Trang chủ    Tin tức    Lễ Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2015
Thứ năm, 14 Tháng 4 2016 16:05
1941 Lượt xem

Lễ Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2015

(LLCT) - Sáng 12-4-2015, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015. Dự buổi lễ có GS,TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Beatrice Mallor, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, bà Pratibha Mehta cho biết: Chỉ số Hiệu PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Tính đến hết năm 2015, Chỉ số PAPI đã được thực hiện 7 năm, trong đó 5 năm liên tiếp (từ 2011-2015), trên cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chỉ số PAPI đã và đang góp phần tạo động lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công từ trung ương đến địa phương. PAPI góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam. Trước thềm bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, PAPI sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu bộ máy chính quyền các cấp nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, qua đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong thời gian tới. Số tỉnh, thành phố sử dụng kết quả Chỉ số PAPI trong công tác điều hành ở địa phương tăng lên qua các năm. Cho đến nay, có 26 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo như nghị quyết hoặc chỉ thị của tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân; quyết định kèm kế hoạch hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên kết quả khảo sát PAPI.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn trong bài phát biểu chào mừng khẳng định: PAPI là nguồn dữ liệu quan trọng, có độ tin cậy cao để làm căn cứ thực hiện cải cách hành chính cấp tỉnh nói riêng và cấp quốc gia của Việt Nam nói chung. Đây là cơ sở để cải cách thể chế chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Năm 2011, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và UNDP đã phối hợp nghiên cứu vấn đề hiệu quả hành chính công trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã cam kết hành động để tăng hiệu quả của cải cách hành chính. Chỉ số PAPI đã được sử dụng trong công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp của Học viện, đặc biệt, sử dụng trong bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp. Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục phối hợp với UNDP nghiên cứu PAPI để góp phần tăng cường hiệu quả điều hành chính quyền địa phương.

Báo cáo PAPI 2015 được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng với gần 14 nghìn mẫu khảo sát từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhân dân; tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương và tạo cơ hội cho người dân nâng cao năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền đồng thời vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân.

PAPI điều tra, khảo sát trên 6 nội dung, với kết quả sau:

Về tham gia của người dân ở cấp cơ sở

Tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước là quyền hiến định của người dân Việt Nam, đã được thể chế hóa trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, tham gia của người dân là vấn đề căn bản trong quản trị công ở Việt Nam. PAPI đo lường tri thức công dân về quyền tham gia và mức độ thực hiện quyền tham gia đó của người dân. Kết quả phân tích cho thấy sự tham gia của người dân trong năm 2015 vẫn còn hạn chế ở hầu hết mọi chỉ tiêu PAPI đo lường. Ba trong số bốn nội dung thành phần (gồm tri thức công dân về quyền tham gia, cơ hội tham gia của người dân, và chất lượng bầu cử các vị trí trưởng thôn - tổ trưởng tổ dân phố) đều giảm điểm so với năm dữ liệu cơ sở 2011. Phần lớn các tỉnh đạt điểm cao ở chỉ số nội dung này trong năm 2015 tập trung ở các vùng Đông Bắc và miền Trung.

Thái Bình và Hà Tĩnh là hai tỉnh đứng trong nhóm đạt điểm cao nhất trong bốn năm liên tục kể từ năm 2012. Các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu và Bà Rịa-Vũng Tàu có mức điểm sụt giảm nhiều nhất (từ 25% trở lên).

Về công khai, minh bạch

 Chỉ số PAPI đo lường “quyền được biết” về chính sách của nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ tham gia quản trị đời sống và sinh kế của người dân trên ba chỉ số: công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã và công khai, minh bạch quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất đền bù. Đây là ba lĩnh vực cụ thể cần được công khai, minh bạch theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện Dân chủ cơ sở và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Điểm chỉ số nội dung này giảm mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong số 63 tỉnh, thành phố, 11 địa phương có mức tiến bộ về điểm trên so với năm 2011, 17 tỉnh, thành sụt giảm. Các tỉnh, thành phố đạt điểm cao chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung.

Về trách nhiệm giải trình với người dân.

Chỉ số này đo lường mức độ tương tác giữa chính quyền với người dân và hiệu quả hoạt động trên thực tế của các thiết chế thực hiện dân chủ cơ sở, gồm Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Những cơ chế đối thoại giữa chính quyền và người dân, và thiết chế để người dân thực hiện vai trò giám sát hiệu quả thực thi chức năng quản lý nhà nước của chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò thúc đẩy thực hiện quyền dân bàn và dân kiểm tra. Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, chỉ số nội dung này bắt đầu giảm điểm. Hai nội dung thành phần giảm điểm mạnh nhất liên quan đến sự tồn tại và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp cơ sở. Các tỉnh Bắc Trung Bộ đạt điểm cao ở nội dung này trong 5 năm qua. Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị được người dân đánh giá cao về hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương trong giai đoạn 2011-2015. Điểm số của Bắc Ninh tăng 23% sau 5 năm. Điểm số của Hà Nam giảm 15% sau 5 năm. Một số tỉnh vùng Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có những tiến bộ.

Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Chỉ số này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua bốn nội dung thành phần; kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng. Những chỉ số này cũng cho thấy mức độ chịu đựng tham nhũng của chính quyền và người dân. Năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh ở cả bốn khía cạnh PAPI đo lường so với những năm trước. Song, điều đáng khích lệ là sau 5 năm, hơn 1/3 số tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể, với điểm trung bình chỉ số của từng địa phương tăng từ 5% trở lên so với kết quả năm 2011. Những tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất và trung bình cao tập trung ở miền Trung và miền Nam. Thủ đô Hà Nội ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong 5 năm liên tục.

Về thủ tục hành chính công

Chỉ số nội dung này đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực thiết yếu cho đời sống người dân, bao gồm: dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSD đất); dịch vụ hành chính công cấp xã, phường. Người dân đánh giá dựa trên trải nghiệm thực tế khi đi làm thủ tục hành chính ở địa phương. Những tiêu chí đánh giá bao gồm: mức độ công khai về thủ tục và lệ phí, năng lực và thái độ thực hiện nhiệm vụ của công chức, mức độ đơn giản của thủ tục, dịch vụ được thực hiện theo lịch hẹn và mức độ hài lòng chung của người sử dụng dịch vụ. Mức độ hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ hành chính công ở cấp tỉnh trong bốn lĩnh vực PAPI đo lường hầu như không thay đổi qua các năm. Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nam là những tỉnh đạt điểm cao nhất từ 2011 đến 2015. Trong số bốn dịch vụ hành chính PAPI đo lường, dịch vụ cấp mới, cấp đổi hoặc sang tên quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập khiến người dân chưa hài lòng ở nhiều tiêu chí. Ngược lại, người dân đã hài lòng hơn khi đi làm thủ tục hành chính ở cấp xã, phường. Năm 2015, có tới 96% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với dịch vụ này

Về cung ứng dịch vụ công

Hiệu quả cung ứng dịch vụ công được đo lường thông qua bốn dịch vụ căn bản: y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, và an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư. Kết quả chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công khá ổn định qua 5 năm. Năm 2015, khoảng cách giữa điểm cao nhất (7,76 của Vĩnh Long) và điểm thấp nhất (6,32 của Đắk Nông) là nhỏ nhất trong sáu chỉ số nội dung. Điều đó cho thấy người dân trên phạm vi toàn quốc tương đối hài lòng với bốn dịch vụ công PAPI đo lường. Trong bốn dịch vụ này, năm 2015, điều kiện cơ sở hạ tầng căn bản (điện lưới, đường sá, nước sạch và thu gom rác thải) được đánh giá cao hơn so với bốn năm trước. Chất lượng dịch vụ giáo dục tiểu học công lập và tình hình an ninh, trật tự hầu như không tiến triển sau 5 năm. Người dân ít hài lòng với dịch vụ y tế công lập hơn so với bốn năm trước, và độ chênh lệch trong đánh giá chất lượng bệnh viện tuyến huyện, quận giữa các địa phương tương đối lớn. Ở chỉ số nội dung này, nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam đạt điểm cao: Vĩnh Long, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Một số tỉnh có mức tăng điểm cao: Hà Giang, Hưng Yên và Ninh Bình (tăng 15% so với kết quả năm 2011). Người dân các tỉnh miền núi tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so với người dân miền xuôi khi tiếp cận dịch vụ công căn bản. Có tới 97% hộ gia đình trên toàn quốc đã có điện sử dụng tại nhà trong năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Lai Châu chỉ là 58%. Người dân Hà Giang ít hài lòng nhất với điều kiện đường sá của tỉnh. Ở Gia Lai chỉ có 2% người trả lời cho biết hộ gia đình có nước máy để dùng cho sinh hoạt, trong khi ở Đà Nẵng, hầu hết hộ gia đình đã có nước máy về tận nhà.

Trên cơ sở phân tích 6 nội dung trên, Báo cáo nêu  một số kiến nghị:

Các cấp chính quyền cần thực hiện nghiêm túc việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương, đồng thời bảo đảm công bằng trong đền bù thu hồi đất cho tất cả các nhóm dân cư.

Cần đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng. Mặc dù ý chí chính trị trong việc đẩy lùi tham nhũng được thể hiện rõ ở cấp trung ương, song kết quả khảo sát PAPI năm 2015 cho thấy tham nhũng còn rất phổ biến và có xu hướng gia tăng. Do đó, cần có kế hoạch hành động cụ thể trong phòng, chống tham nhũng; có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia ngăn ngừa và tố giác tham nhũng ở tất cả các cấp.

Khuyến khích người dân tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị của đất nước, mọi cử tri, đặc biệt là cử tri nữ cần được tạo điều kiện tham gia bầu cử. Bên cạnh đó, các tổ bầu cử và cử tri cần tuân thủ nguyên tắc mỗi người một lá phiếu nhằm bảo quyền bầu cử của mọi công dân.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền