Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”
Thứ sáu, 25 Tháng 9 2015 17:20
4235 Lượt xem

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”

(LLCT) - Ngày 24-9-2015, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước phối hợp Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Dự Hội thảo có Giáo sư Teo Chee Khiang, Nguyên Phó Tổng kiểm toán Singapore, đại diện lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, đại diện một số bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các hiệp hội nghề nghiệp.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ: Ngân sách nhà nước (NSNN) có vai trò quan trọng đối với toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của quốc gia, là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế - xã hội, định hướng phát triển đất nước, điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Để bảo đảm cho NSNN được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí thì quản lý NSNN đóng vai trò hết sức quan trọng, là nội dung trọng yếu của quản lý tài chính. Hiến pháp năm 2013, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi năm 2015) khẳng định: NSNN phải được quản lý tập trung, thống nhất, dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Hội thảo được tổ chức với mục đích phân tích, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò, vị trí của kiểm toán nhà nước (KTNN) đối với quá trình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đánh giá kết quả hoạt động, những hạn chế, bất cập, để từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN qua hoạt động kiểm toán nhà nước.

Các tham luận tập trung làm rõ một số nội dung sau:

Một là, các yêu cầu đặt ra đối với KTNN trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực công từ nhiều góc độ khác nhau: các nhà quản lý kinh tế, các nhà khoa học, các hiệp hội nghề nghiệp…; thảo luận, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xác định các tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong KTNN.

Hai là, đánh giá thực trạng và phương pháp xác định các tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong kiểm toán các đơn vị quản lý tài chính công thuộc các lĩnh vực: ngân sách, dự án đầu tư, xây dựng công trình, chương trình mục tiêu quốc gia, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng. Từ đó, phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, bất cập; thảo luận và đề xuất những giải pháp hoàn thiện.

Ba là, thảo luận về kinh nghiệm xác định các tiêu chí đánh giá trong kiểm toán nhà nước của Kiểm toán nhà nước Singapore; định hướng phương pháp xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN nhấn mạnh, chất lượng kiểm toán đang ngày càng được nâng cao, kết quả kiểm toán được Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong việc xem xét, phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách và trong các hoạt động quản lý, xây dựng chế độ chính sách kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, chất lượng tổ chức kiểm toán NSNN của KTNN hiện vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra. Thực tế cho thấy, kiểm toán NSNN vẫn chủ yếu thông qua kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, chưa tập trung vào tính xác thực của báo cáo số liệu. Do đó, thông tin về tính kinh tế, hiệu quả của quá trình tạo lập, quản lý, sử dụng NSNN còn chưa nhiều.

Một số ý kiến cho rằng, kiểm toán ngân sách nhà nước ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế: quy mô hoạt động kiểm toán của KTNN còn rất nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, chất lượng kiểm toán và tiến độ kiểm toán còn khoảng cách so với yêu cầu của Luật Kiểm toán nhà nước, nhân sự chưa bố trí phù hợp, có sự chồng chéo trong quá trình kiểm toán, hiệu lực kiểm toán chưa cao.

GS, TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động kiểm toán của KTNN đối với NSNN đã tạo được tính răn đe đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN. Luật NSNN đã giúp giải quyết được một số vướng mắc căn bản trong quá trình thực hiện như: quy định rõ hơn về ứng ngân sách, về hỗ trợ chi địa phương, cách tính bội chi ngân sách… KTNN còn hạn hẹp, không đủ lực lượng để đi xuống kiểm toán ngân sách đến cấp huyện, xã. Do đó, Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã cần có ban kiểm toán riêng để kiểm soát thu chi ngân sách một cách chi tiết hơn. Bên cạnh đó, KTNN hiện vẫn tập trung nhiều hơn vào kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, còn kiểm toán hoạt động về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phân bổ ngân sách cho đầu tư, con người… vẫn còn yếu. Do đó, KTNN cần cải thiện hình thức kiểm toán này để hỗ trợ, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội về việc sử dụng NSNN.

Đề xuất phương pháp chuyển từ hậu kiểm sang tiền kiểm, PGS, TS Đặng Văn Du, Học viện Tài chính cho rằng, mặc dù sẽ có nhiều khó khăn về việc phân bổ thời gian, nhưng nếu chuyển sang kiểm toán ngay từ khi lập dự toán sử dụng NSNN sẽ kiểm soát ngân sách chặt chẽ hơn kiểm toán sau khi đã quyết toán.

Tổng kết Hội thảo, GS, TS Đoàn Xuân Tiên đặc biệt nhấn mạnh việc chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề trong sử dụng NSNN. Công việc này đòi hỏi sự thiết thực hơn, chú trọng vào xu hướng, biến động ngân sách và các vấn đề nợ công, đảm bảo công khai minh bạch, cần có quan điểm lịch sử cho phù hợp với hoàn cảnh, theo đúng những quy định về kiểm toán trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, KTNN cũng cần tăng cường kiểm toán về nợ công, đào tạo đội ngũ cán bộ, sử dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại giúp hoạt động kiểm toán trở nên nhanh gọn, chính xác hơn. Những báo cáo của KTNN cần rõ ràng, minh bạch và chi tiết hơn để những cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN nắm được tình hình và có phương án xử lý khi có vấn đề phát sinh.

Lê Bảo Ngọc

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền