Trang chủ    Tin tức    Hội nghị tuyên truyền tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá
Thứ sáu, 25 Tháng 9 2015 10:19
1892 Lượt xem

Hội nghị tuyên truyền tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá

(LLCT) - Sáng 24-9-2015, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tuyên truyên tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của Học viện chủ trì Hội nghị.

(PGS, TS Lê Quốc Lý phát biểu khai mạc)

Dự Hội nghị có PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy, các cơ quan báo chí cùng đông đảo cán bộ, viên chức của Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu rõ những tác hại của thuốc lá đối với cá nhân và xã hội. Việc xây dựng môi trường trong sạch, không có khói thuốc lá, đặc biệt là nơi công sở có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trên tinh thần đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, đồng thời đặt mục tiêu xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Học viện.

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức Hội nghị đã công bố các Quyết định của Học viện về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Ban Giúp việc cho công tác này.   

Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh tầm quan trọng của Học viện trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với hệ thống chính trị, nhà trường. Sự phối hợp của Học viện trong tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá tại Học viện có ý nghĩa thiết thực, tác động và lan tỏa sâu rộng tới mọi cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tới các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thực hiện tích cực, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 của Đảng và Nhà nước ta. 

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo về nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế của gia đình và xã hội; các quy định liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá và những biện pháp xây dựng môi trường làm việc không có khói thuốc lá.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với 5 chương và 3 điều, (Quốc hội phê chuẩn ngày 18-6-2012) được ban hành với mục tiêu hạn chế, giảm dần người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ người mắc và chết do các bệnh về thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với các quy định liên quan tới việc sử dụng thuốc lá: nghĩa vụ, trách nhiệm của người hút thuốc lá và các hành vi bị nghiêm cấm; các biện pháp giảm thiểu nhu cầu sử dụng và kiểm soát nguồn cung thuốc lá; địa điểm cấm hút thuốc lá; nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá … Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa, công ước khung về kiểm soát thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng cộng đồng. Theo đó, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức là phải đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, đồng thời vận động cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Tổ chức Healthbridge Canađa, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới; trung bình cứ  hai người nam giới thì có một người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra nhiều tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế. Về kinh tế, tính riêng trong năm 2012, người Việt Nam đã chi trả tới 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Việc tiêu thụ nhiều thuốc lá dẫn tới tình trạng buôn lậu, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá nhập lậu hiện đang chiếm 25% thị phần thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam; làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng thuế. 23 nghìn tỷ đồng/năm là tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm mà 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…) trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra.

Nhằm xây dựng một môi trường làm việc không có khói thuốc lá tại công sở, một số biện pháp tích cực được các đại biểu tham dự Hội nghị đưa ra là: tuyên truyền phổ biến và thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các địa điểm cấm hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá; phát huy việc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm và thống nhất những biện pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khoẻ của cán bộ, công chức, tạo môi trường làm việc trong lành.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu rõ, việc phòng chống tác hại thuốc lá, giữ môi trường trong sạch là một việc làm rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, nhất là trong tình hình môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Vì vậy mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự giác không hút thuốc lá, đồng thời các tổ chức phải giám sát và phát động phong trào không hút thuốc lá, đặc biệt trong trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước, nơi công cộng; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nguyễn Lan

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền