Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016”
Thứ tư, 11 Tháng 5 2016 16:32
3875 Lượt xem

Hội thảo “Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016”

(LLCT) - Sáng ngày 10-5-2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016” với chủ đề “Thiết lập nền tảng mới cho sự tăng trưởng” do PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; bà Claire Ireland - Tham tán phụ trách Kinh tế và Hợp tác Phát triển Đại sứ quán Ốtxtrâylia; ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright; TS Đặng Ngọc Tú - Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam được xây dựng và công bố hằng năm (bắt đầu từ năm 2009) do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thực hiện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: Đặc thù của Báo cáo là nghiên cứu mang tính khách quan, độc lập; nghiên cứu dựa trên bằng chứng; nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc tương đối thống nhất bao gồm: tổng quan các vấn đề thế giới và kinh tế vĩ mô hằng năm; một số vấn đề chuyên sâu theo từng năm; dự báo các kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm tiếp theo và các hàm ý chính sách.

Mục đích của Báo cáo là góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc đánh giá và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trên cơ sở tổng kết và phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn cũng như cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam; đồng thời thảo luận một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu.

Bà Claire Ireland, Tham tán phụ trách Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Ốtxtrâylia tại Việt Nam nhấn mạnh: Ốtxtrâylia rất hân hạnh hỗ trợ việc xuất bản chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng các báo cáo này sẽ đóng góp tích cực cho quá trình hoạch định chính sách và giúp khuyến khích việc tranh luận về các vấn đề phát triển trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành trình bày 7 nội dung chính của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2016, đó là:

Tổng quan kinh tế thế giới năm 2015

Năm 2015, kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng thấp nhất (3,1%) kể từ năm 2010 trong bối cảnh: (1) kinh tế Mỹ phục hồi tích cực, tăng trưởng dần đi vào quỹ đạo; (2) kinh tế Trung Quốc suy giảm, thị trường chứng khoán sụp đổ giữa năm 2015; (3) giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản thấp; (4) chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ đối lập với các gói nới lỏng định lượng tại các nền kinh tế phát triển khác; (5) các nước đang phát triển và thị trường mới nổi (EMs) trải qua năm thứ 5 suy giảm tăng trưởng liên tục trong khi dấu hiệu phục hồi của các nền kinh tế phát triển như châu Âu, Nhật Bản là khá khiêm tốn.

Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2015

Tăng trưởng kinh tế trong nước đạt mức cao trong năm 2015 nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp. GDP tính theo giá so sánh năm 2010 đạt mức 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Khu vực công nghiệp tăng trưởng tích cực ở mức 9,64%, vượt trội so với các con số 5,08% và 6,42% năm 2013 và 2014.

Mặt bằng giá tiếp tục đà tăng thấp trong những năm gần đây. Chı̉ số giá tiêu dùng bı̀nh quân chı̉ tăng 0,63% trong năm 2015. Cán cân thanh toán không còn giữ được mức thặng dư như các năm trước. Cầu tín dụng năm 2015 tăng cao hơn so với năm 2014 và tương đối ổn định trong các tháng cuối năm. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá biến động tương đối mạnh trong năm 2015 trong so sánh với các năm trước.

Đánh giá tăng trưởng kinh tế trong trung hạn (2016-2020) và nhận định về nhu cầu cải cách

Trong 5 năm tới, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ ở mức 5,56%/năm. Đối với trường hợp điều kiện quốc tế không thuận lợi và các biện pháp cải cách kinh tế không thành công, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt khoảng 5,09%/năm. Trong trường hợp hiệu quả nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ cùng với môi trường quốc tế thuận lợi, Chính phủ có điều kiện huy động thêm các nguồn lực quốc tế, thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức bình quân khoảng 6,96%/năm. Trong giai đoạn này, tăng trưởng về vốn vẫn đóng vai trò quan trọng hình thành nên tốc độ tăng trưởng sản lượng chung cho nền kinh tế.

Những tiền đề dịch chuyển mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng

Trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay, Việt Nam cần phải thực hiện thành công ba chính sách quan trọng để phát triển bền vững, bao gồm: (1) sáng tạo giá trị nội tại; (2) đối phó những vấn đề xã hội mới phát sinh từ quá trình tăng trưởng nhanh; và (3) điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả trong quá trình hội nhập tài chính. Nhóm chính sách đầu tiên tạo ra nguồn gốc của tăng trưởng trong khi chính sách thứ hai và thứ ba bảo đảm ổn định chính trị và bền vững xã hội. Thiếu các yếu tố đồng bộ này, công nghiệp hóa và hiện đại hóa không thể bền vững.

Tác động của sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc đối với Việt Nam

Nếu không tham gia vào Một vành đai, một con đường (OBOR), khi Trung Quốc định hình một mạng lưới kết cấu hạ tầng (KCHT) từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Lào, Campuchia, xuống Thái Lan, Malaixia, Xinhgapo thì mạng lưới kết cấu hạ tầng mà Việt Nam đang đầu tư theo trục Bắc - Nam sẽ mất đi ưu thế hiện thời. Các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào cảng biển của Campuchia và Thái Lan sẽ làm các cảng biển quan trọng của Việt Nam mất đi lợi thế trong tương lai.

Nếu tham gia OBOR, sẽ có 3 tác động trực tiếp đến Việt Nam bao gồm: (1) hiệu quả thực hiện và chất lượng dự án KCHT của Trung Quốc đặt nhiều nghi vấn về vấn đề môi trường, xã hội, an ninh chính trị; (2) vấn đề lao động Trung Quốc tại các công trình quy mô lớn có thể đi kèm với thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và tạo ra khó khăn cho việc quản lý của quốc gia sở tại; (3) quy mô các dự án KCHT lớn, lãi suất và cơ chế cho vay đặc thù gây ảnh hưởng tiêu cực đến nợ công của Việt Nam trong dài hạn.

Cải cách thị trường dịch vụ công ở Việt Nam trong trung hạn: trường hợp thị trường quản lý chất thải rắn đô thị

Báo cáo lựa chọn thị trường quản lý chất thải rắn đô thị làm đối tượng nghiên cứu điển hình. Chính sách về phân bổ kinh phí cho quản lý chất thải rắn (CTR) hiện nay tạo ra động lực ngược, khiến lượng CTR đô thị gia tăng nhiều hơn. Báo cáo đề xuất các doanh nghiệp thu gom - vận chuyển phải trả phí xử lý CTR; đồng thời, hộ phát sinh CTR phải chịu hoàn toàn trách nhiệm tài chính cho lượng CTR mà họ tạo ra. Chính quyền địa phương cần thực hiện tốt vai trò thiết kế luật chơi và giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thu gom - vận chuyển có thể thu gom được CTR tái chế và hưởng lợi từ quá trình thu gom đó.

Viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2016 và hàm ý chính sách

Mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, song kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. Về mặt bằng giá, Báo cáo dự báo mức lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức 5%.

Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính sách như sau:

- Về cách chính sách trong ngắn hạn:

(1) Chính phủ cần giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách.

(2) Đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công.

(3) Kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài.

(4) Thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, ngăn chặn sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.

(5) Dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng với các kỳ hạn ngắn.

(6) Phát triển thị trường vốn, hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính.

- Về các chính sách trung - dài hạn, gồm có các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế; củng cố khả năng tạo lập chính sách; xây dựng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng và chú trọng cải cách các thị trường cung ứng dịch vụ công.

Thùy Linh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền