Trang chủ    Tin tức    Hội thảo quốc tế: Đảm bảo quyền con người thông qua nhà nước pháp quyền và nền tư pháp độc lập
Thứ tư, 16 Tháng 9 2015 15:48
2029 Lượt xem

Hội thảo quốc tế: Đảm bảo quyền con người thông qua nhà nước pháp quyền và nền tư pháp độc lập

(LLCT) - Từ ngày 8 đến 10-9-2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Hợp tác phát triển pháp luật quốc tế (IRZ), Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức Hội thảo khoa học “Đảm bảo quyền con người thông qua nhà nước pháp quyền và nền tư pháp độc lập”. PGS,TS Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, bà Angela Schmeink, Giám đốc Văn phòng quỹ IRZ chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân. Việc triển khai nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn; làm rõ cơ sở pháp lý, quyền và trách nhiệm của nền tư pháp độc lập, làm sáng tỏ tính độc lập của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền.

Hội thảo tập trung vào các nội dung: lý thuyết và thực tiễn về nhà nước pháp quyền và xây dựng nền tư pháp độc lập ở Cộng hòa Liên bang Đức, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam và việc củng cố, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.

 Tại Hội thảo, GS,TS Bodo Pieroth Chuyên gia cao cấp, Luật sư Tòa án Liên bang Đức) tham luận về lịch sử phát triển và các yếu tố cơ bản của Nhà nước pháp quyền ở Đức. Quá trình phát triển của nhà nước pháp quyền Đức trải qua bốn giai đoạn với bốn hình thức nhà nước: nhà nước pháp quyền tự do, nhà nước pháp quyền hình thức, nhà nước pháp quyền xã hội và nhà nước pháp quyền nội dung.

Ý tưởng về nhà nước pháp quyền xuất hiện từ năm 1800 và dựa trên hai nền móng cơ bản là sự ràng buộc nhà nước vào pháp luật, quyền tự trị của người dân. Nhà nước Đức ngày nay được xây dựng và vận hành theo hình thức nhà nước pháp quyền nội dung, bao gồm năm yếu tố: phân lập quyền lực và thượng tôn pháp luật;  pháp quyền do nhà nước bảo đảm;  bảo đảm an ninh pháp lý, bảo vệ tín nhiệm; trách nhiệm; tính tương thích. Năm yếu tố này được coi là các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Đức. Dựa vào đó, Nhà nước Đức đã xây dựng cơ chế giám sát hoàn chỉnh đối với hệ thống tư pháp, hành chính để bảo đảm tính hiệu quả của nhà nước pháp quyền nội dung trong thực tiễn.

Việc giám sát, kiểm tra bộ máy hành chính được thực hiện qua hai hình thức: kiểm tra nội bộ và kiểm tra từ bên ngoài. Hình thức kiểm tra nội bộ bắt đầu từ việc đào tạo và thi tuyển công chức với những tiêu chí rất chặt chẽ. Bên cạnh đó còn giám sát từng công chức trong bộ máy hành chính, tạo cho họ trách nhiệm cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ hành chính, không làm những việc mà pháp luật không cho phép. Hình thức kiểm tra bên ngoài được thực hiện thông qua Nghị viện và hệ thống tổ chức xã hội. Bộ trưởng đứng đầu bộ máy hành chính là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Nghị viện. Ngoài ra, dư luận có thể đặt câu hỏi, đưa ra vấn đề với các tiểu ban của bộ máy hành chính và các nhân viên chuyên trách là những người xử lý các câu hỏi và có thể đưa lên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, việc giám sát kiểm tra này vẫn luôn phải tuân theo nguyên tắc tương thích.

Trong lịch sử hàng trăm năm xây dựng phát triển nhà nước pháp quyền, Nhà nước Đức đã có một cuộc chuyển mình thay thế nhà nước cảnh sát tồn tại từ thế kỷ XVIII bằng nhà nước pháp quyền. Trong hình thức nhà nước mới này, cảnh sát chỉ có nhiệm vụ dựa trên cơ sở pháp lý điều luật phổ quát trong Hiến pháp và trong Luật cảnh sát. Đồng thời, phải đảm bảo an ninh và trật tự công cộng, không đi chệch ra khỏi nguyên tắc tương thích. Có thể thấy nguyên tắc tương thích là xương sống, kim chỉ nam trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Đức. Nguyên tắc này còn được thể hiện sự cân bằng trong việc việc bảo đảm pháp quyền và các quyền pháp định của cá nhân trước quyền lực công và quyền được bảo đảm tư pháp. Hệ thống luật tố tụng của Đức có những quy định cụ thể và chặt chẽ trong việc giám sát, kiểm tra bộ máy hành chính; thủ tục bảo vệ pháp quyền nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền quy định trong Hiến pháp. Một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền Cộng hòa Liên bang Đức đó là hệ thống tư pháp có tính độc lập. Điều đó thể hiện qua sự độc lập của thẩm phán trong việc xét xử. Thẩm phán không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cơ quan hay quyền lực nào trong quá trình ra phán quyết. Tính thượng tôn của pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu trong hệ thống tư pháp.

Tại Hội thảo, tham luận của các chuyên gia Việt Nam tập trung vào một số vấn đề lý luận và thực tiễn: về nhà nước pháp quyền và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam (PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa); vai trò của cơ quan lập pháp trong Nhà nước pháp quyền và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam (PGS,TS Đinh Xuân Thảo); vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ các nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (TS Trần Thị Quốc Khánh)…Các chủ đề nêu ra trong Hội thảo đã được thảo luận sôi nổi. Đặc biệt, vấn đề trách nhiệm bồi thường Nhà nước với việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam (Thạc sĩ Lê Thái Phương, Cục Bồi thường Nhà nước), đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như các đại biểu tham dự. Theo đó, pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã hình thành từ rất sớm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì việc sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 đang là một yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, nhất là trong điều kiện mà Hiến pháp 2013 với nhiều quy định mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thực thi trong thực tế.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức trong xây dựng nhà nước pháp quyền; góp phần thiết thực vào kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức.

 

Chu Thị Thúy Hằng, Viện Nghiên cứu Quyền con người

Mai Hạnh Trang, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền