Trang chủ    Tin tức    Lễ công bố năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015
Thứ sáu, 01 Tháng 4 2016 17:06
1840 Lượt xem

Lễ công bố năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015

(LLCT) - Sáng 31-3-2016, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015.

Tham dự chương trình có TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh  - Phó Tổng Thư ký VCCI; ngài Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ngài Joakim Parker - Giám đốc USAID tại Việt Nam; ngài Haike Manning - Đại sứ Niudilân tại Việt Nam; ngài Tommer Heyvi - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam; ngài Yuen Sing Hong - Phó Đại sứ Xinhgapo tại Việt Nam… cùng đại diện UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam…

Phát biểu tại buổi Lễ, TS Vũ Tiến Lộc nêu rõ: chỉ số PCI là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam.Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của đội ngũ cán bộ, công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PCI chính là sự cổ vũ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Lễ công bố,ngài Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định,  bộ chỉ số năng lực cạnh tranh PCI đã giúp các địa phương cai thiện môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác, từ đó có những cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng.

Trình bày kết quả PCI 2015, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) cho biết: Được thực hiện 11 năm liên tiếp, báo cáo PCI đại diện cho tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Theo Bảng xếp hạng PCI 2015, Đà Nẵng giữ vị trí đầu bảng với số điểm 68,34, đánh dấu lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Đồng Tháp xếp thứ hai với số điểm 66,39 và Quảng Ninh đứng thứ 3 (66,75 điểm). Đây là những tỉnh có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Hai địa phương tiếp theo trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI năm 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm). Nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 có Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa.

Điều tra PCI ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc của môi trường kinh doanh Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%). Trong 10 năm trở lại đây, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng cao, đạt mức 16,5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp 2 lần (12%) so với mức đáy của năm 2012. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh: Năm 2015, gần một nửa (49%) doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, lần lượt tăng 3% và 16% so với năm 2014 và 2013. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây. Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Điều kiện để đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chi phí không chính thức còn phổ biến và môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là một số trở ngại chính theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo PCI năm 2015 cho thấy, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế như: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường tốt, phần lớn vẫn hoạt động trong thị trường nội địa, kết quả kinh doanh thấp; còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, cập nhật thông tin về chính sách pháp luật, chi phí không chính thức vẫn còn lớn và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp; Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương lại càng gia tăng.

Trình bày kết quả điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khảo sát PCI 2015, ông Michael A.Trublood (Giám đốc Phòng phát triển và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam - USAID) nêu rõ: Qua điều tra 1.584 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình hoạch định các chính sách cao và các mức thuế hợp lý. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công còn yếu kém. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước để thu lại nhiều lợi ích từ FDI.

Mức độ nhận biết và ủng hộ dành cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) trong cộng đồng các doanh nghiệp đã tăng lên so với điều tra năm 2014. Tỷ lệ doanh nghiệp biết tới TTP tăng từ 68% (2014) lên 78% (2015) và mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước có sự nhận biết về TTP thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI. Tăng cường thông tin về TTP được xem là một trong những biện pháp cần thiết để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tốt hơn cũng như giảm thiểu các thách thức từ TTP.

Phát biểu tại Lễ công bố, ngài Marco Breu (Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược McKinsey Việt Nam) cho rằng: Để hấp dẫn các nhà đầu tư, mỗi địa phương cần chỉ ra các lĩnh vực mạnh, yếu và quy hoạch tổng thể của địa phương thông qua cơ quan xúc tiến đầu tư; đồng thời Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh mà rủi ro được giảm thiểu và tăng cường sự trao đổi chuyên sâu giữa các nhà đầu tư và địa phương.

Theo VCCI, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố sử dụng kết quả PCI là một trong những căn cứ để ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình hành động (của cấp ủy, UBND) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế. 

Nguyễn Thị Lan

Tạp chí Lý luận chính trị

 

 

           

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền