Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng”
Thứ ba, 06 Tháng 10 2015 15:51
4276 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng”

(LLCT) - Sáng 29-9-2015 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng”. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam chủ trì; đại diện đại sứ quán một số quốc gia Đông Nam Á và đông đảo nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ tham dự. Hội thảo gồm 3 phiên, diễn ra trong ngày 29 và sáng 30-9-2015.

(GS, TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại Hội thảo)

Đây là Hội thảo thứ 3 do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức sau một năm thành lập. Hội thảo lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5-2015 với chủ đề: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ tiếp cận từ góc độ kinh tế”. Hội thảo lần 2, tháng 6-2015, “tiếp cận quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ góc nhìn văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo”. Lần thứ 3, Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng và triển vọng hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN và Ấn Độ.

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam; PGS,TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đồng chủ trì.

Báo cáo đề dẫn Phiên Khai mạc Hội thảo, GS,TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Quan hệ hữu nghị Việt Nam và Ấn Độ đã có truyền thống từ lâu, được thử thách qua thời gian, ngày càng phát triển bền vững. Từ năm 2007, sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, sự hợp tác giữa hai nước càng phát triển thực chất hơn, mở rộng thêm trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Ấn Độ luôn coi trọng quan hệ và nhất trí cao trong việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Hai nước luôn tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh: kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, hợp tác giữa các bộ, ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân. Việt Nam và Ấn Độ luôn tăng cường và làm sâu sắc hơn trụ cột về kinh tế, thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh… Hai nước luôn nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trên cơ sở coi trọng tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Việt Nam và Ấn Độ cũng nhất trí tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thám, tăng cường hợp tác kết nối đường không, đường bộ, đường biển, tổ chức hiệu quả Liên hoan hữu nghị Việt - Ấn hai năm một lần. Từ thực tiễn quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hiện nay, Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN quyết tâm đưa quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên tầm cao mới, nhất là trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm cương vị nước Điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ tháng 8-2015 đến tháng 8-2018.

Theo GS,TS Tạ Ngọc Tấn, ASEAN có tầm quan trọng đối với Ấn Độ trên nhiều mặt. ASEAN là tổ chức hợp tác nằm ở khu vực có địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ trong việc hội nhập khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ coi trọng nhân tố ASEAN trong chính sách đối ngoại của mình vì tổ chức này là nhân tố cốt lõi của tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế Đông Á và là đầu tầu dẫn dắt các cấu trúc hợp tác đa phương trong khu vực. Quan hệ chính trị tốt đẹp đã mở đường cho ASEAN - Ấn Độ hợp tác phát triển thành một trong những đối tác phát triển nhanh nhất, năng động nhất và toàn diện nhất, bao trùm các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, giao lưu nhân dân. Hơn 20 năm qua, tuy hợp tác phát triển ASEAN - Ấn Độ đã không ngừng phát triển, gặt hái được nhiều htành quả tốt đẹp, nhưng những gì đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và kỳ vọng của mỗi bên.

Trên cơ sở đó, GS.TS Tạ Ngọc Tấn yêu cầu Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu như: Bối cảnh thời đại, khu vực và thế giới cũng như điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình trong từng nước tác động đa chiều đến hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trên các lĩnh vực; phân tích, đánh giá làm rõ những thành tựu và hạn chế của hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN và Ấn Độ trong thời gian vừa qua, chỉ ra nguyên nhân, bài học, những yếu tố thúc đẩy hay kìm hãm, thành tựu, hiệu quả hợp tác phát triển giữa hai bên, đánh giá tác động qua lại của quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; đưa ra các dự báo về triển vọng của quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trên các lĩnh vực khác nhau; đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, yếu kém, tăng cường các yếu tố nền tảng, tích cực hóa các điều kiện nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN với Ấn Độ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

(Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo)

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam bà Preeti Saran nhấn mạnh: ASEAN và Ấn Độ là đối tác tự nhiên, tác động tới việc định hình chính sách quốc gia của mỗi thành viên trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu chung về tăng trưởng kinh tế, duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định. Quan hệ chính trị và kinh tế Ấn Độ với các nước ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, hoạt động giao lưu nhân dân cũng diễn ra rất năng động.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận của các học giả Việt Nam và Ấn Độ đã tập trung làm rõ các vấn đề: hợp tác Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng; chính sách hướng Đông, hành động hướng Đông của Ấn Độ và tác động đến các nước ASEAN trong đó có Việt Nam; quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và vai trò của Việt Nam trong thực thi chính sách, hành động đó của Ấn Độ.

Trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng các tham luận đều thống nhất: quan hệ Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ ngày càng sâu sắc, toàn diện xong còn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới, mối quan hệ trên các lĩnh vực này cần được nghiên cứu, đầu tư để thực sự nâng lên tầm đối tác chiến lược. Ông Jayadeve Ranade, Giám đốc Trung tâm phân tích và chiến lược Trung Quốc, New Delhi, Ấn Độ cho rằng: Vị trí địa – chính trị và chiến lược tại vùng châu Á – Thái Bình Dương đầy phức tạp và dễ thay đổi. Những năm gần đây, vấn đề tranh chấp trên biển ngày càng nổi lên nên vấn đề lãnh hải là rất phức tạp. Vì thế, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực với Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng là vô cùng cần thiết. GS Baladas Ghoshal, Tổng Thư ký và Giám đốc Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương, trong bài tham luận: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh toàn cầu hóa và thách thức an ninh mới, đã tập trung phân tích tác động của toàn cầu hóa đến các nước đang phát triển. Do đó, GS cho rằng, hai nước cần phải tăng cường hợp tác an ninh.

GS G.V.C Naidu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đại học Jawahalah Nehru khẳng định: mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có truyền thống lâu đời nhưng bắt đầu phát triển vào những năm 1970, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử vẫn vững bền. Hiện nay, hai nước đang nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác toàn diện nhất là trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo sỹ quan tình báo, hải quân, không quân; tăng tín dụng để Việt Nam mua tàu tuần tra hải quân… Trong thời gian tới, hai nước nên thiết lập một số cơ chế song phương để giải quyết các vấn đề tồn đọng và góp phần hình thành một môi trường chính trị ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế rộng lớn hơn.

Thiếu tướng PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng khẳng định: ngay từ những năm 1950 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã thể hiện tầm tư duy chiến lược nhạy bén, sâu sắc về quan hệ với Việt Nam, nhất là lĩnh vực quốc phòng. Lĩnh vực này ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả, mở rộng, thể hiện niềm tin cậy lẫn nhau, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tuy nhiên, hiện nay, quan hệ này chủ yếu theo chiều Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam là chính, nên Việt Nam cần phát huy thế mạnh riêng có để mối quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu.

Về chính sách hướng Đông và hành động hướng Đông của Ấn Độ các nhà nghiên cứu đều cho rằng, đây là sự điều chỉnh trong chính sách ngoại giao thiết thực của Ấn Độ. Vì thế, Ấn Độ tăng cường hợp tác với Asen trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa…

PGS, TS Đỗ Đức Định, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: chính sách hướng Đông của Ấn Độ đã trải qua hai giai đoạn, hiện nay bước vào giai đoạn thứ ba là hành động: hành động hướng Đông. Chính sách, hành động này đã có sự thay đổi, điều chỉnh cả về chiều rộng: từ khu vực Nam Á sang Đông Nam Á rồi toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương và đi vào chiều sâu: từ chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh, quốc phòng... Về quan hệ Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ với những nỗ lực ngày càng lớn, trong thời gian qua, Ấn Độ đã đẩy mạnh công cuộc tự do hóa trong nước đi đôi với việc mở cửa thực thi chính sách hội nhập khu vực và quốc tế; cải thiện vai trò, vị thế trong HIệp hôi Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC), trở thành đối tác tin cậy của ASEAN… Chính sách này sẽ giúp Ấn Độ bảo đảm an ninh để phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng và góp phần vào sự phát triển chung vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Trong những năm gần đây, Ấn Độ nổi khá mạnh mẽ, mong muốn thể hiện vai trò, vị trí của mình rõ hơn trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á. Với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ có sức thu hút lớn, là thị trường hấp dẫn với mức tăng trưởng cao nên mong muốn được hợp tác.

Chiều cùng ngày, phiên Hội thảo thứ 2 với chủ đề: Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ về văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện, khẳng định: Tăng cường quan hệ với ASEAN là trọng tâm chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Việc ASEAN và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược và hai bên thông qua Tuyên bố tầm nhìn vào năm 2012 đã đánh dấu một lộ trình phát triển quan trọng, hướng tới mối quan hệ đối tác bền vững vì hòa bình và thịnh vượng. Tuyên bố chứa nhiều nội dung quan trọng trong đó có hợp tác về văn hóa – giáo dục và phát triển, tăng cường kết nối và xây dựng cấu trúc khu vực… Cộng đồng ASEAN ra đời là dấu mốc quan trọng trong lịch sử khu vực. Trong kết cấu cộng đồng ASEAN, cộng đồng văn hóa – xã hội đóng vai trò quan trọng, là sợi dây tinh thần kết nối các quốc gia, dân tộc; kết nối một cộng đồng có bản sắc chung, phát triển và thịnh vượng. Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, bên cạnh sự nỗ lực của ccs quốc gia trong khu vực cầm có sự hợp tác và liên kết chặt chẽ về văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ với các nước lớn trên thế giới, trong đó có Ấn Độ.

Với vai trò, vị thế ngày càng gia tăng, Ấn Độ đã, đang trở thành một nhân tố tác động đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN  nói chung, cộng đồng văn hóa – xã hội nói riêng.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc, có gí trị. Nhiều học giả cho rằng, vai trò, vị trí của Ấn độ trên thế giới cũng như khu vực ASEAN ngày càng được nâng cao. TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Ấn Độ đang dần trở thành một trong ba tam giác chiến lược (bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản), trung tâm của châu Á và đang hướng tới tầm ảnh hưởng toàn cầu để trở thành một thành tố quan trọng trong ngoại giao quốc tế. Về lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, các ý kiến tham luận đều khẳng định: đây là sức mạnh mềm của Ấn Độ và có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của các quốc gia trong khu vực; mối quan hệ trong lĩnh vực này đã, đang và sẽ còn nhiều triển vọng hợp tác, phát triển trong tương lai.

TS Bhabani Dikshit, Tổng Biên tập World Focus, Giám đốc điều hành Quỹ nghiên cứu đương đại (FSC), New Delhi, Ấn Độ cho rằng: Việt Nam là hòn đá tảng trong quan hệ ASEAN của Ấn Độ, với 3 tiền đề quan hệ chiến lược: chính trị và ngoại giao, kinh tế và thương mại, văn hoá, giáo dục, khao học và công nghệ. Việt Nam là quốc gia điều phối viên của ASEAN và sẽ giữ vị trí này trong 3 năm tới. Đây là cơ hội để Ấn Độ - ASEAN và Việt Nam cùng nhau hành động vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực. Về lĩnh vực văn hóa, các ý kiến đều thống nhất rằng: văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia ASEAN. Hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam, ASEAN và Ấn Độ cũng có nhiều bước tiến tích cực. Dấu ấn văn hóa Ấn độ thể hiện trên nhiều phương diện: tôn giáo, kiến trúc, lễ hội, nghệ thuật…

Với Việt Nam, hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động: lễ hội Phật giáo được, thu hút sự tham gia của  hàng nghìn Phật tử; tọa đàm giao lưu về kiến trúc văn hóa; tuần lễ văn hóa, lễ hội ẩm thực… Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn – Việt, bang Tây Belgan Getesh Sharma cho rằng: Văn hóa sẽ đem lại tình hữu nghị trong khi sức mạnh quân sự tạo ra sự hoảng sợ, lo âu. Do vậy, Chính phủ và các tổ chức nhân dân Ấn Độ và Việt Nam cần thúc đẩy nhiều hơn những mối quan hệ trực tiếp giữa hai nước thông qua việc trao đổi nhiều hơn các đoàn đại biểu văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội để bảo đảm cho mối quan hệ nồng ấm hơn nữa.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các nhà khoa học đều cho rằng, sự hỗ trợ của Ấn Độ đã góp phần nhất định vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong một số lĩnh vực, trong đó có công nghệ thông tin. Tuy nhiên, còn chưa tương xứng với tiềm năng, cần tiếp tục phát huy để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.

PGS, TS Ngô Đình Xây, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra 4 lưu ý trong liên kết, hợp tác đào tạo với Ấn Độ: phải xây dựng triết lý trong liên kết đào tạo quốc tế để làm cơ sở xác định trọng tâm đào tạo; phải tìm được thế mạnh đào tạo của Án Độ để liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phải biết lựa chọn mô hình liên kết cả về nội dung và thời gian; phải xác định được điều kiện liên kết với Ấn Độ: ngôn ngữ, pháp lý, cơ sở quan hệ…

Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã ký Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ 1976, ký lại vào năm 1996, được tăng cương khi  hai nước ký kết “Khuôn khổ hợp tác toàn diện bước vào thế kỷ XXI” (2003) và “Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2015”…

Phiên thứ 3 Hội thảo tập trung vào mối quan hệ Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. PGS, TS Nguyễn Viết Thảo trong bài Báo cáo đề dẫn khẳng định: Hơn 20 năm qua, quan hệ Ấn Độ - ASEAN phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Giai đoạn 1993-2003, thương mại song phương tăng trưởng trung bình 11,2%/năm, từ 2,9 tỷ USD năm 1993 lên 12,1 tỷ USD năm 2003. Năm 2007, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 37,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với 2003. trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Ấn Độ đạt 24,7 tỷ USD, tăng 30,3% so với năm 2006; kim ngạch nhập khẩu vào ASEAN từ Ấn Độ đạt 12,4 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm trước. Từ năm 2012, hoạt động thương mại tiếp tục phát triển mạnh, đến nay, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN. Đầu tư trực tiếp tăng lên nhanh chóng… Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số vấn đề: trình độ phát triển của các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ vẫn chưa đồng đều và còn thấp; khung khổ thể chế còn hạn chế, thiếu đồng bộ; áp lực cạnh tranh của các liên kết khác rất lớn; hoạt động kinh tế còn hạn chế… Do đó, để thúc đẩy phát triển quan hệ trong lĩnh vực này, cần tập trung vào một số vấn đề: sớm kýt kết Hiệp định về đầu tư dịch vụ; tích cực khai thác hiệu quả thỏa thuận về Khu vực mậu dịch tự do toàn diện giữa ASEAN va Ấn Độ trong đó có Hiệp định về hành hóa, dịch vụ và đầu tư; tăng cường kết nối, biến các chương trình thành hành động cụ thể, tăng cường sự có mặt toàn diện của Ấn Độ tại Đông Nam Á; hình thành và thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại các nước thành viên ASEAN.

Về quan hệ kinh tế của Việt Nam - Ấn Độ, các nhà khoa học Việt Nam  và Ấn Độ đều khẳng định đã đạt được nhiều thành tựu và ngày càng trở nên sâu sắc. Tổng biên tập tạp chí Nam Today bà Pramoda Patel và TS Rajaram Panda Nhà phân tích độc lập về những vấn đề chiến lược, an ninh châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Việt - Ấn có mối quan hệ song phương lâu đời và Việt Nam tiếp tục là đối tác đầu tư hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ. Tính đến tháng 6-2013, có đến 73 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 252 triệu USD. Bàn về vai trò của Việt Nam trong tăng cường quan hệ kinh tế ASEAN - Ấn Độ, TS Nguyễn Quốc Dũng – Gám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV, cho rằng: Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối để Ấn Độ tiếp cận và tăng cường đầu tư, thương mại với ASEAN.

Những tồn tại trong quan hệ thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ, theo PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là: Việt Nam vẫn còn nhập siêu nhiều từ Ấn Độ, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Thực tế đó đòi hỏi hai nước cần nỗ lực hơn nữa, đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có khuôn khổ pháp lý. Nhiều tham luận cho rằng:còn nhiều lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, Việt Nam và các nước ASEAN có nhu cầu và ngược lại nhưng chưa được các bên phát triển. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu, đầu tư cho phù hợp.

Bàn về triển vọng, PGS, TS Đoàn Xuân Thủy, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị học, cho rằng: ASEAN là cộng đồng kinh tế năng động, là điều kiện tốt để các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng giao thương, đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mình. TS Lê Văn Chiến, Phó Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và chính sách công, cho rằng, để đẩy nhanh quan hệ thương mại giữa hai bên cần thực hiện một số giải pháp: đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương về phát triên quan hệ thương mai với Ấn Độ; xem xét hình thức hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp một cách hợp lý, không vi phạm các quy định của thương mại thế giới; đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường; chú trọng phát triển ngành hàng xuất khẩu phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Ấn Độ; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cần chú ý đến việc nâng cao khả năng thu nhập và xử lý thông tin thị trường, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và thương hiệu dưới nhiều hình thức, tích cực tham gia hội chợ, triển lãm…; tăng cường vai trò của các hiệp hội, ngành hàng và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp…

Sau 3 phiên, Hội thảo ghi nhận được nhiều ý kiến, sâu sắc thể hiện sự quan tâm của các nhà khoa học về mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trên các lĩnh vực. Đây là Hội thảo hứa hẹn nhiều triển vọng trong hợp tác giữa các bên vì phát triển và thịnh vượng chung.

Ths Nguyễn Hoa Mai

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ths Nguyễn Thị Ngân

Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong Thành phố Hà Nội

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền