Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - Tầm nhìn và hành động”
Thứ ba, 07 Tháng 6 2016 12:33
3414 Lượt xem

Hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - Tầm nhìn và hành động”

(LLCT) - Sáng 3-6-2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - Tầm nhìn và hành động”. Hội thảo là một nội dung trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế” được Bộ các vấn đề toàn cầu của Chính phủ Canada (GAC) tài trợ.

Tham dự hội thảo có các đại biểu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư Pháp, Học viện Tài chính, cùng đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa – MPI nhấn mạnh: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là “xương sống” của các nền kinh tế. Hiện nay, DNNVV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, và là khu vực đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Do đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ DNNVV là vô cùng cấp thiết và cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa.

TS Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư Pháp cho rằng: Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc ban hành và thực thi nhiều chính sách dành riêng cho DNVVN như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV, Kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn 2006-2010, Kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn 2011-2015… Mặc dù vậy, các chính sách này mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng, kết quả hỗ trợ còn hạn chế. Tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ còn chậm, thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện kéo dài dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số điểm bất hợp lý trong các chính sách, gây ra những khó khăn, bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, như: Thông tư 56/2014/TT-BTC đưa ra thủ tục buộc phải kê khai giá, ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Công văn số 1747 ngày 14/5/2014 UBND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ tiêu thụ xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh vi phạm Luật Cạnh tranh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngoại tỉnh v.v..

Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Economica khẳng định để cải thiện tình trạng bất bình đẳng, cần đổi mới tư duy về phương pháp tiếp cận đối với hỗ trợ DNNVV. Nếu như trước đây, DNNVV là đối tượng cần được bảo vệ, bảo hộ, thì hiện nay Nhà nước nên giữ vai trò kiến tạo, thúc đẩy với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nhà nước cần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, thiết lập các khung chính sách, các quy định phù hợp với nguyên tắc thị trường cũng như yêu cầu thực tiễn, và chỉ đưa ra các dịch vụ, các chương trình hỗ trợ cho các DNNVV khi thật sự cần thiết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm, ý kiến và đưa ra các đề xuất định hướng chính sách đối với DNNVV trong thời gian tới. PGS,TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nhấn mạnh: Nhà nước cần sớm ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tạo cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ DNNVV cần dựa trên các nguyên tắc:

Một là,tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNVV phát triển.

Hai là, hỗ trợ có chọn lọc, có mục tiêu, lựa chọn các DNNVV trong ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển.

Ba là,công khai, minh bạch, bình đẳng trong hỗ trợ để các DNNVV có cơ hội và có thể tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ.

Bốn là, Nhà nước dành kinh phí và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ DNNVV, xác định hệ thống cơ quan thực hiện hỗ trợ DNNVV ở Trung ương và địa phương.

Năm là, thống nhất, đồng bộ trong các chương trình hỗ trợ DNNVV.

Thùy Linh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền