Trang chủ    Tin tức    Giới thiệu sách “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam những vấn đề lý luận từ công cuộc đổi mới”
Thứ năm, 12 Tháng 11 2015 10:24
5070 Lượt xem

Giới thiệu sách “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam những vấn đề lý luận từ công cuộc đổi mới”

(LLCT) - Cuốn sách “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận từ công cuộc đổi mới”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Chủ biên, Nhà xuất bản Lý luận-Chính trị ấn hành, tại Hà Nội, năm 2015 đã nhanh chóng đến tay bạn đọc.

Đây là  kết quả nghiên cứu của cán bộ khoa học trong và ngoài Học viện thuộc khuôn khổ Đề án “Nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nhưng đã được chắt lọc, hợp lý kết cấu, bổ sung và nâng cao chất lượng nội dung… nhằm góp phần có hiệu quả vào tổng kết lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong 30 năm đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Cuốn sách gồm 7 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của quá trình hình thành, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt nam trong công cuộc đổi mới

Chương 2: Lý luận về mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hôi ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới

Chương 3: Những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong lĩnh vực chính trị

Chương 4: Những vấn đề lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế

Chương 5: Những vấn đề lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa-xã hội

Chương 6: Những vấn đề lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Chương 7: Tiếp tục phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ mới hiện nay

Với kết cấu trên, cuốn sách thực sự là một công trình thống nhất, hoàn chỉnh, trong đó Chương 1 như là mở đầu và đúng như tên chương này đã tái hiện lại cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới vừa qua. Ở đây tập trung vào 3 cơ sở: Di sản lý luận về chủ nghĩa xã hội của nhân loại nói chung, của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tương Hồ Chí Minh nói riêng và thành tựu, hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới; thành tựu và hạn chế trong nhận thức lý luận ở Việt Nam trước thời kỳ đổi mới; tình hình trong nước và quốc tế với cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức khi đất nước bước vào đổi mới.

Từ Chương 2 đến Chương 6, cuốn sách lựa chọn những thành tựu lý luận nổi bật nhất về chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta nhận thức và phát triển trong công cuộc đổi mới. Những vấn đề lý luận lựa chọn này, một mặt, cho thấy sự phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là toàn diện; mặt khác qua đó, chỉ ra những lĩnh vực mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đòi hỏi trước hết được nhận thức và tổng kết.

Cụ thể là, những vấn đề lý luận chung nhất về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được nhận thức và phát triển là: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Chương 2). Những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong lĩnh vực chính trị được nhận thức và phát triển là: Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chương 3). Những vấn đề lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế được nhận thức và phát triển là: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và phát triển nhanh, bền vững; Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Chương 4). Những vấn đề lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa – xã hội được nhận thức và phát triển là: Xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam; Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách và bước đi (Chương 5). Những vấn đề lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại được nhận thức và phát triển là: Quốc phòng và an ninh quốc gia trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển (Chương 6).

Sau nữa, Chương 7 như là kết luận, nhưng lại là mở ra, đúng như tên chương này: Tiếp tục phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ mới hiện nay. Ở đây, bối cảnh của thời kỳ mới là sự phong phú và phức tạp, có cả thời cơ và thách thức lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa… và từ đòi hỏi cao của công cuộc đổi mới đất nước đến việc tăng cường công tác lý luận của Đảng ta hiện nay; đồng thời gợi mở một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ hơn.

Cuốn sách được trình bày nhất quán trên cơ sở phương pháp biện chứng mác-xít, chú trọng đến kết hợp lịch sử và logic. Mỗi vấn đề lý luận nêu ra đều cho thấy quá trình hình thành và phát triển nhận thức của Đảng ta từ tổng kết thực tiễn và được đánh dấu sự tiến triển qua các kỳ đại hội, hội nghị Trung ương… của Đảng; phân tích và khái quát lại dưới dạng đường lối; những vấn đề đặt ra và hướng nghiên cứu trong tương lai.

Cuốn sách góp phần khẳng định công tác lý luận của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng trong công cuộc đổi mới; làm luận cứ cho việc tiếp tục góp ý vào hoàn thiện dự thảo các văn kiện của Đại hội XII; tài liệu quý cho việc vận dụng nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị nói chung ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ở các đơn vị khác. Tuy thế, như Lời mở đầu của cuốn sách đã viết: “Tổng kết lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong 30 năm đổi mới là công việc khó khăn, phức tạp. Trong khuôn khổ một đề tài khoa học khó có thể giải quyết thấu đáo tất cả các vấn đề đặt ra. Do vậy, cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, cần được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện thêm ở các lần xuất bản sau”.

Cuốn sách đã được biên tập kỹ càng, với 500 trang tròn (khổ 16x24cm), in ấn đẹp…là món quà có ý nghĩa lớn đối với bạn đọc và tiến tới chào mừng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS.TS Phan Thanh Khôi

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền