Trang chủ    Tin tức    Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước
Thứ năm, 09 Tháng 6 2016 15:07
1741 Lượt xem

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước

(LLCT) - Sáng 7-6-2016, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2016).

Các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ươngdự và chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Trần Thị Hà, nêu rõ: Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 68 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ, trong các tầng lớp nhân dân, động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh được tăng cường; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng… tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới.

Kết quả đạt được của các phong trào thi đua có sự đóng góp tích cực của công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền đã góp phần tạo động lực, động viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước còn chưa được coi trọng đúng mức, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt còn hạn chế; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung làm rõ những quan điểm cơ bản của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, kinh nghiệm tuyên truyền góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ttrong lịch sử cách mạng nước ta, ở bất cứ hoàn cảnh nào, các phong trào thi đua yêu nước luôn là điều kiện, động lực to lớn, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta vượt qua khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với các phong trào thi đua: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”,... đã thúc đẩy chúng ta làm nên Chiến thắng Điện Biên. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ với các phong trào thi đua: “Sóng Duyên hải” “Gió Đại Phong”, “Cờ 3 nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “ Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược",... là động lực quan trọng giúp dân tộc làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được phát huy, thiết thực, hiệu quả. Đó là các phong trào "Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"; phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Dân vận khéo";  “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Vì Trường Sa thân yêu", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...Các phong trào này luôn hiện hữu, gắn mật thiết với cuộc sống và quyền lợi của người dân, chính vì thế  đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.

Phát biểu chỉ đạo tại  buổi tọa đàm, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: "Thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước"; “Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để làm được điều đó, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu công tác tuyên truyền các phong trào thi đua cần tập trung vào các nội dung sau đây:

-  Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu trong chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

-  Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị; tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, để các phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn, động viên được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020.

-  Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động; phải bám sát nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua với phương châm "chân thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện", hướng tinh thần thi đua vào những vấn đề rất cụ thể, thiết thực, đó là thực hiện ngày một tốt hơn những công việc thường xuyên hàng ngày, từ đó  động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. 

-  Đẩy mạnh công tác biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” để hạn chế, đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội; tuyên truyền mạnh mẽ, phổ biến rộng rãi các sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình tốt. Đặc biệt vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí, công tác tuyên truyền điển hình tiên tiến cần được coi là trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Các chuyên trang, chuyên mục cần được tiếp tục mở rộng, tăng thời lượng  để tạo sức lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

-  Tích cực phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đoàn thể xã hội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp để tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình, nhân tố mới nảy sinh; quan tâm xây dựng phong trào từ cơ sở, phục vụ trực tiếp và trước hết gắn với lợi ích thiết thực của người tham gia thi đua.

-  Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về thi đua yêu nước; coi tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến là tiêu chuẩn quan trọng đánh giá, bình xét, khen thưởng kết quả phong trào thi đua thường xuyên và theo chuyên đề của các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền