hại khoảng 400 nghìn ha lúa, khiến năng suất lúa giảm từ 30% - 70% và chất lượng gạo thấp(10).  

2. Giải pháp phát triển bền vững sản xuất lúa gạo

Mất đất canh tác, tăng chi phí sản xuất và suy giảm năng suất, chất lượng lúa gạo sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đến đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, để sản xuất lúa gạo phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp dưới đây:  

Một là, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam. Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết lập hệ thống thông tin, trang Web của Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, dự báo, giải đáp các vấn đề về biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo và định hướng thực hiện các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về biến đổi khí hậu, tác động và các giải pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, nông dân, đặc biệt là từ các chương trình, dự án liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như phát triển nông nghiệp, nông thôn và ngành hàng lúa gạo...

Hai là, lồng ghép các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất lúa gạo của cả nước và của từng địa phương. Nâng cao chất lượng dự báo về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo. Khi quy hoạch phát triển sản xuất lúa gạo của cả nước cũng như của từng địa phương phải dựa vào kịch bản dự báo biến đổi khí hậu đối với vùng sinh thái. Đồng thời, đổi mới cách tiếp cận xây dựng chiến lược, quy hoạch dựa vào kết quả đầu ra, hiệu quả của sản xuất lúa gạo. Ở tầm quốc gia, trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển lúa gạo phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Các địa phương phải có sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan và với các địa phương trong cùng vùng sinh thái.

Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển sản xuất lúa gạo trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đa dạng hoá các nguồn vốn xây dựng các dự án, chương trình phát triển lúa gạo dưới tác động biến đổi của khí hậu và giải pháp ứng phó. Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống đê điều, hệ thống tưới tiêu và hệ thống giao thông nội đồng. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa gạo. Tăng cường kinh phí đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh...  Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành lúa gạo (các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, đội ngũ doanh nhân nông nghiệp và nông dân) nhằm tăng năng lực thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển sản xuất lúa gạo.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa gạo. Xây dựng và đề xuất các đề tài, dự án, tìm nguồn tài trợ của cộng đồng quốc tế cho hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa gạo. Tăng cường hợp tác, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, trao đổi thông tin, thiết lập mạng lưới đối tác song phương và đa phương về biến đổi khí hậu liên quan đến sản xuất lúa gạo. Phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành lúa gạo.

Năm là, tái cơ cấu ngành lúa gạo cho phù hợp với xu hướng biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng. Kiên quyết chuyển những diện tích trồng lúa không hiệu quả (hay bị hạn, bị xâm nhập mặn, bị nhiễm phèn, bị lụt) sang các loại hình sản xuất khác. Kiểm soát tốt quy trình sản xuất để có giá trị gia tăng cao. Lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, mùa vụ. Ở một số nơi, điều chỉnh lịch gieo trồng lúa để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu. Sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải nhà kính. Việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống tạo ra nhiều khí thải nhà kính như: bón phân quá liều lượng, tưới tiêu không hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ tùy tiện, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch... Việc canh tác lúa ít khí thải nhà kính vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí và cho năng suất cao. Vì vậy, cần phải chuyển sản xuất lúa sang hướng thâm canh bền vững để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả nhưng không làm tổn hại đến môi trường. Biện pháp trung tâm của thâm canh bền vững theo phương châm “giảm và tăng”, trong đó đối với thâm canh lúa: giảm lượng hạt giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh, nước và lao động; tăng năng suất, chất lượng, giá trị dinh dưỡng, hiệu quả và thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, cần đa dạng hoá các sản phẩm từ lúa gạo. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa (cơ giới hoá khâu sản xuất và thu hoạch, bảo quản, chế biến); thực hiện cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp) để tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, thực hiện bảo hiểm cho cây lúa và triển khai bảo hiểm hưu trí cho người nông dân.

Sáu là, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với sản xuất lúa gạo trong điều kiện biến đổi khí hậu. Muốn vậy, phải xây dựng tầm nhìn chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành lúa gạo. Rà soát, đối chiếu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách phát triển sản xuất lúa gạo, bổ sung, ban hành mới các văn bản còn thiếu về vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí lý luận chính trị số 6-2014

(1) GS,TS Trần Thọ Đạt, TS Đinh Đức Trường, ThS Vũ Thị Hoài Thu: Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế Việt Nam.

(2)Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, 19-9-2013.

(3)Thời tiết bất thường ảnh hưởng đến vụ hè thu 2013, http://nongthonmoihatinh.vn, 5-6-2013

(4) Tống Minh: Biến đổi khí hậu và những nguy cơ đối với nông nghiệp Việt Nam, http:// www.monre.gov.vn, 19-2-2014.

(5) Nguyễn Long: Sẽ hỗ trợ thiệt hại cho nông dân trồng lúa BC15 hạt lép, www. Agroviet.gov.vn, 22-5-2013.

(6)Rét đậm gây hại hàng chục nghìn ha lúa đông xuân, vtv.vn, ngày 21-02-2014.

(7) Thanh Tuấn: Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp,http://www.vietnamplus.vn, 27-2-2014.

(8) Bích Liên: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và thuỷ sản, http://dangcongsan.vn/cpv, 4-3-2014.

(9), (10) Hà Văn: Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu, http://www.baocantho.com.vn, 30-3-2013.

 

ThS Nguyễn Thị Miền

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền