Trang chủ    Tin tức    Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác lịch sử Đảng năm 2013 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016- 2017
Thứ sáu, 25 Tháng 3 2016 09:08
1829 Lượt xem

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác lịch sử Đảng năm 2013 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016- 2017

(LLCT) - Ngày 24-3-2016, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác lịch sử Đảng năm 2013- 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016- 2017.

(GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội nghị)

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn Phòng Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Công an - Bộ Công an; đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, các cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trong cả nước; các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Về phía Học viện, tới dự và chỉ đạo Hội nghị có GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc Học viện: PGS, TS Trương Thị Thông, PGS, TS Lê Quốc Lý, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo; PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Học viện; các cán bộ nghiên cứu, giảng viên Viện Lịch sử Đảng.     

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đồng Chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của ngành khoa học lịch sử Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng nhằm tổng kết những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; góp phần đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái và âm mưu chống lại chế độ XHCN mà toàn Đảng, toàn dân ta đang phấn đấu xây dựng của các thế lực thù địch…

Đồng chí khẳng định, trong những năm qua với sự nỗ lực của toàn ngành lịch sử Đảng, hàng vạn tư liệu được sưu tầm, thẩm định, lưu trữ và khai thác sử dụng; hàng nghìn cuốn sách, công trình lịch sử Đảng được biên soạn, xuất bản đã làm sáng tỏ và đầy đủ hơn Lịch sử Đảng ta, làm sáng rõ hơn những vấn đề và những bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam.

Thay mặt Ban Giám đốc Học viện, đồng chí biểu dương những kết quả mà ngành lịch sử Đảng đã đạt được; đánh giá cao sự nhiệt huyết, yêu nghề, vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng để hoàn thành thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Báo cáo Tổng kết do PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu rõ, trong 3 năm qua, cùng với thành tựu phát triển chung của đất nước, được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của các cấp ủy Đảng và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành lịch sử Đảng, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử các Đảng bộ, lịch sử truyền thống đạt nhiều kết quả. Các địa phương trong cả nước đã biên soạn được 1.847 công trình, trong đó cấp tỉnh, thành phố là 341 công trình. 100% các tỉnh, thành phố đã xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930- 1975; 16 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1975 -2010. Nhiều công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố giai đoạn 1975- 2005, 1975 -2010 đang được biên soạn, chuẩn bị xuất bản. Bên cạnh đó, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã tích cực chỉ đạo biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, đoàn thể và các sách chuyên đề lịch sử. Ở nhiều tỉnh, 100% các ngành đều viết lịch sử truyền thống, như Nghệ An, Nam Định…

Ở cấp quận, huyện, thị xã, đã có 356 công trình Lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản, trong đó nhiều đơn vị đã biên soạn đến năm 2010; nhiều tỉnh có các huyện đạt tỷ lệ biên soạn cao, như: Bắc Giang, Nam Định (100%), Phú Thọ (12/13 huyện), Nghệ An (18/21 huyện), Quảng Ngãi (13/14 huyện)…

Ở cấp xã, phường, thị trấn, đã có hơn 1.000 công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng được xuất bản.

Các ấn phẩm được xuất bản ngày càng được nâng cao về chất lượng, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương, góp phần quan trọng vào việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng Đảng bộ nói riêng và của toàn Đảng nói chung trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc… Một số tỉnh, thành phố đã biên soạn, xuất bản tập giáo trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương đưa vào giảng dạy tại các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị và các trường phổ thông…Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; động viên họ góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu dẹp, văn minh.

Có được những kết quả trên là do, Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, chủ động phối hợp với Viện Lịch sử Đảng mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ đi học nâng cao trình độ cả về lý luận và chuyên môn; đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và kinh phí cần thiết cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.

Viện Lịch sử Đảng với chức năng, nhiệm vụ được giao đã tích cực phối hợp và hợp tác có hiệu quả trong công tác nghiên cứu, biên soạn; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và thẩm định bản thảo lịch sử Đảng bộ các tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo các Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy: Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai, Kiên Giang, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…đã nêu bật những kết quả mà địa phương mình đã đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong công tác nghiên cứu, biên soạn, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần phải tập trung giải quyết, đó là: đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng ở các quận, huyện nhiều nơi còn thiếu, trình độ chưa đồng đều, không đúng chuyên ngành; chế độ, chính sách đãi ngộ còn hạn chế; sự phối hợp giải quyết kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn còn lúng túng, chưa kịp thời, sử dụng kinh phí chưa hiệu quả; chất lượng các công trình chưa cao, còn mang tính liệt kê sự kiện, chưa đảm bảo tính Đảng, tính khoa học; chưa tuân thủ việc tổ chức thẩm định trước khi xuất bản; không ít địa phương sử dụng người tham gia biên soạn không có chuyên môn lịch sử; công tác chỉ đạo chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ của Viện Lịch sử Đảng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, sự phối hợp giữa Viện Lịch sử Đảng với các cấp ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố còn chưa chặt chẽ, kịp thời…

Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm Lịch sử Đảng bộ, các đại biểu đã kiến nghị Học viện, trực tiếp là Viện Lịch sử Đảng cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng; nâng cao trình độ cán bộ của Viện, bố trí các chuyên gia có trình độ cao tham gia công tác thẩm định bản thảo; tăng cường nắm bắt tình hình thực tiễn công tác lịch sử Đảng ở các địa phương để chủ động phối hợp giải quyết…

Về phía các địa phương, cần tăng cường rà soát, bổ sung, kiện toàn nhân sự Phòng Lịch sử Đảng, bố trí đủ cán bộ chuyên trách có năng lực, trình độ chuyên môn làm công tác lịch sử Đảng ở các quận, huyện, thị xã; tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn với Viện Lịch sử Đảng trong công tác nghiên cứu, biên soạn; thực hiện nghiêm túc việc thẩm định bản thảo trước khi xuất bản; xây dựng kế hoạch công tác lịch sử Đảng hằng năm và từng giai đoạn; duy trì chế độ báo cáo định kỳ về công tác lịch sử Đảng bộ địa phương…

Tại Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện đã trao tặng Bằng khen của Giám đốc Học viện cho 29 tập thể và 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lịch sử Đảng.

Phát biểu Tổng kết Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế mà Học viện cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ban Giám đốc Học viện sẽ có kế hoạch làm việc hằng năm với các địa phương về công tác lịch sử Đảng; xác lập chế độ báo cáo định kỳ về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng với Thường trực Ban Bí thư; Học viện sẽ coi trọng hơn nữa công tác lịch sử Đảng, đặt ngang hàng với các công tác quan trọng khác của Học viện…Ban Giám đốc Học viện sẽ chỉ đạo Viện Lịch sử Đảng tập trung xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, các văn bản hướng dẫn các cấp ủy địa phương và Phòng Lịch sử Đảng về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ.

 

Minh Phương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền