Trang chủ    Tin tức    Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương 3 năm (2013-2015)
Thứ tư, 20 Tháng 4 2016 10:13
4760 Lượt xem

Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương 3 năm (2013-2015)

(LLCT) - Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái và âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta kiên định phấn đấu xây dựng.

 

Cùng với thành tựu phát triển chung của đất nước, được sự lãnh, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của các cấp ủy Đảng và cố gắng nỗ lực của toàn ngành, công tác Lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả sau:

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng

Từ thực tế quá trình thực hiện Chỉ thị 15-CT/TWcủa Ban Bí thư, vớinhững đóng góp quan trọng của công tác lịch sử Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy địa phương đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của công tác này; ban hành văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện. Các Ban Tuyên giáo cấp tỉnh đã tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Một số đảng bộ đã triển khai sâu rộng đến các cấp ủy trực thuộc và đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng để thực hiện như Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Trị, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Nai...

Các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác lịch sử Đảng; nhiều cấp ủy Đảng đã đưa nội dung công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Lịch sử Đảng vào nghị quyết đại hội đảng bộ và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã được triển khai tích cực, bài bản, theo quy trình khoa học. Các công trình và ấn phẩm lịch sử tăng lên về số lượng (với 1.847 đầu sách) và chất lượng.

Công tác nghiên cứu lịch sử các ban, ngành, đoàn thể được tổ chức sâu rộng, nhiều quận, huyện như quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), huyện Tân Yên (Bắc Giang), Tiên Lãng, Ngô Quyền, Kiến An (Hải Phòng), Sơn Tịnh, Mộ Đức (Quảng Ngãi)... đạt 100% đơn vị đã biên soạn và xuất bản lịch sử địa phương.

Quá trình tổ chức triển khai nghiên cứu, biên soạn đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt, nhân chứng lịch sử và nhân dân.

Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ

Theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TW, các cấp ủy có nhiệm vụ tổ chức công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập phòng lịch sử Đảng, có 3 hoặc 4 cán bộ, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có từ 4 đến 6 cán bộ.

Ngày 27-12-2013, Ban Bí thư ra Quy định số 219-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên tham mưu, gúp việc tỉnh ủy, thành ủy. Căn cứ vào Quy định này, 3 năm qua, có 28 tỉnh, thành phố đã sáp nhập phòng lịch sử Đảng với phòng lý luận chính trị. Đây là sự thay đổi mới về cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác lịch sử Đảng ở địa phương.

Về trình độ đội ngũ cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn được quan tâm; do vậy nhìn chung đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng ở các tỉnh, thành ngày càng nâng cao trình độ; nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, giàu kiến thức và kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy.

Về bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất

Các tỉnh, thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp: Phú Thọ, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Phước, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh…

Kết quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ

Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố (Kiên Giang, Yên Bái không gửi báo cáo), đã có 1.847 công trình được biên soạn, xuất bản, trong đó cấp tỉnh, thành phố 341 công trình. 100% các tỉnh, thành phố đã xuất bản lịch sử Đảng bộ giai đoạn thành lập đến năm 1975; 16 đại phương xuất bản giai đoạn đến năm 2010.

Ngoài việc biên soạn lịch sử cấp tỉnh, nhiều tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể, sách chuyên đề lịch sửcó chất lượng tốt, phong phú về nội dung, thể tài, như tỉnh Lào Cai, thành phố Đà Nẵng đã biên soạn cuốn Văn kiện Đảng bộ tỉnh qua các kỳ đại hội; Lào Cai triển khai biên soạn bộ Văn kiện với 25 tập, đã xuất bản 9 tập; tỉnh Quảng Ngãi biên soạn và xuất bản Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Hà Nội, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Thuận... biên soạn và xuất bản Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh hay các ấn phẩm dạng sách ảnh, phim tài liệu...

Hiện nhiều công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố giai đoạn 1975-2005, 1975-2010 đang được biên soạn, hoàn thành bản thảo.

Từ năm 2013 đến năm 2015, cả nước đã có hàng trăm công trình lịch sử truyền thống ban, ngành, đoàn thểđược xuất bản. Trong đó, các tỉnh Nam Định, Gia Lai, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Nghệ An là những đơn vị có tỷ lệ viết lịch sử các ngành tương đối cao. Trong đó, tỉnh Nghệ An, Nam Định đã có 100% các ngành biện soạn lịch sử truyền thống.

Công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ quận, huyện có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo,61 tỉnh, thành phố đã biên soạn và xuất bản 356 công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống, trong đó nhiều đơn vị biên soạn đến năm 2010; nhiều địa phương có tỷ lệ huyện hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ cao như Bắc Giang, Nam Định (100%), Phú Thọ (12/13 huyện), Nghệ An (18/21 huyện) Quảng Ngãi (13/14 huyện)...

Cấp xã, phường, thị trấn, từ năm 2013-2015, các tỉnh chỉ đạo biên soạn, xuất bản hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng cấp cơ sở. Chất lượng lịch sử xã, phường ngày càng nâng cao.

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử:Trên cơ sở thành quả của nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Một số tỉnh, thành phố đã biên soạn, xuất bản tập giáo trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương đưa vào giảng dạy trong các Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, các trường đại học, cao đẳng và trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiêu biểu như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ… Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương đã góp phần nâng cao hiểu biết, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng,…

                                                            ThS Đào Thị Hoàn

                                                              Viện Lịch sử Đảng

ThS Đinh Thị Bích Ngọc

Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình

                                            

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền