Trang chủ    Tin tức    Tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu khảo sát thực tế về tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tại tỉnh Sơn La
Thứ ba, 10 Tháng 11 2015 11:23
1862 Lượt xem

Tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu khảo sát thực tế về tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tại tỉnh Sơn La

(LLCT) - Thực hiện chương trình đi khảo sát thực tế cơ sở phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học hằng năm, trong 4 ngày, từ 2-5/11, Tạp chí Lý luận chính trị tổ chức đoàn đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại huyện Bắc Yên và Phù Yên, tỉnh Sơn La, nội dung khảo sát tập trung vào tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện và xã.

(Tạp chí Lý luận Chính trị làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Phù Yên, Sơn La)

Tại 2 huyện, Đoàn cán bộ của Tạp chí đã được nghe đồng chí Nguyễn Minh Hòa, Bí thư huyện ủy Bắc Yên và đồng chí Cầm Thanh Lâm, Phó Bí thư huyện ủy Phù Yên báo cáo về thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể cấp xã, huyện; những thuận lợi, khó khăn, phương hướng, đề xuất một số khuyến nghị của Đảng và chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Báo cáo về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của huyện, đồng chí Nguyễn Minh Hòa, Bí thư huyện ủy Bắc Yên nêu rõ, Bắc Yên là huyện nghèo, có địa hình hiểm trở với diện tích hơn 1 nghìn km2, 15 xã và thị trấn (trong đó có 5 xã vùng cao), dân số trên 62 nghìn người với 7 dân tộc (Mường, Thái, Mông, Kinh, Dao, Hoa, Tày), trong đó dân tộc Mông chiếm 42,7%; phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, văn hóa - xã hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Đảng bộ huyện Bắc Yên có 73 tổ chức cơ sở đảng, 21 đảng bộ và 52 chi bộ cơ sở với hơn 4 nghìn đảng viên. Chất lượng cán bộ đảng viên cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể cấp huyện và xã của Bắc Yên được thực hiện theo Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác lãnh đạo, quản lý tại địa phương nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Từ thực tế tổ chức bộ máy, biên chế của huyện, đồng chí Nguyễn Minh Hòa, Bí thư huyện ủy Bắc Yên nêu một số khó khăn hiện nay: Cơ quan quản lý hành chính và các tổ chức chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa thực hiện  tốt vai trò, nhiệm vụ tổ chức cán bộ còn nhiều bất cập, người làm nhiều việc, người làm ít việc; đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đã bảo đảm yêu cầu nhưng năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm trong công việc vẫn còn nhiều hạn chế; Huyện có nhiều xã, thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tính cố kết cộng đồng làng xã cao, tuy nhiên cũng phát sinh tư tưởng cục bộ; số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở mỗi xã nhiều nhưng chất lượng, hiệu quả còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn (chỉ có khoảng 20-30% số cán bộ đạt yêu cầu);...

Tại huyện Phù Yên, báo cáo của đồng chí Cầm Thanh Lâm, Phó bí thư huyện Phù Yên nêu rõ: huyện có diện tích tự nhiên 123.655ha, có 26 xã, 1 thị trấn, 319 bản, khối phố, dân số trên 118 nghìn người với 7 dân tộc (Mường, Thái, Mông, Kinh, Dao, Hoa, Tày); kinh tế phát triển khá (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,45/năm), văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đảng bộ huyện Phù Yên có 89 chi bộ, đảng bộ trực thuộc trong đó có  27 đảng bộ xã, thị trấn, 2 đảng bộ lực lượng vũ trang, 3 đảng bộ sự nghiệp, 1 đảng bộ doanh nghiệp, 56 chi bộ trực thuộc Huyện ủy, 465 chi bộ trực thuộc Đảng ủy. Tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và huyện cơ bản đã bảo đảm được vai trò trong lãnh đạo, quản lý, đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng cũng còn không ít tồn tại hạn chế.

Trao đổi với Đoàn khảo sát trong buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Phù Yên nêu rõ một số khó khăn mà Đảng bộ và chính quyền địa phương đang gặp phải như: Việc bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt còn nhiều bất cập; công tác đánh giá cán bộ còn chồng chéo, do đó cần có biện pháp đánh giá cán bộ một cách chất lượng, hiệu quả; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ vùng núi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc, chức danh của cán bộ; bộ máy các bộ phận tham mưu cho Huyện ủy còn nhiều điểm chưu hợp lý, đặc biệt là khung chuẩn về trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cấp xã do đặc trưng về văn hóa, ngôn ngữ vùng, miền của từng xã; việc sử dụng cán bộ trẻ theo Quyết định 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo đến nay đã sắp hết hạn hợp đồng chưng chưa có biện pháp giải quyết cụ thể, trong đó một số cán bộ trẻ còn hạn chế; công tác luân chuyển cán bộ từ xã sang xã còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả; việc sáp nhập phòng, ban, thực hiện tinh giản biên chế đã có chủ trương nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong quy định về tổ chức bộ máy và biên chế của đơn vị, cơ quan mới khi đã sáp nhập...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan đảng, chính quyền, các đoàn thể cấp xã và huyện, Tạp chí Lý luận chính trị ghi nhận được một số ý kiến kiến nghị, giải pháp từ Ban Thường vụ Huyện ủy hai huyện:

- Đối với công tác tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và huyện huyện Bắc Yên:

Trong thực hiện tinh giản cán bộ, công chức, biên chế cần lưu ý đặc thù của địa phương (dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa vùng...); số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã cần tương xứng với nhiệm vụ, vai trò của vị trí, việc làm; xây dựng hệ thống quy định, chính sách riêng cho cán bộ, công chức cấp xã trên cơ sở các đặc thù văn hóa, dân tộc của từng vùng...   

- Đối với công tác tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và huyện huyện Phù Yên:

Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới nội dung, phương pháp và các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo theo chức danh và kỹ năng tình huống ở cơ sở; rà soát việc xây dựng quy chế làm việc của các cấp ủy, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phù hợp với yêu cầu lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động có hiệu quả.

Kiện toàn bộ máy, hệ thống chính trị các cấp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; nghiên cứu, xây dựng Ban Nội chính đến cơ sở (xã); quy hoạch, biên chế công việc trong từng cấp, phòng, ban cần có sự linh hoạt, mềm dẻo về số lượng để Ủy ban nhân dân huyện có sự bố trí hợp lý số cán bộ theo yêu cầu thực tiễn công việc từng cấp; kiến nghị về việc tiếp tục có chính sách bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ (theo Quyết định 170/QĐ-TTg) đã tăng cường cho xã thuộc huyện nghèo...

ThS Nguyễn Thị Lan

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền