Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc gia “Nữ quyền: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Thứ sáu, 09 Tháng 10 2015 11:49
4631 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc gia “Nữ quyền: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng 8-10-2015, Khoa Việt Nam học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nữ quyền: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học của nhiều cơ quan nghiên cứu và giảng dạy trên cả nước. GS, TS Đỗ Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS, TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học, chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, GS, TS Đỗ Việt Hùng khẳng định: vấn đề nữ quyền đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất lâu, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời. Đây là sự đột phá, đánh dấu bước chuyển biến cơ bản về quyền phụ nữ, khiến họ thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh, cùng nam giới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 1959, 1980, 1992, 2013 đều khẳng: công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội... Trên cơ sở đó, nhiều văn bản pháp luật của như: Luật bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình… cũng tiếp tục khẳng định quyền bình đẳng giới.

GS, TS Đỗ Việt Hùng cho rằng: trên thực tế, việc hiện thực hóa quan điểm đó trong gia đình và xã hội còn nhiều tồn tại. Việc bạo hành phụ nữ, buôn bán phụ nữ, lạm dục tình dục trẻ em gái… vẫn còn tồn tại, gây nhức nhối cho xã hội. Vì thế, việc nghiên cứu, tuyên truyền về quyền phụ nữ cần tiếp tục đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, nâng cao vai trò, sự đóng góp của phụ nữ đối với gia đình, xã hội một làm cho bình đẳng giới trở nên thực chất ở mọi phương diện. Hội thảo Khoa học quốc gia “Nữ quyền – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” hướng tới những mục đích cụ thể đó.

Trong báo cáo đề dẫn, PGS,TS Lê Quang Hưng khẳng định: Vấn đề nữ quyền và đấu tranh giành nữ quyền là một trong những vấn đề của thời đại, diễn ra trong nhiều thế kỷ. Từ câu chuyện bầu cử, cuộc tranh đấu đặt vấn đề bình đẳng giới về pháp lí, chính trịvà kêu gọi phá bỏ trật tự xã hội bất bình đẳng; đòiquyền thụ hưởng, phát triển của phụ nữ trong giáo dục; quyền đóng góp và thừa kế về kinh tế;quyền tự do, bình đẳng trong gia đình và sự phát triển dân chủ, bình đẳng trong mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học tưởng như thuộc về quyền của nam giới.

Lịch sử nhân loại đã được chứng kiến ba làn sóng nữ quyền ngày càng mạnh mẽ. Làn sóng thứ nhất của chủ nghĩa nữ quyền (còn gọi là “chủ nghĩa nữ quyền cổ điển”) được khởi xướng từ nước Anh rồi lan sang các quốc gia phương Tây từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Đây làphong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng về chính trị và pháp lí đối với nữ giới, nhất là quyền bầu cử. Làn sóng thứ hai bắt đầu sôi nổi ở Tây Âu và Bắc Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và phát triển lên cao trào trong thập niên 1960 đòi bình đẳng giới từ trong gia đình đến ngoài xã hội, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ dưới mọi hình thức. Lần thứ ba diễn ra sôi nổi từ cuối thập niên 1970 và hai mươi năm cuối thế kỉ XX với những thành tựu to lớn về tư tưởng, triết học và văn hoá.

Việt Nam là một quốc gia phương Đông, từng trải qua hàng nghìnnăm dưới chế độ phong kiến. Tư tưởng Nho giáo ràng buộc người phụ nữ bằng luân lí nghiệt ngã “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.Bởi thế, cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, công cuộc xây dựng chế độ mới cũng là cuộc cách mạng giải phóng người phụ nữ, công cuộc tôn vinh người phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: Chúng ta làm cách mạng là để giành lấy tự do, độc lập, dân chủ, bình đẳng trai gái đều ngang quyền nhau. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Con đường giải phóng phụ nữ, phấn đấu để đạt bình đẳng giới thật sự trên mọi lĩnh vực cũng đã được hình thành bởi chính công lao của bao thế hệ phụ nữ.

Nội dung hội thảođã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, Ban tổ chức đã nhận được 72 báo cáo gửi về từ nhiều trường đại học, học viện, cơ quan nghiên cứu... trên khắp các miền đất nước. Đề tài của những báo cáo rất đa dạng:tư tưởng nữ quyền của Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lới, chính sách của Đảng va Nhà nước; phântích các khái niệm; tìm hiểu quá trình phát triển của chủ nghĩa nữ quyền, thành tựu về bình đẳng giới ở một quốc giavà thực trạng tại Việt Nam… Đây là kết quả tốt đẹp, thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc và sự quan tâm của các nhà khoa học về vấn đề hội thảo. Qua đó, cho thấy vấn đề nữ quyền cần tiếp tục được nghiên cứu.  

Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận nhiều vấn đề: quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề nữ quyền; địa vị, vai trò của phụ nữ trong tôn giáo, tín ngưỡng; quyền lợi của phụ nữ trong pháp luật qua các thời kỳ; quyền của nữ giới trong lĩnh vực: văn hóa, chính trị, giáo dục, kinh tế…và giải pháp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Về quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều nhà khoa học cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á ghi nhận và thực hiện quyền bình đẳng giới. Điều này đã được thể hiện rõ trong các Văn hiện Đảng, Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam đã được tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, đạt được nhiều thành công và góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Về nữ quyền trong đời sống xã hội, nhiều ý kiến khẳng định: tại Việt Nam, phụ nữ đã được có nhiều quyền hơn trong các lĩnh vực của đời sống: chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế… Họ đã góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong xã hội, xóa đi nhiểu định kiến. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lúc, nhiều nơi bất bình đẳng vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi kinh tế kém phát triển: nông thôn, vùng núi…

Để khắc phục vấn đề này, các nhà khoa học đề xuất: cần đầu tư nghiên cứu tổng thể, đánh giá thực chất vấn đề bình đẳng giới để có chính sách phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền hiệu quả, sâu rộng về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Đặc biệt, cần cải thiện đời sống kinh tế và nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ nói riêng và toàn xã hội nói chung. Đây là nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng thực hiện bình đẳng giới.

Hoa Mai

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền