Trang chủ    Tin Ảnh    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Ý nghĩa bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Thứ sáu, 11 Tháng 8 2023 12:00
6449 Lượt xem

Ý nghĩa bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

(LLCT) - Bài viết phân tích chỉ ra 5 ý nghĩa của bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”: Là cơ sở, nền tảng khơi dậy và thực hiện khát vọng; là nguồn nội lực, sức mạnh nội sinh cho khơi dậy và thực hiện khát vọng; chính nhân dân là chủ thể khơi dậy và thực hiện khát vọng; phục vụ lợi ích của nhân dân là mục tiêu của khơi dậy và thực hiện khát vọng; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong khơi dậy và thực hiện khát vọng.

Dân là gốc, Dân là trung tâm trong khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - Ảnh: vietnamplus.vn

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Để khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có vận dụng, phát huy ý nghĩa bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”. Bởi lẽ, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” có ý nghĩa rất to lớn trong khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Điều này thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Một là, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” là cơ sở, nền tảng khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Lịch sử dân tộc trải qua hàng nghìn năm đã chứng tỏ “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại”(2). Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân, chính nhân dân là người làm nên lịch sử. Do vậy, các đảng cộng sản phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định sức mạnh của Đảng chính là sự gắn bó mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân. Xa rời nhân dân, không gắn bó với dân, Đảng sẽ không còn sức mạnh.

Trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” cũng vậy, nếu không dựa vào nhân dân sẽ không những không có khát vọng mà cũng không thực hiện được khát vọng. Nói tới “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là nói tới những mong muốn chính đáng, đúng đắn của tất cả mọi người dân Việt Nam và của cả dân tộc Việt Nam về cuộc sống giàu có, thịnh vượng với một sự thôi thúc nội tâm bên trong mạnh mẽ, thể hiện qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt mục tiêu và trở thành giá trị truyền thống tinh thần vô giá của dân tộc. Rõ ràng, đây không thể là khát vọng của một người, cũng không phải là khát vọng của riêng Đảng ta mà là khát vọng của tất cả nhân dân, của mỗi người dân Việt Nam.

Để khơi dậy và thực hiện được khát vọng này, chúng ta phải dựa vào nhân dân, tin ở nhân dân, phải phát huy sức mạnh nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII của Đảng lại rút ra bài học kinh nghiệm quý báu: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(3).

Trong tất cả các kỳ đại hội, Đảng ta luôn xác định phát huy sức mạnh nhân dân là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là một trong những động lực và nguồn lực to lớn, quan trọng của sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nếu chúng ta không dựa vào nhân dân, không tin ở nhân dân, không phát huy được sức mạnh của nhân dân thì chúng ta cũng không thể khơi dậy cũng như thực hiện được mục tiêu này. Do vậy, vận dụng và phát huy đúng đắn bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” sẽ tạo ra cơ sở, nền tảng để khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Hai là, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” cho ta thấy nhân dân là nguồn nội lực, sức mạnh nội sinh khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Rõ ràng, chính nhân dân không chỉ là chủ thể khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà nhân dân cũng như “Dân là trung tâm” là nguồn nội lực, là sức mạnh nội sinh thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đại hội VII với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã nêu rõ “những người cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, quyết tâm phấn đấu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”(4). Cương lĩnh (năm 1991) cũng xác định “mục tiêu dân giàu nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa”(5) và “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”(6). Khát vọng làm cho nước ta trở thành nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh trong Cương lĩnh 1991, được triển khai và tổ chức thực hiện trong các kỳ Đại hội IX, X tiếp theo. Năm 2011, Đảng ta đã bổ sung Cương lĩnh 1991 và Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó khát vọng phát triển đất nước phồn vinh được cụ thể hóa thêm một bước. Đó là, khi “kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(7).

Đến Đại hội XIII, khát vọng phát triển đất nước không chỉ được thể hiện trong chủ đề Đại hội “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(8) mà còn được cụ thể hóa trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, cũng như định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030(9).

Để khơi dậy và thực hiện khát vọng này, chúng ta phải có nguồn nội lực, sức mạnh nội sinh. Đó chính là nhân dân, “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”. Để khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thì chúng ta phải tranh thủ sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, nhưng nguồn lực nội sinh, nguồn sức mạnh nội sinh trong nhân dân vẫn quyết định. Hơn nữa, sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại chỉ có thể phát huy vai trò thông qua nguồn lực nội sinh, sức mạnh nội sinh. Đồng thời, phát huy sức mạnh nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để khơi dậy và thực hiện thành công “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nếu toàn thể nhân dân đoàn kết một lòng sẽ tạo ra sức mạnh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo ra sự đồng thuận xã hội để muôn người như một cùng nhau khơi dậy và thực hiện thành công “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định để vận dụng, phát huy hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong khơi dậy và thực hiện thành công “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là Đảng, Nhà nước phải quan tâm chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, phòng, chống những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân. Khi ấy toàn thể nhân dân sẽ một lòng, một dạ đi theo Đảng, tin Đảng và sẽ dấn thân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu, là lý tưởng cao quý, là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, là cơ sở để phát huy sức mạnh nhân dân là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng và tạo thành nguồn nội lực, sức mạnh nội sinh gắn bó giữa Đảng với nhân dân và thực hiện thành công mục tiêu khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Ba là, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” chỉ ra rằng chính nhân dân là chủ thể khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Rõ ràng là, nhân dân không chỉ là chủ thể khơi dậy mà còn là chủ thể thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Chúng ta đều rõ, khát vọng là mong muốn thuộc ý thức của con người chứ chưa phải hiện thực trên thực tế. Do vậy, mong muốn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là mong muốn chính đáng, tốt đẹp. Tuy nhiên, để mong muốn chính đáng, tốt đẹp được thực hiện trên thực tế thì cần phải có mục tiêu, chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện mục tiêu này. Đại hội XIII của Đảng đề ra Tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI “nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(10). Để thực hiện được mục tiêu này thì phải có sự tham gia tích cực của nhân dân, thông qua sự ủng hộ của nhân dân, bằng sức mạnh của nhân dân hình thành tổ chức và lực lượng để thực hiện. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(11). Rõ ràng, nếu thiếu sự giúp đỡ, sự tham gia tích cực của nhân dân thì chúng ta khó mà hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Do vậy, chúng ta phải dựa vào nhân dân để hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trong khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nhất định phải dựa vào nhân dân, lôi cuốn nhân dân cùng tham gia; phải quán triệt tốt bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”. Chỉ khi nào nhân dân là chủ thể tích cực, giữ vị trí trung tâm trong khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thì chúng ta mới thành công. Không có sự  đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân thì việc khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” không thể đạt kết quả cao như mong muốn.

Để phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” phải lôi cuốn được toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, tôn giáo, tuổi tác, không phân biệt sống ở trong nước hay sống ở nước ngoài tham gia khơi dậy và thực hiện mục tiêu chung. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân vào khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” phải được thể hiện cả trên mặt “khơi dậy” cũng như mặt “hiện thực hóa” khát vọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường.

Bốn là, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” chỉ ra rằng phục vụ lợi ích của nhân dân là mục tiêu của khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Chúng ta đều rõ, Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân chỉ tin Đảng, tin Nhà nước, đi theo Đảng, đi theo Nhà nước khi mà bản thân Đảng, Nhà nước thực sự xứng đáng với niềm tin tưởng đó. Đồng thời, mục tiêu phục vụ nhân dân phải được thể hiện, bộc lộ trên thực tế. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, mỗi công chức, viên chức của Nhà nước phải thực sự là những chiến sĩ tiên phong, mẫu mực cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là tấm gương để nhân dân noi theo. Chính vì vậy, trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(12).

Mặt khác, Đảng và Nhà nước phải làm cho nhân dân hiểu rõ rằng, khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” chính là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chính là để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, chứ không có mục đích nào khác. Trên cơ sở đó, nhân dân sẽ tích cực, tự giác tham gia khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng này, vì họ hiểu rằng khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng này chính là phục vụ cho bản thân họ, chính họ là người sẽ được hưởng lợi từ việc khơi dậy và hiện thực hóa thành công “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” chứ không phải ai khác. Đồng thời, Đảng, Nhà nước phải làm tốt công tác chăm lo đời sống của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên thực tế.

Đảng và Nhà nước phải tạo ra những điều kiện, môi trường tốt nhất để nhân dân tham gia khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị phải thực hiện tốt trên thực tế yêu cầu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(13). Đối với từng giai cấp, tầng lớp cụ thể phải có có chính sách cụ thể chăm lo thiết thực.

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng hơn 93 năm qua của Đảng cho thấy, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sở dĩ luôn được nhân dân tích cực, chủ động tham gia thực hiện là bởi những chủ trương, đường lối của Đảng, những chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, vì nhân dân phục vụ. Điều này cũng cho thấy, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” chỉ ra rằng mọi chủ trương, đường lối của Đảng, mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước nếu vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân thì nhất định được nhân dân ủng hộ, nhất định sẽ thành công. Đồng thời, Đảng cũng cần tiếp tục làm tốt công tác dân vận để nhân dân hiểu sâu sắc hơn Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam không có mục tiêu nào khác là phục vụ nhân dân.

Năm là, bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Thực tế sự lãnh đạo của Đảng hơn 93 năm qua, nhất là qua gần 40 năm đổi mới đã chứng tỏ và khẳng định “sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(14), trong đó có lãnh đạo việc khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Thực tế phong trào cách mạng Việt Nam hơn 93 năm qua cũng chứng tỏ không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, kinh nghiệm, đạo đức, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thực tiễn đổi mới đã “minh chứng cho năng lực lãnh đạo, cầm quyền và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta, sức mạnh vĩ đại và tài năng sáng tạo của nhân dân ta”(15). Trong việc khơi dậy và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thì sự lãnh đạo của Đảng cũng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công này.

Đảng đề ra chủ trương khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu, mong ước của nhân dân cũng như của thực tiễn đất nước. Bởi lẽ, trước hết, chủ trương này xuất phát từ chính nguyện vọng, mong ước của toàn dân tộc. Khát vọng của Lý Công Uẩn (974- 1028), người khai sáng vương triều Lý (1010-1225) đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng, sự lo toan cho con cháu nước Việt muôn đời sau, một khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc(16); đến cuối thế kỷ XVIII là khát vọng đưa đất nước phát triển giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc được thể hiện rõ trong các cải cách của Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-1792). Rồi khát vọng cải cách để đất nước giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc được bùng lên ở các quan đại thần triều Nguyễn, tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Đến đầu thế kỷ XX, là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của phong trào Duy Tân với hai khuynh hướng do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là đại diện. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được tiếp tục kế thừa, khơi dậy và từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống.

Thứ hai, chủ trương khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là sự tiếp tục mong ước và nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thứ ba, chủ trương khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là tiếp tục mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra từ khi thành lập. Ngay từ khi mới ra đời tháng 2- 1930, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Điều này thể hiện rất rõ ở Chánh cương vắn tắt của Đảng. Mặc dù chưa sử dụng thuật ngữ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhưng trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã đề ra nhiệm vụ làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(17). Trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi ấy cũng đã ghi “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”(18).

Đến Đại hội XIII thì “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được phát triển lên tầm cao mới.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thành công trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” còn thể hiện ở chỗ, Đảng đã huy động, động viên được đông đảo các tầng lớp nhân tham gia khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng này. Hơn nữa, Đảng còn lãnh đạo Nhà nước hiện thực hóa thể chế, cơ chế lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng này.

Trên đây là những ý nghĩa của bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Các bài học này bổ sung, hỗ trợ cho nhau, cùng nhau tạo nên hệ giá trị, ý nghĩa cho chúng ta trong công cuộc khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Do vậy, mỗi cấp, mỗi ngành phải nghiên cứu vận dụng cho phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)

Ngày nhận bài: 18-6-2023; Ngày bình duyệt: 24-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.

 

(1), (3), (7), (10), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110, 27-28, 71, 112, 165-166,

(2) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác dân vận, baochinhphu.vn, ngày 27-5-2016.

(4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.127, 235, 136.

(8) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.57.

(9) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110; 111; 116.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.270.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.56. 

(14), (15) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.34 (xem thêm tr.47), 249.

(16) Xem thêm: Lý Thái Tổ, Chiếu dời đô và tầm nhìn quy hoạch, http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Ly-Thai-To-Chieu-doi-do-va-tam-nhin-quy-hoach-1011, ngày 19-10-2010.

(17), (18) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.2, 7.

GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền