Trang chủ    Tin tức    Diễn đàn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Thứ năm, 31 Tháng 3 2016 14:59
1966 Lượt xem

Diễn đàn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

(LLCT) - Nhằm nắm bắt cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 30-3-2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức: “Diễn đàn Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đây là một diễn đàn đa chiều gắn kết từ các cơ quan hoạch định chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp.

Các đồng chí: Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương; Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Nguyễn Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp đồng chủ trì diễn đàn. Tham dự có 500 đại biểu từ các cơ quan, bộ ngành Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, các trường đại học và viện nghiên cứu…

Diễn đàn tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, hành lang pháp lý, tác động của các FTA thế hệ mới, các cơ hội và thách thức cùng với những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đến các cơ quan hoạch định chính sách.

Về chính sách phát triển CNHT, các phát biểu tại diễn đàn nêu rõ Chính phủ đã ban hành rất nhiều quyết định, nghị định và thông tư hướng dẫn. Trong đó, nổi bật và mới nhất là Nghị định 111/2015/NĐ-CP, ngày 3-11-2015 về phát triển CNHT. Các điểm mới của Nghị định 111 là những ưu đãi về thuế TNDN, thuế GTGT (miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, áp mức 10% trong 15 năm cho các doanh nghiệp thuộc danh mục CNHT: 1) Ngành dệt may, 2) Ngành da giày, 3) Ngành điện tử; 4) Ngành sản xuất lắp ráp ô tô; 5) Ngành cơ khí chế tạo; 6) Các sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao); ưu đãi về thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai, tín dụng. Ngoài ra, trong khung chương trình của Nghị định 111 còn thành lập trung tâm phát triển CNHT, các Chương trình phát triển CNHT thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong các ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động… Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, những điểm mới trong chính sách phát triển CNHT tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Về các FTA thế hệ mới, các phát biểu đã nêu bật các tác động đối với ngành CNHT Việt Nam, cả những cơ hội và thách thức đan xen.Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam hiện đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác quan trọng, mang lại nhiều thuận lợi cho xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, các FTA Việt Nam đã, sắp hoàn tất đàm phán, ký kết bao gồm: AEC, RCEP, ASEAN+6 và TPP... Các FTA được ký kết và có hiệu lực đã tạo nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, các ngành công nghiệp và thương mại của Việt Nam. Theo TS Lê Xuân Sang, Phó Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc thực hiện TPP cùng các FTA thế hệ mới giúp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may; kích thích vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam sản xuất linh kiện phụ tùng, dệt, sợi.

Đồng quan điểm trên, TS Trương Thị Chí Bình, Giám đốc trung tâm SIDEC, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng cùng với lộ trình cắt giảm thuế quan, Việt Nam có cơ hội nâng cao cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (linh kiện: RCEP, dệt may – da giày: TPP). Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu (Supply chain), giúp các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trở nên đa dạng hơn cả về chủng loại và chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu đầu vào rẻ hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do tác động của quá trình toàn cầu hóa, các ý kiến cũng thể hiện sự lo ngại trước những thách thức cho xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp. Với việc tham gia vào các FTA, thị trường kinh doanh mở rộng, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng với Việt Nam không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn ngay tại thị trường nội địa. Hàng rào phi thuế quan là một trở ngại lớn đối với Việt Nam bởi nó đi kèm với các tiêu chuẩn về chất lượng, hàm lượng, xuất xứ, sở hữu trí tuệ cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, những hạn chế trong đầu tư vào công nghệ cao, hiện đại; thiếu hụt nhân lực trình độ cao; đặc biệt ngành CNHT chưa thực sự phát triển khiến Việt Nam mới chỉ dừng lại là “mắt xích nhỏ” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về đề xuất, kiến nghị để CNHT Việt Nam phát triển, đại diện các doanh nghiệp tham dự diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi điều hành doanh nghiệp và thẳng thắn nêu những kiến nghị về cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp cụ thể lên các cơ quan hoạch định chính sách. Các ý kiến tập trung vào những điểm chính sau: 1) Môi trường đầu tư, kinh doanh: Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; nên có những quy định tối giản về pháp luật trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); tạo điều kiện cho SME sử dụng dịch vụ kế toán, thuế… 2) Cơ chế, chính sách: Tháo gỡ những bất cập về chính sách thuế trong bối cảnh hội nhập, có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng. 3) Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn: chính sách lãi suất phân biệt giữa hoạt động đầu tư sản xuất và kinh doanh thương mại; có chính sách giúp cho doanh nghiệp bảo toàn vốn đầu tư.

Đa số ý kiến phát biểu tại diễn đàn cho rằng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực về tài chính, nâng cao trình độ lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Điều này cần phải có sự phối hợp của các tổ chức tài chính lớn (như Ngân hàng Công thương…), sự hợp tác, đặt hàng của chính những đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản… Mặt khác, Chính phủ cũng có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Phát triển CNHT không phải là điều mới mẻ, nó đã được quan tâm nhiều năm nay, và bây giờ là thời điểm cho Việt Nam cần hành động.

Lê Bảo Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền