Trang chủ    Tin tức    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt các nhà khoa học kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5)
Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 16:31
1815 Lượt xem

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt các nhà khoa học kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5)

(LLCT) Kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5), chiều 17-5-2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp mặt các nhà khoa học của  Học viện. PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện chủ trì buổi gặp mặt.

(GS,TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi gặp mặt)

Tham dự buổi gặp mặt có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; GS, TS Nguyễn Đăng Thành, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công; đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy cùng đông đảo cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong Học viện.

Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các nhà khoa học của Học viện trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh một số lĩnh vực cần xây dựng đề án nghiên cứu được đề cập trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng như: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đảng viên; đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo, quản lý; công tác cán bộ; vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu ... Qua đó, đồng chí tin tưởng, từ góc độ nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học của Học viện sẽ có những đóng góp trực tiếp và thiết thực vào việc xây dựng, thực thi các đề án đó.

Tới đây Học viện cần xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực, nhóm các nhà khoa học trẻ… với những phương pháp nghiên cứu sát thực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy và tham mưu hoạch định chủ trương, chính sách để Học viện xứng đáng là địa chỉ tin cậy trên mặt trận lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Báo cáo tại buổi gặp mặt, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu bật những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Học viện thời gian qua. Với việc tổ chức và thực hiện thành công một số đề án nghiên cứu khoa học (Đề án 1677Đề án đảm bảo và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh, hội nhập quốc tếĐề án nghiên cứu Phật giáo Nam Tông…), những kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện đã trở thành tài liệu quý giá cho việc dự thảo, ban hành các Văn kiện Đại hội XII và có những đóng góp thiết thực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vào công tác đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của cả nước. Để có những thành công đó, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ban Giám đốc Học viện, Học viện có đội ngũ cán bộ khoa học giàu tiềm năng, bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo bài bản và có nhiệt tâm với công tác nghiên cứu khoa học. Trên nền tảng đó, đồng chí tin tưởng công tác nghiên cứu khoa học của Học viện sẽ gặt hái được nhiều thành công trong những năm tới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ: đến năm 2030 Học viện là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị có vị thế trong khu vực Đông Nam Á, có uy tín trên thế giới, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện phải trở thành nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Theo tinh thần đó, Học viện cần thay đổi và hoàn thiện cơ chế, phương thức hoạt động khoa học, hướng tới những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đất nước đang đặt ra nhằm tạo ra những công trình khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn cao; kết hợp nghiên cứu cơ bản với tổng kết thực tiễn; đẩy mạnh nghiên cứu với tiếp thu những tinh hoa lý luận của nhân loại; đổi mới phương thức và phương pháp luận nghiên cứu khoa học trên cơ sở lựa chọn, triển khai hướng nghiên cứu và đánh giá chất lượng lấy tiêu chí giá trị ứng dụng vào thực tiễn làm chuẩn…

Tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học thảo luận, chia sẻ thẳng thắn những hạn chế, tồn tại trong công tác nghiên cứu khoa học của Học viện; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác này. Các ý kiến đều cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện trong những thập kỷ gần đây đã đạt được nhiều thành tựu, có những đóng góp thiết thực vào việc hoạch định các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng cao quý của Nhà nước; mang tầm cỡ quốc tế và có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Song, hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị thế của Học viện, chưa phát huy hết tiềm năng của các nhà khoa học; mức độ xã hội hóa các kết quả nghiên cứu khoa học còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phổ biến xã hội hóa, kết quả nghiên cứu để đông đảo đối tượng trong xã hội được tiếp cận; các công trình nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc tế, được công bố quốc tế tuy đã có, nhưng rất ít; chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng còn chưa bảo đảm tính thống nhất, chuyên sâu; cơ chế, cách thức làm khoa học còn nhiều bất cập…

Trên cơ sở đó, một số giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Học viện được các nhà khoa học đưa ra là: kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và nội dung cốt lõi trong nghiên cứu lý luận; có sự kết hợp trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, lấy kết quả nghiên cứu khoa học làm căn cứ để nâng cao chất lượng giáo trình, chương trình giảng dạy, lấy hoạt động giảng dạy làm môi trường để phát hiện, bổ sung những vấn đề cần nghiên cứu, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; đổi mới trong cơ chế, cách thức tổ chức, thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có chuyên môn sâu, năng lực, trách nhiệm và tâm huyết trong nghiên cứu khoa học; xác định rõ và phổ biến các quy chuẩn (thông qua các chương trình tập huấn cho cán bộ khoa học) trong việc tiến hành thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học: xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học bám sát với các vấn đề trong thực tiễn đời sống chính trị - xã hội của cả nước và thế giới; sử dụng đúng, chính xác phương pháp nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xã hội hóa các kết quả nghiên cứu khoa học…

Hiện tại Học viện đã ban hành Chiến lược hoạt động khoa học giai đoạn 2016-2020 và Quy chế quản lý hoạt động khoa học. Hai văn bản này sẽ là định hướng cơ bản và là công cụ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện có sự đổi mới theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hóa, chất lượng và hiệu quả hơn.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền