Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong Đảng
Thứ hai, 04 Tháng 7 2016 15:35
4392 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong Đảng

(LLCT) - Ngày 2-7-2014, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học: “Những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng”.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Chủ trì Tọa đàm có PGS, TS Lê Quốc lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu rõ: 30 năm khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng, về đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đó là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI”, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 – khóa VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X): “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”

Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nhất:

1)     Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

2)     Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

3)     Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong 3 vấn đề cấp bách nêu trên, thì vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Để giải quyết 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, Nghị quyết đã đề ra 4 nhóm giải pháp toàn diện, đồng bộ để thực hiện là:

1)     Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên;

2)     Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng;

3)     Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách;

4)     Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Trong 4 nhóm giải pháp nêu trên, thì nhóm giải pháp về phê bình và tự phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể với quyết tâm chính trị cao và đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và công tác quản lý cán bộ, đảng viên trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội.

Những kết quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội những năm qua đã khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Song, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy, bản thân Đảng cũng còn nhiều khuyết điểm, yếu kém, trong đó có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được khắc phục, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn đang tồn tại, chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn. Một số ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, hành động, làm việc chống đối Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Hơn nữa, các thế lực thù địch, phản động luôn chống phá quyết liệt bằng Chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định:Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới rất nặng nề, đòi hòi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tọa đàm nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, đánh giá khách quan về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, kể cả ưu điểm và khuyết điểm.

Hai là, phân tích, làm rõ nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm, đặc biệt là nguyên nhân của những khuyết điểm.

Ba là, đề xuất giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trong thời gian tới, trong đó, đặc biệt chú ý đề xuất những việc làm cụ thể, giải pháp cho từng chủ thể cụ thể để những quan điểm đúng đắn của Đảng về phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được thực hiện có hiệu quả như: Đổi mới công tác cán bộ; Thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên…

Bảo Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền