Trang chủ    Tin tức    Công bố Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ”
Thứ ba, 07 Tháng 6 2016 12:29
3532 Lượt xem

Công bố Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ”

(LLCT) - Ngày 3-6-2016, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ”. Đây là báo cáo đầu tiên phân tích nền kinh tế thông qua lăng kính giới, trên cơ sở đó đề xuất các khuyến nghị chính sách với Việt Nam.

Báo cáo do UN Women, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện sau một năm thu thập số liệu và phân tích, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam phát biểu khai mạc đã khẳng định: Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tuy nhiên mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc bảo đảm quyền của phụ nữ được hưởng lợi bình đẳng từ sự phát triển. Nếu các chính sách và ưu tiên hiện thời không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau. Ưu tiên bình đẳng giới cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách phát triển. Đầu tư vào sự phát triển của phụ nữ là đầu tư vào tăng trưởng kinh tế. 

PGS,TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: việc công bố báo cáo nghiên cứu là một minh chứng sinh động cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế và trong nước đối với sự nghiệp phấn đấu cho bình đẳng giới ở Việt Nam. Theo ông, để đạt được bình đẳng giới thực sự cho phụ nữ thì các chính sách phải bảo đảm được tính bao trùm xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Ông cũng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, điều này được phản ánh trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và nhiều chính sách hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, Báo cáo chỉ ra rằng: Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và trên thế giới; phụ nữ đóng góp quan trọng trong sự phát triển đó nhưng việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm vẫn là một thách thức đối với Việt Nam.

Nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, đồng thời làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Khoảng cách về giới trong thu nhập đã lớn hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây, với tỷ lệ thu nhập của nữ bằng 87% so với thu nhập của nam giới (năm 2004) đã giảm còn 80% so với thu nhập của nam giới (năm 2012). Phụ nữ được trả lương thấp nhất trong ngành nông nghiệp, dịch vụ giúp việc gia đình, khách sạn, nhà hàng; lao động nữ nhận được nhận lương cao nhất ở ngành ngân hàng và tài chính, tuy nhiên số phụ nữ làm trong ngành này chỉ chiếm 1% tổng số lao động nữ.

Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối tháng 12-2015 và việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2015 là những bước tiến của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam trong những hiệp định thương mại mới này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các ngành sản xuất dệt may và điện tử. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng trong việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các công việc không đòi hỏi tay nghề cao hay chuyên môn được đào tạo. Các cơ hội về đào tạo, phát triển kỹ năng và thăng tiến trong những ngành nghề này rất hạn chế, đặc biệt đối với phụ nữ và khoảng cách giới trong thu nhập đang dãn rộng dần theo thời gian. Nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân, đặc biệt là nữ ở khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng đa số họ vẫn làm việc mà không được trả công trong các nông trại gia đình. Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương, do có rất ít cơ hội bảo đảm thu nhập và năng suất lao động. Giống như ở nhiều quốc gia khác, nữ giới Việt Nam cũng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc nội trợ không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế và năng lực tham gia của họ vào các công việc được trả công, làm tăng mức độ stress và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình.

Phân tích nguyên nhân, TS Marzia Fontana, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: do sự sụt giảm trong tỷ lệ nữ giới có chuyên môn kỹ thuật được tuyển dụng (trong khi tỷ lệ này lại đang tăng lên ở nam giới); các ngành học vẫn phân tầng mạnh mẽ về giới; khuôn mẫu vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các nhà tuyển dụng (ví dụ trên thực tế, các quảng cáo việc làm đối với các vị trí cao cấp thường chỉ ra sự ưu tiên cho nam giới)…

Trên cơ sở đó, Nghiên cứu đã đề xuất những khuyến nghị về chính sách để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa tiềm năng của nữ và giúp cho sinh kế của họ bảo đảm hơn.

Báo cáo nghiên cứu có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo về vị thế của nữ giới ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các bằng chứng thực tiễn góp phần thúc đẩy mối quan tâm một cách rộng rãi và việc thông qua tất cả các chính sách và chương trình kinh tế có yếu tố giới của Chính phủ Việt Nam.

Hoa Mai

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền