Trang chủ    Tin tức    Hội nghị Tổng kết Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015
Thứ ba, 05 Tháng 1 2016 17:47
1913 Lượt xem

Hội nghị Tổng kết Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015

(LLCT) - Ngày 5- 1- 2016, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-  2015 (Mã số: KX.04/11- 15). Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ  Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chủ nhiệm và đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì các đề tài, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-  2015 có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới và soạn thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Để đạt được những mục tiêu đề ra, Chương trình đã triển khai 31 đề tài. Đến ngày 31- 12- 2015, về cơ bản, Chương trình đã hoàn thành tiến độ đề ra.

Các đề tài trong Chương trình đã bám sát mục tiêu, nội dung nghiên cứu, bám sát thực tế trong nước và tình hình thế giới để bổ sung kịp thời những vấn đề cần tập trung nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu của công tác lý luận và tổng kết thực tiễn. Các đề tài đã nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới và soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XII.

       (1) Làm rõ cục diện thế giới và khu vực, những biến động gần đây tác động đến Việt Nam; dự báo tình hình sắp tới. Đã làm rõ hơn vấn đề quốc gia, dân tộc trong thế giới đương đại; nhận thức và xử lý quan hệ với các nước lớn, với các nước láng giềng để có chính sách hợp lý.

       (2) Tiếp tục nghiên cứu về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đưa ra nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN; đề xuất, kiến nghị những luận cứ mới để làm rõ hơn nội hàm định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường; về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, đưa ra những tiêu chí định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường; đề xuất những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn 2016-  2020 và tầm nhìn 2030.

      (3) Làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn để xác định quan niệm về nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó có những điểm mới là: đề xuất được hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam; đưa ra quan niệm, nội hàm và tiêu chí đánh giá phát triển bền vững; đề xuất hệ thống quan điểm mới và hệ giải pháp đồng bộ bảo đảm phát triển bền vững; những quan điểm cơ bản về mô hình tăng trưởng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, định hướng mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới.

       (4) Đã cung cấp nhiều luận cứ mới phục vụ thiết thực việc xây dựng Nghị quyết Trung ương về văn hóa, đặc biệt là những cơ sở để hoàn thiện định hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa. Đề xuất bổ sung, hoàn thiện một số quan điểm của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa; đưa ra hệ giá trị con người Việt Nam, 5 nhóm giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa hệ giá trị định hướng cốt lõi này vào cuộc sống.

       (5) Một số vấn đề xã hội trong tình hình mới được nghiên cứu, như: về định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ở nước ta trong điều kiện mới; vấn đề liên minh giai cấp, vấn đề tôn giáo, dân tộc và đề xuất những kiến nghị mới với Đảng, Nhà nước.

      (6) Về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các đề tài thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh tập trung nghiên cứu những vấn đề về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới; các giải pháp đấu tranh chống chiến lược  “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

       (7) Đề xuất quan niệm đầy đủ hơn về hội nhập quốc tế, làm rõ những vấn đề mới đặt ra đối với Việt Nam, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

      (8) Các đề tài nghiên cứu về đổi mới hệ thống chính trị, thực hành dân chủ và xây dựng Đảng cầm quyền đã đóng góp nhiều luận cứ về tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, về định hướng lớn và những giải pháp hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; về nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả mà Chương trình đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra  những mặt còn hạn chế, bất cập, đó là: cách tiếp cận, nội dung nghiên cứu của một số đề tài thiếu tính mới, thiếu sự khái quát, đi sâu lý giải bản chất của vấn đề; một số nội dung đã được đặt ra nhưng chưa được nghiên cứu sâu sắc; những giải pháp, kiến nghị còn chung chung, thiếu tính khả thi. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin còn dàn trải, chung chung. Những vấn đề bức xúc về xã hội, về quản lý phát trriển xã hội chưa được nghiên cứu sâu. Về xây dựng Đảng tuy được nghiên cứu nhiều, song vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật rõ, như: nội dung, phương thức, mô hình, nguồn lực, điều kiện cầm quyền của Đảng…

Các đề tài được bắt đầu triển khai chậm, do đó kết quả nghiên cứu phục vụ soạn thảo các Văn kiện trình Đại hội XII còn hạn chế; việc thiết kế Ban Chủ nhiệm Chương trình như hiện nay chưa thật phù hợp; cơ chế quản lý sản phẩm nghiên cứu, trao đổi thông tin giữa Ban Chủ nhiệm Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đề tài chưa được xác lập; việc trao đổi thông tin giữa các đề tài với nhau còn hạn chế, đặc biệt là giữa các nhóm đề tài có nhiều nội dung nghiên cứu tương đồng nhưng chưa có cơ chế trao đổi, kế thừa kết quả nghiên cứu của nhau…

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của 31 đề tài thuộc Chương trình và khẳng định những kết quả nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới, xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Nhiều kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Về phương hướng sắp tới, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị, để chuẩn bị cho Chương trình nghiên cứu lý luận giai đoạn 2016 - 2020 cần đáp ứng yêu cầu:

- Hoàn thiện định hướng nghiên cứu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực luận giải những vấn đề thực tiễn đặt ra để trình Bộ Chính trị khóa XII xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

- Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tuyển chọn, xét chọn chủ nhiệm các đề tài, cơ quan chủ trì đề tài. Đây là công việc rất quan trọng, quyết định chất lượng nghiên cứu của các đề tài.

- Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Chủ nhiệm Chương trình cần tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài một cách nghiêm túc, bảo đảm hiệu quả để kịp thời tư vấn, đóng góp để Đảng, Nhà nước hoạch định các chủ trương, chính sách.

Minh Phương

Tạp chí Lý luận chính trị

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền