Trang chủ    Thực tiễn    Xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:45
2512 Lượt xem

Xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

(LLCT) - Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long có những bước khởi sắc đáng kể. Song, xét một cách tổng thể thì đây vẫn là vùng kinh tế chưa phát triển, chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là đời sống của đồng bào dân tộc Khmer còn thấp(1). Một số kết quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

 

Trên cơ sở đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền, công tác xóa đói, giảm nghèo của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả nhất định:

Về kinh tế, đời sống

Trong những năm qua, các tỉnh, thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer thông qua Chương trình 135, 134 và một số chính sách đặc thù khác. Qua đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả.

Các địa phương đang tiếp tục triển khai Quyết định 74 với tổng vốn hỗ trợ 478 tỷ đồng và thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ để giúp đồng bào Khmer thêm cơ hội an cư, lạc nghiệp. Chính sách về đất sản xuất đ­ược một số địa phương triển khai thực hiện. Tỉnh Trà Vinh, từ nhiều năm qua đã triển khai dự án hỗ trợ t­ư liệu sản xuất cho 2.944 hộ Khmer nghèo với số vốn 27.206 triệu đồng để các hộ có đất sản xuất và dự án nuôi bò cho 5.500 hộ dân tộc nghèo, đặc biệt khó khăn với số tiền 92.028 triệu đồng(1). Kết quả là, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2006 xuống còn 28,04 % vào cuối năm 2009 (bình quân 4%/năm). Điều kiện sản xuất, sinh hoạt, giao lưu của vùng đồng bào Khmer ngày càng thuận lợi hơn. Năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực; đời sống đồng bào được cải thiện đáng kể, trên 80% hộ có đài, tivi, gần 80% hộ được sử dụng nước sạch, trên 80% hộ được sử dụng điện.

Công tác khuyến nông, khuyến lâm được đẩy mạnh. Các địa phương chú trọng chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, mùa vụ, bố trí lại sản xuất...

Về giáo dục - đào tạo

Mặt bằng dân trí được nâng lên một bước, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ đã cơ bản hoàn thành; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành từ tỉnh đến huyện; số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ ngành giáo dục là người Khmer ngày càng tăng. Đến nay, cán bộ, giáo viên là người Khmer hiện có 6.876 người(2). Các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, cử tuyển, ưu tiên điểm theo đối tượng và địa bàn trong các kỳ thi được thực hiện.

Toàn vùng hiện có 25 trường phổ thông dân tộc nội trú (9 trường tỉnh, 16 trường huyện) và 3 trường bán trú với khoảng 7 nghìn học sinh. Ngoài ra, các trường phổ thông dân tộc nội trú còn tổ chức dạy nghề, các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tỷ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường năm học 1991 - 1992 chỉ đạt khoảng 60%, đến nay hầu hết các địa phương đạt trên 90%. Việc dạy song ngữ ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước mở rộng, một số địa phương đã quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên, các vị sư tham gia giảng dạy chữ Khmer tại các điểm chùa, trường học trong dịp hè.

Việc thực hiện chính sách cử tuyển vào các trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ngày càng được quan tâm, bình quân mỗi năm tuyển sinh được 500học sinh. Hàng năm, các địa phương đã đào tạo nghề cho khoảng 3 nghìn thanh niên dân tộc.

Về văn hóa thông tin

Đời sống văn hóa của đồng bào Khmer có những chuyển biến, đ­ược thể hiện trên nhiều ph­ương diện, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, cả hoạt động văn hóa chuyên nghiệp và văn hóa nghiệp dư­, cả loại hình nghệ thuật mới được sáng tạo và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

Các ph­ương tiện thông tin đại chúng có sử dụng tiếng Khmer đ­ược tăng cường về số lượng, thời lư­ợng và chất lư­ợng: Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ và Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer. Các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… đều có chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng Khmer. Tờ báo Khmer ngữ được các địa phương chỉ đạo thực hiện nâng dần chất lượng, nội dung và hình thức khá phong phú (riêng báo Cần Thơ phát hành mỗi tháng 4 kỳ, mỗi kỳ 11 nghìn tờ) đã và đang góp phần trong việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà n­ước và từng bư­ớc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa - thông tin của đồng bào(3).

Các đội văn nghệ quần chúng Khmer đư­ợc tạo điều kiện hoạt động nhân các ngày lễ lớn của đất n­ước và lễ hội truyền thống của dân tộc được tổ chức, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Các địa phương đã đa dạng hóa các hình thức liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng, văn hóa - thể thao dân tộc Khmer cấp tỉnh và cấp khu vực. Đặc biệt, “Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Khmer Nam bộ”, đã được tổ chức lần lượt ở một số tỉnh trong khu vực.   

Cùng với sự quan tâm đầu t­ư của Nhà nước, đồng bào và sư­ sãi Khmer đã nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần cù sáng tạo làm phong phú thêm vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc mình.

Y tế được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường. 

Các xã đều có trạm y tế, 100% trạm y tế có y sĩ, nhiều trạm có bác sỹ. Toàn vùng có 1.206 cán bộ y tế là người Khmer, trong đó có 175 bác sĩ, 729 y sỹ và 302 y tá, nữ hộ sinh. Công tác phòng chống dịch, khám và điều trị bệnh được quan tâm, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng được tăng cường. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%. 

2. Một số vấn đề đặt ra

Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Khmer thường là vùng ngập mặn, nhiễm phèn, ven biển; vùng sâu, biên giới, miền núi, xa trục lộ giao thông lớn, điều kiện sản xuất, sinh sống nhiều khó khăn. Mặt khác, việc nắm bắt, tiếp cận khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế; chậm thích nghi với môi trường sản xuất kinh doanh; nguồn vốn ít... nên đồng bào Khmer cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ việc xác định cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất đến tổ chức sản xuất; cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thuế... gắn với các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đồng bộ, dài hạn.

Đại bộ phận đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo tiểu thừa. Đồng bào thường sống quây quần thân tộc, đoàn kết phum sóc, tương thân, tương ái, thật thà chất phát, cần cù. Ba điểm nổi bật ở đồng bào dân tộc Khmer là làm phúc, hướng nội, bình lặng. Do vậy, để thích nghi với nền kinh tế thị trường đòi hỏi đồng bào Khmer phải không ngừng học tập, rèn luyện tay nghề, kỹ năng, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, sự phân hoá giàu nghèo trong vùng ngày càng tăng. Đặc biệt địa bàn đô thị với vùng ven, sự phân hóa giàu lớn hơn. Ngoài ra, đã xuất hiện một số nhóm đối tượng nghèo mới ở vùng đô thị hóa do chuyển đổi mục đích sử dụng đất; dân nhập cư, số lao động nhập cư đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn lao động tại chỗ.

Nguy cơ tái nghèo do những rủi ro kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp và có diện ảnh hưởng rộng. Tác động tiêu cực của những yếu tố bên ngoài, như suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, vấn đề gia tăng dân số, biến động của giá cả và thị trường; cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế giữa các vùng không đồng đềungày càng gia tăng… Thực tế đó đã đặt ra cho chính quyền các cấp trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Sự phân hóa càng nhanh và sâu sắc càng làm cho các nhóm xã hội yếu thế trở nên yếu thế hơn và dễ bị tổn thương hơn do rào cản ngôn ngữ, cách biệt về địa lý; hạn chế về khả năng cạnh tranh, phòng ngừa rủi ro. Vì vậy, xây dựng một hệ thống quản lý phát triển xã hội phù hợp với từng vùng lãnh thổ là vấn đề cấp bách đang đặt ra nhằm giảm thiểu những rủi ro, tác động tiêu cực của thị trường, đảm bảo an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer, hướng đến phát triển toàn diện vùng Tây Nam Bộ cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, trong đó có vùng đồng bào Khmer. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. 

Tăng mức hỗ trợ, đầu tư cho chương trình giảm nghèo.Các nguồn vốn đầu tư cần tập trung, đồng bộ.

Để giảm nghèo bền vững, cần phân loại đối tượng trong nhân khẩu hộ nghèo, có thể chia làm 3 đối tượng thụ hưởng: do mất sức lao động cần có chính sách bảo trợ xã hội; có sức lao động và chí thú làm ăn thì hỗ trợ vay vốn; người trong độ tuổi còn đi học có chính sách miễn học phí và sau đó giúp đào tạo nghề nếu có yêu cầu.

Tăng cường chính sách đào tạo nghề, truyền nghề, dịch vụ việc làm. Đặc biệt có chính sách trợ giúp đồng bàoKhmerkhôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập.

Các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt được thực hiện trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều hộ gia đình nghèo chưa được thụ hưởng. Đến nay, nhiều hộ vẫn còn sử dụng đèn dầu, nước giếng, nước sông trong sinh hoạt. Trung ương nên có chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp giúp các hộ dân nghèo cải thiện cuộc sống.

Phát triển giáo dục, đào tạo giáo viên người dân tộc và có chính sách ưu đãi đối với giáo viên đến công tác ở vùng này.

Nâng cao chất lượng dạy và học chữ Khmer, đáp ứng yêu cầu sử dụng trên nhiều phương diện.

Phát triển văn hóa, nghệ thuật, phát thanh, truyền hình, báo chí tiếng Khmer ngang tầm với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đồng bào Khmer. Xây dựng thiết chế văn hóa - thông tin trong vùng dân tộc Khmer phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào; bồi dưỡng đội ngũ sáng tác văn học - nghệ thuật là người Khmer; tổ chức điều tra, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa - nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Khmer; hỗ trợ thiết bị văn hóa - thông tin cho các chùa Khmer Nam Bộ.

Trung ương sớm hoàn thành Đề án “Tổng thể về chính sách đối với Phật giáo Nam Tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020”. Đây là Đề án mang tính chất chiến lược, cấp bách và có ý nghĩa rất to lớn trong tình hình mới đối với vùng Tây Nam Bộ. Trên cơ sở Đề án, các địa phương xây dựng chính sách phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng đồng bào Khmer r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

(1), (2), (3) Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Báo cáo tổng kết các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2011, năm 2011.

 

TS Nguyễn Thị Ánh

ThS Nguyễn Thị Nghĩa

Học viện Chính trị Khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền