Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh phòng, chống lãng phí ở nước ta hiện nay - Những vấn đề đặt ra và giải pháp
Thứ hai, 07 Tháng 3 2016 09:52
1824 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh phòng, chống lãng phí ở nước ta hiện nay - Những vấn đề đặt ra và giải pháp

(LLCT) - Ngày 3-3-2016, tại Hà Nội, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học về đề án Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh phòng, chống lãng phí ở nước ta hiện nay - Những vấn đề đặt ra và giải pháp. Đồng chí Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp chủ trì Hội thảo.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Báo cáo kết quả thực hiện được của đề án, đồng chí Hà Quốc Trị nêu rõ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh phòng, chống lãng phí ở nước ta từ năm 2006 đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng: Ở cấp Trung ương đã thành lập các đoàn của Ban Bí thư kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương và thực hiện; ở cấp tỉnh tổ chức kiểm tra đối với cấp trực thuộc; qua kiểm tra đã có kiến nghị, đề xuất, thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng và thu hồi, khắc phục hậu quả do lãng phí gây ra; các cấp ủy và các tổ chức đảng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản..., nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công. Đồng thời, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, đã nâng cao nhận thức chung về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị - xã hội và toàn dân về phòng, chống lãng phí.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh phòng, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, như: việc quán triệt, học tập, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan chưa thường xuyên và chưa đi vào thực chất; các cấp ủy được kiểm tra chưa có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chưa xác định đây là việc làm thường xuyên, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong công tác xây dựng đảng; việc kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới trong triển khai thực hiện phòng, chống lãng phí chưa thường xuyên và còn nhiều bất cập; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí ở nhiều cơ quan, đơn vị còn nhiều yếu kém, đặc biệt là trong sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công...

Thực trạng trên đòi hỏi phải tập trung giải quyết như: công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện các dự án đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; chủ động phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là người đứng đầu; nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra trong các cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân; tuyên truyền sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, quần chúng nhân dân về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; kịp thời biểu dương các gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phê bình các cá nhân, tập thể chưa thực hiện tốt công tác này; thực hiện nghiên cứu, đưa kết quả thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên, tổ chức đảng hằng năm, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó đặc biệt chú trọng việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Ngân sách phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của cơ quan, đơn vị trong quản lý và sử dụng ngân sách; sửa đổi, bổ sung những quy định về tiêu chuẩn, định mức những chi phí hành chính để phù hợp với thực tế.

Các nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống lãng phí được đề án đưa ra như sau:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đấu tranh phòng, chống lãng phí. Theo đó, việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống lãng phí của các cấp ủy phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với điều kiện cấp ủy của mỗi cấp, địa phương, đơn vị, đồng thời có cơ chế tuyên truyền để nâng cao nhận thức và động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, đảng viên và toàn dân tham gia tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống lãng phí.

- Hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về chấp hành và kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong phòng, chống lãng phí. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, quy chế, quy trình về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và quy chế phối hợp giữa các tổ chức đảng với các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện công tác này. Xây dựng và hoàn thiện các quy định về công tác tổ chức, cán bộ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác này và có căn cứ, cơ sở thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. 

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng đối với phát hiện, ngăn chặn, chống lãng phí. Tổ chức tốt việc thu thập thông tin, khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong phát hiện dấu hiệu lãng phí để tiến hành kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt giám sát thường xuyên và tăng cường giám sát chuyên đề, nhất là ở các ngành, lĩnh vực có cán bộ, đảng viên dễ phát sinh lãng phí.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ ngành kiểm tra Đảng trong đấu tranh phòng, chống lãng phí. Tiến hành nghiên cứu hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra của Đảng và thanh tra Nhà nước thành ủy ban kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp song hành với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đặc biệt là cấp trung ương trong phòng, chống lãng phí. Thực hiện tốt Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành theo Quyết định số 58-QĐ/TW ngày 7-5-2007 của Bộ Chính trị và Quy định số 211-QĐ/TW ngày 8-11-2013 về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự và các nhà khoa học đánh giá cao những kết quả của Đề án, đặc biệt là việc phân tích, đánh giá, xác định các giải pháp trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về phòng, chống lãng phí có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về phòng, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực hiện CNH, HĐH đất nước.

ThS Nguyễn Thị Lan

Tạp chí Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền