Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Xây dựng và thực hiện chÍnh sách cạnh tranh toàn diện”
Thứ sáu, 15 Tháng 4 2016 17:17
3422 Lượt xem

Hội thảo “Xây dựng và thực hiện chÍnh sách cạnh tranh toàn diện”

(LLCT) - Sáng 15-4-2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Xây dựng và thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay bộc lộ một số hạn chế, đó là sức cạnh tranh yếu và thiếu công bằng. Điều này thúc đẩy việc cần phải có một chính sách cạnh tranh toàn diện nhằm triệt để xóa bỏ các rào cản kinh doanh, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng. Hội thảo nêu bật những nguyên nhân của hạn chế và giải pháp thực thi chính sách cạnh tranh một cách toàn diện.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận xét cải cách thể chế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được kết quả tích cực nhưng còn nhiều yếu kém: kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá phát triển kinh tế - xã hội…

Trong các nguyên nhân chủ quan dẫn tới những yếu kém trên có nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Nhất là vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thị trường quyền sử dụng đất, phân bổ nguồn lực và cơ chế cung ứng dịch vụ công… Vì thế, cần có sự tham gia của giới khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, làm rõ hơn nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng như tìm kiếm giải pháp hoàn thiện hơn.

Ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên của CIEM cho rằng nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước chưa có tư duy thị trường, tư duy cạnh tranh, hệ thống thể chế thiếu tôn trọng quy luật thị trường, cùng với đó là các rào cản khi gia nhập thị trường dẫn đến nền kinh tế hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh.

Nhận định cạnh tranh là yếu tố sống còn của Việt Nam khi tham gia hội nhập sâu rộng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chi Lan nêu lên thực tế, trong TPP thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế hay năng lực doanh nghiệp. 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam chưa khi nào vượt qua vị trí thứ 7; trong khi các nước có xếp hạng thấp như Lào, Campuchia, Myanma, họ đang có những bước đi tích cực, vượt lên để chuyển đổi về thể chế. Rõ ràng, đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Một thực tế nữa được đề cập tại Hội thảo, Việt Nam còn tồn tại sự bất bình đảng trong cạnh tranh. Cụ thể là sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa không có quan hệ thân hữu thì không có sự bình đẳng trong cạnh tranh.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, Giáo sư Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang chú trọng đến tăng trưởng kinh tế bền vững, các luật cạnh tranh, đầu tư và luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần làm rõ các nguyên tắc cạnh tranh, cần có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước và tư nhân,..), nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường cạnh tranh thay vì bảo vệ từng cá nhân, bảo đảm tính đơn giản, rõ ràng và ổn định của pháp luật. Giáo sư chia sẻ, theo thông lệ quốc tế, các cuộc rà soát chính sách công cần có mục tiêu, tính minh bạch và vì lợi ích công.

Để tiến tới hoàn thiện nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần rà soát Luật Cạnh tranh và các luật, chính sách khác để bảo đảm mức độ cạnh tranh, kết quả bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, GS. Michael Woods nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, một trong những giải pháp trong cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020 đó là phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường, đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp… Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt các loại thị trường (hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản…), tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Lê Bảo Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền