Trang chủ    Tin tức    TPP: Thời cơ và thách thức cho Việt Nam
Thứ năm, 26 Tháng 11 2015 09:29
2288 Lượt xem

TPP: Thời cơ và thách thức cho Việt Nam

(LLCT) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership-TPP) được đánh giá là toàn diện và có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất cho đến thời điểm hiện nay. Trong số 12 nước tham gia TTP, Việt Nam là nước được các chuyên gia đánh giá là sẽ được hưởng lợi cũng như phải chịu ảnh hưởng lớn nhất, đối diện với nhiều thách thức lớn.

 

TTP bắt nguồn từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hay là Pacific-4) được ký kết giữa 4 nước: Xingapore, Brunei, Niudilân và Chilê vào ngày 3-6-2005. TPSEP hầu như không thu hút được sự chú ý cho đến khi Mỹ đồng ý tham gia vào năm 2008, tiếp ngay sau đó là sự tham gia của ba nước: Ôxtrâylia, Pêru, Việt Nam vào tháng 11-2008. TTP đánh dấu bước định hình quan trọng khi có sự tham gia của Nhật Bản vào tháng 7-2013. Cho đến nay đã có 12 nước tham gia đàm phám TTP, bao gồm: Ôxtrâylia, Brunei, Malaysia, Mexico, Canada, Chilê, Nhật Bản, Pêru, Xingapore, Niudilân, Mỹ và Việt Nam. TTP đã trải qua 19 vòng đàm phán cấp cao chưa kể các vòng đàm phán cấp bộ trưởng và những nhà đàm phán chủ chốt. Ngày 5-10-2015, TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Với 12 nước thành viên, TPP tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn nhất từ trước tới nay, chiếm gần 40% GDP toàn cầu và 25% thương mại thế giới. TTP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt về thương mại của thế kỷ XXI, thiết lập một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu và đưa ra các vấn đề thuộc thế hệ mới có khả năng tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước thành viên TPP trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP.

GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Tham gia TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản, đó là: Mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên TPP đạt 58,41 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0%, làm cho xuất khẩu tăng nhanh, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. TPP dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần ngành dệt may. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất hàng dệt may từ Việt Nam sang thị trường này có thể giảm xuống gần 0%, thay vì 17% như hiện nay. Việt Nam là nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi. TPP giúp Việt Nam thúc đẩy FDI của các nước trong khối, tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp, nhất là thủy sản.

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn.

Tham gia TPP thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam. Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các nước TPP vào Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD vốn đăng ký của những dự án còn hiệu lực, chiếm gần 40% tổng lượng vốn FDI của Việt Nam. Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp. Các công ty dệt may nội địa và nước ngoài sẽ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam để tận dụng cơ hội hưởng thuế xuất khẩu thấp vào TPP. Như vậy, ngành dệt may Việt Nam không chỉ nhận ưu đãi từ thị trường Hoa Kỳ, mà còn đạt giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, TPP cũng quy định các hàng hóa Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP. Điều này thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tham gia TTP, Việt Nam không chỉ nhận được nhiều cơ hội trong phát triển mà cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn:

- Quy tắc xuất xứ trong lĩnh vực dệt may: Theo quy tắc này chỉ có những sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước trong TPP mới được hưởng mức thuế xuất ưu đãi, trong khi nguyên liệu phục vụ ngành dệt may của Việt Nam hiện nay có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm tới 80%).

- Cạnh tranh tại thị trường trong nước và ngoài nước về mặt hàng nông sản: Khi tham gia TPP Việt Nam phải mở cửa thị trường nông sản, do đó cùng với việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam (sữa, thịt, cá, thực phẩm chế biến, đồ gỗ…) ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu khó có thể cạnh tranh với mặt hàng của các nước có trình độ phát triển nông nghiệp cao trong khối như: Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Canada.

- Quyền sở hữu trí tuệ: Việt Nam phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về quyền sở hữu trí tuệ.

- Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Việt Nam bắt buộc phải cải cách khối doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế.

- Cải cách hệ thống luật pháp: Việt Nam phải cải cách hệ thống pháp luật và nền hành chính công cho phù hợp với các yêu cầu hội nhập.

- Yêu cầu về tiêu chuẩn lao động: Việt Nam phải mở cửa thị trường lao động và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về lao động: Điều kiện lao động, bảo hiểm, công đoàn…

Để tận dụng các cơ hội và khắc phục những thách thức từ TPP, cần tập trung tăng cường tuyên truyền về TPP; rà soát, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đổi mới kỹ thuật công nghệ, cải tiến mẫu mã, cách tiếp thị; xây dựng chiến lược xuất khẩu, có chính sách ưu tiên cho các mặt hàng trọng yếu, thế mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ lẫn trình độ ngoại ngữ, tin học; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; các ngành, lĩnh vực cần xây dựng chiến lược riêng trên cơ sở chiến lược tổng thế nền kinh tế.

 

Thanh Huyền

Công ty Truyền thông APOTA

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền