Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng.
Thứ năm, 14 Tháng 4 2016 16:21
1678 Lượt xem

Hội thảo khoa học Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng.

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 – 24/4/2016), ngày 12-4-2016, tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng.

Tới dự Hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh; đại diện Vụ tuyên truyền, Vụ Văn hóa – Nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản; các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số các cơ quan Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS, TS Lê Quốc Lý trình bày đã nêu rõ vai trò của đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng và đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, làm sáng tỏ hơn trên các vấn đề:

- Với công tác xây dựng đường lối của Đảng, đồng chí khẳng định nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin khoa học và cách mạng. Nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng lý luận để xem xét phong trào cách mạng, đồng chí đã vượt qua những hạn chế nhất định trong nhìn nhận đánh giá vấn đề dân tộc và giai cấp ở Việt Nam; tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, tư tưởng Hồ Chí Minh, điều chỉnh đường lối, định ra chính sách mới của  cách mạng Việt Nam.  

- Với công tác xây dựng tổ chức và đội ngũ đảng viên, đồng chí đã nỗ lực, cố gắng phục hồi tổ chức Đảng đánh dấu bằng Đại hội I của Đảng, và tiếp đó chắp nối hệ thống thống tổ chức Đảng, phát triển đội ngũ đảng viên.

- Về xây dựng và nâng cao trình độ lý luận của Đảng, đồng chí là một nhà lý luận sắc sảo, cây bút giàu sức chiến đấu, đồng chí sớm nhận thức sự cần thiết của công tác tổng kết thực tiễn, công tác tư tưởng, báo chí; đồng chí đã biên soạn một số công trình về lịch sử Đảng. Các bài viết của đồng chí đã đề cập khá toàn diện các vấn đề cơ bản, cốt lõi đường lối, chính sách của Đảng.

- Đồng chí luôn đấu tranh nghiêm khắc trên mặt trận tư tưởng, kiên quyết chống chủ nghĩa cải lương, các biểu hiện không nhất quán, do dự,…; bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh và thống nhất trong Đảng.

- Thống nhất với Hồ Chí Minh về mối quan hệ gắn bó Đảng – Dân, về công tác vận động quần chúng, đồng chí tích cực chỉ đạo xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố và tăng cường mối quan hệ Đảng- Dân. 

Bám sát vào các nội dụng đề dẫn Hội thảo, trên 20 tham luận gửi Ban Tổ chức và các phát biểu tại hội thảo đã tập trung làm rõ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang, những cống hiến to lớn của đồng chí Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận và tổ chức.

Các tham luận nêu rõ, đồng chí Hà Huy Tập là người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh, sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, trên vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, có đời sống văn hóa dân gian phong phú, giàu chất nhân văn, con người Hà Tĩnh tràn đầy tình cảm, kiên trung, bất khuất. Tiếp nối truyền thống của quê hương, từ một thầy giáo, đồng chí Hà Huy Tập đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng; gia nhập Phục Việt năm 1925 và nhanh chóng trưởng thành.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nêu bật vai trò của đồng chí Hà Huy Tập trong việc khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng, trong tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Từ khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, đồng chí tập trung chắp nối, xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng. Trong thời kỳ này, đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là Ủy viên dự bị (dự khuyết) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài, mỗi đồng chí đã thể hiện rõ vai trò của mình thể hiện sự thống nhất về nhận thức và trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy vậy, do những lý do khách quan khác nhau, có một số nội dung phê phán quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, nhưng ẩn chứa bên trong là sự đánh giá đúng đắn.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống, tổ chức các phong trào cách mạng rộng lớn, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đứng lên làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, để lại nhiều bài học có ý nghĩa to lớn. 15 năm sau đã vùng lên làm cách mạng, trở thành một trong những địa phương đầu tiên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh cùng quân và dân các tỉnh Thanh - Nghệ giữ vững vùng tự do, thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, đóng góp to lớn sức người sức của vào cuộc kháng chiến, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quân và dân Hà Tĩnh vừa sản xuất vừa chiến đấu và chi viện tiền tuyến, “xe chưa qua nhà không tiếc”.

Tại Hội thảo, một số phát biểu nêu bài học từ quan điểm chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng của đồng chí Trần Phú đối với giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và thống nhất tư tưởng và hành động để khắc phục tình trạng "Đảng ta chưa thật sự trong sạch vững mạnh" mà Đại hội XII đã nêu, để phát huy sức mạnh lãnh đạo của hơn 4 triệu đảng viên của Đảng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.

Đồng chí Hà Huy Tập là nhà lý luận xuất sắc, quan tâm tổng kết thực tiễn, có thể nói là người đã đặt nền móng cho khoa học xây dựng Đảng, khoa học lịch sử lý luận chính trị, lịch sử Đảng với những tác phẩm điển hình là “Sơ thảo Lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương” (bút danh Hồng Thế Công); “Tờrốtxky và phản cách mạng” (bút danh Thanh Hương), là tác phẩm lý luận cách mạng.

Đồng chí Hà Huy Tập là nhà lý luận sáng tạo, luôn khẳng định đường lối cách mạng luôn phải bám sát thực tiễn, phải xuất phát từ thực tế để phát triển lý luận, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều. Trong chỉ đạo cách mạng, đồng chí kiên quyết không bắt tay với các nhóm Tờrốtxkít và tả khuynh,...

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng (từ 7-1936 đến tháng 3-1938), đồng chí Hà Huy Tập đã điều chỉnh đường lối cách mạng, tạo nên phong trào có chiều sâu 1936-1939, kết hợp hiệu quả giữa khẩu hiệu đấu tranh trước mắt và lâu dài. Tác phẩm "Chung quanh vấn đề chínn sách mới của Đảng" thể hiện tư duy chiến lược của đồng chí Hà Huy Tập, để lại bài học giải quyết hài hòa các vấn đề "chiến lược" và "sách lược".

Đồng chí Hà Huy Tập là đảng viên duy nhất có Thẻ Đảng, là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô (b).

PGS, TS Phạm Xanh nêu bật vai trò của đồng chí Hà Huy Tập trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản. Đồng chí rất giỏi tiếng Pháp, là thầy giáo, đã được học tại Đại học Phương Đông. Hà Huy Tập đã viết nhiều bài báo trên báo chí cánh tả Pháp. Khi đó đồng chí chưa tốt nghiệp Đại học Phương Đông, nhưng được bổ sung vào Quốc tế Cộng sản.

Đóng góp to lớn của đồng chí Hà Huy Tập là xây dựng Đảng về lý luận và hệ thống tổ chức.

Đồng chí đã đóng góp lớn trong kiện toàn tổ chức và chuẩn bị các văn kiện của Đại hội I. Sau đó, đồng chí đã về nước chỉ đạo phong trào cách mạngViệt Nam và toàn Đông Dương.

PGS, TS Phạm Ngọc Anh nêu rõ đồng chí Hà Huy tập là ngôi sao sáng trên mặt trận lý luận của Đảng, các tác phẩm của đồng chí thể hiện sự tìm tòi, suy nghĩ khoa học và vận dụng sáng tạo lý luận và thực tiễn.

Sớm nhận thức yêu cầu viết sách, báo để trang bị lý luận cho Đảng, đồng chí đã có một khối lượng công trình lớn, nhiều công trình lịch sử, tổng kết, nhiều bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Các bài viết thể hiện rõ phong cách chính luận cách mạng, trong đó có những bài báo ngắn, nhưng đã thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ với ngòi bút sắc bén.  

Năm điểm nổi bật ở đồng chí Hà Huy Tập là:

1. Tuyệt đối trung thành lý luận mác xít, kiên định về phương diện chính trị, được huấn luyện toàn diện về mặt lý thuyết và giỏi về lý luận. Có nhiều kinh nghiệm trong công tác quần chúng.

2. Có khả năng quan sát tinh tế, nhạy cảm, phát hiện ra các sự việc đang diễn ra, tổng kết thực tiễn như vấn đề bắt buộc, đồng chí đã làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề thực tiễn.

3. Trong vận dụng lý luận vào thực tiễn, đồng chí thể hiện bản lĩnh trung kiên, thực thi nghiêm các nguyên tắc mácxít, kiên quyết đấu tranh với các thói xu thời, bệnh giáo điều, rập khuôn, dao động, cơ hội, xét lại, mập mờ không rõ ràng thể hiện trong tác phẩm Tờrốtxky và phản cách mạng của đồng chí.

4. Trong nghiên cứu lý luận, luôn tìm tòi, phát hiện, thể hiện phẩm chất của nhà lý luận. 

5. Phong cách diễn đạt của đồng chí sáng rõ, thể hiện sự chặt chẽ, lôgic, khi đề cập đến vấn đề gì, đồng chí luôn đi đến tận cùng của sự việc, đi từ các đơn lẻ đến cái khái quát, hàm chứa tri thức lý luận sâu sắc.  

TS Nguyễn Trọng Tứ làm rõ hơn những đóng góp của đồng chí HÀ Huy Tập trong công tác vận động quần chúng. Đồng chí Hà Huy Tập đã phê phán căn bệnh trong Đảng là chưa nhận thức đúng đắn rõ vị trí, vai trò và sức mạnh của quần chúng trong cách mạng và yêu cầu của công tác vận động quần chúng; kịch liệt phê phán những quan điểm sai lầm về công tác quần chúng. Đồng chí đã chỉ rõ nhiệm vụ cấp thiết và yêu cầu lâu dài của công tác tập hợp, đoàn kết, tập hợp đông đảo các các lực lượng. Do đặc điểm của xã hội Việt Nam đương thời, trong giai đoạn này cần sử dụng mềm dẻo các khẩu hiệu vận động, phù hợp với các đối tượng, khắc phục các xu hướng tuyệt đối hóa vấn đề đấu tranh giai cấp.

Tại Hội thảo, một số ý kiến đề xuất cần nghiên cứu vai trò, mối quan hệ, tác động của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng châu Á, với cách mạng Việt Nam; cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc quan điểm của các lãnh đạo tiền bối về công tác xây dựng Đảng, những vấn đề lý luận, những kinh nghiệm quý báu trong lịch sử công tác xây dựng Đảng, để vận dụng vào công tác xây dựng Đảng hiện nay.

 Thắng Lợi

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền