Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: “Bối cảnh chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bài học từ sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc”
Thứ ba, 15 Tháng 9 2015 17:06
3895 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: “Bối cảnh chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bài học từ sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc”

(LLCT) - Ngày 9-10-2015, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công và Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học “Bối cảnh chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bài học từ sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc”.  TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công chủ trì Tọa đàm.

(TS Bruce Donald Gilley tại buổi Tọa đàm)

Báo cáo trung tâm tại buổi Tọa đàm, TS Bruce Donald Gilley, Trường Đại học tiểu bang Portland (Mỹ) tập trung vào 4 chủ đề: sự trỗi dậy, những thay đổi trong chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ năm 1992 đến nay và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:

Về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông cho rằng: Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ năm 1992 với sự gia tăng đột biến về các chỉ số: GDP, chi tiêu quân sự, tốc độ đô thị hóa và cả ô nhiễm môi trường… So với các nền kinh tế khác như Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam… thì tỷ lệ GDP của Trung Quốc trong tổng GDP của thế giới là rất lớn và liên tục tăng. Hiện nay, đã vượt cả Mỹ.

Về chính sách đối nội, để thích ứng với sự biến đổi mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đặc biệt là sau sự kiện Thiên An Môn, Chính phủ Trung Quốc phải có sự điều chỉnh chính sách đối nội: tái xây dựng chính sách xã hội nông thôn và thành thị, nới lỏng chính sách di dân, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải cách mô hình quản trị… Nếu trước năm 1992, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thì sau năm 1992, sự phát triển kinh tế - xã hội quay trở lại tác động đến sự thay đổi chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Nhờ đó, Trung Quốc có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự nỗ lực của Chính phủ vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề xã hội, bất bình đẳng vẫn tồn tại và ngày càng có dấu hiệu gia tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế.

Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc hoạch định và thực thi chiến lược biệt lập với chính sách đối nội. Chính sách này có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Từ năm 1992-2002, việc tuân thủ trật tự chung của thế giới, hòa bình với các nước trong khu vực đã cải thiện đáng kể vị trí của Trung Quốc trên thế giới và đem lại nhiều lợi ích cho nước này. Từ sau năm 2002, việc chuyển giao quyền lực mềm thông qua giáo dục, văn hóa… thất bại, Trung Quốc có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với tư tưởng nước lớn hướng tới thay đổi hiện trạng thế giới.

Về bài học kinh nghiệm với Việt Nam, TS Bruce Donald Gilley đề xuất: trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam cần xây dựng chính sách một cách chủ động để tránh khủng hoảng. Trong quan hệ quốc tế, cần có sự phối hợp với các nước trong khu vực…

Tọa đàm kết thúc chiều cùng ngày với nhiều ý kiến bình luận xung quanh vấn đề: ảnh hưởng sự điều chỉnh chính sách tiền tệ; chính sách một vành đai, một con đường, thành lập ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB)và vấn đề chống tham nhũng hiện nay của Trung Quốc.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền