Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Thứ ba, 10 Tháng 11 2015 11:09
4475 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Ngày 7-11-2015, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện Chính trị Khu vực I, và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Chủ trì hội thảo có: PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng); Thiếu tướng, PGS, TS Trần Văn Dung, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các nhà khoa học của các Học viện, Hộ đồng Lý luận Trung ương và cơ quan nghiên cứu, giảng dạy.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận, thực tiễn cấp bách về CNXH, con đường đi lên CNXH, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chuyên ngành CNXHKH của các học viện chính trị hiện nay; cung cấp thêm căn cứ lý luận, thực tiễn cho công tác lý luận, công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đấu tranh phê phán các luận điểm sai trái phủ nhận CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; tăng cường hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, đào tạo lý luận chính trị giữa các Học viện chính trị trên toàn quốc và hướng tới chào mừng Đại hội XII của Đảng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nêu rõ: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Công an nhân dân có nhiều quan hệ hợp tác hiệu quả trong công tác nghiên cứu và giảng dạy. Hội thảo lần này là hoạt động quan trọng, vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa chính trị. Đặc biệt, được tổ chức trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực, chủ động đóng góp ý kiến cho Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng và nhân dân lao động toàn thế giới cũng như những người cộng sản long trọng kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hội thảo lại càng có ý nghĩa hơn nữa. Đồng chí mong rằng, các nhà khoa học tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong nhận thức về  CNXH.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thế, khẳng định: trong công cuộc đổi mới đất nước, công tác lý luận chính trị của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là đã có những nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH. Tuy vậy, từ yêu cầu thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước và công tác lý luận, như tinh thần Đại hội XI là phải tiếp tục: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác lý luận…”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thế cho rằng: gần 30 năm qua, với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước đã thể hiện rõ công tác lý luận của Đảng, về tư duy lý luận đã có bước phát triển. Đảng đã chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong kỳ quá độ lên CNXH (năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận cơ bản về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đó là các vấn đề: đặc thù và thực chất của thời kỳ quá độ lên CNXH; các định hướng cơ bản xây dựng CNXH; về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH; vai trò của giai cấp công nhân, của liên minh công nhân - nông dân - trí thức là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc – động lực to lớn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; về quốc phòng, an ninh và về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam; về Đảng cầm quyền và xây dựng chỉnh đốn Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH… Ở mỗi nội dung, qua các kỳ Đại hội, Đảng đều có những nhận thức mới với những biểu hiện và mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, cho đến nay, chung quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH, con đường đi lên CNXH đã và đang nảy sinh nhiều nội dung cần được làm sáng tỏ; nhiệm vụ đấu tranh phê phán các luận điểm sai trái, phủ nhận lý luận CNXH khoa học và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cũng đang đòi hỏi phải nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục.

Từ yêu cầu lý luận và thực tế, Hội thảo đã tập trung vào một số vấn đề:nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; vấn đề dân chủ và hệ thống chính trị; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; lý luận về dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích làm rõ  một số nội dung:

Về những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã làm rõ: quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về đặc trưng, mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH cả thành tựu và hạn chế.

Vấn đề lý luận và thực tiễn về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam đã được các nhà khoa học tập trung làm sáng tỏ: quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam: lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, làm rõ một số vấn đề: cơ sở phân kỳ, về đặc điểm, tính chất và nhiệm vụ thời kỳ quá độ ở nước ta.

Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời kỳ quá độ, các nhà khoa học làm rõ một số thuật ngữ: giai cấp vô sản, giai cấp công nhân; mối quan hệ giữa giai cấp với dân tộc và các giai tầng khác trong xã hội… Đồng thời chỉ ra các đặc trưng của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng nâng cao năng lực thực hiện sứ mệnh lịch sử của họ, giữ vững vai trò lãnh đạo, là giai cấp tiên phong, nòng cốt cho liên minh công – nông – trí thức là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về vấn đề dân chủ XHCN và hệ thống chính trị XHCN ở Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học khẳng định: đây là nội dung nổi bật trong xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay đã được nhận thức mới ở nhiều luận điểm. Nhưng, đây là vấn đề rộng lớn, được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau và không hẳn đã thống nhất, nên trong nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ vấn đề dân chủ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhân dân làm chủ vẫn cần làm rõ thêm, để có thể thực hiện được trong thực tế.

Về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, các nhà khoa học cho rằng, nhiều năm qua được chú trọng về lý luận, song vẫn là vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai trong thực tiễn. Các vấn đề thù địch vẫn nhằm các vấn đề này để chống phá cách mạng nước ta, gây nhiều khó khăn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội hiện nay.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cho rằng: Sự phong phú, đa dạng của các tham luận thể hiện tầm quan trọng của những vấn đề lý luận và thực tiễn của vấn đề hội thảo; thể hiện trí tuệ nhiệt huyết, công phu, nghiêm túc của các nhà nghiên cứu, giảng dạy CNXHKH, của các học viện chính trị, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học xã hội.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh: Hội thảo đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

-  Đã khẳng định tính đúng đắn và sức sống của CNXH cả trên thực tiễn và lý luận, không có học thuyết nào nhận được sự quan tâm sâu rộng như lý luận CNXHKH, kể cả sự quan tâm tích cực cũng như sự “hằn học” chống phá nó.

-  Sự nuối tiếc sau khi mô hình CNXH hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ cũng như quyết tâm xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp hơn chế độ TBCN mà nhiều nước đang phấn đấu trên thế giới hiện nay chính là sức sống vững bền của CNXHKH.

- CNXH phải được vận dụng sáng tạo, đúng đắn vào thực tiễn, trên nền tảng những nguyên lý bền vững và những quy luật chung nhất mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã  vạch ra cho phù hợp với từng không gian và thời điểm cụ thể.

- Hội thảo đã nêu được những vấn đề, yếu tố mới về lý luận CNXHKH ở nước ta. Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng đều thống nhất ở những nội dung cốt lõi: Mục tiêu cách mạng Việt Nam chính là: độc lập dân tộc gắn liền CNXH nhằm hướng đến: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-  Để thực hiện được điều đó, cần xây dựng và phát huy dân chủ XHCN không chỉ trên bình diện những khái niệm, phạm trù mà cần triển khai với tư cách là giá trị của chế độ do nhân dân lao động làm chủ và phải có chính đảng tiền phong có năng lực lãnh đạo thì chúng ta mới đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Qua Hội thảo, cần thống nhất một số vấn đề để cung cấp luận cứ cho Đảng, đó là:

-  Tiếp tục tổng kết về CNTB hiện đại với tư cách không những là đối tượng đấu tranh mà nghiên cứu cả sự cải cách, thích nghi để làm cơ sở tham khảo, học hỏi.

-  Cần tiếp tục nghiên cứu công phu, nghiêm túc giai cấp công nhân hiện đại, nghiên cứu kịp thời xu thế phát triển thế giới ngày nay để công cuộc đổi mới tiếp tục được thực hiện đồng bộ, toàn diện nhưng đồng hành với xu thế thời đại. Cần nhận thức và nghiên cứu các mối quan hệ lớn mà Đảng ta chỉ ra, đó chính là đóng góp về mặt lý luận CNXH vào kho tàng lý luận.

- Cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề bảo vệ Tổ quốc XHCN, đây là nội dung vừa chiến lược lâu dài, vừa cấp bách hiện nay.

- Thường xuyên triển khai đấu tranh tư tưởng lý luận trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, không chỉ phản bác các quan điểm sai trái, mà cần “uốn nắn” những lệch lạc, sai lầm trong hàng ngũ chúng ta, đó là nhiệm vụ sống còn.

ThS Nguyễn Hoa Mai

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Ngô Hoàng Anh

Trường Chính trị tỉnh KonTum

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền